Một số đặc điểm âm nhạc của ca khúc Hợp xướng Sài Gòn trong 40 năm qua

12/06/2015

 Cho đến năm 1975, hợp xướng tại Sài Gòn cũ đã được phát triển mạnh mẽ chủ yếu trong lãnh vực nhà thờ Công giáo hoặc được sáng tác bởi các tác giả là nhạc sĩ Công giáo. Trước đó, vào năm 1968, phong trào “Hát cho đồng bào tôi” nghe do nhạc sĩ Tôn Thất lập , Trưởng đoàn văn nghệ sinh viên học sinh Sài Gòn khởi xướng cùng với nhiều nhạc sĩ sinh viên khác đã làm nên dòng nhạc đặc biệt với những hành khúc được sử dụng để hát đơn ca, song ca hoặc hợp xướng. Sau năm 1975 là khoảng thời gian “nghỉ dưỡng” của âm nhạc hợp xướng tại thành phố. Các sáng tác và hoạt động biểu diễn gần như vắng bóng nếu không kể đến hoạt động của các ca đoàn trong các nhà thờ và chỉ bao gồm các bài thánh ca thuộc thể loại hợp xướng ngắn hoặc ca khúc được soạn lại để hát hợp xướng, gọi là ca khúc hợp xướng.

Với đặc điểm lịch sử riêng, đời sống xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh có khá nhiều thay đổi kể trong 40 năm qua. Âm nhạc hợp xướng cũng đã đi những bước thăng trầm tất yếu. Những biến đổi xã hội ở thành phố tác động nhất định đến ngôn ngữ âm nhạc của ca khúc hợp xướng. Cho đến nay đặc điểm của hợp xướng Việt Nam chỉ được đề cập một cách rải rác trong ít công trình khoa học, sách và tài liệu, chưa có tài liệu nào nghiên cứu một cách hệ thống, chi tiết về ngôn ngữ âm nhạc trong sáng tác hợp xướng.

Tổng quan về sự phát triển hợp xướng tại Tp. HCM từ sau 1975 đến nay

Giai đoạn 5 năm đầu (1975 - 1980)

Nét đặc biệt về hoạt động âm nhạc ở giai đoạn 5 năm đầu sống trong xã hội mới của thành phố là phong trào văn nghệ quần chúng. Nhiều nhạc sĩ, ca sĩ tên tuổi của thành phố hiện nay đã xuất thân từ các hoạt động văn nghệ quần chúng trong những năm đầu sau giải phóng.

Trong lãnh vực sáng tác và biểu diễn hợp xướng, có thể kể đến Vũ Đình Ân, Viết Chung,… là các nhạc sĩ viết khá nhiều hợp xướng xuất thân từ phong trào văn nghệ quần chúng. Sự phát triển song song nhưng có kết hợp giữa hợp xướng Công giáo và thế tục là nét đặc biệt của hoạt động hợp xướng ở thành phố trong giai đoạn này và kéo dài đến các giai đoạn sau. Nổi bật nhất là các liên hoan hợp xướng như “Nụ cười hồng” (do Hội liên hiệp Thanh niên và Ủy ban Đoàn kết Công giáo Tp.HCM kết hợp tổ chức), “Liên hoan hợp xướng Tp.HCM” được tổ chức theo định kỳ 2 năm đã góp phần đưa loại hình hợp xướng đến với đông đảo quần chúng.

Giai đoạn từ 1981 đến 1997

Một sự kiện có ảnh hưởng lớn đến hoạt động hợp xướng thế tục tại thành phố là “Trường Quốc gia Âm nhạc thành phố HCM” (sau ngày 30-4-1975) được đổi tên thành “Nhạc viện thành phố HCM” vào năm 1981. Từ đây nhiều thế hệ hợp xướng viên, nhạc sĩ sáng tác cho hợp xướng và chỉ huy hợp xướng đã góp phần đáng kể cho sự phát triển loại hình hợp xướng của thành phố theo hướng chuyên nghiệp hơn.

Trong giai đoạn 5 năm lần thứ hai sau ngày giải phóng hoạt động hợp xướng dần dần bước đi độc lập khỏi phong trào văn nghệ quần chúng để có những đóng góp lớn đáp ứng nhu cầu tinh thần ngày càng tăng của người dân thành phố. Các liên hoan hợp xướng ngày càng được nhiều đơn vị tham gia, mà số đông vẫn là các ca đoàn nhà thờ. Lúc này, đời sống kinh tế của thành phố cũng như trên cả nước ngày càng khó khăn, ảnh hưởng không ít đến hoạt động của hợp xướng, một thể loại đòi hỏi phải tập trung số người hát đông, phải mất nhiều thời gian, công sức luyện tập và cần phải có sự đầu tư thích đáng của chính quyền các cấp. Ngoài ra, đề tài của hợp xướng thường là ngợi ca, chính luận, hoàn toàn tương phản với đề tài của những ca khúc chính trị vốn gần gũi hơn với đời sống thường ngày của quần chúng; những đơn vị nghệ thuật của phong trào ca khúc chính trị có biên chế gọn nhẹ phù hợp với trào lưu nhạc tiết tấu sôi động. Dần dần đến cuối giai đoạn này hợp xướng không còn là món ăn tinh thần được quần chúng ưa thích và chỉ góp phần trong những lễ hội mang tính quy mô, hoành tráng, nhưng không diễn ra thường xuyên.

Giai đoạn từ 1998 đến những năm gần đây

Kể từ năm 1998, với Nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII và sự đầu tư của Thành ủy và Ủy ban Nhân dân Thành phố, của Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật, trong đó có Hội Âm nhạc Thành phố hoạt động hợp xướng tiếp tục được duy trì và phát triển. Tuy nhiên sự phát triển ấy chưa mang tính bền vững, nhất là khi có sự bùng nổ của các loại nhạc thị trường. Đánh dấu cho sự suy thoái về hoạt động biểu diễn hợp xướng của giai đoạn này là sự kiện “Liên hoan hợp xướng Thành phố” vốn được Trung tâm Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hai năm một lần từ những giai đoạn trước đã phải tạm ngừng sau lần tổ chức vào năm 2006.

Đến năm 2009, hoạt động hợp xướng tại thành phố Hồ Chí Minh có dấu hiệu hồi phục với Liên hoan hợp xướng “Những bài ca dâng Đảng” được tổ chức vào cuối năm và dành riêng cho giới sinh viên, học sinh các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố. Lúc này đã có sự quan tâm hơn của chính quyền thành phố. Một sự kiện khác cho thấy dấu hiệu hồi phục của hợp xướng tại tác phẩm là Liên hoan hợp xướng Nụ cười hồng” được tổ chức trở lại từ 8-12 đến 15-12-2011 tại Nhà thiếu nhi Quận Thủ Đức, nơi đăng cai tổ chức các liên hoan hợp xướng trước đây của thành phố HCM.

Một số đặc điểm âm nhạc trong ca khúc hợp xướng được sáng tác hoặc biểu diễn tại Tp. HCM sau năm 1975 đến nay

Về hình thức và thể loại, các tác phẩm hợp xướng tại thành phố Hồ Chí Minh sau năm 1975 thường có cấu trúc quy mô hơn, uyển chuyển và phong phú vì hợp xướng được dùng như phương tiện chuyển tải nhiều thông điệp về đời sống, chính trị và xã hội. Những thể loại thường được dùng để sáng tác như:

* Ca khúc hợp xướng: là những bản hợp xướng ngắn độc lập, không là thành phần của một tác phẩm thuộc thể loại lớn như opera, ballet,... Những ca khúc hợp xướng này thường mang hình thức: một đoạn đơn hoặc một đoạn đơn lặp lại có biến đổi: A – A'. Ví dụ: “Tiếng chày trên sóc Bom bo” (Xuân Hồng, soạn cho hợp xướng: Minh Cầm), “Trống Cơm” (Dân ca Việt Nam, soạn cho hợp xướng: Bình Trang), “Cái nón xinh xinh” (thơ: Trần Thị Nhật Tân – nhạc: Võ Lộc); hoặc phần hợp xướng có nhiều bè đan xen với những đoạn lĩnh xướng khác nhau. Những đoạn lĩnh xướng này có thể là đơn ca (solo) hay do một nhóm đảm nhiệm (soli). Ngay cả phần hợp xướng nhiều bè cũng không nhất thiết phải lặp lại nguyên vẹn mà có thể biến đổi. Một số ca khúc hợp xướng thuộc loại này như: “Việt Nam tiếng hát trái tim ta” (Ca Lê Thuần, 1975), “Biết ơn chị Võ Thị Sáu” (Nguyễn Đức Toàn; soạn cho hợp xướng: Bình Trang, 1976), “Ca ngợi thành phố Hồ Chí Minh” (thơ: Tuấn Phong – nhạc: Võ Lộc, 1981), “Bến cảng chiều về” (Vĩnh Lai, 1985),“Hai mươi tuổi xuân thì”(Trần Anh, 1995),”Sài Gòn tình ca” (1995, Vĩnh Lai), “Đón xuân về” (Lê Quang Vũ, 2012).

* Bản hợp xướng A cappella

Nổi bật nhất trong thể loại này là bản hợp xướng “Đi chợ hoa” (Nguyễn Văn Nam), “Bài ca Hồ Chí Minh” (Vĩnh Lai). Gần đây có bản hợp xướng a cappella “Cánh Cò Quê” (Lê Quân, 2011) đã được phổ biến trên các sóng phát thanh và truyền hình tại thành phố. Và hiện nay (9/2013), bản hợp xướng “Hát lời chiêm bao” (thơ: Đặng Tấn Tới, nhạc: Tôn Thất Lập, phối hợp xướng a cappella: Lê Quang Vũ) vừa được hoàn tất và chuẩn bị công diễn lần đầu.

* Bản hợp xướng từ các thể loại lớn

Tuy các bản hợp xướng này lớn, không phải ca khúc hợp xướng nhưng được trích dẫn từng phần để biểu diễn độc lập như một ca khúc hợp xướng và hơn nữa góp phần lớn tạo nên ngôn ngữ âm nhạc riêng cho các tác giả. Chúng ta có thể kến đến:

Hợp xướng nhiều chương như: “Mùa Xuân” (Nguyễn Văn Nam) gồm 3 chương: Andante cantabile - Mừng xuân về ; Allegretto non troppo – Đi chợ hoa và Moderato – Xuân về miền Nam nhớ Bác. Các bản hợp xướng nằm trong thể loại lớn như: trong thanh xướng kịch “Hát cho đồng bào tôi nghe” (Nguyễn Văn Nam, 1995), trong giao hưởng hợp xướng có: “Trở lại Trường Sơn” (Thế Bảo, 2004), “Bài ca tháng năm” (Hoàng Cương, 2008), ca khúc hợp xướng “Bọn sát nhân”, “Những người du kích và lời kêu gọi bên tháp canh” trong giao hưởng hợp xướng “Trẻ con Mỹ lai” (Lê Quang Vũ, 2008); các bản hợp xướng trong opera “Người giữ cồn” (Ca Lê Thuần).

* Trường ca

Các trường ca thường gồm nhiều phần hay chương như: “Truyện Kiều” (Vũ Đình Ân, 1998), “Mẹ Quê hương” (Nguyễn Bách, 2003). Cũng thuộc thể loại trường ca nhưng có sáng tạo mới thành liên khúc hợp xướng Nữ như “Thác nước” (Nguyễn Văn Nam, 1995).

Về giai điệu, các tác giả thường ít để ý đến khả năng diễn tả của quãng nhạc (tâm lý quãng nhạc hay sắc thái quãng nhạc) khi xây dựng giai điệu. Trong nhiều trường hợp, ca từ và giai điệu mâu thuẫn nhau về nội hàm diễn tả. Ví dụ trong những đoạn nhạc cần diễn tả tâm tình êm ái, du dương, với ca từ trữ tình mà lại xây dựng giai điệu gồm nhiều quãng 3, quãng 4, quãng 5 gần nhau. Hoặc ở những nội dung bi hùng với ca từ đượm màu sắc đấu tranh mà lại xây dựng giai điệu gồm những quãng liền bậc hoặc quãng 2 đan xen với quãng 3.

Từ một hay nhiều motiv, các tác giả thường sử dụng một số thủ pháp phát triển giai điệu quen thuộc như: nhắc lại nguyên vẹn, nhắc lại có biến đổi, các hình thức mô phỏng (đơn giản lên hoặc xuống, mở rộng hoặc rút ngắn độ dài của motiv, tăng hoặc giảm trường độ nốt nhạc,…). Những thủ pháp phát triển như: mô phỏng soi gương (hay ngược hướng, hoặc đảo quãng), đọc ngược nốt nhạc,… rất ít được sử dụng.

Trong ca khúc hợp xướng, sự sáng tạo về tiết tấu khá phong phú. Thường gặp các kiểu tiết tấu sau: tiết tấu lặp lại, tiết tấu lặp lại có biến đổi, tiết tấu lặp lại từng phần, đổi nhịp, đa tiết tấu, tiết tấu tự do, tiết tấu không chia thành ô nhịp.

Việc sử dụng hòa âm trong ca khúc hợp xướng rất phong phú, tự do sáng tạo. Các tác giả đã có nhiều thử nghiệm với hòa âm của thế kỷ XX, thậm chí dùng cả những hợp âm cấu trúc trên quãng 4. Họ còn sử dụng nhiều kỹ thuật đối âm hơn.

Từ sau năm 1975 đến nay, trải qua nhiều giai đoạn phát triển, đời sống xã hội ở thành phố Hồ Chí Minh ngày càng được ổn định và thay đổi theo hướng đi lên hòa nhập với các thành phố lớn trong khu vực và trên thế giới. Sự thay đổi đó làm nền tảng cho các hoạt động văn hóa nghệ thuật phát triển trong đó có nghệ thuật hợp xướng. Ở nghệ thuật này hoạt động sáng tác và biểu diễn có một mối quan hệ hỗ tương chặt chẽ. Khi nói về tình trạng phát triển còn nhiều vấn đề của nghệ thuật hợp xướng, người sáng tác cho rằng khuyết điểm nằm ở khâu dàn dựng, biểu diễn, đầu tư nhiều công sức để sáng tác cho tốt nhưng cơ hội biểu diễn là “may, rủi”. Trong khi đó người tham gia hoặc tổ chức biểu diễn lại cho rằng nghệ thuật hợp xướng chưa phát triển được nhiều vì thiếu tác phẩm tốt. Cần có sự đầu tư đúng mức để có được những lực lượng biểu diễn hợp xướng thật sự hoạt động thường xuyên để các sáng tác hợp xướng có cơ hội phát triển và đi đến với công chúng. Các sáng tác ca khúc hợp xướng cần có ca từ, giai điệu dễ đi vào lòng người hơn. Những thử nghiệm về ngôn ngữ âm nhạc cần phải bám thực tế cảm thụ âm nhạc của công chúng. Việc phát triển hợp xướng nhất là trong môi trường giáo dục sẽ đem lại những kết quả tích cực không chỉ cho người tham gia mà còn cho toàn xã hội.

(Nguồn: Tạp chí Âm nhạc Việt Nam)

Tin liên quan

23/02/2021
Ca ngợi Hồ Chủ tịch là một trong những bài hát hay nhất về lãnh tụ Hồ Chí Minh của cố nhạc sĩ Văn Cao, cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam. Giai điệu ca khúc hào sảng, sang trọng toát lên thần thái vĩ đại của lãnh ...
23/02/2021
“Việc ra mắt tác phẩm “Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong, Tác phẩm-tác giả” chính là dịp chúng ta Trả lại tên cho Ông. Bởi cho đến nay vẫn nhiều người vẫn không biết nhà soạn kịch Nguyễn Trung Phong chính là tác giả của giai điệu nổi tiếng Giận ...
23/02/2021
Ca khúc Hành khúc Tổng cục Chính trị được nhạc sĩ Đức Trịnh viết vào năm 2014, đúng dịp kỉ niệm 70 năm ngày truyền thống Tổng cục Chính trị (TCCT). Ca khúc này đã được chọn làm ca khúc chính thức của TCCT và được biểu diễn trong Lễ kỉ niệm ...
21/02/2021
Hai ca khúc “Đại thi hào Nguyễn Du” và "Phiêu bồng trần gian" mở đầu và kết lại bộ phim được đầu tư 15 tỷ đồng, nhân dịp kỷ niệm 255 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của vị danh nhân văn hóa này.