Một bóng hồng lãng đãng trong hai ca khúc nổi tiếng

23/10/2018

Sự rung động của trái tim luôn muôn hình vạn trạng. Có mối tình khắc cốt ghi tâm nhưng được cất giấu lặng lẽ trong ngăn kéo bí mật của cuộc đời. 

Ngược lại, có phút giây xao xuyến thoáng qua lại cất lên thành bài hát truyền đi bao nhiêu run rẩy bất tận cho người xung quanh. Câu chuyện hai nhạc sĩ viết hai bài hát nổi tiếng cho một người tên Thu, có lẽ là giai thoại đáng trân trọng đối với những ai vẫn tin chữ "yêu" tha thiết bên mình!

Thị xã Điện Bàn nằm phía Bắc tỉnh Quảng Nam hôm nay đã là một đô thị sầm uất. Thế nhưng, điều người dân Điện Bàn tự hào nhất không phải là những ngôi nhà khang trang đang từng ngày mọc lên, mà là truyền thống hiếu học và yêu chuộng văn nghệ.

Nơi đây, đã sinh ra nhiều danh sĩ như Hoàng Diệu, Trần Quý Cáp… và nơi đây cũng có một chuyện tình hư ảo được lưu truyền qua hai ca khúc nổi tiếng "Ru con tình cũ" và "Thu hát cho người".

Nhà cách nhau không xa, Đinh Trầm Ca và Vũ Đức Sao Biển đều tập tễnh làm thơ khi bước vào tuổi yêu. Đinh Trầm Ca lớn hơn Vũ Đức Sao Biển 6 tuổi. Đinh Trầm Ca xuất hiện trên báo với tư cách thi sĩ trước Vũ Đức Sao Biển.

Tuy nhiên, giai đoạn khởi nghiệp thì cả hai đều dùng tên thật. Đinh Trầm Ca ký tên thật Mạc Phụ dưới những dòng thơ hào sảng như "Buổi ta vác cây đàn vào gió cát/ Hồn không theo nên thân xác liêu xiêu/ Ném nốt nhạc lên chín tầng mây dạt/ Nghe quê người mưa rớt hột cô liêu". Còn Vũ Đức Sao Biển ký tên thật Vũ Hợi trong nhiều bài thơ lãng đãng vụng dại học trò.

Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển.

Mạc Phụ và Vũ Hợi thường đồng hành đến chơi với Hồ Luân, vì Hồ Luân có cô em gái rất xinh đẹp tên là Hồ Thị Thu. Mỗi người si mê Hồ Thị Thu theo một kiểu, nhưng cả hai đều nhanh chóng… thất tình. Bởi lẽ, Hồ Thị Thu có ý trung nhân là một người khác. 

Nhạc sĩ Đinh Trầm Ca tiếc nuối bằng tâm tư của thi sĩ Mạc Phụ dạo nào: "Vũ Hợi đẹp trai hơn tui. Cứ tưởng Vũ Hợi sẽ phát huy được ưu điểm ấy. Ai dè cũng trớt quớt như tui!".

Phương pháp tán tỉnh của Mạc Phụ và Vũ Hợi với em gái mình như thế nào, chính Hồ Luân cũng không rõ. Chỉ biết rằng, khi Hồ Thị Thu mỗi ngày có bạn trai đến đưa rước rộn ràng và âu yếm thì… cả Mạc Phụ lẫn Vũ Hợi đều bỏ xứ phiêu dạt vào Sài Gòn. Họ trốn chạy niềm riêng đổ vỡ chăng? Không ai có thể lý giải tường tận, khi những gã trai đa cảm không còn cơ hội theo đuổi một bóng hồng.

Năm 1966, Hồ Thị Thu lấy chồng. Đám cưới dĩ nhiên không có mặt Mạc Phụ và Vũ Hợi. Năm 1967, sau 3 năm giang hồ, Mạc Phụ quay về cố hương và phát hiện người xưa đã yên bề gia thất. 

Cảnh cũ vẫn đây, mà duyên cũ mịt mờ, những câu thơ không còn khả năng an ủi cõi lòng bơ vơ, Mạc Phụ đành trông cậy vào những lời ca nức nở: "Ba năm qua em trở thành thiếu phụ/ Ngồi ru con như ru tình buồn/ Xin một đời thôi tiếc thương nhau/ Xin một đời ngủ yên dĩ vãng/ Ba năm qua em trở thành thiếu phụ/ Ngồi ru con như ru tình sầu/ Kỷ niệm nào ghi dấu trên tay/ Cho lòng này dài những cơn đau…". 

Bài hát "Ru con tình cũ" nếu ký tên thật thì e không tiện, Mạc Phụ chọn bút danh Đinh Trầm Ca để công bố tác phẩm. Qua tiếng hát của ca sĩ Lệ Thu, bài hát "Ru con tình cũ" lập tức được khán giả đón nhận. Nhạc sĩ Đinh Trầm Ca nhớ lại: "Nhuận bút bài hát được hơn 10 cây vàng. Tôi như kẻ buồn ngủ gặp chiếu manh, có tiền trang trải cuộc sống bôn ba và có cảm hứng viết thêm hàng chục ca khúc nữa!". 

Hơn nửa thế kỷ qua, "Ru con tình cũ" vẫn là tác phẩm lừng lẫy nhất của nhạc sĩ Đinh Trầm Ca: "Ba năm qua, em trở thành thiếu phụ. Ngồi ru con bên hiên ngậm ngùi/ Ôi ba năm qua rồi/ Đời chưa nguôi gió bão/ Người xa xôi phương nào/ Người oán trách gì không/ Thôi anh ơi, anh đừng hờn trách nữa/ Đời em như rong rêu tội tình/ Xin gục đầu ghi dấu ăn năn/ Thôi đừng buồn em nữa nghe anh ...".

Một năm sau, năm 1968, người đẹp Hồ Thị Thu lại trở thành nhân vật trong một bài hát khác, mà tác giả chính là anh chàng Vũ Hợi ngày nào rụt rè và lóng ngóng mỗi khi bước chân đến ngõ nhà nàng. 

Cũng giống như trường hợp Mạc Phụ dùng bút danh Đinh Trầm Ca để ký dưới bài hát "Ru con tình cũ", Vũ Hợi lấy bút danh Vũ Đức Sao Biển cho ca khúc "Thu, hát cho người" đắm đuối: "Dòng sông nào đưa người tình đi biền biệt/ Mùa thu nào đưa người về thăm bến xưa/ Hoàng hạc bay, bay mãi bỏ trời mơ/ Về đồi sim, ta nhớ người vô bờ/ Ta vẫn chờ em dưới gốc sim già đó/ Để hái dâng người một đóa đẫm tương tư/ Đêm nguyệt cầm ta gọi em trong gió/ Sáng linh lan hồn ta khóc bao giờ/ Thời gian nào trôi bềnh bồng trên mặt người/ Biệt ly nào không muộn phiền trên dấu môi… Thu, hát cho người, người yêu ơi… "

Quay qua quay lại, cũng đã hết một đời người, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển không trực tiếp nhắc chuyện xưa mà hồi tưởng một cách xa vắng: "Thuở ấy, tôi hai mươi tuổi. Tháng 9, mùa thu, tôi trở về quê nhà Quảng Nam, cầm cây đàn guitar lên đồi sim xưa. Người bạn nghèo thời trung học của tôi không còn nữa, chỉ còn đây khu đền tháp với những nàng Apsara lặng lẽ nhảy múa ngàn năm. 

Thuở ấy, tâm hồn tôi trong sáng lắm, cứ y như dòng suối trong vắt êm đềm xuôi chảy dưới chân đồi. Mùa thu, hoa sim tím nở như một tấu khúc dịu dàng. Hoa sim, cái màu hoa tím nhạt lãng mạn, bình dị giữa thu vàng sao mà gợi nhớ đến thế. Tôi nhớ hoa, nhớ người. Và úp mặt sau thùng đàn làm bàn, tôi đặt tờ giấy kẻ nhạc lên, viết "Thu, hát cho người"… 

Ngay khi viết xong, tôi đã hình dung được đây là một bài tình ca hay của đời mình. Bài hát Thu, hát cho người được đưa cho ca sĩ Hà Thanh, 2 tuần sau được hát trên Đài Phát thanh Sài Gòn bởi hai danh ca Hà Thanh và Anh Ngọc…".

Bây giờ, nhạc sĩ Đinh Trầm Ca đã 77 tuổi, còn nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển cũng đã 71 tuổi. Chút bâng khuâng quá khứ chỉ còn lại trong họ những lời ca đi cùng năm tháng. 

Người đẹp Hồ Thị Thu tạo cảm hứng cho "Ru con tình cũ" và "Thu, hát cho người", bây giờ cũng đã là một phụ nữ cao niên vui buồn cùng gia đình cháu con ở thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. 

Bà Hồ Thị Thu dù chưa từng có quan hệ yêu đương với nhạc sĩ Đinh Trầm Ca lẫn nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển, nhưng vẫn trân trọng tình cảm họ dành cho mình đẹp đẽ và thanh cao. 

Bà Hồ Thị Thu cũng biết giai đoạn thanh xuân của mình đã đi vào hai ca khúc nổi tiếng, mà hễ ai nhắc lại thì đôi mắt bà lại ánh lên sự hoài vọng về một thời trong trẻo và thánh thiện. 

Bà Hồ Thị Thu thổ lộ: "Khi nghe người ta cho biết, bài hát "Ru con tình cũ" và "Thu, hát cho người" được viết tặng mình, tôi rất bất ngờ và cũng rất hạnh phúc. Hai anh Mạc Phụ và Vũ Hợi đều là hai người mà tôi từng quen biết và quý mến!".

Nhạc sĩ Đinh Trầm Ca.

Cũng nhờ hai người mơ mộng hát cho một người con gái tên Thu, mà đời sống âm nhạc có hai ca khúc "Ru con tình cũ" và "Thu, hát cho người" đầy tâm sự nhớ thương! Cũng từ khoảnh khắc ấy, công chúng biết đến hai nhạc sĩ Đinh Trầm Ca và Vũ Đức Sao Biển. 

Cũng thật ngẫu nhiên, sau hai ca khúc đầu tay giăng mắc với mỹ nhân xứ Quảng, hai ông đều lập nghiệp ở miền Tây Nam bộ và có được sáng tác nổi tiếng không kém "Ru con tình cũ" và "Thu, hát cho người". 

Nơi phù sa miệt vườn, Đinh Trầm Ca có ca khúc "Sông quê" xao xuyến: "Sóng đời cuốn trôi lỡ rồi sông bên đó/ Nhà em đã bỏ làng đi mãi không về/ Mỗi ngày bên sông không còn em đi học/ Ngọn gió reo buồn, buồn trong nhánh mù u/ Nhánh mù u, con bướm vàng không đậu/ Câu ca từ thời thơ dại ru sang/ Sông quê, trường làng, con đò trên cát lở/ Cũng vì em xa mà thành điệu nhớ não lòng…", còn Vũ Đức Sao Biển có ca khúc "Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang" dạt dào: "Dưới trăng, dòng sông trôi rất dịu dàng/ Như dải tơ vàng xuôi về biển Đông/ Gành Hào ơi nửa đêm ai hát lên câu hoài lang/ Vầng trăng nghiêng xuống trên vạt rừng tràm/ Xề u xế u liu phạn/ Dây tơ đàm kìm buông thiết tha/ Xề u xề u liu phạn. Đưa cung đàn về trên bến xưa…".

Có một chi tiết nữa, liên quan đến cả hai nhạc sĩ. Đó là trong ca khúc "Thu, hát cho người" có hai câu "Ta vẫn chờ em dưới gốc sim già đó/ Để hái dâng người một đóa đẫm tương tư" khiến nhiều người hoài nghi về sự… tưởng tượng. 

Nhà văn Sơn Nam từng cà khịa nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển rằng "Mày nói dóc. Cây sim ngoài Quảng Nam của mày thấp tịt, vậy mày ngồi chỗ nào để đợi con nhỏ đó? Mà cái đồi sim thì trống huơ trống hoác, con nhỏ đó có đến thì mày mần ăn được gì?". 

Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển phân bua: "Thực ra, cây sim già không nhỏ, đặc biệt là khi mọc trên đồi cát. Có cây cao vài ba mét, tỏa bóng mát quanh năm". 

Không biết vô tình hay hữu ý, sau này nhạc sĩ Đinh Trầm Ca viết bài hát "Về lại đồi sim" ít nhiều giúp công chúng thêm tin câu chuyện mộng mị từng xuất hiện trong "Thu, hát cho người" của Vũ Đức Sao Biển: "Nhớ ngày nào về thăm đồi sim tím với người mình yêu/ Hái tặng em hoa sim cài lên tóc màu tím mây chiều/ Đẹp ngây ngất đồi quê chiều hôm gió lộng tỏa đầy hương bay…".

(Nguồn: http://antgct.cand.com.vn)

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...