Một sai lầm

11/05/2016

Với sự cô đọng về quy mô và nội dung, thể loại âm nhạc viết cho dàn nhạc thính phòng của các nhà soạn nhạc lớn như Mozart, Brahms và Schumann… đã thu hút sự chú ý của cả giới sáng tác lẫn thính giả. Nhưng đó chỉ là chuyện của quá khứ bởi giờ đây, nhiều nhạc sĩ chỉ sáng tác những tác phẩm dành cho các dàn nhạc giao hưởng quy mô lớn. Đó thực sự là một sai lầm.

Khi đề cập đến việc biểu diễn một tác phẩm viết cho dàn nhạc, nhạc trưởng Thomas Beecham từng nói: “Có hai quy tắc vàng cho một dàn nhạc: bắt đầu cùng nhau và kết thúc cùng nhau. Công chúng chẳng bao giờ la ó giữa chừng đâu.” Cũng là một nhạc trưởng, với tôi, nhiều lời nói của Sir Thomas Beecham là “khuôn vàng thước ngọc”, nhưng thú thật trong trường hợp này thì ông đã nhầm. Công chúng thấu hiểu chất lượng buổi biểu diễn – không chỉ ở độ hay, hay dở của tác phẩm mà còn cả ở sự tinh tế của âm thanh mà dàn nhạc đem lại. Điều đó càng rõ ràng hơn với Royal Northern Sinfonia, dàn nhạc mà tôi dẫn dắt, vì nó là dàn nhạc thính phòng.

Lớn lên tại Düren, Đức, tôi thậm chí chỉ biết đến dàn nhạc thính phòng ở tuổi đôi mươi. Giờ đây, sau khi trở thành một nhạc trưởng, trải qua quá trình say mê khổ luyện, tôi mới biết nó lại tuyệt vời và đầy sức sống như thế nào.

Ở thời Mozart, một dàn nhạc thính phòng với số lượng nhạc công khoảng 30 người khi đó đã được coi là một dàn nhạc thực thụ rồi. Ngày nay chúng ta đều cho rằng, sự hoành tráng mới là điều quan trọng, vì vậy một cách vô thức ai cũng bị ám ảnh bởi những thứ to lớn trong ngành giải trí, đơn cử như những bộ phim bom tấn về các con tàu vũ trụ khổng lồ cùng các hiệu ứng đặc biệt về âm thanh và hình ảnh của nó. Trong âm nhạc cổ điển, xu hướng đó cũng xuất hiện với những dàn nhạc giao hưởng ngoại cỡ với ít nhất là 90 nhạc công khi trình diễn các tác phẩm đồ sộ của Mahler, Bruckner và Wagner.

Đó thực sự là một cách hiểu sai lầm về bản chất của âm nhạc. Biểu diễn âm nhạc, dù với nghệ sĩ độc tấu, nhóm tam tấu, tứ tấu, dàn nhạc thính phòng hay dàn nhạc giao hưởng, cần chú trọng tới sinh lực nội tại và cá tính của bản thân tác phẩm âm nhạc hơn là âm lượng. Chẳng hạn theo cảm nhận của tôi, Claudio Arrau ở tuổi ngoài 80 khi chơi bản sonata Appassionata của Beethoven chưa bao giờ vượt quá âm lượng mạnh trung bình (mezzo-forte) nhưng độ mãnh liệt trong thanh âm mà ông tạo ra lại lớn đến mức truyền sức sống và những kịch tính nội tâm cho cả khán phòng.

Những gì bạn nhận được từ một dàn nhạc thính phòng cũng tương tự như vậy. Bạn có thể nghe thấy mọi chi tiết lắng đọng trong lối chơi của mỗi nhạc công, và qua đó theo cách này hoặc cách khác, mỗi nhạc cụ như các kèn oboe, bassoon, clarinet, bè violin… đều có các cuộc đối thoại, cứ như thể một sân khấu opera ở trước mặt bạn. Tất cả cùng xuất hiện một cách sống động và kể câu chuyện của mình.

Thế nhưng giờ đây dàn nhạc thính phòng lại hay phải nhường ánh đèn sân khấu cho những người anh em họ có quy mô lớn hơn. Các nhà soạn nhạc ngày nay thường có xu hướng muốn mở rộng dàn nhạc thông qua những tác phẩm hoành tráng. Đó là một sai lầm nghiêm trọng, không chỉ ở khía cạnh tiềm năng biểu diễn mà còn ở khía cạnh phát triển nghệ thuật sáng tác của nhà soạn nhạc, bởi vì dàn nhạc thính phòng có liên quan rất chặt chẽ với tất cả mọi thể loại khác, từ opera tới những thể loại khí nhạc quy mô nhỏ; nhất là cảm giác nội tại về cấu trúc tác phẩm.

Ngoài ra, trong thời đại luôn đòi hỏi lối sáng tác mới như hiện nay, khi các nhà soạn nhạc thử nghiệm một tác phẩm mới viết cho dàn nhạc thính phòng, rõ ràng chi phí dàn dựng giảm hơn là tác phẩm giao hưởng đồ sộ, vốn luôn đi kèm với khán phòng khổng lồ, những yếu tố góp phần gia tăng độ rủi ro về kinh tế.

Chúng tôi sát cánh với các nhà soạn nhạc và ngược lại, chỉ có âm nhạc của họ mới là nguyên nhân để chúng tôi tồn tại. Đó là lý do giải thích tại sao, chúng tôi tổ chức một cuộc thi sáng tác những tác phẩm cho dàn nhạc giao hưởng theo quy mô Mozart dành cho các nhà soạn nhạc trẻ mang tên “Những Mozart của ngày mai”. Buổi hòa nhạc diễn ra vào ngày 22/01/2016 tại Sage Gateshead với tác phẩm của những người thắng cuộc. Ở đó, khán giả được đưa vào thế giới đặc biệt của tác phẩm viết riêng cho dàn nhạc kiểu Mozart.

Ngọc Anh lược thuật

Nguồn:http://www.theguardian.com/music/2016/jan/20/lars-vogt-chamber-orchestra...

Không Mozart là đời trống rỗng

 

Không Mozart là đời trống rỗng” và “Hãy để âm nhạc đi vào cuộc sống của bạn” là những dòng chữ nguệch ngoạc tựa như nghệ thuật graffiti xuất hiện trên trang chủ website cá nhân của Lars Vogt, một trong những nghệ sĩ piano hàng đầu của thế hệ mình. Mặc dù say mê Beethoven và Schubert nhưng anh vẫn dành một tình cảm đặc biệt cho Mozart.

 

Sinh ra tại thị trấn Düren nước Đức vào năm 1970, Vogt bắt đầu học piano ở tuổi lên sáu. Vogt được công chúng chú ý đến lần đầu khi giành giải nhì Cuộc thi piano quốc tế Leeds năm 1990. Từ đó, anh trở thành nghệ sỹ độc tấu tên tuổi với danh mục biểu diễn trải rộng từ thời kỳ Cổ điển (Mozart, Beethoven, Schumann, Brahms) qua thời kỳ Lãng mạn (Grieg, Tchaikovsky, Rachmaninov) và tới tận thế kỷ 20 với Lutoslawski.

 

Năm 1998, Vogt thành lập liên hoan âm nhạc thính phòng Spannungen (Điện áp) được tổ chức tại một

 

trạm thủy điện ở thị trấn Heimbach. Mỗi năm một lần, hiệp hội nghệ thuật địa phương và các tình nguyện viên lại biến trạm thủy điện đang hoạt động thành một phòng hòa nhạc với sức chứa 550 chỗ ngồi. Liên hoan thường niên này thành công tới mức vé thường được bán hết chỉ trong vòng nửa giờ sau khi mở bán trên website và hãng EMI đã phát hành được 10 bản thu âm trực tiếp chương trình. Anh cũng thành lập tổ chức mang tên “Rhapsody in School” nhằm giới thiệu âm nhạc cổ điển cho học sinh phổ thông.

 

Trong sự nghiệp danh tiếng của mình, Lars Vogt đã biểu diễn cùng nhiều dàn nhạc lớn của thế giới như Berlin Philharmonic, Vienna Philharmonic, London Symphony Orchestra, New York Philharmonic, NHK Symphony và Orchestre de Paris, cộng tác với các nhạc trưởng danh tiếng như Simon Rattle, Mariss Jansons, Claudio Abbado và Andris Nelson.

 

Hiện nay, Lars Vogt làm việc nhiều với các dàn nhạc cả trong vai trò nhạc trưởng. Việc đảm nhận vị trí giám đốc âm nhạc của Dàn nhạc Royal Northern Sinfonia tại Sage, Gateshead vào tháng 9/2015 là một bước phát triển mới trong sự nghiệp của anh. Với chuỗi hòa nhạc về Mozart như “Mozart in Paris”, “Mozart in Prague”, “My Mozart Matinee”..., Lars Vogt cùng dàn nhạc thính phòng của mình tiếp tục hành trình khảo sát lại nhiều khía cạnh trong thế giới âm nhạc của Mozart.

 

NA9 tổng hợp

(Nguồn: http://www.tiasang.com.vn)

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...