Nét đẹp trong âm nhạc của người Mường Hòa Bình

28/05/2015

Dân tộc Mường có một nền văn hóa, nghệ thuật từ rất lâu đời, mang nhiều màu sắc khác nhau, phong phú về thể loại, như múa, các trò trơi dân gian, các loại hình văn hóa tín ngưỡng Mo, Mợi… Đặc biệt là dân ca và dân nhạc, về nhạc cụ truyền thống của dân tộc Mường cũng rất đa dạng, thường chia thành 3 nhóm: Nhạc gõ - Nhạc hơi - Nhạc dây. Nhạc cụ gõ như Cồng chiêng, trống da trâu, sinh tiền...,

Cồng chiêng: nhạc cụ thiêng liêng của thế giới Mường

Cồng chiêng đã cùng người Mường tồn tại qua nhiều thế hệ, đã cùng họ chia xẻ mọi niềm vui nỗi buồn và đã trở thành, thành viên thân thiết không thể thiếu vắng trong mỗi gia đình.

Cồng chiêng của người Mường được coi là nhạc cụ thiêng liêng của dân tộc, người Mường sử dụng tiếng Cồng, tiếng chiêng để thông quan với thần linh, ông, bà, gia tiên của họ. Cồng chiêng Mường còn là công cụ thông quan với mường Ma.

Ngoài việc làm hiệu lệnh, thông tin giữa những người sống với người đã chết, hiện nay, người Mường vẫn thường hay dùng cách gọi đó là mời tổ tiên về ăn tết với con cháu bằng một hồi chiêng, phong tục, tập quán của người Mường xưa, cứ đến ngày 28 tháng chạp (tháng 12 ÂL) hàng năm, người Mường gọi ngày đó là ngày bảy “thửa la” (Mồng 7 rửa lá gói bánh trưng tết) và đó cũng là ngày các gia đình đi vào quét dọn trong mồ mả của dòng họ gia tiên, quét dọn xong khi họ về đến nhà lấy chiêng ra đánh một hồi dài để mời tổ tiên về nhà ăn tết từ ngày hôm đó.

Cồng chiêng là của quý, là của hồi môn cho con gái đi lấy chồng. Người Mường từ lúc còn trong bụng mẹ, tới khi sinh ra, cho đến khi từ giã cõi đời đều được tiếng Cồng, tiếng chiêng nuôi dưỡng, an ủi vỗ về, động viên và đó chính là sự gắn kết mang tính sẻ chia và đồng cảm. Người Mường khi còn trong lòng mẹ, đứa trẻ đã được người mẹ tắm tưới trong dòng chảy của âm nhạc Cồng chiêng, Sự thẩm thấu hết sức tự nhiên đó đã trở thành máu thịt và thấm sâu trong tâm hồn của mỗi con người dân tộc Mường, điều đó đã trở nên linh thiêng và gắn chặt với đời người, với mảnh đất nơi họ đã sản sinh ra.

Sáo ôi: tiếng thiên thai

Câu chuyện của dân tộc Mường kể về tiếng Sáo ôi: Ngày nọ có một tràng trai đi săn bắn ban đêm, lúc trở về trời đã khuy, đường về nhà còn xa mà chỉ có một mình nên tràng trai ngần ngại không muốn về trong lúc đêm khuya. Chàng đi đến một ngôi nhà ở đầu làng liền lấy Sáo ôi ra thổi, dùng tiếng Sáo ôi để thay cho tiếng gọi, lời xin được vào nhà ngủ trọ. Cứ thế tiếng Sáo ôi văng vẳng trong đêm khuya vang lên, lúc trầm, lúc bổng. Nghe thổi ngoài cổng, tiếng Sáo ôi vọng vào nhà, lúc đầu gia chủ mới được nghe tiếng Sáo ôi thấy rất lạ tai không biết gì, sau thấy tiếng Sáo ôi cứ vang lên tha thiết, êm êm, mát dịu vấn vương trong đêm khuy thanh vắng, chủ nhà không sao ngủ được bèn thức dậy.

Nhưng tiếng Sáo ôi vẫn cứ tiếp tục văng vẳng bên tai làm cho chủ nhà đứng ngồi không yên đành phải ra mở cổng đón chàng trai đó vào nhà cùng uống nước và nghe chàng trai kể chuyện về sự ra đời của Sáo ôi và thổi Sáo ôi cho chủ nhà nghe đến hết đêm.

Tiếng Sáo ôi nghe thật đằm thắm, thiết tha. Sáo Ôi người Mường gọi là Kháo ôi (Ống ôi). Ống ôi, có nghĩa là ống than thở, ống gọi bạn, gọi tình, gọi người yêu đương thương nhớ. Ống ôi, ống bạn, ống bạn đường, bạn đời, bạn lòng, bạn tình nghĩa thương, Ống ôi thổi rất nhiều từ “ôi” như: ôi hỡi (bạn hỡi), ôi hày (bạn à), ôi hạ (bạn ạ), ôi hởi (bạn ôi), ôi dửa (bạn nhỉ), hỡi ôi (hỡi bạn)… mà cả nam, nữ đều gọi nhau là “ôi” ơi như các câu: Lời chi họ ví bạn ơi (Ôi hởi)/ Lý chi họ rằng bạn ạ (Ôi hà) và …

Nhiều chàng trai Mường, từ việc biết thổi Sáo ôi đã đón nhận được những tình cảm đặc biệt của các cô gái, để từ đó cùng nhau xây dựng một gia đình ấm no, hạnh phúc.

Dân ca Mường: khúc tình tự

Có thể tạm phân dân ca Mường ra thành bốn loại chính như: Thể loại hát giao duyên; Thể loại hát ru; Thể loại hát Mo, Mỡi; Thể loại hát kể.

Trong các thể loại dân ca của dân tộc Mường, nổi bật hơn cả là hát giao duyên. Trong thể loại này nổi bật nhất là điệu hát Rằng thường (Đang cặp). Thời xưa còn chế độ phong kiến, không ít người con trai Mường vì quá nghèo khó, không có tiền mua sắm lễ vật để mang cho nhà gái, vì thách lễ quá nhiều thứ... Vì vậy họ chỉ có hai con đường, một là chịu cuộc sống cô đơn chọn đời, hai là phải chịu khó học hát Rằng thường cho giỏi, muốn vậy, họ phải tự rèn luyện tính nhanh nhậy, hoạt bát, có được tri thức cần thiết, để mang những điều ấy, những tri thức ấy đi hát Rằng thường (Đang cặp) với các cô thiếu nữ. Rồi nhờ tài năng mà người con gái thấy quý, thấy mến và khâm phục, thương cảnh nghèo khó mà họ đem cả cuộc đời mình tình nguyện chia sẻ, cùng chung sướng khổ, vui buồn có nhau để cùng nhau chung sống một gia đình ấm no hạnh phúc.

Còn loại hát Thường hát Đang phổ biến, họ chỉ dùng hát giao lưu với nhau bình thường trong cuộc sống sinh hoạt và đây là loại hát thi nhau, thi tiếng, thi lời, chứ không phải như thể loại hát Rằng thường (Đang cặp) để tìm hiểu nhau giữa đôi nam nữ, (chưa vợ, chưa chồng). Thể loại này, người Mường họ gọi là “Đăng cặp”.

Rằng thường (Thường đang) là một thể loại hát tự do, họ hát ngẫu hứng, hát trong lúc lao động, hát trong lúc nghỉ ngơi... Họ hát đối đáp nhau giữa một bên là một tốp nam, một bên là tốp nữ, giữa một tốp trai của làng này hát đối với tốp gái của làng kia, cứ như vậy họ hát đối đáp nhau cho hết đêm, có những cuộc hai bên hát đối nhau kéo dài hàng ba bốn đêm liền.

Không gian diễn xướng của thể loại hát Rằng thường này là rất phong phú, họ có thể hẹn hò để hát với nhau ở bất kỳ một không gian nào, có thể là ngoài trời hay trong nhà, có thể lúc đang lao động sản xuất, trong ngày vui, mừng đám cưới, mừng nhà mới hay trong các ngày hội, ngày lễ, ngày tết…

Điệu hát lời thương, đây là thể loại dân ca hát cặp tình yêu nam nữ, họ thi lời, thi tiếng và ca ngợi với hai nhánh: Rằng thường (lời thương) hay Thường rang (lời thường - lời đối đáp) và hát Bộ Mẹng (hát nói).

Những khúc hát muôn đời

Thể loại hát ru, đây là thể loại hát mà người Mường chỉ dùng để ru con, ru cháu, hát ru của người Mường có hai loại hát khác nhau. Có loại hát ru ban ngày, họ dùng bằng giai điệu khác. Loại hát ru ban đêm, họ dùng giai điệu khác, với các giọng ru “í í” của người Mường huyện Đà Bắc với giọng “da ới hơi” của người Mường huyện Kim Bôi, giọng “dơ hợi” của người Mường Lạc Sơn, “da hới” của người Mường vùng Đại Đồng, “ru hảy” của người Mường huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình...

Loại hát Mỡi, loại hát này chỉ dùng trong tế lễ hay cúng bái, người Mường thường gọi thầy cúng này là bà Mỡi, đây là thể loại chỉ có phụ nữ mới sử dụng, bà Mỡi thường đi chữa bệnh, hay giải trừ ma, cúng bái ... cho dân bản. Hát Mỡi là loại hát có đóng vai nhân vật, có nhiều điệu. Loại hát này nghe rất mềm mại, đằm thắm, trữ tình có âm sắc trong sáng, thiết tha.

Hát Mo, loại hát (khấn) trong tang lễ, phản ảnh thần thoại huyền tích lịch sử, phong tục tập quán, cõi sống, cõi chết của con người với các hình thức mo Vái, mo Đuông, mo Lễ, mo Ma chay... thể loại này dành cho đàn ông và người Mường thường gọi là thầy “Clượng”. Thầy Clượng, chuyên đi khấn, làm phép chữa trị cho dân trong xóm, trong Mường. Thầy Clượng khấn với những giai điệu gần giống với thể loại hát kể.

Thể loại hát kể, loại hát này họ dùng bằng hát có giai điệu, nhịp điệu có lúc đều đều, có lúc to, lúc nhỏ, lúc trầm, lúc bổng, nội dung để kể về một câu chuyện dân gian dài của dân tộc Mường như chuyện “Vì Nga hai mối”...

Hát Ví, đây là loại hát giao duyên, nghe rất trữ tình, giữa hai bên, họ hát mang tính chất tự do, phóng khoáng, nội dung và giai điệu ngẫu hứng, họ hát giữa một bên là tốp nam và một bên là tốp nữ, họ hát thi nhau, thi tiếng, thi lời, họ hát bằng những lời ví von, xa sôi, hỏi thăm nhau trong cuộc sống, gia đình làng xóm .v.v.

Hát Chèo đình, đây là loại hát trong ngày hội, chỉ có ở xã Đình Cổi, Đình sào- huyện Lạc Sơn - tỉnh Hòa Bình.

Hát chơi trẻ em (đồng dao) người Mường gọi là hát Đập Nàng khọt, đây là một thể loại gần giống với thể loại hát đồng giao của trẻ em

dân tộc Kinh, thể loại này dùng cho lứa tuổi thanh thiếu niên, nhi đồng hát vui chơi, nhảy múa lúc ban đêm dưới ánh trăng. Với giai điệu vui nhộn, nhí nhảnh...

Trừ hát chèo Đình ra, trong số các loại hát ở trên, tất cả các vùng mường từ xa xôi hẻo lánh, ở các triền thung lũng cao, không ở đâu không có, nhưng nổi bật hơn cả là Hát lời thương “Rằng thường, Thường đang” đây là loại hát lúc có đôi, họ hát đối đáp nhau giữa một bên là một nữ, một bên là một nam, hay một bên là tốp nam, một bên là tốp nữ, cứ như vậy họ hát đối đáp nhau cho hết đêm. Từ đầu họ hát, họ thường dùng những ý tứ ví von, xa xăm để thăm dò nhau và thường là nam hát trước, sau đó họ làm quen dần dần, đêm trước họ chưa làm quen được, chưa hiểu được hết lòng nhau họ hẹn gặp lại đêm sau và cứ như vậy…

Với những nét độc đáo, những cái tinh túy, nết na, thụy mỵ, uyển chuyển, duyên dáng, những cái hay cái đẹp trong âm nhạc Mường, chúng ta cần có biện pháp để bảo tồn âm nhạc Mường, để âm nhạc Mường sống mãi không những với cộng đồng người Mường, mà âm nhạc Mường còn được lưu truyền trong nền âm nhạc dân gian nước nhà.

(Nguồn: Tạp chí Âm nhạc Việt Nam)

H

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...