Một bà hoàng thiếu kẻ tri âm

13/04/2017

Trên mặt báo thời nay dễ bắt gặp những cụm từ thật kêu: diva nhạc nhẹ, nữ hoàng pop-rock... Còn “Nữ hoàng của vương quốc âm nhạc” - danh hiệu mà thế giới âm nhạc dành cho thể loại “siêu đẳng” là giao hưởng lại ít người ở xứ ta biết đến.

- Thưa Nữ hoàng của vương quốc âm nhạc, sở hữu vẻ đẹp được xếp hạng tài sản chung của nhân loại cùng với gánh nặng tuổi tác đã ngót ba trăm năm, hẳn Người tin rằng vẫn có cái đẹp ngay cả khi không còn trẻ và mới nữa?

Đến nay người ta vẫn ngợi ca giao hưởng như một tuyệt đỉnh sáng tạo nghệ thuật, và nếu phải “tiếp thị” một cách đầy đủ nhất trong một giờ đồng hồ về con người trái đất cho hành tinh khác biết thì chỉ việc trình tấu Giao hưởng N9 của Beethoven! Trong nghệ thuật có những “mùa xuân vĩnh cửu”, đó là những tuyệt tác mà các trường phái giao hưởng từ Cổ điển đến Hiện đại đã để lại trong di sản văn hóa nhân loại. Thời đại mới vẫn có những sáng tạo mới. Vậy thì bà hoàng này chưa bao giờ hết trẻ và hết khát khao đi tìm cái mới. Còn về tuổi tác, chẳng phải ta vẫn còn quá trẻ nếu tính theo tuổi đời của giao hưởng Việt Nam?

 - Người đã kịp có gì trong nửa thế kỉ hiện diện trên đất Việt?

Dù được phong bà chúa âm nhạc hay đệ nhất gì đi nữa, nhạc giao hưởng vẫn theo quy luật chung là tồn tại bằng tác phẩm trong mối tương quan giữa sáng tác, biểu diễn và thưởng thức. Cứ lần theo các mắt xích liên hoàn đó sẽ rõ ta đã có gì và còn muốn có những gì.

- Ở thời đại “số hóa”, trước hết xin nữ hoàng cho “cập nhật” vài con số về mắt xích mang “tính vĩnh hằng”:  tác giả - tác phẩm.

Phải rồi, tác giả là người được lưu danh trong sử sách và tác phẩm là cái còn đọng với thời gian. Chưa có một cuộc thống kê chính thức, nhưng thử sơ tính số tác giả từng viết giao hưởng, gom góp mấy thế hệ từ 1X đến 7X vẫn chưa đầy con số 50. Còn về tác phẩm được công diễn, tính cả loại một chương cũng như nhiều chương và lờ đi khoản thiếu hụt nếu có để ứng trước con số 100.

- Những con số được làm tròn cho “thì tương lai” mà vẫn quá khiêm nhường  quả là một biểu hiện cho sự non trẻ.

Trẻ đương nhiên có thể non, nhưng chớ quên trẻ còn tiềm tàng sức lớn và hứa hẹn tầm vóc mới trong tương lai. Vẫn biết nhiều giao hưởng là bài thi bắt buộc trong chương trình đào tạo chính quy và những tác phẩm “trình làng” đó chưa vượt khỏi ảnh hưởng của các trường phái châu Âu từ các thế kỉ trước, đặc biệt trường phái Nga - Xô viết. Song nền khí nhạc non trẻ đang gắng sức định hình trong quá trình “dân tộc hóa” bằng những thử nghiệm sử dụng giai điệu ca khúc quần chúng, khai thác triệt để âm điệu ngũ cung và chất liệu dân ca nhạc cổ Việt Nam, đồng thời cũng vận dụng âm hưởng thời đại theo “tinh thần phá cách” của các trào lưu mới. Hơn bốn thập niên khám phá, kiếm tìm, trăn trở, lúc hào hứng lúc tắt lịm rồi lại hồi sinh..., bước sang thế kỉ XXI trong xu thế hội nhập toàn cầu, khí nhạc Việt Nam đang cháy lên khát vọng khẳng định “mình là ai?”.

- Quá trình tự khẳng định này không thể thiếu người biểu diễn hay còn gọi là “người sáng tạo thứ hai”?

Thiếu nhạc trưởng, nhạc công - những người thổi hồn vào nốt nhạc thì tác phẩm chỉ là những ký hiệu câm trên giấy. Trước khi những sáng tác giao hưởng ra đời, Dàn nhạc giao hưởng đầu tiên ở Việt Nam được thành lập năm 1959 đã dàn dựng vài ba tác phẩm kinh điển thế giới và đóng vai trò lớn trong việc thanh toán nạn “mù nhạc giao hưởng” cho quần chúng. Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam đã cho ta những phút làm nên lịch sử. Không thể quên đêm công diễn Quê Hương (Hoàng Việt) vẫn được lấy làm mốc khai sinh chính thức cho thể loại liên khúc giao hưởng vào năm 1965. Không thể quên lần đầu tiên Dàn nhạc ra mắt công chúng Sài Gòn được ví như cuộc tiến công của một quân đoàn đặc biệt làm nên đoạn kết huy hoàng cho mùa xuân năm 1975.

- Đâu dám nghi ngờ khả năng gây thiện cảm ngay lúc tiếp cận ban đầu ở một bà hoàng đầy ma lực. Song, đã bắt rễ, đâm chồi, nảy lộc trong hoàn cảnh chiến tranh nghèo khó, bước sang giai đoạn hòa bình nhiều thuận lợi hơn sao nhạc giao hưởng lại chưa thực sự nở hoa, kết trái, được mùa?

Đời có cười có khóc. Ta nếm đủ đắng cay trong hai thập niên sau chiến tranh bị lãng quên như một thứ hàng xa xỉ lỗi mốt. Dàn nhạc giao hưởng rã đám rồi lại tái lập với lực lượng nhạc công trẻ được đào tạo chính quy mà chơi vơi mãi mới tìm được chỗ đứng khiêm nhường trong đời sống âm nhạc ngập tràn các chương trình “nhạc nhẹ”, “nhạc trẻ”. Thời đại thông tin toàn cầu mở ra một thế giới âm thanh mênh mông, đa tạp và cạnh tranh khốc liệt. Trong cái thế giới đầy thử thách, càng phong phú càng dễ hỗn loạn và càng khó có được tiếng nói cho riêng mình đó, đáng mừng là trong mấy năm gần đây, Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam và Dàn nhạc giao hưởng Nhạc viện Hà Nội đã gây được tiếng vang ở một số nước, đủ tự tin nói đến “tầm cỡ khu vực”. Vẫn có tiềm năng để hi vọng đến ngày nở hoa kết trái đấy chứ. Này nhé, đội ngũ sáng tác làm chủ được kĩ thuật biểu hiện, đội ngũ biểu diễn đạt tới đẳng cấp khu vực, sự cộng tác với các nghệ sĩ biểu diễn và chỉ huy nước ngoài đang mở rộng...

- Thế còn công chúng? Hình như ở mắt xích này số người tự nguyện làm kẻ bề tôi của Nữ hoàng chẳng được bao nhiêu.

Chạm đến chỗ đau rồi, ta đúng là một bà hoàng “nghèo”... thần dân. Đó là hậu quả của sự chú trọng đào tạo người sáng tác và người biểu diễn mà thiếu đào tạo người thưởng thức giao hưởng.

- Không có công chúng thì giao hưởng viết cho ai và biểu diễn cho ai? Biến đâu hết rồi những người yêu nhạc giao hưởng hoặc muốn tìm hiểu về giao hưởng Việt Nam?

Những Tử Kỳ đã vô cùng ít ỏi lại chẳng sẵn cơ hội đến với Bá Nha. Giấy mời những cuộc hòa nhạc “xịn” ít dành cho đối tượng biết nghe, giá vé phi lí với lương trí thức của họ. Mặt khác, internet đang mở rộng không gian cá nhân thay thế không gian công cộng, ngồi nhà lên mạng vẫn có thể thưởng thức tác phẩm kinh điển thế giới, mà người yêu nhạc giao hưởng thường chỉ thích nghe chương trình tầm cỡ quốc tế. Âm nhạc cần có tri âm. Tri âm giao hưởng Việt Nam với đà này chẳng mấy phải đốt đuốc đi tìm.

- Còn đại đa số công chúng của thời đại thông tin siêu việt chẳng lẽ vẫn mù tịt thông tin về một bà hoàng danh giá?

Các phương tiện truyền thông chưa thực sự phát huy khả năng nâng cao thẩm mĩ đại chúng mà vô hình trung vẫn để cho nhạc giải trí ở vị thế lấn lướt nhạc hàn lâm. Những món ăn cao cấp bị ế ẩm trước giới trẻ chỉ quen dùng sản phẩm “ăn liền”. Về sự mất cân đối trong sinh hoạt âm nhạc và những biểu hiện lệch lạc chạy theo thị hiếu số đông, báo điện tử Vietnam Net gần đây đưa ra ý kiến của một nhạc sĩ chuyên nghiệp và ngay lập tức làm bùng lên cuộc tranh luận nảy lửa. Một cuộc “đấu khẩu” giữa những người không cùng tiếng nói chưa thể đi đến đâu, nhưng điều đáng kể là hàng trăm email phản hồi của người đọc cho thấy phần nào trình độ dân trí trong lĩnh vực âm nhạc. Có người giật mình thì ra lâu nay vẫn cứ ngỡ ca khúc phổ thông là đại diện duy nhất cho nhạc Việt. Người khác hoang mang không biết “gu” thẩm mĩ của mình tới đâu nếu thực sự còn có gì khác ngoài loại nhạc bình dân. Nhiều bạn trẻ phản ứng gay gắt rằng họ không cần đến khí nhạc chuyên nghiệp, họ không có thời gian nghe một ca khúc dài 5 phút, nói gì đến thời gian tìm hiểu kiến thức về nhạc giao hưởng, rằng âm nhạc làm cho con người ta thoải mái chứ lại còn phải học nghe nữa thì ngại lắm, chịu thôi!

- Định kiến và bảo thủ không phải bệnh của tuổi trẻ, chẳng nhẽ ở giới trẻ vẫn có  thái độ khăng khăng không muốn biết gì về đối tượng mà họ chưa hiểu?

Có lẽ vì lầm tưởng nhạc phổ thông và nhạc hàn lâm nhất định phải triệt tiêu nhau trong cuộc đấu tranh sinh tồn một mất một còn, nên phản ứng đầu tiên của các fan “nhạc trẻ” là ra sức bênh vực thứ họ ưa thích và quay lưng lại với thứ họ cho là cổ hủ, xa lạ.

- Khó đạt được kết quả mong muốn nếu chỉ phán xét sự thiếu hiểu biết. Vẫn có câu: không biết thì không có lỗi. Vấn đề là phải làm gì để đa số quần chúng đừng rơi vào tình trạng “không biết”?

Phải “đào tạo” công chúng. Thiếu gì việc cần làm: phổ cập, giới thiệu, dẫn giải, đưa những tinh túy của khí nhạc vào đời sống, khích lệ những công chúng biết thưởng thức và biết đòi hỏi những tác phẩm chất lượng cao ở mọi thể loại, từ đơn giản nhất là ca khúc đến khái quát nhất là giao hưởng. Khó mà vắn tắt vài lời về một quá trình “”đào tạo” lâu dài liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhất là giáo dục và truyền thông. Thôi thì tạm hiểu thế này: thưởng thức không thể bắt ép, muốn nhu cầu thưởng thức giao hưởng sinh ra một cách tự nhiên trước hết phải tạo được môi trường âm nhạc giao hưởng. Ưu thế đặc biệt của nhạc không lời là nuôi dưỡng trí tưởng tượng. Khả năng tưởng tượng ở trẻ con rất phong phú và càng phong phú hơn nếu được khơi gợi qua âm nhạc, nếu ngay trong chương trình mẫu giáo và tiểu học thường xuyên có những giờ vừa học vừa chơi cùng nhạc không lời. Nghe và hiểu ngôn ngữ khí nhạc từ nhỏ, sống và lớn lên trong môi trường giao hưởng, đến lúc nào đó thói quen trở thành nhu cầu không thể thiếu, đấy là khi người ta tìm thấy ở nhạc giao hưởng một người bạn tinh thần không dễ gì thay thế.

- Vậy xin kết thúc cuộc phỏng vấn bằng lời cầu chúc cho giao hưởng Việt Nam...

Không thiếu người tri kỉ tri âm!

6-2007

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...