Nên tôn trọng nguyên tác và tác giả

25/05/2016

Trong khi sáng tác, ở bất kỳ loại hình nghệ thuật nào, tác giả luôn lựa chọn, cân nhắc các chi tiết, ý tứ, ngôn ngữ thể hiện sao cho hay, cho hợp, cho lên được ý tứ mình muốn thể hiện. Và tất nhiên với tâm huyết, sự nỗ lực và năng lực hoặc tài năng của mỗi người ai cũng yêu quý, nâng niu tác phẩm của mình và cũng muốn những đứa con tinh thần của mình được tôn trọng trước khi nghĩ đến chuyện nó được khen chê như thế nào.

Với âm nhạc cũng thế. Các tác phẩm càng đáng được tôn trọng hơn khi nó đã được thử thách, đã khẳng định được giá trị trong công chúng.

Gần đây, ở hoạt động biểu diễn ca khúc, người ta có xu hướng can thiệp vô tội vạ vào các bài hát được yêu, đã thể hiện được giá trị trong người nghe. Cụ thể nhất là một số bài hát đã trở thành danh từ trong quá khứ đến nay bị chỉnh sửa trong các chương trình Giai điệu tự hào. Những bài hát đó có hay có tốt, có ảnh hưởng tích cực trong đời sống âm nhạc của công chúng thì mới được chọn vào chương trình Giai điệu tự hào. Thế nhưng khi biểu diễn có những người cố tình dựng sai nhạc của nguyên bản hoặc xa rời nhạc cảm chủ đạo của bài hát với lý do “làm mới” cho hợp với khán giả trẻ. Chưa vội bàn luận “khán giả trẻ” này là ai nhưng sự thực thì sự “làm mới” đó, mới thì có mới vì chưa bao giờ người ta biểu diễn như thế, những không làm tác phẩm hay lên mà nhiều lúc có hiệu quả ngược lại.

Có thể chấp nhận, không phải là tất cả, sự thay đổi tiết tấu nếu tiết tấu mới có thể nâng tác phẩm hoặc lên hoặc chí ít cũng là không làm hại đến tác phẩm. Có thể thêm nhạc giữa hai câu nhạc của nguyên tác, chứ không thể vì muốn mới mà thay đổi nốt nhạc! Bởi như vậy là phủ nhận nguyên tác.

Ở nước ngoài cũng có người (khá nổi tiếng đấy) muốn đưa nhạc giao hưởng thính phòng đến với lớp công chúng ngại thưởng thức âm nhạc giao hưởng thính phòng nổi tiếng bằng việc thay đổi tiết tấu (hình như chưa có ai động đến giai điệu - cụ thể là các nốt nhạc) một số tác phẩm rất hay của Mozart hoặc của Beethoven... Ở Việt Nam cũng có những thanh niên thích những trích đoạn được thay đổi tiết tấu ấy, nhưng nhiều người cũng chẳng biết gì hơn về xuất xứ của đoạn nhạc, cũng như tác giả là ai.

Không phủ nhận là lớp trẻ có những yêu cầu riêng của họ, không giống và có khi trái với người lớn tuổi. Nhưng còn có nhiều người chưa có được những kiến thức, những chuẩn mực về thưởng thức âm nhạc, thậm chí còn có người có “gu” lệch lạc. Những người làm âm nhạc có kiến thức, có tâm huyết và trách nhiệm, thì nên uốn nắn, hướng dẫn để nâng tầm thị hiếu của họ chứ không nên chạy theo, chiều theo một cách vô điều kiện. Cái mà giới chuyên môn đánh giá là hay là tốt thì hãy giúp lớp trẻ tiếp cận, thấy được cái hay cái tốt đó để quen rồi yêu. Cứ tạm coi việc này như một trách nhiệm xã hội.

Về nguyên tắc, ngay cả các biên tập viên âm nhạc muốn thay đổi, cắt cúp một vài nốt nhạc hoặc ca từ với mong muốn cho bài hát hay hơn trước khi dựng hoặc xuất bản đều hỏi qua ý kiến của tác giả.

Sự thay đổi giai điệu của những bài hát đã định hình, đã được khẳng định (nói nôm na là hát sai đi) đã không ít lần chứng tỏ là làm giảm bớt đi cái hay của nó.

Có khi không phải là hát sai đi mà chỉ cần lược bỏ một vài câu cũng tạo sự đáng tiếc. Ví dụ ca sĩ Tùng Dương rất được hoan nghênh - nhất là với lớp trẻ - khi hát bài Chiếc khăn piêu của nhạc sĩ Doãn Nho. Nhưng ca sĩ đã bỏ đi không hát một câu “Astri ơi tới đây nhặt lấy chiếc khăn đẹp này” xuống trầm hẳn một octave trong nguyên bản, bỏ đi một điểm nhấn duyên dáng trong bài hát. Chưa sai, nhưng đáng tiếc. Không hiểu vì Tùng Dương không đánh giá đúng về câu chuyển giọng trầm mà lược bỏ đi?

Còn việc chỉnh sửa về âm nhạc thì những nhạc sĩ hòa âm phối khi, các ca sĩ có xin phép tác giả âm nhạc không? Nếu có hỏi thì là sự thể hiện thái độ tôn trọng nhạc sĩ, mà họ vẫn có thể luôn luôn được chấp nhận, vì sẽ có những nhạc sĩ “không chấp”, có những nhạc sĩ đồng ý làm thế cho vừa lòng một bộ phận công chúng trẻ theo cách lý giải của mấy người sản xuất âm nhạc, một sự chấp nhận có chút hy sinh.

Nhưng có ít nhất một trường hợp tác giả đã không chấp nhận được sự thay đổi vô lý bài hát của mình. Đó là trường hợp nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi và đoạn kết của bài Người Hà Nội.

Câu kết của bài hát bất hủ này trong nguyên tác là “tiếng cười ngày về” (la-xòn-la-xòn), một câu nhạc êm ả, thanh bình và hòa hợp với cả đoạn nhạc cuối cùng của bài hát sau những cao trào bốc lửa ở trên. Không biết từ bao giờ, đã rất lâu rồi các ca sĩ khi biểu diễn thường thêm vào mấy từ “chiến thắng” với giọng dâng lên cao vút, mạnh mẽ, hùng hổ. Bản thân hai chữ “ngày về” đã bao hàm là chiến thắng rồi, đâu cần đến chữ “chiến thắng” mới là chiến thắng. Và ngày về sẽ gắn với cuộc sống thanh bình, êm ả.

Đã có lần tôi hỏi NSND Quang Thọ sao lại hát như thế, ông nói rằng ở trên sân khấu phải hát như vậy mới có khí thế.

Thiển nghĩ nếu cần có khí thế cho phần kết thúc thì những người làm hòa âm phối khí hãy dùng âm nhạc viết thêm để bốc lên, như vậy vừa tôn trọng ý đẹp của tác giả - tác phẩm, vừa tạo được ấn tượng sân khấu.

Tôi cứ băn khoăn mãi về cách biểu diễn câu kết của bài hát Người Hà Nội. Hồi nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi còn sống, một hôm cầm được cuốn sách nhạc mới in những bài về Hà Nội, tôi vội mở ra xem và thấy bản nhạc vẫn giữ nguyên cái kết êm ả. Tôi nghĩ nếu tác giả bài hát chấp nhận cái kết mà các ca sĩ biểu diễn thể hiện thì hẳn là ông đã sửa theo đó trước khi in lại tác phẩm. Rồi tôi cũng không có dịp để gặp ông để hỏi về chuyện ấy.

Sau này tình cờ nói chuyện với nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu, tôi được biết rằng Nguyễn Đình Thi không chấp nhận cách hát như các ca sĩ thường biểu diễn. Tác giả buồn về điều này cho đến ngày ông ra đi. Ông vẫn muốn được biểu diễn như ông đã viết. Một nguyện vọng chính đáng và đáng được tôn trọng.

Có điều “lộng giả thành chân”. Bây giờ nếu có một ca sĩ và một nhạc sĩ phối khí nào đó muốn hát đúng như nhạc của Nguyễn Đình Thi và viết cho đoạn nhạc tiếp câu kết thể hiện “khí thế” thì chắc không dám làm vì sợ người ta nói là hát sai!

Không tôn trọng nguyên bản và không tôn trọng tác giả ở góc độ nào đó có phần phản văn hóa, không nên tồn tại.

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...