Một lát cắt của “âm nhạc mới”
Sáng nay có chút thời gian rảnh, chạy sang phòng hoà nhạc nhỏ của Học viện Âm nhạc quốc gia, nơi đang diễn ra festival âm nhạc mới Á-Âu lần thứ 2.
Âm nhạc mới nên tất nhiên mọi thứ đều rất hiện đại: thủ pháp, hoà thanh, cấu trúc, đến cả kỹ thuật cũng hiện đại.....Những quãng tăng quãng giảm được sử dụng liên tục tạo độ căng, những nét lướt khắc khoải, những nốt búng bí ẩn, những câu nhạc ngắt đột ngột lo âu, sắc thái tương phản ở mỗi ô nhịp, những cái kết bất ngờ khiến đến cả các nghệ sĩ biểu diễn cũng dường như ngỡ ngàng. Có cảm giác các tác phẩm mới này đã phản ánh đúng tâm trạng của con người thời nay: tìm tòi, thử nghiệm, rồi hoang mang, hoài nghi. Vắng bóng những nét giai điệu mà nghe một lần là nhớ. Ngược lại, các tác giả như muốn người nghe đồng hành cùng những trăn trở, băn khoăn của họ.
Điểm sáng của chương trình là trio "Hai con đường" cho Violon-Viola-Violoncello của tác giả Kyuong Ja Kim (Korea). Tác phẩm này được trình diễn bởi ba nghệ sĩ đến từ Nga. Kỹ thuật điêu luyện cùng nhạc cảm "máu lửa" của họ đã khiến cho tác phẩm thêm phần hấp dẫn.
Đọng lại nhiều cảm xúc nhất là tổ khúc viết cho piano 4 tay của giáo sư Nguyễn Thuỵ Loan "Em yêu giai điệu tổ quốc em". Bà là nhà nghiên cứu âm nhạc cổ truyền Việt nam bậc nhất. Năm ngoái bà có rủ tôi cùng tham gia vào dự án "chuyển soạn các làn điệu dân ca Việt Nam cho piano", mà vì hoàn cảnh con nhỏ bận bịu tôi vẫn chưa dám nhận lời. Và hôm nay tôi đã được nghe một phần trong dự án của bà. Rất trong sáng, rất mượt mà, và đầy hơi thở hiện đại.
Hà nội sáng nay mưa nắng thất thường. Đi nghe nhạc mới về nhiều tâm tư ra trò. Chợt nhớ có một giai thoại vui thế này: một nghệ sĩ có tiếng biểu diễn một chương trình nhạc đương đại. Giờ giải lao, nghệ sĩ này chạy vào cánh gà, lắp bắp: "Cho tôi nghe Mozart... Cho tôi nghe Mozart...".
Không có ý gì, nhưng tôi cũng đi nghe Mozart đây.