Một cuộc dạo chơi náo nhiệt giữa dàn nhạc
Nghĩ về các buổi hòa nhạc, người ta thường hình dung khán giả ngồi nghe một cách thụ động trong khi các nhạc công biểu diễn. Nhưng buổi hòa nhạc tối 31/05/2017 của Dàn nhạc thính phòng Addo (Singapore) do Clarence Tan chỉ huy được lên kế hoạch để thách thức thông lệ đó. Ngay cả địa điểm tổ chức - Rehearsal Studio nằm khuất trên tầng sáu của trung tâm nghệ thuật Esplanade* , muốn lên đó phải leo một đợt cầu thang bộ dài - dường như cũng gắn với ý định này.
Khán giả tùy chọn chỗ ngồi và được thông báo hãy chụp ảnh hay quay video bao nhiêu tùy thích và có thể thoải mái đăng lên các mạng xã hội Facebook, Instagram, Twitter. Khán giả còn được tự do đi lại giữa các nhạc công.
Và khán giả đã làm đúng như vậy khi nhạc trưởng Tan vung đũa chỉ huy bắt nhịp vào bản Giao hưởng số 5 quen thuộc của Beethoven. Với thời gian luyện tập gần như không có và sự gần gụi đến đáng sợ của những người lạ mặt, dàn nhạc đã không biểu diễn trên mức tiêu chuẩn của diễn tập song chuyện đó không thành vấn đề.
Thể nghiệm làm một kẻ thóc mách di chuyển tự do ngay trong lòng dàn nhạc là một việc thú vị đối với khán giả. Tuy nhiên, có một số mẹo cần lưu ý: giữ khoảng cách an toàn để tránh bị những cây vĩ đang chuyển động nhanh đâm phải và đừng đứng ngay trước các cây kèn trombone.
Buổi tối hôm đó, tác phẩm Hi-lo Fide-lio của nhà soạn nhạc người Singapore Hoh Chung Shih đã được công diễn lần đầu ở châu Á. Tác phẩm là một sự tái cấu trúc bản tứ ca “Mir Ist So Wunderbar” từ vở opera Fidelio của Beethoven. Dàn nhạc chơi trong khi các bản thu âm lịch sử dưới sự chỉ huy của Furtwangler, Walter và Bohm được phát vang động qua ba chiếc loa phóng thanh.
Khán giả cũng có thể nghe nhạc trên điện thoại di động sau khi quét mã QR được cung cấp trong tờ chương trình. Tất cả những việc này được thực hiện để tạo thành một cuộc dã ngoại náo nhiệt, với những con người lang thang bên trong và bên ngoài dàn nhạc, một số người khác thì ngồi táy máy các thiết bị kỹ thuật số trong lúc âm nhạc đang được chơi.
Tác phẩm cuối cùng là bản chuyển soạn cho dàn nhạc của Mikhail Tushmalov từ tác phẩm Pictures At An Exhibition (Những bức tranh trong phòng triển lãm) của Mussorgsky, vốn là một tổ khúc gồm 10 tiểu phẩm viết cho piano. Khúc nhạc mở đầu với tên gọi Promenade (Đi dạo) gợi lên hình ảnh một vị khách vừa dạo bước trong một phòng triển lãm vừa ngắm nhìn các tác phẩm nghệ thuật – khá thích hợp với bối cảnh của buổi hòa nhạc này.
Một yếu tố cảm quan bổ sung là sự tham gia của các nghệ sĩ mùi hương Christopher Yap và Johari Kazura. Họ ngồi lẫn vào đám khán giả và mang theo các hộp nhỏ đựng nhiều loại nước hoa và mùi hương, từ mùi cỏ mới cắt và nước mưa (dễ chịu) tới mùi khói thuốc và mùi mồ hôi tỏa ra từ chiếc áo sơ mi ba ngày chưa giặt (không dễ chịu cho lắm).
Giờ đây, những người hoài nghi có thể nghĩ rằng chính những mùi hương khác nhau làm người nghe xao lãng nhưng có thể đó chính là mục đích của sự sắp đặt này. Các giác quan của chúng ta đôi khi đánh lừa chúng ta bằng sự lẫn lộn giữa tác động của các loại dữ liệu đầu vào, và đó là lý do vì sao chúng ta có lẽ chỉ có được những trải nghiệm âm nhạc tốt nhất trong sự im lặng hoàn toàn và tuyệt đối.
Nguồn: http://www.straitstimes.com/lifestyle/arts/classical-music-concert-with-...
------------
* Còn được gọi là “Nhà hát trái sầu riêng”.
(Nguồn: http://tiasang.com.vn)