Một vài ý kiến xung quanh việc gọi tên thể loại hát nhà trò ở Quảng Bình
Từ lâu, âm nhạc dân gian (ANDG) đã như mạch nguồn, âm thầm, len lỏi sống mãi trong đời sống sinh hoạt, tâm tư, tình cảm của người dân lao động, gắn bó với họ trong mọi hoạt động, đồng hành cùng họ từ lúc sinh ra cho đến khi từ giã cõi trần…
Cũng như các vùng, miền khác, ANDG ở Quảng Bình có nhiều thể loại như Hát ru, Hát Đồng dao, Đúm - Pí, Hò… Mỗi thể loại có những nét riêng từ giai điệu, cấu trúc, nội dung… đến môi trường, phương thức diễn xướng… tạo nên bản sắc, hương vị riêng.
Chúng tôi muốn đề cập đến một thể loại mà thời gian gần đây đã có nhiều ý kiến trái chiều, đó là thể Hát nhà trò ở Quảng Bình. Năm 2009, tổ chức Văn hóa thế giới UNESCO đã công nhận và khuyến cáo đối với các địa phương, vùng miền ở Việt Nam cần phải khẩn cấp bảo tồn, gìn giữ và phát huy loại hình này.
Ở Việt Nam từ trước đến nay, trong các công trình nghiên cứu của các nhà nghiên cứu về thể loại này, hầu như tất cả đều thống nhất với tên gọi là Ca trù (tên gọi khác là Hát nhà trò, Hát Ả đào, Hát nhà tơ, Hát Cửa đình…). Ở Quảng Bình, các nghệ nhân gọi là Hát nhà trò (vừa hát vừa làm trò, tùy theo từng phần, mục của lễ cúng để có thể hát, hoặc có thể múa quạt, múa sinh), mang tính nghi lễ. Thường hay hát trong đình làng, trước cửa đình, hoặc đến từng gia đình để hát theo yêu cầu của gia chủ. Nội dung ca ngợi các vị thần, cầu cho mưa thuận gió hòa, cầu cho mọi người được ấm no, hạnh phúc…
Thời gian gần đây, chúng tôi cũng đã có nhiều ý kiến về việc một số câu lạc bộ (CLB), nghệ nhân, các phương tiện truyền thông ở Quảng Bình, thậm chí các nhà nghiên cứu ở cấp trung ương gọi Hát nhà trò là Ca trù, kể cả một vài bài viết còn gọi là "Hát cửa đình". Còn nữa, việc điều động các nghệ nhân Hát nhà trò ra trung ương tập huấn Ca trù, cũng như việc mời chuyên gia về địa phương tập huấn cho nghệ nhân hát các bài bản, làn điệu theo cách hát của phía Bắc, nên chăng, chỉ dừng ở mức độ tiếp thu gọi là nắm để biết và trân quý vốn cổ của quê hương hơn, chứ không phải tập huấn để rồi về sử dụng nó mà vứt bỏ các vốn cổ cũng như tên gọi riêng của mình! Điều này chúng tôi thấy lạ, lạ là lẽ ra trung ương mời các nghệ nhân Hát nhà trò ở các địa phương ra tập huấn cho họ để họ có thể hiểu sâu hơn thể loại này để giữ gìn và phát huy cho đúng với bản chất của nó, chứ không phải là làm ngược như vậy, chưa kể họ còn chỉ đạo các CLB ở địa phương sử dụng tên gọi là Ca trù!?! Nhưng có lẽ ý kiến và chỉ đạo của cấp trên có giá trị hơn là ý kiến của một nhà chuyên môn quèn như chúng tôi. Thói đời: cấp trên bao giờ cũng đúng, nên khi chúng tôi có ý kiến, tất cả đều làm ngơ, và vẫn làm theo ý mình! Thậm chí, một số nghệ nhân, một số người không chịu hiểu bản chất của sự việc lại tỏ thái độ khó chịu, có người còn can ngăn: "Kệ, không ảnh hưởng gì đến mình…"!?!
Thực ra, theo kiểu hiểu chung chung thì cách gọi về thể loại không sai, nhưng không đúng với truyền thống, với thực chất tên gọi ở Quảng Bình mà các cụ nghệ nhân lão thành, các cố nghệ nhân cũng như các nhà nghiên cứu đã gìn giữ, lưu truyền. Điều làm chúng tôi bận tâm nhất là các nhà quản lý văn hóa từ trung ương đến địa phương cũng mặc nhiên gọi Hát nhà trò là Ca trù mà không cần biết đúng hay sai, nên hay không nên, việc này kéo theo nhiều hệ lụy tai hại, nếu kéo dài sẽ dẫn đến nhiều ngộ nhận! Trong quá trình điền dã, tiếp xúc, làm việc với các nghệ nhân Hát nhà trò ở các thôn, xã của huyện Quảng Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa… cũng như tìm hiểu tư liệu của các nhà nghiên cứu ở Quảng Bình, chúng tôi thấy rằng hầu hết họ đều gọi là Hát nhà trò, khi được phỏng vấn, họ rất bức xúc khi bị áp đặt tên gọi khác, nhưng vì sự "chỉ đạo" nên buộc phải gọi theo! Đau thay, khi chúng ta không hiểu được rằng làm như thế là chúng ta tự "xóa" đặc sản của mình, làm như thế là họ đã không tôn trọng truyền thống, không tôn trọng cha ông, nghệ nhân… Chỉ cần đưa đưa một ví dụ nhỏ, chúng ta sẽ hiểu vì sao lại phải tôn trọng truyền thống: khi nói đến Hát nhà trò, công chúng sẽ nghĩ về vùng đất Quảng Bình - nơi đã giữ gìn, phát huy tốt thể loại này. Nhưng nếu gọi là Ca trù, chắc chắn công chúng sẽ nghĩ ngay đến Hà Tĩnh hoặc Kinh Bắc (với "hồng hồng tuyết tuyết…"), vô hình trung, chúng ta đã tự mình xóa bỏ truyền thống của quê hương, đã bị hòa tan mà không hề hay biết! Chưa kể đến việc liệu các nhà nghiên cứu có áp đặt không khi đưa Hát nhà trò vào chung với thể Ca trù? Đây là vấn đề mở, chúng tôi muốn đưa ra để có thể tiếp thu được nhiều ý kiến đóng góp của mọi người! Chúng tôi đã thu âm, thu hình và ký âm các bài bản, làn điệu Hát nhà trò của các địa phương ở Quảng Bình. Qua phân tích sơ bộ, thấy rằng tuy tên gọi, nội dung của một số bài bản, làn điệu Hát nhà trò của một vài địa phương ở Quảng Bình giống Ca trù (như bài Luyện hương, Dâng rượu), cách nhả chữ của một vài làn điệu có hơi hướng phía Bắc, nhưng còn lại thì toàn bộ đều khác với Ca trù: đó là số lượng bài bản, tên gọi, phương thức diễn xướng, môi trường diễn xướng, cũng như giai điệu, ca từ, phát âm, nhả chữ (như bài Khuyên con - có nơi gọi là Đạo cha đức mệ, Vách suối vang lừng, Ba vạn sáu ngàn ngày v.v… Mời cả nhà xem ảnh chụp một số bài bản Hát nhà trò để có thể tiện so sánh)!
Ví dụ: so sánh phương thức diễn xướng của Ca trù và Hát nhà trò, chúng tôi thấy trong Ca trù, đào nương thường ngồi vừa gõ phách (hoặc đánh đàn đáy) vừa hát theo kiểu tri âm, tri kỷ với lối hát nảy hột, rung, nhấn nhá điêu luyện, tinh tế. Còn trong Hát nhà trò, tùy theo bài mà số lượng người có thể thêm, bớt. Thường thì có 6 đào nương vừa hát vừa gõ sinh, múa sinh, múa quạt. Khi hát đều đứng chứ không ngồi như đào nương ở Ca trù. Nếu hát trong đình thì số lượng người tham gia hát đông, nếu hát ở các gia đình thì một hoặc vài người. Họ có lối rung sinh rất điệu nghệ, tạo ra những tiếng lanh canh liên hoàn, đều đặn mà ở Ca trù không có. Ngoài ra, nam cũng có thể tham gia vừa hát vừa tự đệm đàn đáy. Lối hát của họ ít có nảy hột, họ hát mộc mạc, đơn giản, nhưng vẫn đảm bảo sự thanh tao vốn có của thể loại này v.v…
Hiểu, biết để giữ cái gì là của mình - là chúng ta đã tôn trọng quá khứ, tôn trọng truyền thống! Đã là quá khứ, đã là truyền thống, thì dù như thế nào đi nữa, nó cũng là những sáng tạo vô giá của cha ông, đã nghiễm nhiên tồn tại, được lưu truyền từ đời này sang đời khác, được công chúng đón nhận, nâng niu. Chúng ta không thể vì một lý do gì để tự ý sửa đổi, sắp đặt nó lại theo chủ quan của mình (giống như cha mẹ sinh chúng ta ra, đặt tên cho chúng ta, có ai đó tự ý đổi tên của chúng ta, liệu chúng ta có chấp nhận không, huống hồ thể loại này vốn có tên gọi của nó, đã và đang tồn tại qua nhiều thế hệ?) nhất là đối với ANDG - bởi nó là chính nó, không thể như một số tư tưởng cho rằng nó "cổ hủ, lạc hậu", cần phải "chỉnh sửa, làm mới…" rồi mặc nhiên làm theo ý mình, ai phản bác thì bị chê là lạc hậu, bảo thủ. Hay là tự nảy ra sáng kiến đặt lại tên chung, bắt các địa phương phải tuân thủ để quy về một mối! Kiểu nhìn nhận sai lầm và áp đặt này đã chứng tỏ sự thiếu h
Hiểu biết, thiếu chuyên nghiệp về một loại hình có tầm quan trọng và ảnh hưởng lớn trong cuộc sống của con người - ANDG!Viết ra những điều này - những bức xúc, lo lắng của chúng tôi đối với một thể loại có nguy cơ bị đồng hóa, nguy cơ bị mất tên gọi vốn có của nó - Hát nhà trò, cũng không nằm ngoài điều mong ước: mong rằng các cấp, ngành liên quan, các nhà quản lý văn hóa (trung ương và địa phương) hãy quan tâm, kịp thời trả lại tên cho Hát nhà trò ở Quảng Bình, hãy để cho nó được sống như nó đã từng sống - điều này cũng là làm đúng với tinh thần "hòa nhập, không hòa tan"!
24/09/2019