Một vài điều suy nghĩa thông qua cuộc Liên hoa Ca trù Hà Nội 2017
Tôi đến với Liên hoan ca trù Hà Nội trong vai một khán giả, một người đang chập chững tìm hiểu về ca trù, về đời sống của ca trù trong cộng đồng người dân Hà Nội thời nay như thế nào? Chen lẫn vào đám đông khán giả cả đứng, cả ngồi tại sân Đình, tôi cùng xem với họ, cùng bàn luận và cùng tìm cách để hiểu ca trù nhiều hơn. Trong khuôn khổ của bài viết đầu tay này, tôi xin mạn phép đưa ra những đánh giá dựa trên việc tìm hiểu, phỏng vấn một số những người dân sống tại làng Vạn Phúc, nơi diễn ra cuộc liên hoan Ca trù Hà Nội.
Ca trù, có thể nói là một loại hình nghệ thuật cao cấp nhất trong nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam. Nó được nuôi dưỡng, bảo tồn và phát huy trong đời sống cộng đồng hàng ngàn năm nay. Trải qua nhiều bước thăng trầm, có những lúc ca trù tưởng chừng như không thể tồn tại được và rồi đến bây giờ nó vẫn cố gắng phát huy giá trị của một môn nghệ thuật có nhiều quy phạm, nhiều nguyên tắc, nhiều niêm luật, cố gìn giữ để không làm mất đi những đặc trưng của loại hình nghệ thuật độc đáo, khẳng định được vị trí quan trọng không chỉ trong nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc mà còn là của cả nhân loại.
Liên hoan nghệ thuật ca trù Hà Nội (2017) là một bước tạo điều kiện cho các địa phương quan tâm tới đội ngũ nghệ nhân dân gian, các diễn viên không chuyên, khơi dậy tinh thần và tâm huyết của người dân với nghệ thuật ca trù, qua đó duy trì, phát triển, nâng cao chất lượng hoạt động, sinh hoạt ca trù trong các giáo phường, các câu lạc bộ. Có lẽ vì vậy mà liên hoan đã chia các đơn vị tham gia theo quận, huyện trên địa bàn Hà Nội dự thi. Mỗi ca nương tham gia biểu diễn hai bài hát thuộc hai làn điệu, trong đó một bài Hát nói và một bài tự chọn, các bài hát có thể sử dụng lời cổ và lời mới. Các ca nương, kép đàn tham gia không hạn chế lứa tuổi, từ ca nương nhỏ tuổi nhất Nguyễn Thục Trinh 9 tuổi – huyện Đông Anh đến ca nương cao tuổi nhất là NNƯT Nguyễn Thị Khướu 90 tuổi. Dù ở lứa tuổi nào, ở câu lạc bộ nào, họ đều cố gắng trình diễn những gì tinh túy nhất đã được tích lũy trong một thời gian dài học tập. Sự đam mê, nhiệt huyết với ca trù của các đào nương, kép đàn tại liên hoan lần này đã làm cho tôi có một sự tin tưởng hơn vào việc trao truyền, lưu giữ loại hình di sản ca trù trong tương lai.
Hà Nội, một trong các địa phương có Di sản văn hoá phi vật thể ca trù, được đánh giá là nơi ca trù hiện có sức sống mạnh mẽ hơn cả. Các câu lạc bộ, giáo phường ca trù của Hà Nội ngày nay đang hoạt động khá tích cực. Tuy nhiên, việc truyền bá ca trù ra cộng đồng, để ca trù đi vào đời sống người dân thì vẫn còn rất nhiều khó khăn. Những câu lạc bộ, giáo phường đang sống với nghề như giáo phường Ca trù Thăng Long (biểu diễn ở 28 Hàng Buồm), CLB Ca trù Hà Nội (biểu diễn ở Đình Kim Ngân 42 Hàng Bạc) mỗi tối nếu đông thì có vài ba chục khán giả, chủ yếu là khách du lịch nước ngoài. Có những câu lạc bộ mỗi năm chỉ biểu diễn vài lần vào dịp hội làng và các đám khao thọ.
Ca trù là loại hình ca nhạc truyền thống rất kén người nghe. Trong bối cảnh xã hội hiện đại ngày nay có rất nhiều loại hình nghệ thuật, nhiều sự lựa chọn, nên ca trù nhận được ít sự quan tâm. Để hiểu rõ hơn về nhận thức của người dân về ca trù, tôi đã thực hiện một vài cuộc điều tra nhỏ ngay trước và trong thời gian diễn ra cuộc liên hoan. Không biết những kiến thức, hiểu biết, sự yêu thích của họ dành cho ca trù so với các loại hình nghệ thuật khác đến đâu và liệu ca trù có thể tồn tại gần hơn với đời sống của người dân Hà Nội hay không?
Khi được biết có cuộc Liên hoan ca trù Hà Nội diễn ra với quy mô cấp thành phố, tôi đã lên mạng tìm thông tin, hỏi một vài người trong nghề về lịch cụ thể và ngày giờ diễn ra Liên hoan. Câu trả lời tôi nhận được đó là không hề có bất cứ một thông tin tuyên truyền nào từ báo chí, từ nhà tổ chức (Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội) đến các đơn vị, cơ quan nghiên cứu liên quan. Với các nghệ nhân đang sống với nghề thì ngoài những người được thông báo trực tiếp để tham dự cuộc thi thì hầu hết đều mập mờ không rõ lắm về ngày giờ tổ chức; chỉ biết là có, sắp có, và ở đình làng Vạn Phúc.
Tôi gặp gỡ bạn bè, những người không liên quan đến lĩnh vực âm nhạc, những người làm doanh nghiệp, khi được tôi hỏi, có biết ca trù không? Người bảo: Biết! “Hồng Hồng, Tuyết Tuyết chứ gì?”; người thì bảo: Không! “Ca trù có giống hát Chèo không?”Hay có người thì lẫn lộn ca trù với xẩm, với chầu văn,... Đó là những người bạn, người anh, người chị ở lứa tuổi 30-45. Có một vài người lại rất thích nghe Đờn ca tài tử, Quan họ hay Chầu văn vì hay, vì vui, và vì trang phục còn đẹp nữa (đó là khi xem hầu đồng!). Còn với thế hệ trẻ hơn, khi tôi hỏi các bạn lại tỏ ra thờ ơ không mấy quan tâm, bạn nào biết, được nghe rồi thì chỉ buông một câu“Ca trù nghe buồn, với lại chẳng hiểu nên không thích nghe”. Ca trù buồn, não nề, khó hiểu, là những câu cửa miệng khi tôi hỏi những người có phân biệt được đâu là ca trù.
Đình làng Vạn Phúc, nơi diễn ra cuộc Liên hoan ca trù Hà Nội, 8h sáng người dân sống tại làng Vạn Phúc đã tập trung khá đông. Do Liên hoan ca trù tổ chức vào giữa tuần (thứ 4) nên thanh niên, những người đang công tác đều phải đi học đi làm, khán giả chủ yếu là người già, trẻ nhỏ (chưa đến tuổi đi học) và những người buôn bán xung quanh Đình. Những khán giả không phải cư dân sinh sống tại làng Vạn Phúc thì hầu hết là các phóng viên các báo, đài và những người đang tìm hiểu, nghiên cứu về Ca trù.
Bác Hà Thị Tâm 65 tuổi cho biết, bác đã sinh sống ở làng Vạn Phúc được gần 30 năm nay và đây là lần đầu tiên bác được xem biểu diễn ca trù. “Xem vậy thôi chứ không hiểu họ hát cái gì, thấy bài nào cũng giống giống nhau nên chưa thấy hay”. Còn bác Nguyễn Trọng Đại 72 tuổi thì hiểu hơn đôi chút, bác kể: “Ngày xưa, khi tôi còn nhỏ, tôi sống ở trên phố Hàng Đậu cũng được biết hát này là hát bàn đèn, chỉ người có tiền mới được nghe thôi, hồi đó những cô đi hát thế này người ta gọi là cô đầu hát. Giờ thỉnh thoảng cũng thấy hát ở trên ti vi chứ chưa được xem trực tiếp như thế này bao giờ.”. Những người trẻ tuổi hơn như chị Đặng Minh Lương 38 tuổi, là chủ một sạp hàng của chợ lụa Vạn Phúc cho hay “Chị thấy loa đài nhạt nhẽo thì đến xem. Chưa nghe hát ca trù bao giờ, nhưng thấy không thích bằng xem hầu đồng vì có nhảy múa”. Hỏi thêm một vài cô bác bên cạnh tôi thì câu trả lời tôi nhận được cũng tương tự như vậy, hầu hết họ chưa biết ca trù là thế nào bởi những buổi biểu diễn họ được xem và thích xem chủ yếu là hầu đồng (hát văn).
Trong khuôn khổ của cuộc liên hoan, với tâm huyết của các nghệ nhân dân gian và với sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, liên hoan đã đạt được một số mục đích ban đầu đề ra của ban tổ chức như: Tìm kiếm và bồi dưỡng hạt nhân, chú trọng công tác đào tạo biểu diễn, nâng cao chất lượng đào tạo, biểu diễn của các giáo phường, các câu lạc bộ ca trù tại cơ sở, tạo điều kiện để các địa phương quan tâm tới đội ngũ nghệ nhân dân gian, diễn viên không chuyên. Tuy nhiên, có một vài vấn đề khi chúng ta kêu gọi bảo tồn, gìn giữ giá trị của di sản, quảng bá nghệ thuật ca trù mà thứ công cụ truyền thông hữu hiệu nhất là đài báo thì không hề có một thông tin gì về ca trù trước khi liên hoan ca trù cấp thành phố diễn ra. Lượng khán giả quan tâm đến ca trù còn ít có lẽ bởi việc thưởng thức ca trù là “nghe hát” chứ không phải “xem hát”; người hát ca trù không biểu diễn, không múa, không trang phục đạo cụ nhiều như những loại hình nghệ thuật khác. Địa điểm tổ chức liên hoan theo tôi thì phù hợp về thời gian, không gian nhưng chưa phù hợp về nhu cầu thưởng thức của khán thính giả tại địa phương.
Vẫn biết ca trù là loại hình nghệ thuật truyền thống mang tính bác học. Để nghe, để thưởng thức được loại hình nghệ thuật này đòi hỏi con người ta phải thực sự hiểu, thực sự yêu thích. Các chương trình biểu diễn hay sinh hoạt của các nghệ nhân ca trù chỉ biểu diễn hạn chế ở các chương trình mang tính hàn lâm, dành cho những người hiểu, các nhà nghiên cứu, những người yêu thích và khách du lịch nước ngoài muốn tìm hiểu văn hoá Việt Nam. Việc đưa ca trù lan tỏa sâu hơn vào đời sống cộng đồng hiện nay có lẽ là một bài toán khó, song không hẳn là không có giải pháp. Ở đây tôi không đề xuất giải pháp để phổ biến ca trù ra cộng đồng như những loại hình nghệ thuật khác mà là nâng cao giá trị của nó trong đời sống xã hội hiện nay. Dưới đây tôi xin mạn phép gợi ý một vài giải pháp có thể đưa ca trù đến gần hơn với đời sống của người dân Hà Nội.
- Ca trù được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại. Để việc bảo lưu, trao truyền và gìn giữ di sản này bằng các lớp thực hành, truyền dạy thì việc cần làm là hỗ trợ đời sống của các nghệ nhân để họ chuyên tâm với nghề.
- Ca trù thời xưa là sân chơi cho giới trí thức, giới có tiền. Vậy tại sao chúng ta không tạo ra một sân chơi với người chơi riêng của nó như ca trù xưa? Để làm được như vậy thì đòi hỏi các nghệ nhân, các ca nương phải biết ứng tác thơ, ứng tác tại chỗ. Có thể kết hợp với các câu lạc bộ thơ văn để tổ chức.
- Thường xuyên tổ chức các cuộc liên hoan, cuộc gặp gỡ ở các địa điểm khác nhau, điều này tạo điều kiện để các nghệ nhân và những người thực hành ca trù được giao lưu học hỏi.
- Giới thiệu về ca trù với công chúng, khách du lịch quốc tế bằng các hoạt động biểu diễn tại các tụ điểm văn hóa du lịch.
- Cập nhật tình hình biểu diễn, hội diễn tới công chúng bằng các hình thức quảng bá từ báo, đài,...
Ca trù cũng như các loại hình di sản khác, cần có được sự quan tâm, sự kế thừa, sáng tạo để khán thính giả trong và ngoài nước thấy rõ cái hay cái đẹp của loại hình nghệ thuật này. Mong rằng các cấp lãnh đạo, các nhà quản lý quan tâm thực sự và có những việc làm thiết thực để góp phần bảo tồn và phát huy vốn di sản này trong đời sống cộng đồng, góp phần gìn giữ tinh hoa hồn cốt của văn hóa dân tộc.
(Nguồn: http://www.vienamnhac.vn)