Mùa vàng nhạc truyền thống cách mạng
Những ngày lễ lớn trong năm đang làm nên mùa vàng cho ca khúc truyền thống cách mạng và các ca sĩ hát dòng nhạc này
Khó có thể kể hết những chương trình biểu diễn lớn nhỏ đang chờ ngày ra mắt khán giả trong những dịp kỷ niệm ngày lễ trọng đại của đất nước như 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4); 70 năm ngày Quốc khánh (2-9)…
Thiên thời, địa lợi
Không kể các chương trình kỷ niệm do các địa phương từ Quảng Trị trở vào lần lượt tổ chức theo hành trình giải phóng của 40 năm trước, nhạc truyền thống cách mạng còn có những điểm nhấn đặc biệt được diễn ra với quy mô toàn quốc như cuộc thi Những bài ca đi cùng năm tháng (khởi động vào đầu tháng 4) do Cục Văn hóa cơ sở Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức. Dự kiến có khoảng vài trăm tiết mục dự thi của các đoàn đến từ các tỉnh, thành trên cả nước tham dự.
Hai ca sĩ Thanh Thúy, Đức Tuấn thể hiện ca khúc Khát vọng trong lễ trao
Giải Mai Vàng lần thứ 20-2014 Ảnh: Hoàng Triều
Nếu cuộc thi trên mang tính rộng khắp thì chuỗi chương trình lưu diễn của 12 đoàn nghệ thuật thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tại các tỉnh, thành phía Nam hứa hẹn tạo nhiều dấu ấn. Đạo diễn Đinh Trung Cẩn tiết lộ: “Từ những chương trình được tổ chức dài hơi theo chuỗi hay những chương trình mang tính riêng lẻ, điểm chung là khơi gợi những xúc cảm hào hùng của dân tộc bằng âm nhạc. Những ca khúc đã rất quen thuộc với khán giả lại được vang lên trên sân khấu chuyên nghiệp hay buổi diễn lưu động qua những giọng ca hàng đầu của dòng nhạc này hoặc những người hát phong trào. Dòng nhạc truyền thống cách mạng chưa bao giờ bị lãng quên, cũng chưa từng bùng cháy ở thời bình nhưng năm nay chính là thời điểm để rực sáng”.
Chương trình Giai điệu tự hào trên sóng VTV1 đang có hiệu suất người xem cao cho thấy sự đón nhận của công chúng khi những ca khúc có giá trị của dòng nhạc này được làm mới trở lại. Nhạc sĩ Lê Quang đánh giá: “Nhạc truyền thống cách mạng luôn có giá trị và vị trí riêng trong lòng công chúng, nhất là người có tuổi. Nhưng với xu thế phát triển của thời đại, nhạc truyền thống cách mạng như dòng chảy âm ỉ trong lòng mỗi người và sẽ bùng lên vào những thời điểm phù hợp”.
Cơ hội đầu tư
Chưa kể các ca sĩ dù chuyên hay không chuyên hát nhạc truyền thống cách mạng đều chuẩn bị cho mình một vài ca khúc thuộc dòng nhạc này để tham gia các chương trình sẽ tổ chức đồng loạt trong thời gian tới, nhiều ca sĩ xem đây là cơ hội để đầu tư phát triển sự nghiệp của mình.
Sau chiến thắng tại Giải Mai Vàng lần thứ 20 hạng mục Ca sĩ hát nhạc truyền thống cách mạng được yêu thích nhất, ca sĩ Đức Tuấn như được tiếp thêm sức mạnh tinh thần tiếp tục tiến vào ngã rẽ mới mẻ này của anh. Đức Tuấn sẽ có hẳn live show nhạc truyền thống cách mạng vào giữa tháng 4 diễn ra tại Nhà hát Hòa Bình (TP HCM). Đi kèm live show là album nhạc truyền thống cách mạng gồm những ca khúc quen thuộc như: Bài ca không quên, Tự nguyện, Đất nước, Lá đỏ, Cô gái mở đường…
Ca sĩ Phạm Anh Khoa và Ngọc Khuê trong chương trình Giai điệu tự hào
Ảnh: Thảo Khâu
Ca sĩ Văn Mai Hương trong Giao điệu tự hào
Ca sĩ Vũ Thắng Lợi và Uyên Linh trong liveshow Người Hà Nội
Ngay từ đầu năm, ca sĩ Tùng Dương đã có album Tình ca 2 nhận được rất nhiều lời khen ngợi từ khán giả lẫn giới chuyên môn. Một Tùng Dương phá cách, thậm chí “quái”, được thay bằng sự chỉn chu với những ca khúc truyền thống cách mạng: Bài ca hy vọng, Áo mùa đông, Biển hát chiều nay…
Được biết đến với giải thưởng Á quân dòng nhạc thính phòng cuộc thi Sao Mai 2011 nhưng thời gian gần đây với album đầu tay Tình ca của mình, giọng ca Vũ Thắng Lợi bắt đầu nổi lên và “sẽ tỏa sáng trên thị trường âm nhạc, nhất là khi dòng nhạc truyền thống cách mạng trở thành tâm điểm trong năm nay” - theo nhận định của nhà báo Minh Đức. Album Tình ca của Vũ Thắng Lợi gồm 9 ca khúc, 8 trong số đó là những tác phẩm thuộc hàng “mẫu mực” trong kho tàng âm nhạc truyền thống cách mạng Việt Nam: Ca ngợi Hồ Chủ tịch, Tình ca, Những ánh sao đêm, Hà Nội niềm tin và hy vọng, Giai điệu Tổ quốc, Bài ca Hà Nội, Cảm xúc tháng Mười…
Điểm nổi bật là những live show nhạc đỏ liên tiếp ra mắt công chúng và được đón nhận nồng nhiệt. Những đêm nhạc của Trọng Tấn, Tấn Minh... chật kín khán giả. “Đó là một bất ngờ đặc biệt thú vị, ít ai dám nghĩ đến bởi ấn tượng chung về nhạc đỏ là khô cứng. Nhưng thực tế hoàn toàn ngoài dự đoán. Chúng tôi đã thành công với quyết định liều lĩnh của mình” - nhạc sĩ Trung Kiên, thành viên của nhóm thực hiện chương trình cho các ca sĩ trên, chia sẻ.
Các sản phẩm âm nhạc hôm nay có cách hát mới mẻ (pop classic), khá nhẹ nhàng, khác hoàn toàn so với cách hát nhạc đỏ mạnh mẽ, hùng tráng mà công chúng có tuổi thường nghe nên phần nào tiếp cận được thị hiếu của giới trẻ. “Đây là điều cần thiết với những khán giả nghe nhạc hôm nay. Công chúng cần được trải nghiệm ca khúc một cách tình cảm hơn chứ không phải trong không khí hừng hực chiến đấu như trước” - nhạc sĩ Lê Quang nói.
Trình diễn đã khác trước
Giới chuyên môn nhận định trình diễn nhạc đỏ thời nay đã khác trước. Giống như nhạc xưa, người làm nghề đã nhận ra phá cách là điều không cần thiết khi thể hiện lại những ca khúc đã trở thành quen thuộc với công chúng. “Âm nhạc thời nào có công chúng của thời đó - những người đã đón nhận những ca khúc cũ bằng hình thức biểu diễn quen thuộc. Vậy nên, hầu hết ca sĩ thời nay khi hát nhạc đỏ cũng chọn giải pháp làm mới cá tính của chính mình mà thôi. Tức là làm mới giọng hát của họ để khi nghe một phiên bản mới, khán - thính giả sẽ chấp nhận và không so sánh với những giọng ca đã hát trước đó” - nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện nói.
Đây cũng là lý do giúp các giọng ca Tùng Dương, Vũ Thắng Lợi, Đức Tuấn, Trọng Tấn, Tấn Minh thành công với các sản phẩm âm nhạc truyền thống cách mạng. |
(Nguồn: http://nld.com.vn)