Nghệ thuật đệm piano cho thanh nhạc dưới góc nhìn chuyên nghiệp

26/09/2016

Trong mọi lĩnh vực của nghệ thuật âm nhạc hàn lâm, có lẽ nghệ thuật đệm đàn piano là một trong những khía cạnh được ít sự quan tâm và cũng chưa thực sự được hiểu một cách đầy đủ, ngoại trừ chính bản thân những nghệ sĩ đệm đàn piano. Đầu tiên hãy đặt câu hỏi, tại sao họ nhận được rất ít sự vinh danh, nhận được ít tiền thù lao hơn nhiều so với ca sĩ, và nhiều sự thiệt thòi khác nữa… Vậy lí do nào khiến họ trở thành một người đệm đàn?

Hình ảnh về một người đệm đàn trên thực tế vẫn bị hình dung theo một cách khá chung chung trong quan niệm của khá nhiều người. Một người chơi piano nhưng chưa đủ trình độ để chơi độc tấu, với một số những kỹ thuật chuyên môn nhất định, nhưng có khả năng đọc nốt nhạc rất nhanh và là một người có cá tính khiêm tốn, không phô trương sẽ được coi là những nhân tố chủ yếu tạo nên hình ảnh của một người đệm đàn.

Sẽ thật thiếu công bằng đối với những người đệm đàn khi họ luôn đứng phía sau danh tiếng và những cái tôi quá lớn của các ca sĩ bây giờ. Làm một người mà công việc lúc nào cũng chỉ được coi như làm nền cho người khác đôi khi khiến những người đệm cảm thấy họ luôn bị bỏ quên. Công việc của người ca sĩ không thể thiếu người đệm piano, đó là điều chắc chắn. Nhưng thực tế là có khá ít người thực sự quan tâm đến những đóng góp của những người đệm đàn mà thường chỉ chú trọng đến người ca sĩ. Trước đây tôi cũng đã từng có suy nghĩ như vậy nhưng đến bây giờ thì tôi tin rằng khi tôi quyết định trở thành một người đệm đàn thì đó là bởi vì tôi muốn như vậy. Làm một người đệm đàn, có những lúc họ có thể là người chủ động hoặc hoàn toàn bị động, điều quan trọng là họ phải luôn luôn sẵn sàng trong cả hai tình huống. Nhưng tôi nghĩ rằng các ca sĩ cũng luôn có những gánh nặng của riêng, đó là họ luôn phải đối diện với khán giả, những người đang quan sát họ theo từng động tác, cử chỉ và nét mặt. Còn người đệm đàn thì có được đặc quyền khác, đó là họ luôn được nhìn sách, chịu ít áp lực hơn. Có thể sau mỗi buổi biểu diễn, khán giả sẽ đổ xô về phía ca sĩ để chúc mừng, không ai còn nhớ đến sự có mặt của người đệm piano, nhưng đối với cá nhân tôi, chỉ cần có một vài người trong số những khán giả đó là những nghệ sĩ piano tiến đến và nói rằng họ thích cách xử lý phần đệm piano của tôi, tôi sẽ coi đó là phần thưởng riêng của mình.

Lĩnh vực đệm đàn piano được chia thành hai mảng rõ rệt, đó là đệm đàn cho khí nhạc và thanh nhạc. Có rất nhiều sự khác biệt giữa đệm thanh nhạc và đệm cho nhạc cụ mà chúng ta cần phải phân biệt rõ ràng. Đối với lĩnh vực thanh nhạc, người ca sĩ thường thể hiện cảm xúc trực tiếp hơn, dễ cảm nhận hơn, chính vì vậy người đệm cũng phải đáp lại bằng những cảm xúc tương ứng. Thanh nhạc quan trọng nhất chính là hơi thở, chính vì vậy cũng đòi hỏi người đệm đàn phải biết thở cùng với ca sĩ, phải biết quan sát người ca sĩ thật chi tiết, để có được sự nhịp nhàng ăn ý với nhau. Hay nói cách khác, thì khả năng ứng phó trong đệm thanh nhạc thường phải nhanh hơn so với đệm cho nhạc cụ.

Mặt tích cực khác của việc đệm cho ca sĩ, đó là khi ta nhìn ca sĩ hát, sẽ rất dễ nhận biết được độ dài ngắn của câu nhạc mà người ca sĩ đang hát, trong khi đó, nếu đệm cho nhạc cụ, đôi khi có những điều bất ngờ “không được báo trước” như người solist thay đổi đột ngột sắc thái, tốc độ mà không cho người đệm kịp “thở” giống như trong thanh nhạc. Đó chính là điểm khác biệt rõ nhất giữa đệm cho ca sĩ và đệm cho khí nhạc.

Có thể khẳng định, trong nghệ thuật đệm đàn nói chung, và đặc biệt là đệm thanh nhạc, hơi thở và sự cân bằng là hai yếu tố quan trọng nhất, là chìa khóa đem lại sự ăn ý và thành công giữa người đệm và nghệ sĩ solist. Mỗi khi lên lớp cho học sinh, tôi luôn chú trọng việc yêu cầu họ phải hát lên phần giai điệu và biết thở mỗi khi chuyển tiếp các câu nhạc trong bài của mình. Theo tôi việc này đặc biệt cần thiết đối với tất cả nhưng ai học những nhạc cụ không cần dùng đến hơi. Một người chỉ huy dàn nhạc, một nghệ sĩ Violin, hay một nghệ sĩ piano có thể chơi hàng giờ đồng hồ liên tục mà không cần nghỉ, theo tôi đó cũng chính là vấn đề. Đối với một người chơi piano, biết hát và biết thở là hai yếu tố quan trọng nhất. Một nghệ sĩ độc tấu piano sẽ không thể thành công nếu xem nhẹ điều này, còn đối với một nghệ sĩ đệm đàn piano thì thật sự đó sẽ là một “thảm họa”.  Khi đệm cho ca sĩ, trước hết người đệm hãy thuộc phần hát của ca sĩ bằng cách tự mình hát xướng âm nó lên và đệm theo. Tất nhiền để làm được điều này đòi hỏi sự tập luyện, có thể ban đầu người đệm sẽ thấy nó thật sự không dễ chút nào. Thay vì vừa hát và vừa cố gắng đệm theo phần đệm ghi trong sách, chúng ta chỉ cần đệm theo hòa thành bằng các hợp âm, mọi chuyện sẽ trở nên đơn giản hơn rất nhiều. Việc áp dụng kỹ năng này sẽ giúp người đệm cảm nhận và hiểu được cách mà ca sĩ xử lý, lấy hơi, cũng như cách luyến láy trong câu nhạc tốt hơn.  Điều đó sẽ khiến cho các câu nhạc trong tác phẩm luôn được phát triển một cách tự nhiên không bị đứt đoạn, góp phần tạo nên sự nhịp nhàng ăn ý giữa người đệm đàn và ca sĩ. 

Nhưng một đặc điểm khác của ca sĩ là họ thường có xu hướng “lấn át” piano, bởi vì nếu so sánh với piano thì giọng ca sĩ có âm lượng lớn hơn hẳn. Giọng của một ca sĩ opera có âm lượng lớn hơn một chiếc piano nhỏ, thậm chí ngay cả một chiếc piano Steinway lớn cũng không thể cạnh tranh được với một giọng opera đầy nội lực. Khi người ca sĩ hát một câu nhạc có âm vực rất cao hay đang lên cao trào để tiến đến nốt cao nhất, lúc này người ca sĩ sẽ bị bao trùm trong những nốt nhạc rất cao đó, trong đầu của họ sẽ chỉ vang lên những nốt đó, và do đó họ không thể nghe phần đệm piano nữa. Trong những tình huống như vậy tôi nghĩ rằng người đệm piano nên thông cảm cho ca sĩ, không nên chỉ trích ca sĩ không biết nghe phần piano ở những đoạn nhạc như vậy, bởi vì đó là đặc trưng tự nhiện của giọng hát. Chính vì vậy, khác với đệm cho nhạc cụ, khi đệm cho ca sĩ, người đệm nên chú ý quan sát ngôn ngữ của cơ thể họ.

Nếu một người đệm đàn hiểu rõ về những đặc thù về chuyên ngành như vậy thì họ sẽ hiểu được những cái gì là có thể và không thể khi làm việc với nghệ sĩ solist. Theo tôi thì điều đó vô cùng quan trọng. Tôi đã từng làm việc với một ca sĩ giọng nam trầm người Canada, mà khi anh ta hát sắc thái pianissimo thì như tôi chơi sắc thái mezzo forte còn sắc thái forte của anh ta thì tôi có lẽ phải là dùng hết sức để chơi thật to thành fortissimo. Anh ta hỏi tôi liệu phần piano của tôi có thể chơi lớn hơn nữa để anh ta có thể nghe được, và tôi đã phải bảo rằng tôi thật sự không muốn làm đứt dây đàn thêm một lần nữa! Nếu anh ta hát cùng dàn nhạc thì điều này không còn là vấn đề lớn

Chúng ta có thể thấy, sự cân bằng giữa phần piano và giọng hát phụ thuộc rất nhiều vào âm sắc của giọng hát, cho dù đó là một giọng nam hay nữ. Có lẽ trong các âm nhạc, không có nhạc cụ nào lại được phân chia thành nhiều giọng như thanh nhạc. Giọng nữ được chia thành ba giọng là Soprano, Mezzo - Soprano và Contralto; giọng nam thậm chí còn nhiều hơn, được chia thành bốn giọng là Counter – tenor (Falsetto), Tenor, Baritone và Bass. Mỗi loại giọng đều có âm vực riêng và có những kỹ thuật lấy hơi cũng không hoàn toàn giống nhau và chất giọng của cá nhân từng ca sĩ cũng mạnh yếu khác nhau. Rõ ràng là với một giọng nam mạnh mẽ, phần đệm piano sẽ muốn tăng thêm âm lượng của bè cao và ngược lại đối với giọng nữ, bè trầm của phần đệm piano cần phải được điều chỉnh hợp lý ở âm lượng vừa đủ để không át mất giọng hát. Việc điều chỉnh sự cân bằng còn phụ thuộc vào thể loại và phong cách âm nhạc theo từng trường phái âm nhạc, cách đệm thanh nhạc ở mỗi một thời kỳ cũng khác nhau. Rõ ràng việc giữ cân bằng giữa ca sĩ và người đệm trong âm nhạc của Bach hay Handel dễ kiểm soát hơn nhiều so với một ca khúc của Brahms hay Rachmaninoff.      

Tôi luôn đặt ra một nguyên tắc cho mình đó là khi tôi không nghe rõ phần hát của ca sĩ, chỉ có một nguyên nhân duy nhất đó là phần piano của tôi chơi quá to. Có thể coi đàn piano là một nhạc cụ thuộc bộ gõ, do đó người đệm phải rất cẩn thận đến việc sử dụng pedal, cách đặt ngón tay xuống phím đàn thế nào để tạo ra hiệu quả âm thanh phù hợp. Việc cách người đệm bắt đầu nốt đầu tiên của một câu nhạc và kết thúc nó như thế nào là một yếu tố không hề đơn giản. Nói theo một cách hoa mĩ thì điều đó giống như phần đệm như một tấm thảm nhung mềm mại dưới chân người ca sĩ. Điều đó sẽ khiến cho ca sĩ cảm thấy như thể họ luôn kiểm soát được tác phẩm của mình một cách chủ động và an toàn. Theo tôi nghĩ thì đó là bản chất của kỹ năng đệm đàn và cũng chỉ có duy nhất cây đàn piano thực hiện được điều này. Trong một không gian giới hạn, luôn đòi hỏi sự tính toán chính xác về thời gian (timing), người đệm không cố gắng để dẫn dắt, cũng không cố gắng để đi theo sau, mà đơn giản là cố gắng đi cùng nhưng luôn ở bên dưới.

Những vấn đề được nêu ra ở trên là những yếu tố chủ quan, phụ thuộc vào trình độ cá nhân của người đệm piano. Nhưng bên cạnh đó còn có mộ số yếu tố khách quan có ảnh hưởng rất lớn đến khả năng kiểm soát độ cân bằng của người đệm piano. Đó là chất lượng của nhạc cụ và không gian trình diễn. Người ca sĩ thì luôn mang theo “nhạc cụ riêng” của mình, nhưng người đệm piano thì đi theo ca sĩ, và chơi trên những cây đàn piano khác nhau, với chất lượng âm thanh khác nhau. Chúng ta có thể thấy chất lượng biểu diễn của một nghệ sĩ piano phụ thuộc rất lớn vào cây đàn. Một thực tế rất phổ biến là hầu hết tất cả những nghệ sĩ biểu diễn nói chung thường có nhu cầu muốn được tập thử trước trong phòng hòa nhạc trước khi buổi biểu diễn bắt đầu. Đối với một nghệ sĩ piano thì yếu tố này đặc biệt quan trọng, bởi không bao giờ có hai chiếc đàn piano hoàn toàn giống nhau, nên việc được làm quen trước với nhạc cụ là vô cùng cần thiết.

Đệm đàn piano đã trở thành một lĩnh vực nghệ thuật không tách rời khỏi âm nhạc cổ điển và nghệ thuật đệm đệm piano trong thanh nhạc là một lĩnh vực mang tính đặc thù. Trên thế giới, lĩnh vực này từ lâu đã có rất nhiều những tài liệu nghiên cứu, những cuốn sách viết riêng về lĩnh vực đệm piano cho thanh nhạc. Còn tại Việt Nam, lĩnh vực đệm piano cho thanh nhạc chưa có bất kỳ một tài liệu nghiên cứu mang tính khoa học nào đề cập đến lĩnh vực này, khi mà lĩnh vực ca hát ở Việt Nam là lĩnh vực nghệ thuật phổ biến, nhận được sự quan tâm, đầu tư phát triển nhiều nhất trong đời sống âm nhạc Việt Nam khi so sánh với tất cả các lĩnh vực nghệ thuật khác?!

Tags:

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...