Nghệ thuật biểu diễn - Sự hòa quyện giữa thể nghiệm và biểu hiện
Nghệ thuật biểu diễn tồn tại như một hình thái đặc thù trong lĩnh vực âm nhạc, không có hoạt động biểu diễn, tác phẩm âm nhạc chỉ là những “ký hiệu” tiềm ẩn khả năng khai phá, chưa thể trở thành nghệ thuật đích thực. Vì vậy, biểu diễn là con đường duy nhất biến tác phẩm âm nhạc thành nghệ thuật. Mặc dù, biểu diễn được coi như hoạt động sáng tạo lần hai trong quá trình sáng tác – biểu diễn – thưởng thức, nhưng, lần này thể hiện một cách đầy đủ, mang ý nghĩa bản thể, đặc trưng của nghệ thuật âm nhạc.
Hoạt động biểu diễn khác với sáng tác. Người sáng tác triển khai ý tưởng thông qua quá trình phức hợp, không đồng nhất về chiều thời gian. Còn người biểu diễn phải tự “trói” mình vào khung thời gian định chế của tác phẩm nhằm giải phóng năng lực sáng tạo. Quá trình sáng tác diễn ra âm thầm, không lệ thuộc vào tiến trình thời gian. Hoạt động biểu diễn lại diễn ra công khai, đòi hỏi tuân thủ các nguyên tắc quy phạm theo sự chỉ dẫn của tác phẩm. Thông qua hoạt động biểu diễn, tác phẩm âm nhạc phơi bày dưới dạng thực thể âm thanh, ký thác “nội dung” lên phương thức tồn tại. Hình thức sáng tạo này đi từ “đồng” đến “dị” và nằm mong manh giữa cõi tri giác mơ hồ của người nghe. Tài năng của nghệ sĩ biểu diễn hình thành và phát triển theo khuynh hướng lũy tiến những trải nghiệm về nghệ thuật, không bổ sung theo con đường nghiệm sinh thuần túy. Chính vì thế, hoạt động biểu diễn trở thành chiếc cầu nối bắc ngang qua hai đầu phương thức Thể nghiệm và Biểu hiện của nghệ thuật âm nhạc.
1. Đặc trưng của Thể nghiệm và Biểu hiện
Thể nghiệm và Biểu hiện là hai trào lưu nghệ thuật hình thành cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX ở Anh, Pháp, Ý sau phát triển sang Nga. Hai trào lưu nghệ thuật này luôn đặt đối tượng quan sát trong mối quan hệ đối lập về tư tưởng mỹ học. Trường phái Thể nghiệm (Experimentalism), xét về từ vựng có quan hệ mật thiết với “Experience”, nhằm chỉ kinh nghiệm, trải nghiệm… một hình thái Nghiệm sinh, tồn tại gắn liền với những trải nghiệm cá nhân. Đối với trường phái Biểu hiện (Expressionism), vốn có gốc từ Express, nghĩa là biểu lộ (xúc cảm), diễn đạt, như Expressivo nghĩa là diễn cảm… Ở đây không cố đi sâu bàn về ý nghĩa từ vựng, một công việc của bộ môn Ngữ nghĩa học (Semantics), thuộc ngành Ngôn ngữ học, mà chỉ chọn cơ sở lý thuyết để tiếp cận đối tượng nhằm lý giải hiện tượng. Chúng ta biết, không một hệ lý thuyết nào có thể thỏa mãn, bao trùm lên mọi đối tượng, chỉ có những lý thuyết được lựa chọn, qua đó nhằm kiểm chứng, quan sát hay lý giải đối tượng.
Nghệ thuật biểu diễn âm nhạc hay sân khấu nói chung đều có đặc trưng hình thành bởi năng lực “sử dụng bản thân một cách thành thạo” của người tham gia. Từ sự vận dụng hệ thống lý thuyết của chuyên ngành khác, gần gũi với ngành biểu diễn âm nhạc hướng tới mục tiêu hỗ trợ, bổ sung nhằm làm tốt công tác giảng dạy chí ít tích cực hơn việc tìm kiếm một cơ sở lý thuyết mới chưa hoàn toàn khả thi. Ở đây chú tâm vào vấn đề lý giải hình thái tồn tại ở hai trường phái nghệ thuật trên trong sự tham chiếu với đặc thù của nghệ thuật biểu diễn âm nhạc.
Theo đó, Thể nghiệm trong hoạt động biểu diễn đòi hỏi người nghệ sĩ phải đi từ nhận thức thấu đáo về bản chất đặc thù của loại hình nghệ thuật trình diễn, cộng với việc rèn luyện kỹ năng nội tại, đạt tới mục tiêu thể hiện hình tượng nghệ thuật nơi tác phẩm. Giống như nghệ thuật sân khấu, trước khi nhập vai, nghệ sĩ – diễn viên – ngoài việc phân tích tính cách nhân vật, hình tượng nghệ thuật đặt trong tổng thể kịch bản, còn phải thâm nhập thực tế để hiểu biết về đời sống, tâm lý nhân vật, từ đó chuyển tải cách thức phản ánh vào biện pháp thể hiện thông qua hình tượng nghệ thuật, sự biến chuyển khởi đầu từ đời sống và kết thúc bằng tác phẩm. Nói cách khác, mục tiêu sáng tạo đòi hỏi quá trình thâu tóm toàn bộ hình tượng, tinh thần dấn thân, rồi thông qua đó biến thành tác phẩm. Trường phái Thể nghiệm từng đề xuất mục tiêu xây dựng “Hai cái Tôi”. Theo Ouwen (1838 – 1905), đại diện của trường phái Thể nghiệm Anh cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, diễn viên phải làm chủ được trạng thái tình cảm, không thể hiện một cách lạnh lùng. Ouwen phản đối việc diễn viên chỉ quan sát diễn biến tình cảm của người khác mà không cảm hóa bản thân thành một phần của nhân vật. Riêng Henry Irving (1838~1905)), một đại diện khác thuộc trường phái Thể nghiệm đưa ra lý luận “Cuộc sống kép” và cho rằng, “diễn viên một mặt hướng tới sự cảm thụ, một mặt giống như người kỵ mã dẫn dắt và kiểm soát bản thân nhằm kích thích khán giả đạt tới sự đồng cảm.”
Ở trường phái Biểu hiện lại hướng tới “Ý thức kép”. Denis Diderot (1713~1784)) khi đề cập tới diễn viên đã chủ trương “rèn luyện, tìm hiểu tính cách nhân vật một cách khắc kỷ nhằm tạo nên “Khuôn mẫu lý tưởng”, mỗi lần trình bày, diễn viên chỉ việc tái hiện lại một cách chân thực, chính xác hình tượng đó giống như chiếc gương phản chiếu trên sân khấu. Ông phản đối việc diễn viên chỉ dựa vào năng khiếu, sự mẫn cảm và chủ trương tĩnh lặng, hướng tới năng lực phán đoán, dựa vào hiện tượng khắp nơi trong thế giới vật chất và tinh thần để tiến hành quan sát cần cù, đồng thời mô phỏng tự nhiên.”
Vấn đề nằm ở chỗ, chúng ta cần khu biệt giữa Thể nghiệm trong nghệ thuật và đời sống. Thể nghiệm về nghệ thuật có cơ sở xác lập trên những trải nghiệm từ đời sống và dựa vào đó vươn tới sự cộng cảm giữa người biểu diễn và người nghe. Vì, tựu chung người nghe góp thêm một chiều kích khác bằng sự trải nghiệm cuộc sống và vốn liếng thưởng thức nghệ thuật nhằm hoàn thành tác phẩm với sự tham gia tích cực của mình thông qua năng lực sáng tạo cùng trí tưởng tượng. Nếu xóa đi ranh giới giữa Thể nghiệm trong cuộc sống và nghệ thuật sẽ dẫn tới tình trạng trình bày tác phẩm theo xu hướng Chủ nghĩa tự nhiên. Ngược lại, quá áp đặt, gượng ép, ỷ lại khuôn mẫu trong quá trình tìm kiếm theo trường phái Biểu hiện dễ sa đà vào Chủ nghĩa hình thức. Chủ nghĩa tự nhiên trình bày tác phẩm theo những rung cảm tự nhiên qua khoảnh khắc ngắn ngủi đồng hiện cùng tác phẩm - dựa trên sự quy chiếu của nội giới hướng nghệ sĩ tới sự biểu đạt, thể hiện tác phẩm. Người biểu diễn nghệ thuật với xung mẫn cảm vốn có rung động trước tác động của “âm” nhằm tạo ra “nhạc”. Điều này cần thiết trong quá trình Thể nghiệm, nhưng không phải mục đích vươn tới của nghệ thuật biểu diễn được coi là một hoạt động sáng tạo. Người nghệ sĩ phải chủ động tạo ra tác phẩm theo nhu cầu thẩm mỹ đặc định. Nó khác xa với hiện tượng “chấn động” dây thần kinh cảm giác diễn ra cùng chiều với tần số âm thanh. Thiên hướng Chủ nghĩa hình thức coi tác phẩm âm nhạc thuần túy là hệ thống biểu tượng (symbol), chẳng khác nào dẫn dắt tác phẩm đi tới việc tái tạo “xác ướp”, vô hồn, một hình thái biến tướng của nghệ thuật trá hình, biến cái “giả” của hình thức diễn xuất thành cái “thật” về nội dung nghệ thuật. Chúng ta đều biết, một thực thể sống khác với một xác ướp ở “linh hồn” và “hơi thở”. Cả linh hồn và hơi thở này đều nằm trong đặc trưng thẩm mỹ và sáng tạo của nghệ sĩ, chứ không ẩn náu, có sẵn bên trong bản nhạc. Ký hiệu âm thanh tiềm ẩn những năng lượng cần khai phá, vì bản thân chưa phải tác phẩm âm nhạc. Và hệ thống biểu tượng của Chủ nghĩa hình thức sẽ khai tử cho nghệ thuật khi không quy chiếu qua nội dung, hình thức tác phẩm bằng khả năng nắm bắt của nội giới với sự tham gia của lý trí dựa trên sự điều tiết tri giác vào yêu cầu thể hiện. Nói cách khác, Thể nghiệm dễ rơi vào khuynh hướng Tự nhiên chủ nghĩa, còn Biểu hiện không cẩn trọng sẽ sập bẫy Chủ nghĩa hình thức.
2. Biến điệu của công nghệ
Chủ nghĩa hình thức mặc dù không phủ nhận vai trò, tác dụng, ảnh hưởng của Thể nghiệm, nhưng hướng tới việc tìm kiếm một hình thức thể hiện mang tính chuẩn mực, khuôn mẫu có khả năng tác động tới xúc cảm người nghe (mà không cần tới sự rung động bên trong). Quá trình Thể nghiệm không ngoài mục đích phát hiện những biểu lộ tự nhiên có ảnh hưởng tới xúc cảm thẩm mỹ mà nghệ sĩ có vai trò tái hiện bằng kỹ năng, khả năng sáng tạo không cần có sự gia nhập của xúc cảm. Điều này hệt như những tác phẩm được xếp loại chuẩn mực, tinh hoa trong kho tàng âm nhạc nhân loại sau quá trình “hóa thạch” tiếp tục tái sinh và trở nên vô tính. Chúng ta có thể liên tưởng đến tư liệu vang, băng âm thanh, đĩa nhạc, file nén kỹ thuật số... Hầu hết những tên tuổi xuất sắc trong lĩnh vực biểu diễn đều bị “đánh cắp” ý tưởng thông qua cách thức lưu trữ của công nghệ hiện đại. Những tác phẩm của họ minh chứng một cách sống động cho sự thắng thế của quan điểm mỹ học trường phái Biểu hiện! Chúng tồn tại như những sản phẩm mang giá trị biểu trưng thông qua hệ thống biểu tượng, chứ không bảo lưu hình thái tồn tại vốn có (xảy ra trên sân khấu). Các sản phẩm này nằm giao diện giữa nghệ thuật và văn hóa. Xét ở nhiều khía cạnh, ý nghĩa văn hóa nổi lên như một đặc trưng, thông qua công nghệ đẩy nghệ thuật đến vô tính. Trước tác động của sự phát triển khoa học, kỹ thuật và công nghệ, người nghệ sĩ phải đặt mình vào quá trình tìm kiếm, biến đổi, sáng tạo liên tục. Sự tác động không giới hạn về khoảng cách, không gian vật lý, người nghe có thể tiếp xúc với sản phẩm bằng nhiều thiết bị hỗ trợ khác nhau, từ đó biến sản phẩm sáng tạo nhanh chóng bị “hóa thạch”. Nhiều nghệ sĩ tránh ảnh hưởng tiêu cực trên bằng cách chỉ thu âm, thu hình sau khi thực hiện kế hoạch đổi mới. Vì, khán thính giả sẽ chán nản, mệt mỏi thẩm mỹ trước những màn trình diễn được tái hiện nhiều lần trên sân khấu. Nó sẽ biến hình thái tồn tại của nghệ thuật thành màn trình diễn vô hồn, thiếu vắng tinh thần sáng tạo. Mặt khác, tình trạng tự lặp lại mình vô hình trung biến tác phẩm thành “vũ khí” hủy diệt bản thân nghệ sĩ và làm suy giảm giá trị nghệ thuật ở tác phẩm.
Loại hình nghệ thuật càng phổ biến càng có nguy cơ chịu ảnh hưởng, tác động bởi thiết bị phụ trợ. Truyền hình, kênh chuyển tải âm thanh, hình ảnh một mặt giúp cho sản phẩm nghệ thuật đến được nhiều người, tác động đa chiều, nâng cao tên tuổi nghệ sĩ, mặt khác làm “vô tính” hóa, nhàm chán, mệt mỏi đối với sản phẩm đã thành quen thuộc. Trong quá khứ, nghệ thuật biểu diễn chủ yếu diễn ra nơi sân khấu, hiện diện với bản chất không tái hiện nguyên dạng. Xét ở khía cạnh tồn tại, tác phẩm âm nhạc thể hiện sự sống động, tạo khả năng tương tác giữa người biểu diễn và thưởng thức. Còn ngồi trước màn hình TV, Internet… có khả năng phát đi phát lại nhiều lần một hiện tượng dễ dàng tạo ra sự phản cảm cộng với hậu quả của sự nhàm chán. Kể cả Thể nghiệm lẫn Biểu hiện đều có nguy cơ tự hủy diệt, nếu thiếu vắng tinh thần sáng tạo.
3. Ranh giới mong manh giữa kỹ thuật và nghệ thuật
Trong một số nghiên cứu thường đề cập tới khía cạnh tâm lý trong hoạt động biểu diễn. Khái niệm bản lĩnh sân khấu được nhắc đến như một khoảng trống cần lấp đầy bằng công tác giáo dục cùng những trải nghiệm thực tiễn. Chúng ta nên bóc hai nội dung Tâm lý và Nhận thức; Kỹ thuật và Trải nghiệm bên trong hoạt động này.
Xét về mặt tâm lý, bản lĩnh sân khấu, khả năng vững vàng ứng xử trước đám đông phụ thuộc vào cả nhân tố nội tại lẫn ngoại tại. Nói rộng ra, đó là quá trình hun đúc bởi bối cảnh văn hóa cùng mức độ hấp thu những đòi hỏi về năng lực thích ứng trong hoạt động biểu diễn. So sánh trên trục không gian, thời gian khác nhau có thể thấy rõ hơn tính chất tạm bợ của diễn biến tâm lý. Vì, nó hoạt động theo chiều biến của thực tại. Cần tiếp thu những khía cạnh mang giá trị nền tảng để từ đó tạo ra khả năng chuyển hóa yếu tố tâm lý thành năng lượng hữu ích, biến trải nghiệm sân khấu thành quá trình quán chiếu diễn biến tâm lý. Vấn đề cốt lõi của hoạt động trên thực sự có thể quan sát bằng những trải nghiệm cá nhân, kinh qua thực tế rồi phơi bày nơi tác phẩm.
Quá trình nắm bắt tác phẩm âm nhạc đi qua hai tầng nhận thức, thứ nhất là bằng cảm quan. Đây là giai đoạn mang tính kỹ thuật, chưa phân biệt cấp độ, trình độ. Giai đoạn thứ hai đòi hỏi có sự thâm nhập của hoạt động nội giới nhằm khám phá kết cấu, tổng thể, những mối liên hệ bộ phận của tác phẩm. Công việc này khởi đầu từ khái niệm hình thức và kết thúc ở cách thức trình bày một cách hoàn chỉnh tiến trình trải nghiệm những cảm tưởng liên quan. “Công tác tâm hồn” trên thuộc khía cạnh nghệ thuật biểu diễn vươn tới khả năng sáng tạo. Nhiều nghệ sĩ dừng lại ở cấp độ 1, có năng lực cảm thụ âm nhạc tinh tế, khả năng tạo ra tác phẩm trên cơ sở khế hợp một cách nhuần nhuyễn yếu tố Vật lý và Tâm lý, nhưng thiếu sự tham gia của trực giác lý tính và một tinh thần sáng tạo. Xét theo khía cạnh này, rào cản của tập quán sẽ biến hành vi cá nhân thành lặp lại, chưa vươn tới chân trời sáng tạo với sự vẫy gọi của những ý tưởng, sáng tạo mới mẻ. Không hiếm nghệ sĩ trình bày tác phẩm quan tâm tới tiểu tiết, biến tác phẩm thành những mảnh ghép rời rạc, chắp vá, kết nối thông qua sợi dây cảm tính dễ đứt, chia lìa mối quan hệ nội tại khi chưa tìm ra chất kết dính nhằm thâu tóm toàn bộ nội dung, đặc biệt cần kiến tạo nên một thực thể hoàn chỉnh nhằm chuyển tải đến người nghe thông điệp sáng tạo bởi năng lực tưởng tượng.
Trong giáo dục âm nhạc, nhà trường đã trang bị cho sinh viên khá nhiều kiến thức cơ bản, mang tính tổng hợp, ngoại trừ sự khiếm khuyết tự thân của các môn học, còn đại bộ phận sinh viên chưa biết vận dụng vào tác phẩm, lỗ hổng hình thành từ khả năng hấp thụ và phương cách chuyển hóa trong quá trình tiếp nhận, truyền thụ. Sinh viên âm nhạc dễ bộc lộ thiên hướng cảm tính thuần túy, khả năng mẫn cảm theo chiều hướng trực giác. Thiên hướng cảm tính, trực giác mộng mị lây lan nhanh chóng phủ lấp năng lực sáng tạo và bị tâm lý làm cho phai lạt, mờ mịt theo thời gian, nếu chưa gạt bỏ được thói quen cố hữu. Cần hướng tới việc phát huy kho tàng nội giới đồ sộ cùng những trải nghiệm lũy tiến theo chiều tập kết, bổ sung, làm đầy bằng yếu tố ngoại tại.
4. Kết luận
Để đạt tới mức độ hoàn thiện, người nghệ sĩ phải trải qua quá trình rèn luyện về kỹ năng, nhận thức, quan sát những diễn biến bên trong tâm lý, biến toàn bộ trải nghiệm cá nhân thành mô hình, hình tượng nghệ thuật, rồi từ đó vận dụng vào việc thể hiện tác phẩm. Biểu diễn không đi đến đích của nhu cầu thể hiện mình một cách thái quá mà vươn tới khả năng biểu hiện năng lực sáng tạo cùng sự thể nghiệm. Kỹ thuật và Nghệ thuật, Thể nghiệm và Biểu hiện nằm giữa đường biên mong manh của tình huống nghệ thuật. Kỹ thuật có thể đạt tới mức độ tinh xảo, bản lĩnh có thể vươn tới cảnh giới “mục hạ vô nhân”, nhưng tất cả đều nằm ngoài phạm vi nghệ thuật với tư cách là một hình thái tập trung cao độ năng lực tư duy và sáng tạo. Mọi sự thái quá trong cách thức thể hiện dù theo thiên hướng cảm tính như Thể nghiệm, lý trí như Biểu hiện đều tạo ra những rào cản ngăn trở đi đến chân trời sáng tạo. Giá trị nghệ thuật ẩn chứa bên trong tác phẩm thông qua năng lực sáng tạo của nghệ sĩ. Nó đòi hỏi tinh thần dấn thân để thực hiện cuộc hành trình tìm kiếm sự khác biệt.