Một vở nhạc kịch mang tầm vóc lịch sử: “CÔ SAO”

15/04/2014

Vở nhạc kịch (opera) đầu tiên của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam “Cô Sao” của cố nhạc sĩ Đỗ Nhuận được tái hiện ra mắt công chúng tại Sơn La nhân kỷ niệm 60 năm Giải phóng lịch sử Điện Biên Phủ, 60 năm Giải phóng Thủ đô và 92 năm ngày sinh của nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Với 2 đêm công diễn tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Sơn La 25 và 26 tháng 3 vừa qua, đã nói lên tầm vóc nghệ thuật của tác phẩm, đánh dấu sự trở lại của một thể loại âm nhạc bác học kinh điển. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam - con trai của cố nhạc sĩ Đỗ Nhuận.

 
Cô Sao - Hà Phạm Thăng Long

- Thưa nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, xin chúc mừng thành công của hai đêm diễn vở nhạc kịch “Cô Sao” tại Sơn La.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân (Ns ĐHQ): Hai đêm diễn tại Sơn La lần này là sự nối tiếp rất thành công của hai đêm diễn tại Hà Nội vào năm 2012. Sinh thời nhạc sĩ Đỗ Nhuận mong muốn có một lần đưa vở nhạc kịch lên công diễn tại Sơn La – mảnh đất có người con gái dân tộc Thái tên A Sao. Câu chuyện cuộc đời của A Sao được chuyển thể thành tác phẩm nhạc kịch, tính cách nhân vật được khắc họa bằng âm nhạc, tính kịch, đan xen với các màn múa dân gian, hợp xướng. Trong số những người tù chính trị bị thực dân Pháp giam cầm trong những năm trước cách mạng tháng Tám có hình ảnh nhạc sĩ – chiến sĩ Đỗ Nhuận.

Lần này, vở nhạc kịch “Cô Sao” được biểu diễn trên mảnh đất lịch sử sau 50 năm vở ra đời có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Điều hết sức ngạc nhiên là sự đón nhận của công chúng Sơn La khi hai đêm diễn Nhà hát hết chỗ ngồi, rất nhiều người phải đứng để xem. Lần đầu tiên họ được tiếp xúc với dàn nhạc giao hưởng lớn, sân khấu hoành tráng, diễn viên chuyên nghiệp, ăn mặc trang phục của các dân tộc Tây Bắc: Thái, Mông, Dao… Sự đón nhận của khán giả Sơn La là nguồn động viên khích lệ cho chúng tôi và thấy rằng quyết định đưa vở diễn lên Sơn La là đúng đắn.

- Vở Nhạc kịch “Cô Sao” khi trở lại sân khấu đã đánh dấu tình cảm của công chúng với âm nhạc hàn lâm, nhạc sĩ là người phục dựng vở nhạc kịch từ tổng phổ đầu tiên của cha mình, nhạc sĩ cho biết đôi nét về sự tái hiện lần này?

Ns ĐHQ: Vở nhạc kịch “Cô Sao” của cố nhạc sĩ Đỗ Nhuận lần đầu tiên được công diễn tháng 9 năm 1965, đã trải qua một thời gian dài gần 50 năm. Đây là thể loại nhạc kịch đầu tiên của Việt Nam theo hình thức và qui mô kinh điển thế giới. Ngoài ra ông còn là tác giả của tác phẩm nhạc kịch kinh điển “Người tạc tượng” (1974), “Nguyễn Trãi” (1982).

Với sự tham gia của biên đạo múa Anh Phương, nhạc trưởng Honna Tetsuji, đạo diễn sân khấu trẻ Huyền Nga và tập thể diễn viên, nhạc công của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, đã miệt mài làm việc, tập luyện nhiều tháng trời. Các nhạc sĩ lão thành nói rằng: vở diễn lần này nhuận sắc hơn ba lần dựng trước mà họ đã xem (vào các năm 1965 và 1976, 2012), và việc khôi phục “Cô Sao” thành công lần này do có những nỗ lực lớn về công sức và điều kiện kỹ thuật. Việc phục dựng vở nhạc kịch “Cô Sao” mang nhiều ý nghĩa với nền âm nhạc Việt Nam, như một lời tri ân tới bao thế hệ người Việt Nam biết trân trọng âm nhạc hàn lâm. Lớp khán giả lớn tuổi có dịp sống lại những ký ức thời xưa cũ, khán giả trẻ tuổi thì có dịp tìm hiểu về một vở nhạc kịch mang tầm vóc lịch sử lớn, đây thực sự là một di sản văn hóa vô giá cần giữ gìn và bảo tồn cho đời sau. Vì opera “Cô Sao” là một vở nhạc kịch có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với lịch sử opera Việt Nam. Đây là vở nhạc kịch đầu tiên của nước ta và 3 lần công diễn trước đây đều đã thu được những thành công vang dội. Có rất nhiều các trích đoạn Aria từ vở nhạc kịch này đã trở thành những Aria kinh điển, có đời sống độc lập, được nhiều ca sĩ, sinh viên chuyên ngành thanh nhạc lựa chọn để biểu diễn. Chính vì vậy, chúng tôi đã chọn tác phẩm này để phục dựng và công diễn. Đây là một việc làm có ý nghĩa của thế hệ nhạc sĩ hôm nay gửi tới cố nhạc sĩ Đỗ Nhuận như lời tri ân sâu sắc vì những gì ông đã cống hiến cho nền âm nhạc cách mạng Việt Nam. Tôi thực sự tự hào khi mang được tác phẩm này đến với địa danh mà từ đó, nhạc sĩ Đỗ Nhuận – một tù nhân thời Pháp thuộc, trở thành một nhạc sĩ cách mạng đã ấp ủ và thai nghén ra tác phẩm “Cô Sao” tại chính mảnh đất Sơn La lịch sử.

Đưa được vở nhạc kịch “Cô Sao” đến với Sơn La, chúng tôi đã vượt qua nhiều khó khăn. Về qui mô từ 120 diễn viên phải rút gọn chỉ còn 70 diễn viên, làm cho việc dàn dựng phải điều chỉnh các tuyến nhân vật, qui mô của dàn nhạc, đội múa đều giảm, mà làm sao vẫn đảm bảo tính trọn vẹn của vở kịch.

- Ê kíp thực hiện vở nhạc kịch kinh điển lần này với nhiều những gương mặt trẻ thủ vai, hẳn là một việc làm mạo hiểm?

Ns ĐHQ: Thật ra việc lựa chọn những gương mặt trẻ là việc làm hoàn toàn có chủ định của chúng tôi. Qua lần biểu diễn này, chúng tôi muốn tập hợp được một đội ngũ những người trẻ tuổi, có tâm huyết với loại hình âm nhạc chuyên nghiệp – kinh điển để kế cận những lớp người đi trước. Tuy còn trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm, nhưng tất cả những người tham gia vở diễn lần này từ: đạo diễn, ca sĩ, họa sĩ, nghệ sĩ múa... đều là những người rất tài năng và tâm huyết. Ngoài ra, những người trẻ tuổi thì tư duy của họ cũng sẽ trẻ trung, họ có thể sẽ làm nên một tuyên ngôn mới, một sức thu hút mới, phù hợp hơn với thời đại, cho vở nhạc kịch vốn rất kinh điển này.

Việc tái dựng vở nhạc kịch “Cô Sao” rất khó, nếu như không muốn nói là vô cùng khó khăn. Tái dựng lại hầu như chúng tôi phải bắt đầu lại từ đầu. Khó khăn đầu tiên là việc tổng phổ âm nhạc bị thất lạc, do thời gian đã quá lâu và nhà hát không còn lưu giữ được bản gốc nữa. Trong quá trình tìm kiếm, chúng tôi đã gặp một bản nháp chép tay bằng bút chì của nhạc sĩ Đỗ Nhuận từ năm 1960 và đã tiến hành khôi phục lại toàn bộ tổng phổ của “Cô Sao” từ bản nháp chép tay đó. Công việc này đã phải thực hiện ròng rã hơn một năm trời. Điều khó khăn thứ hai, cũng là một khó khăn muôn thuở, đó là nguồn kinh phí để thực hiện. Với số lượng diễn viên đông đảo cùng với phục trang, thiết kế sân khấu… thì kinh phí không thể là một con số nhỏ. Nhưng rất may, chúng tôi đã nhận được sự đồng lòng, nhất trí từ các đơn vị tham gia là Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam. Họ không chỉ đóng góp sức người, sức của mà điều đáng quí nhất là tấm lòng nhiệt tình của cả tập thể nghệ sĩ để vở diễn được tái dựng trong điều kiện tốt nhất. Bên cạnh đó, với sự ủng hộ của Ủy Ban nhân dân tỉnh Sơn La, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La, các nhạc sĩ – hội viên tình nguyện đóng góp những “viên gạch” để xây dựng tượng đài âm nhạc này.

- Ở các nước phương Tây opera là một trong những thể loại âm nhạc bác học quen thuộc, nhưng ở nước ta công chúng vẫn còn rất xa lạ với thể loại âm nhạc này. Hội Nhạc sĩ Việt Nam quyết định tái hiện một thể loại ít khán giả chắc hẳn chứa đựng nhiều ý nghĩa?

Ns ĐHQ: Ở các nước châu Âu, opera là một thể loại kinh điển – bác học có một vị trí cao trong đời sống nghệ thuật. Tại rất nhiều nước trên thế giới, người ta đã xây dựng những Nhà hát riêng dành cho việc biểu diễn opera. Còn Việt Nam, thể loại này vẫn còn xa lạ với đông đảo công chúng. Trong đời sống âm nhạc nước ta hiện nay, dù đã rất phong phú với nhiều thể loại, nhiều loại hình âm nhạc khác nhau, nhưng chủ yếu, âm nhạc của chúng ta vẫn nghiêng về mảng ca khúc. Nhằm giữ gìn, đồng thời có điều kiện quảng bá những di sản âm nhạc quý giá của các nhạc sĩ đi trước, việc sưu tầm và khôi phục lại tổng phổ những tác phẩm như opera “Cô Sao” từ một bản nháp là một điều may mắn bất ngờ. Không chỉ nhạc kịch, mà cả các giao hưởng, các tác phẩm thính phòng ngày xưa đều chủ yếu được các nhạc sĩ viết tay. Điều kiện bảo quản, lưu trữ của chúng ta vốn chưa được cẩn thận và qui củ như ở các nước khác, nên việc giữ gìn những tổng phổ đó là rất khó, nhất là trong điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng ẩm như ở nước ta. Qua công trình này, chúng tôi cũng chợt “giật mình”, không hiểu “số phận” của những tác phẩm khác có may mắn như “Cô Sao” hay không. Nếu không, rất có thể chúng ta đã bị mất đi một số lượng tác phẩm, một kho tàng rất giá trị, đánh dấu giai đoạn phát triển đầu tiên của âm nhạc cách mạng Việt Nam.

- Lớp nghệ sĩ tham gia tái dựng“Cô Sao” hiện nay so với bản trình làng của “Cô Sao” năm 1965 có gì khác?

Ns ĐHQ: Sau 1954, Nhạc sĩ Đỗ Nhuận được cử đi thực tập tại Nhạc viện Traicopxki, Matxcơva. Đây là ước mơ của ông từ lâu và chính tại nơi đây ông đã bắt tay sáng tác nhạc kịch “Cô Sao”, cốt truyện lấy từ chính thực tế mà ông đã trải qua trong những năm ông bị thực dân Pháp bắt cầm tù tại nhà tù Sơn La (1941 – 1943). Điều đặc biệt là ông không chỉ là tác giả âm nhạc mà còn tự viết kịch bản, ca từ và phối khí cho Dàn nhạc Giao hưởng.

Năm 2012 kỷ niệm 90 năm ngày sinh nhạc sĩ Đỗ Nhuận, vở nhạc kịch “Cô Sao” đã được phục dựng lại với đội ngũ diễn viên trẻ của nhà hát, với chỉ huy chính Honna Tetsuji (Nhật Bản), đạo diễn Nguyễn Thị Huyền Nga, công việc phục dựng âm nhạc do tôi (nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân) đã biên tập, phối khí lại một số đoạn quan trọng. Sau rất nhiều năm vắng bóng của opera trên sân khấu âm nhạc. Năm 2012 là một sự kiện tác động đến đời sống âm nhạc Việt Nam, đã đáp ứng phần nào yêu cầu từ phía khán giả được thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật chất lượng cao.

Trong bối cảnh đời sống âm nhạc còn bề bộn, hướng tới giải trí, ảnh hưởng ngoại lai phương tây… thì những chân giá trị vẫn được ghi nhận. Hơn nữa, sực cố gắng của những diễn viên trẻ: Hà Phạm Thăng Long (Cô Sao), Vũ Mạnh Dũng (Anh Hà), Phan Mạnh Đức (cụ Sình), Vũ Thi Nga (chị Vân), Lê Thị Vành Khuyên (mụ Ba), NSƯT Hà Mạnh Chung (Đen)… đều là những ca sĩ có trình độ chuyên môn tốt, cơ bản, vừa diễn vừa hát từ đầu đến cuối những vai diễn dài hơi.

Phải kể đến sự đóng góp không nhỏ của chỉ huy dàn nhạc Honna Tetsuji; dịch kịch bản sang tiếng Nhật là ngài Suzuki Heideo – Công sứ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, mặc dù trong tác phẩm có bóng dáng của giặc Pháp, Phát xít Nhật, nhưng những chi tiết lịch sử đó chỉ làm tăng thêm sự hiểu biết lịch sử, tình đoàn kết, quan hệ giữa hai nước. Những người bạn Nhật Bản hy vọng có thể đưa vở “Cô Sao” đến với công chúng Nhật Bản hoặc mời các diễn viên Nhật Bản tham gia diễn vở “Cô Sao” trong những năm tới.

- Là con trai của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, đồng thời cũng là người biên soạn, nâng cao về phối khí và đạo diễn âm nhạc cho vở nhạc kịch này, cảm xúc của ông như thế nào khi xem vở công diễn?

Ns ĐHQ: Tôi thấy mình rất hạnh phúc và may mắn, vì bên cạnh trách nhiệm với công việc chung, tôi có dịp được thể hiện tình cảm với người cha kính yêu của mình. Tôi thấy trách nhiệm của mình rất lớn đối với công trình nghệ thuật này. Nếu như không có sự đồng lòng nhất trí của tập thể các nghệ sĩ, đạo diễn, chỉ huy dàn nhạc… thì không thể hoàn thành được. Tôi thực sự xúc động trước tình cảm của anh em, đồng nghiệp. Đặc biệt là ngài Honna Tetsuji – Chỉ huy, Giám đốc nghệ thuật Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, đã khuyến khích động viên tôi bắt tay vào xây dựng công trình này từ mấy năm trước.

Với ước mong còn nhiều vở diễn nữa phải phục dựng lại như “Người tạc tượng” của Đỗ Nhuận; “Bên bờ Krông Pa” của Nhật Lai, “Bông sen” của Lưu Hữu Phước... Cần quan tâm hơn nữa đối với đội ngũ ca sĩ, diễn viên trẻ, phục dựng nhiều hơn nữa các tác phẩm có tính âm nhạc chuyên nghiệp, bác học… Có chiến lược phát triển những đơn vị nghệ thuật hàng đầu như: Nhà hát nhạc Vũ kịch Việt Nam, Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam… lên tầm khu vực và thế giới.

- Xin cám ơn nhạc sĩ. Chúc nhạc sĩ và gia đình hạnh phúc và thành đạt.

Tin liên quan

23/02/2021
Ca ngợi Hồ Chủ tịch là một trong những bài hát hay nhất về lãnh tụ Hồ Chí Minh của cố nhạc sĩ Văn Cao, cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam. Giai điệu ca khúc hào sảng, sang trọng toát lên thần thái vĩ đại của lãnh ...
23/02/2021
“Việc ra mắt tác phẩm “Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong, Tác phẩm-tác giả” chính là dịp chúng ta Trả lại tên cho Ông. Bởi cho đến nay vẫn nhiều người vẫn không biết nhà soạn kịch Nguyễn Trung Phong chính là tác giả của giai điệu nổi tiếng Giận ...
23/02/2021
Ca khúc Hành khúc Tổng cục Chính trị được nhạc sĩ Đức Trịnh viết vào năm 2014, đúng dịp kỉ niệm 70 năm ngày truyền thống Tổng cục Chính trị (TCCT). Ca khúc này đã được chọn làm ca khúc chính thức của TCCT và được biểu diễn trong Lễ kỉ niệm ...
21/02/2021
Hai ca khúc “Đại thi hào Nguyễn Du” và "Phiêu bồng trần gian" mở đầu và kết lại bộ phim được đầu tư 15 tỷ đồng, nhân dịp kỷ niệm 255 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của vị danh nhân văn hóa này.