Mùa vui của âm nhạc châu Âu tại Việt Nam

02/12/2015

Tháng 11 mang lại nhiều niềm vui cho người yêu nhạc Hà Nội và TP.HCM với Liên hoan âm nhạc châu Âu kéo dài đến 10 ngày, vừa kết thúc đêm 29-11.


Khán giả Hà Nội và TP.HCM đã cùng “quay cuồng” với ban nhạc Đức Brandt Brauer Frick.
Trong ảnh: khán giả tại rạp Công Nhân, Hà Nội đêm 18-11 - Ảnh: Riarebrand

“Phần đáng yêu nhất của một buổi hòa nhạc, đó là khi ban nhạc đã cúi chào đi vào rồi mà mọi người còn đứng vỗ tay mãi. Thế nên các nghệ sĩ quay ra chơi thêm một hai bài nữa” - nhà văn trẻ Nguyễn Thiên Ngân viết trên trang Facebook cá nhân về Liên hoan âm nhạc châu Âu mà năm nào cô cũng đón đợi.

“The Blue Star của Czech. Ngồi trong thính phòng ấy, có cảm giác như thể mình lạc vào một cuốn phim xưa. Họ chơi thứ âm nhạc có thể gắn nụ cười lên môi bạn, và nụ cười cứ vô thức nằm mãi đấy, ngay cả khi mình về nhà, nằm kéo chăn đến tận cằm"

Nguyễn Thiên Ngân

Cá nhân làm giàu ban nhạc

Năm nay, phần lớn các buổi diễn đều có “phần đáng yêu” ấy, các nghệ sĩ phải quay lại trình tấu thêm một tác phẩm trước một khán phòng không ngừng vỗ tay và khán giả “không chịu” rời đi. Tình yêu dành cho âm nhạc đã chảy tràn những ngày diễn ra liên hoan!

Dù dưới hình thức song tấu, tam tấu, ban nhạc hay cả dàn nhạc lớn (big band) thì tài năng của mỗi nghệ sĩ trong đó vẫn nổi bật. Nhiều khán giả đã chỉ ra ấn tượng riêng của mình về các nghệ sĩ trình diễn đến từ tám ban nhạc của châu Âu.

Theo dõi đêm khai mạc liên hoan của Tolvan Big Band vào tối 18-11 tại TP.HCM, nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn nói: “Có nhiều nhóm nhạc tuyệt vời thế này biểu diễn tại Việt Nam sẽ là động lực rất lớn để nghệ sĩ ở mình phấn đấu”. Cũng theo anh, mỗi nghệ sĩ trong ban nhạc 18 thành viên của Thụy Điển đều là một nghệ sĩ solo đỉnh cao.

“Sau đêm nhạc, tôi mua một số CD của Tolvan, về đã nghe rất kỹ, tôi càng thấy rõ đẳng cấp của ban nhạc. Riêng tài năng cá nhân của mỗi nghệ sĩ, ta có thể nhận thấy qua những đoạn ngẫu hứng của từng người.

Điều này đặt ra cho chúng ta bài học về hướng đào tạo, không thể quên vai trò của cá nhân trong tổng thể hòa hợp của dàn nhạc, ban nhạc” - nghệ sĩ sáng lập của Saigon Big Band bày tỏ.

Với thể loại jazz hiện đại, kể từ năm thành lập 1979 đến nay, Tolvan đã cho ra mắt 10 album, phát hành trên toàn cầu. Trong “big band” này nổi lên vài trò của nghệ sĩ saxophone cũng là nhạc sĩ và nhà soạn nhạc Helge Albin - người đã đưa Tolvan không chỉ là ban nhạc danh tiếng mà còn trở thành một học viện âm nhạc quy tụ nhiều nghệ sĩ nổi tiếng thế giới.

Là cái nôi của nhạc điện tử và cũng thể hiện vai trò tiên phong về thể loại nhạc này trong nhiều năm qua, nước Đức mang đến Brandt Brauer Frick. Bộ ba đã khiến khán giả cả Hà Nội và TP.HCM đều không thể ngồi yên trên ghế. Sự pha trộn độc đáo giữa nhạc techno và nhạc cổ điển đã biến... Nhạc viện TP.HCM thành sàn nhảy (Tuổi Trẻ Online ngày 20-11) và tại rạp Công Nhân, Hà Nội, rất đông khán giả cũng tràn lên sát sân khấu để nhảy cuồng nhiệt.

“Chỉ tiếc không gian của rạp Công Nhân chưa phù hợp lắm cho dòng nhạc sôi động, giàu tiết tấu này” - chị Vân Anh, chuyên viên truyền thông ở Hà Nội, chia sẻ.

Một điểm nhấn khác của Liên hoan âm nhạc châu Âu năm nay là đêm trình diễn của nghệ sĩ chơi piano điện Eric Legini cùng hai nghệ sĩ chơi trống và guitar bass điện. Các nghệ sĩ của Bỉ không chỉ mang đến những giai điệu jazz châu Phi mà còn là funk, soul... mê hoặc người nghe.

Tuy vai trò của nghệ sĩ piano điện được nhấn mạnh, nhưng chị Ngô Hương Giang, công tác tại một tổ chức phi chính phủ ở Hà Nội, lại tỏ ra phấn khích với nghệ sĩ trống Franck Agulthon: “Anh chơi như lên đồng, nhìn anh múa trên dàn trống mà mình hoa hết cả mắt, lòng tự nhủ sao anh nhớ được hàng ngàn nhịp gõ, mà bản nhạc thì rõ dài”.

Khán giả ngày càng “tinh”

Nhiều đêm nhạc jazz của liên hoan khiến khán giả vỗ tay không ngớt khi chương trình kết thúc. Với bảy nghệ sĩ, mỗi thành viên của ban nhạc Ngôi Sao Xanh (The Blue Star, CH Czech), chơi thể loại swing jazz, đều để lại cá tính riêng.

Vẻ tung tẩy, điệu đàng của giọng vocal hay sự hóm hỉnh, thân thiện của nam nghệ sĩ chơi accordion... khiến khán giả thích thú. Nhờ đó, các bản nhạc có nguồn gốc từ Czech và Mỹ từ những năm 1920, 1930 trở nên sống động, giàu tính giải trí.

Đến đêm diễn của đại diện Pháp là nữ nhạc sĩ Anne Paceo (“Anne Paceo: Chơi trống giúp tôi sống lại những ngày thơ ấu ở châu Phi”, Tuổi Trẻ Online ngày 27-11) lại mang nhiều màu sắc của nhạc “thiền” và world music, nhiều khán giả phải ngồi bệt ở lối đi để thưởng thức.

Trong đêm diễn này còn có sự xuất hiện của nghệ sĩ chơi saxophone và clarinet tài năng người Pháp gốc Việt Atonin Tri Hoang. Anh hiện là thành viên của tứ tấu Novembre Quartet thuộc Hãng ghi âm Bee Jazz của Pháp.

Hai đêm nhạc jazz khó quên khác là phần trình diễn song tấu của nghệ sĩ Ferenc Snétberger (guitar) - Paolo Vinaccia (trống và bộ gõ) đến từ Hungary và tam tấu Ulrich Drechsler đến từ Áo.

Liên hoan âm nhạc châu Âu năm nay cũng như những năm gần đây, jazz luôn là thể loại chiếm ưu thế. Lý giải điều này, nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn cho rằng đó là vì nhạc jazz dễ dàng phát huy tính ngẫu hứng và giúp trưng trổ tài năng của từng nghệ sĩ.

“Khán giả hôm nay nghe nhiều, tiếp cận nhiều loại hình âm nhạc mới nên ngày càng tinh hơn, họ đủ khả năng nhận diện cái hay, cái lạ mà mỗi nghệ sĩ mang đến” - anh nói.

Tuy vậy, Liên hoan âm nhạc châu Âu không chỉ có jazz. Khán giả yêu nhạc cổ điển đã ngồi kín khán phòng Nhạc viện TP.HCM để được “chiêu đãi” một đêm nhạc khó quên với nghệ sĩ vĩ cầm Voytek Proniewicz - người từng được Đài truyền hình Ba Lan sản xuất một bộ phim riêng mang tên Ấn tượng vĩ cầm.

Khán giả trẻ cũng đã có một đêm “máu lửa” với rock qua phần trình diễn của ban nhạc Hạc San gồm năm thành viên của Việt Nam, họ tự viết nhạc và tự thể hiện những sáng tác thú vị cả cũ và mới trong album đầu tay với các ca khúc dựa trên một câu chuyện cổ tích.

Tất cả đã cùng làm nên một bữa tiệc âm thanh đẹp và đáng nhớ dù chưa hẳn đa dạng cho liên hoan.

(Nguồn: http://tuoitre.vn)

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...