Mối tương quan giữa Hò khoan miền biển Sơn Trà với Hò các vùng khác

23/02/2021
Tác giả: Văn Thu Bích

Hò khoan miền biển Sơn Trà thành phố Đà Nẵng là sản phẩm tinh thần, biểu hiện sự cố kết của cộng đồng cư dân vùng đất này. Những làn điệu Hò khoan lan tỏa trên dọc các làng chài duyên hải từ thuở xa xưa cho đến ngày nay.

So với Hò khoan đối đáp tại các vùng khác thì Hò khoan vùng biển Sơn Trà có nét khác biệt, mỗi vùng dù có giai điệu ngâm ngợi từ câu lục bát hay song thất lục bát, có thể tương tự về nội dung, song lại có lối hò riêng biệt ngay phần mở đầu và phần kết đoạn hò.

Vùng biển Sơn Trà thì mở đầu điệu hò là:

Ớ khoan hố hợi là hò… lên…ờ !

Kết đoạn hò là:

Khoan hố hợi là hò… thôi…ờ !

Trong khi Hò khoan vùng cao Hòa Vang và đồng bằng Hải Châu - Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng thì khác:

À ơi! Khoan hố hợi là Hò khoan!
Cây trên rừng không biết mấy trăm thước
Cá dưới nước chẳng biết mấy trăm con
Em còn thủ tiết lòng son
Chí tâm đợi bạn, chớ chồng con ở đâu nà?
Phải chi em có chồng nhà
Gia nương gìn giữ, em mà không đi
Khoan hố hợi là Hò khoan!
 
Sự khác biệt này cho thấy ưu điểm của lối hát Hò khoan ở vùng biển Sơn Trà là tạo cho người tham gia cuộc hò biết rõ đoạn hò mới bắt đầu (Ớ khoan hố hợi là hò lên) hay kết thúc (Khoan hố hợi là hò thôi!), để báo hiệu cho người tham dự chuẩn bị tiếp tục hò ứng đáp cho nhịp nhàng, ăn khớp. Ngoài ra giúp cho người nghe hình dung được cuộc hát đang ở trình tự giai đoạn nào để có thể theo dõi, dễ dàng nhập cuộc hát hò.

Phải chăng sự khác biệt này phát sinh từ nguyên nhân: việc mưu sinh trên biển quá nhiều hiểm nguy chực chờ nên cần sự đồng tâm phối hợp nhịp nhàng hơn vùng đồng bằng và miền núi. Do đó, ngay trong cuộc hát cũng cần có sự chuẩn bị rào đón cẩn trọng bằng các lời ca hò lên, hò thôi để buổi gặp gỡ hát hò được trọn vẹn, chỉn chu.

 Hò khoan miền biển Sơn Trà còn phản ánh chân thực cuộc sống của cư dân gắn bó với biển cả hàng ngày. Hàng trăm câu hò vẫn còn lưu giữ đến ngày nay miêu tả về hình thức lao động chèo thuyền, đánh bắt cá tôm.

Ớ khoan hố hợi là hò lên!
Em là con gái đường trong
Em đi thuyền dưới mất lòng thuyền trên
Ba năm ăn ở thuyền trên
Bởi anh hàng muối cho nên mặn mà...
 
Hò khoan đối đáp miền biển Sơn Trà có nội dung đầy ắp ân tình, biểu lộ nội tâm như muốn gửi gắm tình cảm riêng tư vào trong lời ca:
 
Ớ khoan hố hợi là hò lên!
Tình cũng tình Chức Nữ Ngưu Lang
Cầu Ô Thước anh đành toan dứt nhịp
Nghĩa lang quân chi chí lúc cầu hoàn
Bạn phỉnh chi ta ra sớm đợi chiều chờ
Đêm thì bâng khuâng bóng quế
Ngày dật dờ hồn ma
…Khoan… hố hợi là… hò… thôi!
 
Làn điệu luôn có tiết nhịp chậm rãi khoan thai, mang tính chất tự sự tạo ra sự hòa nhập, đồng cảm giữa người hò và người nghe. Do vậy cuộc hát luôn trôi chảy về nhịp điệu, phong phú đa dạng về hình thức lẫn nội dung biểu hiện.

Sự hòa nhập, pha trộn các nội dung trong môi trường sóng nước cho thấy âm điệu vùng này đồng nhất theo phương ngữ miền biển, chịu tác động sâu sắc của hệ thống năm âm, đầy đủ mọi cung bậc tình cảm, sắc thái khi thể hiện, từ thăm hỏi, tìm hiểu lúc mở đầu cuộc hò đến nhịp điệu sôi nổi, cuốn hút phần giữa, cho đến phần kết khoan thai, đầy chất trữ tình. Hò khoan vùng duyên hải Sơn Trà nghe mượt mà sâu lắng, ý tứ lời ca tuy không được trau chuốt song sự giản đơn dung dị ấy vẫn làm lay động người nghe.

Dường như quanh năm bận bịu ra khơi bám biển, lo toan vất vả công việc mưu sinh nên để có được cuộc gặp gỡ hát Hò khoan đối đáp quả thật hiếm hoi, chỉ đôi lần mỗi năm, nên các câu hò lên, hò thôi nhằm ý nhắc nhở mọi người tập trung để cuộc hò thành công như mong đợi, đây cũng là dịp để tỏ bày, tuôn trào bao ân tình chất chứa bấy lâu, dù là giữa nam nữ thanh niên hay những ngư dân tuổi trung niên đều nói lên bao nỗi niềm nghề biển của ngư dân… Ngày nay, việc bám biển cũng khó khăn hơn, thêm nữa trong quá trình đô thị hóa, các công trình cao tầng mọc lên nhan nhãn phục vụ cho công cuộc phát triển của thành phố, các cuộc hò cũng thưa thớt dần. Tuy nhiên, trong các hội diễn, liên hoan lớp trẻ cũng dàn dựng những tiết mục hát Hò khoan vừa có lời cũ, vừa có lời mới. Trong các cuộc thi Cụ ông, cụ bà đẹp lão toàn thành phố diễn ra hai năm một lần, phần lớn các cụ ông, cụ bà đều thi hát Hò khoan đối đáp, hoặc tại các liên hoan nghệ thuật quần chúng quận Sơn Trà và toàn thành phố Đà Nẵng. Bởi với họ đây là thể loại diễn xướng dân gian gắn bó từ lâu đời, từ thời thanh niên tới tuổi cao niên, có cụ đã ở độ tuổi 80-90, với thâm niên hát Hò khoan hơn cả nửa thể kỷ, do vậy họ hát kiến tại rất xuất sắc và đạt giải thưởng cao, đến nỗi con cháu phải cúi đầu nể phục.

Điển hình nhất là cách hát những làn điệu của Hò khoan với tính chân chất mộc mạc của người dân vùng cận duyên Sơn Trà rất dễ nhớ dễ thuộc, cứ cất giọng lên là trào tuôn những xúc cảm sâu sắc, gần với cuộc sống đời thường, tạo ra diện mạo riêng biệt khó trộn lẫn với dân ca vùng miền khác, đồng thời đi vào đời sống tinh thần của cư dân miền duyên hải Đà Nẵng như một thành phần không thể thiếu. 

Để đạt tới lối hát định hình (từ đường nét âm điệu đơn giản gần với phương ngữ thô tháp, mộc mạc thể hiện qua lời nói ít vần điệu, song nhịp điệu khá hài hòa), Hò khoan miền biển Đà Nẵng trong quá trình tiếp nhận đã chịu ảnh hưởng sự chi phối từ môi trường sản sinh ra nó từ thói quen đi thuyền của cư dân các vùng biển Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Thanh Khê, Liên Chiểu. Ngược dòng lịch sử, khi tiến dần về phương Nam, đi tìm vùng đất mới, tập trung sức lực khai hoang rồi thành lập xóm làng, họ đã đem theo hành trang nghèo nàn của mình những làn điệu dân ca trữ tình, trong đó có Hò khoan, để hát lên xua tan nỗi buồn xa quê và quên đi phần nào nhọc nhằn nơi vùng đất mới. Có thể nhận định Hò khoan hình thành kể từ thời kỳ Nam tiến xa xôi này. Đi qua các vùng miền văn hóa khác nhau, điệu Hò khoan đã biến thể theo giọng nói, ngữ điệu của cư dân địa phương. Do đó, có những nét khác biệt rất đặc trưng.

Những nghệ nhân Hò khoan qua các lần hát đối đáp đã hình thành dần lối ca đặc sắc, tạo thành một nhóm người tài năng nối tiếp từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tuy âm điệu, nhịp điệu khi hò có một số địa phương bị biến đổi bởi dấu âm và giọng nói, mặt khác trong dân gian không quy định rõ ràng bài bản, chặt chẽ khi thể hiện, người ta chỉ nhớ khi phổ thơ lục bát hay song thất lục bát với chuỗi âm đặc trưng của làn điệu và tự ngẫu hứng sáng tạo theo thẩm âm cá nhân, điều này đem lại cho Hò khoan những biến thể không đồng nhất về cấu trúc giữa các vùng miền.

Chính sự khác biệt do phụ thuộc vào âm điệu và nhịp điệu giữa các điệu hò đã tạo tính đa dạng và hấp dẫn cho từng điệu hò. Đồng thời, giúp cho người nghe nhận biết, phân biệt được đó là điệu Hò khoan vùng nào trên quê hương mình.

Do đó, những biến thể khác nhau từ điệu gốc đã giúp cho thế hệ sau dễ dàng tiếp nhận trong quá trình lưu truyền rộng rãi, thể hiện khả năng sáng tạo của cha ông, cứ như vậy Hò khoan miền biển được cư dân Đà Nẵng hoàn thiện dần theo thời gian và tạo nên sức cuốn hút mạnh mẽ đối với những ai nghe Hò khoan cũng như trực tiếp tham gia. 

Hò khoan Đà Nẵng nói chung, miền biển Sơn Trà nói riêng hình thành trong một môi trường đậm sắc thái dân dã, mộc mạc của nông thôn xứ Quảng, so sánh với các điệu hò miền Nam hay hò miền Bắc thì lời ca trong Hò khoan Đà Nẵng thường có tiếng đệm lót và phương ngữ nhiều hơn các vùng khác.

Ví dụ:

- Bậu (bạn), mô (nơi đâu), chừ (bây giờ), rứa (đúng), ni (đây), tê (kia), qua (anh), chi rứa, răng rứa (sao vậy)…
- Bậu về nằm nghỉ gát tay
Nơi mô, ơn trọng nghĩa dày bằng qua.
-Thiếp ơi! Nhớ khi mô chàng bỏ nón đi dầu
Chàng dang tay che gió, thiếp cúi đầu chịu mưa.
- Đứng bên ni Hàn, nước xanh như tàu lá
Đứng bên tê Hà thân phố xá nghênh ngang...
 
Thổ ngữ địa phương đưa vào Hò khoan Đà Nẵng tuy mộc mạc, giản dị, song rất tinh tế, đôi lúc cũng hàm ý bóng gió, ví von thâm thúy hoặc chơi chữ khá độc đáo:

Ví dụ:

Gió đưa trăng, trăng đưa gió
Trăng lặn rồi gió lại đưa ai
Gió đưa nhơn vị tiền tài
Hay là gió đợi ngày mai trăng về.
 
Giống như Hò khoan ở Đà Nẵng, Hò khoan các tỉnh Nam Trung bộ như: Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, ở Nam bộ và một số tỉnh Bắc Trung bộ như Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình và Thanh Hóa đều sử dụng các câu lục bát và song thất lục bát trong ca dao làm ca từ.

Ví dụ:

+ Ca từ là câu lục bát:

- Chim bay về núi Sơn Trà
Chồng Nam vợ Bắc ai mà muốn xa
Sự này cũng tại mẹ cha
Cho nên đĩa ngọc mới xa mâm vàng

          (Hò khoan miền biển Sơn Trà - Đà Nẵng)

- Ai qua nhắn nhủ cô nàng
Yêu nhau xin chớ phủ phàng đổi thay
- Anh về Bình Định thăm cha
Phú Yên thăm mẹ, Khánh Hòa thăm em.

                                  (Hò khoan Nam Trung bộ)

- Ô rô tía, bạc hà cũng tía
Ngọn lang giâm, ngọn mía cũng giâm
Anh thấy em tốt mã anh lầm
Bây giờ anh rõ lại vàng cầm anh cũng buông

                                                       (Hò Nam bộ)

- Kéo buồm mau kéo buồm lên
Ta như chim trắng lượn trên biển lành
Dồn tay đều nhịp liền tay
Mái chèo vỗ sóng, sóng đầy reo vui

                      (Hò hụi - Cảnh Dương, Quảng Bình)

- Trăm năm ai chớ  bỏ ai
Chỉ thêu thành gấm, sắc mài thành kim

                      (Hò nện - Quảng Trị - Thừa Thiên)

+ Ca từ là câu song thất lục bát:

Hai vai gánh điệu can thường
Duyên chàng nợ thiếp nhớ thương nhiều ngày
Điệu can thường có trả có vay
Duyên ta nợ bạn trả biết mấy ngàn ngày cho xong.
- Đất Quảng Nam chưa mưa đà thắm
Rượu Hồng Đào chưa nhắp đà say
Bạn về nằm nghỉ gát tay
Nơi mô ơn trọng nghĩa dày bằng ta

                        (Hò khoan Quảng Nam -  Đà Nẵng)

- Xem lên trời trời cao lồng lộng
Ngó xuống đất, đất rộng mênh mông
Trăm năm duyên thắm tình nồng
Lòng chung thủy ta giữ lòng sắt đá

                                         (Hò kéo thác Quảng Trị)

Có thể nói, nghệ thuật dân gian Hò khoan vùng biển Sơn Trà thành phố Đà Nẵng hết sức phong phú, đa dạng, thấm đượm tinh thần nhân văn sâu sắc của những ngư dân giàu ý chí, khát vọng và tài hoa; những con người mà lịch sử dân tộc luôn giao cho họ sứ mạng nặng nề, thiêng liêng để luôn vững vàng và chống chọi với nơi đầu sóng ngọn gió./.

Tin liên quan

15/03/2021
Năm 2021, được Hội VHNT tỉnh chọn là năm sân khấu và âm nhạc Quảng Ninh. Để có mùa âm nhạc bội thu, bên cạnh đẩy mạnh phong trào sáng tác thì cần phát triển lực lượng sáng tác đang còn khá mỏng hiện nay.
14/03/2021
Như một phép thử bản lĩnh nghệ sĩ, khi hình thức biểu diễn truyền thống “đóng băng” trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, các show diễn trực tuyến thực hiện trên nền tảng kỹ thuật số theo kiểu “nhà hát internet”, “nhà hát truyền hình” đã được nhiều nghệ ...