Một góc nhìn nghiêng về cái bi trong ca khúc cách mạng

17/05/2017

Hơn bốn mươi lăm năm hình thành và phát triển, ca khúc cách mạng Việt Nam đã đóng góp một phần không nhỏ trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và giải phóng dân tộc. Cũng trên con đường ấy, nó đã để lại nhiều giá trị mang tính nhân văn, trong đó có cách thức tiếp cận cái bi dựa trên cơ sở của truyền thống văn hóa dân tộc; đề cao tính giáo dục và đặt tầng nền cho sự phát triển của ca khúc trong thời kỳ đổi mới hiện nay...

Xin được gợi nhắc, dòng ca khúc cách mạng Việt Nam là sản phẩm văn hóa của một thời đại mới - thời đại mà cả dân tộc ta đã cống hiến, hy sinh trong hai cuộc kháng chiến, nhằm giành lại sự thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, thực hiện cho được chân lý không có gì quý hơn độc lập tự do. Chính vì thế mà âm hưởng chủ đạo của ca khúc cách mạng là khúc hùng ca hào sảng, ngợi ca những chiến công, những kỳ tích anh hùng của dân tộc. Nhưng, không chỉ có vậy, khi nhìn nghiêng vào chiều sâu thẳm, nhiều ca khúc cách mạng vẫn chứa đựng cái bi: bi hùng, bi tráng. Vấn đề ở đây là cách nhìn nhận của các nhạc sỹ, và họ thể hiện cách nhìn ấy như thế nào để đáp ứng được nhu cầu của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ cả nước có chiến tranh.

Luận điểm của Aritstôt cho rằng: cái bi là trạng huống chuyển từ hạnh phúc sang bất hạnh. G.W.Ph. Heghen thì cho cái bi là một tất yếu, một định mệnh mà con người không thể tránh được. Nhà mỹ học dân chủ cách mạng Nga, Tsecnưsepxki lại nhìn nhận cái bi là một sự ngẫu nhiên.

Những luận điểm trên, khi thì chỉ đề cập tới hình thức bề ngoài (Aritstôt, Heghen), khi thì chưa chỉ ra được bản bản chất xã hội. Theo Mác cái bi có ba dạng, mà ở đây chúng tôi quan tâm tới dạng cái bi là bi kịch của cái mới.

Dẫu rằng, mỗi người có những luận điểm khác nhau, nhưng nhìn chung, khi nói đến cái bi, thì mọi luận điểm đều thống nhất: đó là một phạm trù mỹ học. Ngày nay, mọi người đều thống nhất, cái bi, nội hàm của nó phải mang bản chất của cái đẹp - cái đẹp bị thất bại hoặc hy sinh và tạo nên sự xót thương, đồng cảm cho một cộng đồng người.

Không chỉ hạn hẹp như thế, cái bi còn được mở ra với giới thuyết rộng hơn đó là, nỗi thống khổ, sự không trọn vẹn về tinh thần, thể xác và vật chất của con người. Cái chết, nỗi thống khổ của con người phải mang ý nghĩa thẩm mỹ. Nghĩa là, chết mà bất tử, nỗi thống khổ, đau thương, phải khơi gợi lên lòng tự hào, ít nhất là cho một nhóm người, một cộng đồng, và, rộng lớn hơn là cho cả dân tộc. Cái chết, nỗi đau thương, sự thống khổ của con người phải đặt ra được vấn đề cho cuộc sống, xã hội. Và như vậy thì, cái bi sẽ là đối tượng phản ánh của nghệ thuật. Đó là bài ca đau thương, sự nuối tiếc không gì bù đắp được, nhưng đồng thời, nó cũng là sự biểu cảm của cái cao cả, cái đẹp tác động trực tiếp vào tư tưởng tình cảm của con người xã hội.

Nhìn lại toàn bộ diện mạo của ca khúc cách mạng Việt Nam (1930 - 1975), trong những tráng ca hào sảng, ca ngợi chiến công oanh liệt của quân và dân ta qua hai cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại, vẫn lấp ló đâu đó cái bi - cái đau thương mất mát của con người Việt Nam. Lời ca của nhiều bài hát, không nhiều thì ít vẫn còn lại những dấu ấn về cái bi.

Cái bi kết hợp với cái hùng

Hơn 60 năm, chúng ta mới hiểu về sự logic trong lời bài Tiến quân ca của nhạc sỹ Văn Cao. Có lẽ quãng thời gian dài ấy, không ít người (nhìn bằng con mắt phi lịch sử) đã cho ông là khô cứng khi dùng những động từ mạnh trong lời ca "thề moi gan, uống máu quân thù (sau đổi là:đường vinh quang xây xác quân thù". Điều ấy, đã được hé mở qua lời ông bộc bạch cùng bạn bè, mà con trai ông đã nhớ: hồi đó, khi Văn Cao nhìn thấy từng chiếc xe bò chở xác những người chết đói đi qua phố, nỗi bi thương đè nặng tâm hồn ông [1]. Từ thực tế đó, và không thể nào khác được, lời ca của bài Tiến quân ca là sự phản ứng tức thời trước một hoàn cảnh cụ thể. Và, ở Văn Cao, ta còn gặp cái bi tương tự như vậy trong ca khúc Làng tôi (1947): "Ngày giặc Pháp tới làng diệt thôn. Đường ngập bao xương máu tơi bời. Đồng không nhà trống tàn hoang".

Không riêng gì Văn Cao, nhiều nhạc sỹ khác cũng đưa cái bi vào trong ca khúc. Nguyễn Xuân Khoát vẽ lại cảnh "Thánh đường tôn nghiêm. Giặc sàm tới chiếm gác cao đền thánh. Đặt súng thay chuông. Hung ác bạo cuồng, tàn sát dân lành..." (Tiếng chuông nhà thờ  - 1946). Rồi Nguyễn Đình Thi, là Hà Nội cháy lửa ngập trời, là Hà Nội bao nhiêu máu tưới đất này. Còn Nguyễn Văn Thương tiếp cận với cái bi của người dân mảnh đất Bình - Trị - Thiên: "lửa cháy ngút trời, máu nhuộm đồng xanh. Ôi! đau thương điêu tàn... Cát trắng ven làng máu hoen... Xót thương đàn em xác chìm dòng sông..."

Cái bi ở đây là sự điêu tàn, đau thương, tang tóc. Các nhạc sỹ đã nhìn nó với con mắt của đời sống thực, nhưng lại đưa vào nghệ thuật một cách khéo léo đủ độ để gợi, hay nói chính xác hơn là dùng nó để đánh thức trái tim rung cảm, tạo nên sự đồng cảm của người nghe. Đó phải chăng là cách lựa chọn, cách thể hiện nhân bản của nghệ sỹ trước một hoàn cảnh lịch sử cụ thể.

Cái chết, sự mất mát của nhân dân ta trong cuộc chiến tranh vệ quốc, là cái chết trái với quy luật của cuộc sống đời thường, trái với quy luật đắp đổi của đất trời. Bởi thế, các nhạc sỹ không thể giống Trang Tử - khi vợ chết - ngồi gõ hồn hát được, và cũng không giống những quy tắc đạo đức về cái chết mà Khổng Tử đã nêu: khi người thân quen chết phải mặc quần áo tang, phải lăn lộn, phải thờ nhiều năm, không được tổ chức các cuộc vui...

Nói như thế, không có nghĩa là các nhạc sỹ của chúng ta thờ ơ trước cái chết của con người, mà họ đã cùng hòa trong cái đau thương đó, nhưng không bi lụy, bi ai, để rồi qua những phương tiện, thủ pháp diễn tả của âm nhạc, nâng cái chết đó lên thành bất tử. Điều mà chúng ta phải ghi nhận ở đây là, các nhạc sỹ đã có một thái độ ứng xử đúng đắn, hài hòa, phù hợp với điều kiện hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ và cũng phù hợp với văn hóa ứng xử trong truyền thống của con dân đất Việt.

Từ cái chết, nỗi thống khổ nâng lên thành cái bi có ý nghĩa xã hội. Và cái bi đó như một hạt nhân, động lực, để các tác giả rung động và tạo nên cảm xúc trong tác phẩm. Cái bi trong thực tại là đau thương, tang tóc, nhưng khi vào tác phẩm, nó được hòa trộn với sự hùng tráng tạo nên cái bi tráng, bi hùng, như kéo mọi người lại cùng nhau để vươn tới phía trước.

Như vậy, không ít tác phẩm ca khúc cách mạng Việt Nam trong giai đoạn hai cuộc kháng chiến, khi tiếp cận, chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng: qua các nhạc sỹ, sản phẩm của họ (ca khúc) thường dung chứa hai lớp: dưới là cái bi, trên là cái hùng, và kết dính hai lớp trên - dưới là cái cao cả - đây cũng thuộc phạm trù của mỹ học. Chỉ có như vậy, thì cái bi ngoài cuộc sống đời thực, mới có sức vọng lâu bền trong nghệ thuật và ảnh hưởng mạnh mẽ, bởi sự lay động của nó đến với cuộc sống con người.

Trong hai cuộc kháng chiến, những ca khúc có mô típ như trên luôn luôn là ngọn lửa tiếp sức cho các chiến sỹ trên mọi mặt trận. Một ví dụ điển hình là trong kháng chiến chống Pháp, có chiến sỹ bị đạn bắn dập nát bàn chân, các bác sỹ dùng chiếc cưa thô sơ, không thuốc gây tê, cắt phần chân đó đi, anh chiến sỹ đã hát vang bài Tiến quân ca để quên sự đau đớn. Hay ở thời kỳ đổi mới này, mỗi khi các bài hát thời kháng chiến vang lên, vẫn còn đó cái cảm xúc rưng rưng, vẫn còn đó nhịp đập thổn thức của con tim với sự kiêu hãnh và hướng thiện.

Nếu ai nói rằng, ca khúc cách mạng Việt Nam trong thời kỳ hai cuộc kháng chiến là khúc tráng ca về chiến công oai hùng của dân tộc, thì đó mới chỉ nhìn ở bề nổi của nó mà thôi. Bởi bất cứ một cuộc kháng chiến nào, dù mạnh hay yếu, dù thắng hay bại đều không tránh khỏi sự tổn thất và mất mát. Do hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ không cho phép các nhạc sỹ bộc bạch về thân phận con người, về đau thương tang tóc một cách tỷ mỷ như các ca khúc sau này (Vết chân tròn trên cát - Trần Tiến; Cỏ non thành cổ - Tân Huyền; Mẹ Việt Nam anh hùng - An Thuyên...), nên cái bi phải được tiết chế sao cho đủ độ và thích hợp. Cách tiết chế đó, chính là khả năng nhận và thức của các nhạc sỹ sống trong hoàn cảnh ấy.

Vậy nên, có thể nói thêm rằng, ca khúc cách mạng Việt Nam trong thời kỳ hai cuộc kháng chiến là bức tranh bằng âm thanh mang tính chân thực nhưng khái quát về hình ảnh của dân tộc ta, của đất nước ta.

Cái bi hòa với quy luật sinh sôi

Mô típ thứ hai mà các nhạc sỹ tiếp cận là thông qua cái chết của người thật, việc thật, có địa chỉ rõ ràng. Cái bi là có thật, nhưng lại được nhìn dưới góc độ "ảo" để tô đậm và khắc họa rõ nét cái anh hùng, cái cao cả của con người được phản ánh.

Cũng cần nói thêm rằng "ảo" ở đây không phải là ảo tưởng, ảo giác... mà đó chính là phép hòa: hòa giữa cái đã mất, đã qua với cái thiên nhiên hiện tại, gắn nó với quy luật sinh sôi của cỏ, cây, hoa, lá. Phải chăng ở đây, một mặt do hoàn cảnh lịch sử không cho phép, có lẽ cũng chính vì điều đó, nên các nhạc sỹ đã phần nào vận dụng cái nhìn của văn hóa phật giáo để tiếp cận cái bi. Nhưng, cách nhìn của các nhạc sỹ, mang tính nhân bản hơn, bởi cái bi lúc này đã trở thành thơ và đi vào nhạc.

Những con người hy sinh, không theo kiếp luân hồi khép kín trở lại trẻ thơ, mà sự hy sinh đó, qua lăng kính của các nhạc sỹ, nó đã trở thành một luồng sinh khí mới, thổi mạnh vào tiềm thức cháy bỏng khát khao về cuộc sống hòa bình của con người, của dân tộc Việt Nam. Trên cơ sở đó, đặt ra hàng loạt vấn đề mà lịch sử, xã hội, con người Việt Nam cần giải quyết. Bởi thế, cái đau thương không thể đằm sâu mãi mà đã chuyển hóa trở thành niềm tự hào; sự hy sinh trở thành cái cao cả; và lời ca cứ ngân lên vang mãi theo giai điệu âm nhạc tràn ngập vào lòng người, đánh thức họ lao động, chiến đấu, xả thân vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Một dạng thái, một hành động, nhưng lại thuộc hai phạm trù, hai cách nhìn (thậm chí là hai thái cực khác nhau), đó là cái chết. Chết là bình thường, nhưng hy sinh lại là cao cả. Bởi, hy sinh đã dung chứa trong nó cái  phi thường mà không phải ai cũng làm được. Sự phi thường ấy, phải là cái lý tưởng cao thượng, chứ không phải là cái thuộc về bản năng, phàm tục. Từ những ý nghĩa đó, cho nên, ngay trong ca từ đã thể hiện được cách thức cũng như ý thức về việc lưạ chọn góc nhìn của các nhạc sỹ. Bởi thế, nhạc sỹ Nguyễn Đức Toàn khi dựng lại chân dung nữ liệt sỹ anh hùng Võ Thị Sáu, ông chọn: "Chị Sáu đã hy sinh rồi" chứ không viết, chị Sáu đã chết rồi. Và, để tạo được ấn tượng hơn trong tâm trí người nghe, Nhạc sỹ Nguyễn Đức Toàn đã biết gắn sự hy sinh đó với mùa hoa Lê ki ma của miền đất đỏ. Thế là mỗi khi mùa xuân về, hoa Lê ki ma nở (dẫu là trong tâm thức), đó cũng là lời nhắc nhở mọi công dân nhớ đến sự hy sinh anh dũng của người con gái đất đỏ.

Cũng cách tiếp cận theo mô típ này, chúng ta còn gặp hình ảnh của Kim Đồng, Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Viết Xuân... sự hy sinh của các anh hòa vào cùng với thiên nhiên cây cỏ, và, mãi còn ấm đọng cùng đất trời.

Nhạc sỹ Huy Du cũng chọn cách viết ấy để khắc họa lại hình ảnh của liệt sỹ Nguyễn Viết Xuân: "Qua đất trung du xanh màu lá biếc. Quê anh yêu dấu tím đỏ đồi sim... Nguyễn Viết Xuân! Lời anh nói thiết tha. Theo ngọn gió bay xa, như khúc ca giục giã, thôi thúc trong lòng tôi, tiến quân trên đường dài" [2].

Một ý nghĩa nhân bản đã được nhấn mạnh: đi xa nhưng lại ở rất gần, hy sinh rồi mà vẫn như còn sống... một sợi dây kết nối, ràng buộc giữa người đi, người ở, giữa sự nuối tiếc và tình yêu đất nước. Và cuối cùng, cái được khẳng định anh và tôi (hiểu rộng ra là cả dân tộc) vẫn tiến quân trên đường dài để hướng tới đích cuối cùng là: quét sạch giặc ngoại xâm, giải phóng dân tộc.

Trong bối cảnh đất nước đang bị nung nóng bởi cuộc chiến tranh, lúc này không cho phép bất cứ ai, đằm mãi trong tâm trạng uỷ mị, than khóc. Thực tế đời sống thường nhật nơi làng xã, nhiều khi ở một gia đình vừa nhận được tin người anh hy sinh thì người em lại tiếp tục viết đơn bằng máu để lên đường nhập ngũ. Với khí thế hừng hực ấy, vai trò của văn nghệ sỹ lúc đó là vô cùng quan trọng. Một bài hát có thể tạo nên sức mạnh, nhưng ngược lại, nếu nó đi chệch hướng có thể làm giảm ý chí, nghị lực quân và dân ta. Vậy nên, khi đứng trước một hoàn cảnh, không gian cụ thể ấy, việc các nhạc sỹ đưa cái bi từ hiện thực vào trong ca khúc, và được phản ánh như thế là hoàn toàn hợp lý. Sự hợp lý ở đây là, giữa tác giả với công chúng, giữa tác giả (tư cách là một công dân) với sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Như vậy, có thể nói, chỉ có trong điều kiện hoàn cảnh ấy, các nhạc sỹ mới có cách nhìn và sự lựa chọn cái bi như chúng ta đã từng thấy. Mô típ này vẫn nhìn rõ cái bi, nhưng cái bi có phần bị lắng sâu. Dẫu sao, nó vẫn nằm trong mối quan hệ hài hòa với cái tráng, cái hùng, chẳng hạn Dáng đứng Việt Nam là một ví dụ điển hình.

Cách nhìn lạc quan về cái bi

Mô típ thứ ba đó là, hầu như không nhìn thấy bóng dáng của cái bi. Hay nói cách khác, cái bi được khỏa lấp bởi một sắc màu khác, sắc màu của sự vui tươi lạc quan để tạm lãng quên cái đau thương, tang tóc. Điều này chỉ nhìn vào tính chất lịch sử của cuộc chiến tranh lúc bấy giờ, hoặc qua nhật ký, hồi ký của tác giả mới thấy rõ bản chất của nó. Con người Việt Nam thường vui thì cười, buồn thì khóc, khóc để giải tỏa nỗi u uất trong lòng. Các tác giả cũng ở trạng thái tâm lý ấy, nhưng khi gặp cái bi trong cuộc sống ở thời điểm không thể khóc thì phải chọn một giải pháp khác, đó là tìm đến niềm vui, hoặc một công việc nào đấy, để lấy lại trạng thái cân bằng về mặt tâm lý.

Nhiều nhạc sỹ đã chọn hướng đi này, chẳng hạn như Huy Thục với ca khúc Tiếng đàn ta lư. Theo một só tư liệu thì, năm 1968, trong một chuyến đi công tác tại chiến trường Quảng Trị, ông tận mắt chứng kiến cảnh hy sinh anh dũng của quân và dân ta. Đúng là một không gian bi thương và đẫm lệ. Không thể kéo dài quá tình trạng ai oán, sầu thảm đó, ông quyết định tìm đến một giai điệu vui tươi để động viên mọi người hãy nén nỗi buồn đau, khích lệ họ tin tưởng vào chiến công oai hùng của quân và dân ta trên khắp các mặt trận. Bởi thế nên lời ca mới có: "Đàn ta lư em cất tiếng vang cùng núi rừng... Tính tính tính tang tang tình con chim s'rao xinh hót trên cành vui mừng công anh...".

Năm 1969, nhân dân cả nước vô cùng tiếc thương sự ra đi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc. Nhạc sỹ Huy Thục lại một lần nữa bắt gặp cái không gian buồn ấy ở một đơn vị bộ đội, và ông quyết định dựng lại hình ảnh của Người như vẫn còn đó trong bài Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân.

 Nhạc sỹ Trần Chung cũng trong tâm thức ấy và chọn hướng đi ấy. Trên bài thơ cùng tên của nhà thơ Nguyễn Trung Thu, nhạc sỹ Trần Chung đã dồn nén những cảm xúc để xây dựng thành công diện mạo bài hát:

Tiếp cận theo cách này còn có các tác giả với các tác phẩm: Cao Việt Bách - Mang hình Bác chúng ta lên đường, Chu Minh - Người là niềm tin tất thắng, Nguyễn Đồng Nai - Người sống mãi trong lòng miền Nam... Như vậy, cái bi thuộc mô típ thứ ba được hiện diện trong ca khúc luôn ở dưới dạng ẩn.

Bài Miền Nam nhớ mãi ơn người, là sự cộng cảm khá thành công của nhà thơ Trần Nhật Lam và nhạc sỹ Lưu Cầu. Vẫn còn đây tiếng nói của Người: miền Nam luôn trong trái tim tôi. Vẫn còn đây, tình cảm thân thương, ấm áp của đồng bào miền Nam dành cho Bác. Sợi dây tình cảm ràng buộc, bó bện đã tạo nên sức dồn nén cho bài hát, cũng chính vì lẽ đó, cùng sự kết hợp với nhiều yếu tố khác, làm cho ca khúc dễ xâm nhập vào lòng người.

Như vậy, cái bi hình như bị rút ngắn lại, và đời sống của con người xã hội dường như được kéo dài ra, điều ấy nếu không nhìn vào hoàn cảnh lịch sử cũng như không khai thác thông tin từ phía tác giả, thì sẽ chẳng hiểu được nguyên nhân sâu xa  của nó.

Nhìn chung, cái bi từ trong đời sống thực của xã hội Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống quân xâm lược khi đưa vào ca khúc, lúc là ẩn, lúc là hiện, có khi cả hiện lẫn ẩn. Dẫu vậy, nó đều được quy vào một trong ba mô típ nêu trên.

Điều muốn nói thêm ở đây là: các nhạc sỹ của chúng ta luôn luôn bám sát và phản ánh thực tế bằng đặc trưng của nghệ thuật âm thanh. Đó là cách lựa chọn khôn ngoan, là cách ứng xử hài hòa của nhạc sỹ với lịch sử, đất nước, con người. Chính vì thế mà tác phẩm của họ đã vượt thời gian, không gian, chiếm lĩnh vị trí xứng đáng trong tâm trí của công chúng nghe nhạc xưa và nay./.

-----------------------

Tài liệu tham khảo:

[1]. Thiên Thai tuyển tập nhạc Văn Cao, Nxb Trẻ, tp. Hồ Chí Minh, 1998, tr.14;

[2]. Nhiều tác giả, Tiếng hát Việt Nam (1964 -1975), tập II, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1977,  tr.188-189.

(Nguồn: http://www.spnttw.edu.vn)

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...