Một số nét khái quát về âm nhạc Hò sông Mã

06/12/2016

Âm nhạc trong Hò sông Mã gắn liền với nhịp điệu lao động và tổ chức công việc của con đò; được định hình sớm thành bài bản, có mối quan hệ chặt chẽ với nhau giữa phần xướng và phần xô cũng như tổng thể các bài hò với một khối lượng làn điệu phong phú dồi dào.

Hò sông Mã là một trong những loại hò sông nước của cộng đồng người Việt, là “đặc sản” không đâu có của người xứ Thanh; nó có những đặc tính chung nhất của hò sông nước nhưng do điều kiện địa lý, dòng chảy qua vùng đất có nhiều sự kiện lịch sử, qua các vùng miền văn hóa của cả nước, đặc biệt là yếu tố thương mại trên vùng đất đã từng là một trong những cái nôi của nền văn hóa lớn của cả dân tộc ta, nên Hò sông Mã có những nét riêng, sâu đậm bản sắc dân tộc, vừa dân dã lại vừa có tính bác học.

Âm nhạc Hò sông Mã gắn liền với nhịp điệu lao động và tổ chức công việc của con đò - từ chỗ chưa định hình, một vài người chèo chống tự nhiên với đoạn đường sông hạn hẹp, dần dần phát triển thành con đò dọc có biên chế năm người, một người bắt cái và bốn người hốp đò. Những bài hò cũng xuất phát từ công việc chèo chống, cập bến, vượt thác ghềnh, mắc cạn phải kéo, vác…Lời ca của nó chủ yếu là thơ lục bát do các trai đò ứng tác hoặc vay mượn trong các dân ca, ca dao ở các vùng miền khác nhau. Cho đến nay đã có tới hàng vạn câu hò trong mọi tình huống mà con đò đã trải qua, với một khối lượng làn điệu phong phú dồi dào, có đan xen giữa nhịp điệu lao động và một số làn điệu trữ tình như: hò ru ngủ, hò làn văn…Có thể nói, những trai đò, với tư cách là người “sáng tác dân gian” đã làm nên lịch sử dân ca, diễn xướng Hò sông Mã, còn lưu giữ đến ngày nay.    

Về giai điệu trong Hò sông Mã   

Nhạc sĩ Hoàng Sâm cho rằng: Trong Hò sông Mã, cách tiến hành giai điệu nhảy quãng là phổ biến nhất, quãng 5 đúng đi lên rồi phản hồi về quãng 5 đúng. Tần suất của các quãng 4 đúng, 3 Trưởng, 2 Trưởng thường được xuất hiện nhiều, còn các quãng 2 thứ thì ít hơn. Nhìn chung, hầu hết các quãng đều nằm trong thang âm của điệu thứ 5 âm. Bên cạnh đó, Hò sông Mã còn được sử dụng thủ pháp kết hợp giữa lối nhảy quãng với kiểu liền bậc hoặc ngược lại, ví dụ:

Hò xuôi nhịp đôi II

Ngoài ra còn có kiểu tiến hành quãng đồng âm để tăng sự thúc giục hoặc ai oán:

Hò đò ngược

Một đặc điểm rõ nét trong Hò sông Mã là rất “tiết kiệm” các âm khác nhau trong một bài hò, nhưng do cấu trúc quãng phong phú kết hợp với tiết tấu đồng bộ và đa dạng đã mang tính hình tượng cao, miêu tả được nỗi khó khăn cực nhọc, những thác ghềnh và sự hòa đồng giữa con người với thiên nhiên, với một âm vực khá rộng:

Cuối cùng, để tạo ra một giai điệu hoàn chỉnh của bài hò, thông thường khi phát triển câu nhạc, đoạn nhạc sẽ xuất phát trên một chủ đề chính (được lấy từ phần xô ra) kết hợp với các yếu tố phụ để hình thành phần xướng. Và cũng như các loại dân ca Việt Nam khác, trong Hò sông Mã có sử dụng nhiều âm trang sức như các nốt luyến láy, các nốt lấy đà, các nốt thêu lướt… Những từ đệm, lấy đà thường là các từ như: ới, i, í, mà, là, thì, để, ê, ế, chớ, mấy, hỡi tình…nhằm để cho dễ hát, bù vào những chỗ thiếu nhịp tạo cầu nối cho hợp lý hoặc làm giàu thêm cho âm điệu hò. Có thể nói, âm trang sức đóng vai trò quan trọng tạo nên vẻ đẹp của câu hò. Ngoài ra, nó là tín hiệu độc đáo để định rõ dân ca vùng miền khi được kết hợp với các quãng đặc trưng.

Về Thang âm - Điệu thức

Theo GS.TS Phạm Minh Khang: Qua thang âm, điệu thức của mỗi quốc gia, vùng miền, chúng ta có thể hiểu và cảm nhận được những nét đặc trưng về ngôn ngữ độc đáo của nền âm nhạc dân gian ở nơi đó. Trên cơ sở của thang âm, điệu thức, chúng ta có thể hiểu được lịch trình hình thành và phát triển của các giai tầng dân ca, các phương tiện biểu hiện như: cấu trúc, thể loại, âm điệu đặc trưng, tính thẩm mỹ và cuối cùng là sự tiếp cận tương hỗ đa chiều của những dòng âm nhạc truyền thống để tạo ra cái sắc thái bản địa tiêu biểu và độc đáo. Thật vậy, đối với các bài Hò sông Mã, đã hình thành nên những thành tố chung và riêng về tổ chức âm thanh. Nhìn chung là những thang âm đang hình thành điệu thức năm âm. Bên cạnh đó còn thấy xuất hiện điệu thức Oán, đó là điệu thức ra đời muộn hơn nhưng lại mang bản sắc riêng của người Việt. Dường như hệ thống ngũ cung lâu đời của dân tộc Việt được vận dụng cả vào đây.

Ví dụ theo Nhà nghiên cứu, phê bình âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu:

3 âm

g-c-es

Sắng đò ngược

4 âm

g-a-c-d
g-b-c-d
g-c-d-e

Hò đường trường
Hò ru ngủ 
Hò xuôi nhịp đôi, Hò cập bến

5 âm

g-a-c-d-e (Bắc) 
g-b-c-d-f (Nam) 
g-b-c-d-e (Oán)

Hò vượt thác, Xuống chèo, Hò ru ngủ hành khách
Hò cập bến, Hò niệm Phật, Điệu chèo sâu, Điệu chèo cạn
Hò xuôi dòng, Hò làn vǎn, Hò xuôi ru ngủ

Có thể tóm lược ngắn gọn về thang âm - điệu thức trong Hò sông Mã là sự đơn giản được cô đúc theo nhịp điệu lao động và điều hạn chế đó không làm giảm tính phong phú đa dạng của Hò sông Mã. Âm nhạc Hò sông Mã đơn giản nhưng khá tinh tế, giàu hình tượng, cấu trúc câu, đoạn rõ ràng, có phần mở đầu, phần phát triển và phần kết.   

Tiết tấu -  nét độc đáo trong Hò sông Mã

Tiết tấu là sự tương quan trường độ của các âm thanh nối tiếp nhau, hay nói cách khác là thứ tự nhịp nhàng của các phách mạnh và nhẹ trong từng nhịp hoặc nhiều ô nhịp đem lại sự vận động và sức sống sinh động cho âm nhạc.

Khi nghiên cứu về tiết tấu trong dân ca người Việt, Phó Tiến sĩ lý luận âm nhạc Lê Sĩ Ánh (1942 - 1999) có viết: “Tiết tấu của toàn bộ dân ca người Việt mà chủ yếu tìm hiểu vấn đề cùng một lúc từ hai nhân tố chủ yếu hợp thành tiết tấu của một làn điệu: nhịp điệu ca từ và tiết tấu âm nhạc”.

Nét độc đáo nhất của Hò sông Mã là giai điệu uyển chuyển luôn gắn liền với tiếng giậm chân rộn rã lên mặt ván thuyền theo một âm hình tiết tấu không đổi nghe như nền đệm của nhạc cụ gõ. Có thể hình dung động tác đôi chân trong một chu kỳ tiết tấu: một chân bước lên giậm phách đầu kết hợp với động tác đưa toàn thân về phía trước đẩy chèo, chân kia giậm hai phách yếu rồi trụ lại ở phách mạnh trong lúc toàn thân ngả ra để kéo chèo về phía sau. Khi phát triển hạt nhân tiết tấu chỉ cần điểm thêm các phách yếu ở chân sau. Những làn điệu: Hò rời bến, hò lèo 2 (xuôi dòng), hò lèo 3 (xuôi dòng), hò niệm Phật, hò làn văn, hò làn ai, hò cập bến sẽ trở nên vô hồn nếu tách giai điệu ra khỏi nhịp chân có một không hai này. Về cơ bản, các âm hình tiết tấu của Hò sông Mã là những loại hình tiết tấu lao động giản đơn, ví dụ như:  

(Hò cập bến)

(Thuộc nhóm tiết tấu cơ bản của dân ca người Việt).

Âm hình khá phổ biến dưới đây, được nhắc lại nhiều lần trong các bài hò:

(Thuộc hình tiết tấu cơ bản).

Dạng biến khác: Hò ru ngủ

Một đặc trưng về tiết tấu trong Hò sông Mã cũng cần phải đề cập đến, đó là sự biến tiết tấu thường nghiêng về phách yếu còn phách mạnh thường ổn định. Sự biến cả hai phách ít hơn là biến một trong hai phách. Ngoài ra, với biến tấu khá phong phú của Hò sông Mã, nhất là khi được kết hợp với lực độ tương đối lớn diễn ra trên sông nước với sắc thái và âm điệu hò đã hình thành một giai điệu khỏe khoắn, đầy sinh khí với ý nghĩa đầy đủ của niềm khát khao: con người làm chủ sông nước, quê hương.  

Trên cơ sở một số nét khái quát như đã nêu ở trên, chúng ta có thể thấy rằng, âm nhạc Hò sông Mã mang những nét đặc sắc rất riêng và vô cùng “đậm đà bản sắc dân tộc”. Có thể khẳng định, Hò sông Mã là một nét sinh hoạt văn hóa tinh thần không thể thiếu của người dân nơi đây. Hình thức diễn xướng dân gian này không những chỉ nhằm bộc lộ nỗi lòng mình với quê hương đất nước mà còn nhằm làm giảm bớt những gánh nặng nhọc nhằn trong cuộc sống. Với sức sống bền bỉ, sức lan tỏa mãnh liệt và lộ trình bảo tồn cụ thể, tin rằng Hò sông Mã không chỉ ngân lên trong niềm tự hào người dân xứ Thanh mà sẽ mãi trường tồn trong kho tàng dân ca và diễn xướng dân gian truyền thống của dân tộc./.  

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nhóm Lam Sơn (1965), “Dân ca Thanh Hóa”, Nhà Xuất bản Văn học.

2. Văn Hòe (1985), Báo cáo tại Hội nghị Sưu tầm, khai thác, phát triển vốn âm nhạc truyền thống.

3. Đào Việt Hưng (1999), “Tìm hiểu điệu thức dân ca người Việt Bắc Trung Bộ”, Nhà Xuất bản Âm nhạc.

4. Hoàng Sâm (2004), “Công trình nghiên cứu Âm nhạc Hò sông Mã”, Nhà Xuất bản Thanh Hóa.

5. Trần Hoàng Tiến (2007), “Nghệ thuật diễn xướng Hò sông nước Bắc Trung Bộ”, Luận án tiến sĩ, Viện Nghiên cứu văn hóa.

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...