Ngày Xuân nói chuyện Hề Chèo

05/02/2017

Nghệ thuật sân khấu Chèo truyền thống là một trong những loại hình sân khấu ca kịch, mang tính dân tộc độc đáo, được khán giả nhiều nước hâm mộ.

Nghệ thuật sân khấu Chèo có lịch sử phát triển khá lâu đời ở các vùng nông thôn Đồng Bằng Bắc Bộ. Chèo trở thành món ăn tinh thần bổ ích và lý thú, có tác dụng sâu bền và mãnh liệt trong lòng nhân dân lao động.

Vai Hề giữ vai trò quan trọng trong nghệ thuật Chèo cổ. Xem Chèo xưa, dường như không mấy chốc tắt tiếng cười ở đủ mọi cung bậc, với dạng châm chọc, chỉ trích người này, mỉa mai cạnh khóe kẻ kia, nhằm vào những thói hư tật xấu hàng ngày gặp trong thôn xóm, những thủ đoạn đàn áp, bóp nặn dân đen của lũ kỳ hào, quan lại tham nhũng.

Chèo có những vai chuyên làm Hề, như Hề Mồi, Hề Gậy. Hề Mồi thường ra sân khấu trước quan, để dọn dẹp quét tước cung đình. Có khi hai Hề Mồi cùng ra, hát câu ra trò với nhau, bàn chuyện “trời ơi đất hỡi” thách nhau đố, đá rồi quan mới ra. Hề Gậy thường ra sân khấu với đoạn tre ngắn (cũng là chiếc đòn gánh hòm đồ nghề khi di chuyển) coi như một đạo cụ Hề Gậy ra sân khấu sau thầy hoặc bác.

Chèo còn không ít nhân vật làm Hề nữa như: Mẹ Đốp, Xã Đối, Thầy Bói, Thầy Lang, Thầy Đồ, Phù Thủy, Cô Đồng… chưa kể một số nhân vật khác lợi dụng mọi lúc để gây cười như Ông Mãng, Lão Mốc, Lão Sùng …

Những đoạn, những truyện chọc cười Hề Chèo thì vô vàn đa dạng. Ở đây, chỉ xin tạm nêu hai mẩu nhỏ, cho thêm vui vẻ khi tết đến xuân về.

1. Đố quan

Hề: Bẩm quan, con không biết kể chuyện, con xin đố anh Bếp Gio một câu:

Quan: Ờ, mày đố đi tao xem!

Hề: Con đố rằng:

Thượng thò hạ bất thò

Hạ thò thượng bất thò

Thượng hạ bất thò thò,

Thượng hạ thò thò.

Anh giảng được tôi cho anh là tài!

Quan: Thế mày đố nôm hay đố chữ?

Hề: Bẩm quan con đố chữ ạ!

Quan: Mày đố chữ thì ta giảng mà nghe cho rõ, hử?

Thượng thò hạ bất thò, là chữ do

Hạ thò thượng bất thò, là chữ giáp

Thượng hạ bất thò thò, là chữ điền

Thượng hà thò thò,là chữ thân.

Đã phải chưa?

Hề: Bẩm quan không phải thế đâu ạ!

Quan: Thế nó là cái gì?

Hề: Con đố thế là anh thua bạc ạ!

Quan: Mày giảng thế nào cho ra thằng thua bạc?

Hề: Bẩm, con xin giảng để quan nghe. Con nói ví thử như con đi đánh bạc, thua hết nhẵn, phải cầm cố cả quần áo. Về nhà, trời rét, còn mỗi chiếc chiếu ngắn. Con đắp kín chân thì hở đầu, bẩm thế là thượng thò, hạ bất thò ạ! Đến khi con kéo chiếu lên đắp đầu, thế là hạ thò, thượng bất thò ạ. Đêm khuya rét quá, con phải nằm co cả người lại, bẩm thế là thượng hạ bất thò thò. Nửa đêm, con quá mỏi, con mới duỗi thẳng cả chân tay thò ra ngoài nên mới thượng hạ đều thò thò ạ!

Quan: Thằng này chỉ được cái lém!

2. Tiền thổ hậu môn

Hề: Dạ bẩm quan, con có việc oan ức con vào kêu quan xử cho con được nhờ ạ!

Quan: Có chuyện gì cứ nói, ta xử cho.

Hề: Dạ bẩm quan, chuyện tiền hôn hậu thổ ạ! À mà không, dạ dạ, tiền thổ hậu hôn ạ!.

Quan: Thế là thế nào?

Hề: Dạ bẩm quan, vườn thì vườn của chú con, đất thì đất của vợ chồng nhà con, vợ chồng con làm nhà lên, chú con lại cho người kéo đổ, con ức quá!

Quan: Mày ở nhờ nhà chú mày à!

Hề: Dạ, con không ở nhờ ạ! Đất của vợ chồng con thì con làm nhà ở chứ. Làm sao chú con lại sai người kéo đổ nhà con. Con cắn cỏ xin quan xử cho con được…

Quan: Mày nói thế nào tao chưa nghe ra. Đất của vợ chồng nhà mày mà vườn lại của chú mày là thế nào?

Hề: Bẩm quan là thế này ạ! Vườn thì vườn của nhà chú con. Vợ chồng con gánh đất đổ nền, thế có phải vườn của chú con, mà đất của vợ chồng con không! Làm nhà lên chủ con lại kéo đổ, con ức lắm!

Quan: Ờ về tình thì thì còn châm chước, chứ về lý thì mày thua rồi. Thế còn cái hậu hôn?

Hề: Bẩm cái hậu hôn thì thế này, có người con gái bằng lòng lấy con, con cũng bằng lòng lấy cô ta làm vợ, mà bố mẹ cô ta cũng băng lòng gả cô ta cho con. Chỉ có một người không họ hàng thân thích gì mà đã không cho chúng con lấy nhau, lại còn dọa kiện con lên quan!

Quan: Lý tưởng chăng?

Hề: Không phải lý tưởng ạ!

Quan: Hay tiền chỉ. Thứ chỉ không cho mày lấy?

Hề: Chỉ có chồng cô ta ngăn cản. Nó ăn hiếp con, bẩm quan xử cho con nhờ.

Quan: Mày kiện láo rồi. Cả hai cái kiện của mày về tình thì có thể chứ về lý thì mày sai toét!

Hề: Bẩm, con tưởng chỗ quen quen, con vào kiện liều một cái, may ra được. Với lại, con thấy khối việc chẳng có lý, mà tình cũng không, quan vẫn xử cho được mà!

Quan: Xà! Thằng này chỉ láo!

Nói đến Chèo không thể không nhắc tới anh Hề người tạo nên những trận cười, tiếng cười ngạo nghễ của quần chúng lao động đả kích thống trị phong kiến, tiếng cười sảng khoái nhắc nhở nhau hãy từ bỏ những thói hư tật xấu và cũng rất thời sự. (Chẳng thế, đã có giả thiết cho rằng chữ Chèo là bắt nguồn từ chữ trào – trào lộng mà ra). Trong vở Chèo nào dù kể  một câu chuyện xót xa, trang nghiêm đến mấy – bao giờ cũng có một anh Hề thông minh, sắc sảo ra trò để cười đời và tự cười chính mình, để châm biếm đả kích tất cả mọi cái xấu, cái thấp hèn (theo quan điểm mỹ học tiến bộ của quần chúng nhân dân). Vai Hề nào cũng chiếm được tình cảm sâu sắc của người xem và được coi là nhân vật độc đáo nhất của nghệ thuật Chèo.

Có lẽ vì thế mà khán giả và các nhà nghiên cứu văn hóa nước ngoài đã không tiếc lời ca ngợi nghệ thuật Chèo Việt Nam – môn nghệ thuật của sân khấu Phương Đông: đẹp – thơ – đa tình – vui nhộn./.

(Nguồn: http://vov.vn)

H

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...