Mấy suy nghĩ về sáng tác ca khúc ở miền núi Tây Bắc, Việt Bắc hiện nay
Tham luận Đại hội X Hội Nhạc sĩ VN
Khu vực Tây Bắc, Việt Bắc theo thống kê gần nhất có khoảng trên 30 dân tộc anh em cùng sinh sống. Trong đó hầu hết là các cộng đồng người dân tộc thiểu số. Mỗi dân tộc lại có một nền văn hóa đặc trưng khác nhau đã tạo nên một kho tàng văn hóa nghệ thuật dân gian trong khu vực hết sức đa dạng và độc đáo. Trong các môn nghệ thuật dân gian ấy, âm nhạc (tôi tạm gọi dân ca, dân nhạc là âm nhạc) là bộ môn được nhân dân sáng tạo và phát triển khá đa dạng. Đó là các làn hát, bài đàn, kèn, sáo, nhịp trống nhịp chiêng phản ảnh phong phú đời sống tình cảm của con người với con người, với thần thánh, thiên nhiên, đất trời hàng ngàn năm qua.
Từ những năm 50, 60 của thế kỷ trước trong và sau cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược, nhiều nhạc sĩ danh tiếng của nền âm nhạc Việt Nam đã nhận ra tính chất ưu việt, khác lạ và độc đáo của các làn điệu dân ca, dân nhạc các dân tộc miền núi Tây Bắc, Việt Bắc, và đã khai thác vốn dân ca đó làm tư liệu để sử dụng trong sáng tác một cách tài nghệ và tinh tế, tạo ra các tác phẩm nổi tiếng cuốn hút người nghe. Xin đơn cử một số ca khúc như: “Chiếc khăn piêu” của Doãn Nho, “Tình ca Tây Bắc” của Bùi Đức Hạnh… (theo âm hưởng dân ca Thái), “Ru con” của Nguyên Nhung, “Chị Mai xuống chợ” của Lê Lan, “Lời ca gửi Noọng” của Nguyễn Tài Tuệ, “Bài ca trên núi” của Nguyễn Văn Thương, “Tiếng hát trên đỉnh Hoàng Liên” của Ngọc Quang… (theo âm hưởng dân ca Mông); “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó” của Nguyễn Tài Tuệ, “Suối Lê Nin” của Phạm Tuyên, “Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi” của Văn Ký… (theo âm hưởng dân ca Tày).v.v.. và rất rất nhiều nữa. Có thể nói đây là những tác phẩm có giai điệu được tác giả sáng tạo tuyệt vời, có sức cuốn hút người nghe đến say mê kể cả phần nhạc và lời. Mỗi tác phẩm của mỗi tác giả đều có những nét rất riêng biệt mặc dù nhiều bài cùng mang một âm hưởng của một loại dân ca mà ta nghe vẫn thấy lạ, thấy mới bởi những giai điệu và tiết tấu đặc biệt hấp dẫn lạ thường.
Một điều đáng mừng cho khu vực Tây bắc, Việt Bắc là khoảng vài ba chục năm trở lại đây và nhất là hiện nay, lực lượng sáng tác trẻ là người đa số, thiểu số trong khu vực ngày càng được đào tạo và bổ sung khá đông đảo. Hàng năm, có tới cả trăm ca khúc mới ra đời để đáp ứng phong trào ca hát trong khu vực. Học tập các nhạc sĩ tiền bối, các nhạc sĩ trẻ cũng phát huy cách sáng tác theo phương pháp sử dụng các chủ đề âm nhạc được khai thác từ trong dân ca các dân tộc để phát triển, và đã có không ít các tác phẩm rất thành công, gây được nhiều ảnh hưởng trong phong trào ca hát của quần chúng trong khu vực và cả nước. Phong trào sáng tác âm nhạc Tây Bắc, Việt Bắc đang chuyển biến mạnh mẽ theo năm tháng. Tuy nhiên, tình hình sáng tác ca khúc trong thời gian qua, cũng cho thấy còn những điều mà ta cần quan tâm hơn.
Trước hết về vấn đề sáng tạo. Nghe các ca khúc mới sáng tác trong những năm gần đây cho thấy hiện tượng có quá nhiều bài giống nhau về âm hưởng, na ná giống nhau về đường nét giai điệu, tiết tấu, nhất là phần dạo nhạc và câu dẫn đầu bài hát. Đôi khi nghe dạo nhạc, tưởng sẽ vào bài này hóa ra lại hát bài khác… Đó là kết quả của những tác phẩm còn hạn chế về mặt sáng tạo, đã làm cho người nghe bị nhầm. Các tác giả đã khai thác quá nhiều âm hưởng của làn điệu dân ca hát tình yêu (gầu plềnh), hát ru con (Khống mí nhủa) của người Mông (chủ yếu là các nét giai điệu) đến mức quá quen thuộc dẫn đến giống nhau. Khai thác dân ca các dân tộc làm chủ đề, làm tư liệu để sáng tác là rất đúng phương pháp và nên khuyến khích, nhưng phải có nhiều sáng tạo riêng theo cách của mình để tạo nên những yếu tố mới, mới là yếu tố quyết định. Các làn hát dân ca các dân tộc Tây Bắc, Việt Bắc có thể nói có những nét rất đặc sắc, độc đáo và phong phú. Nếu sử dụng một nét dân ca để phát triển ra những nét mới thì tốt, còn vô tình hay hữu ý “bắt chước” một tiết, có khi cả một câu của các tác phẩm khác là tùy tiện, dễ dãi, không thể chấp nhận được. Người Mông không phải chỉ có Gầu plềnh (hát tình yêu), khống mí nhủa (hát ru con) mà còn một số làn hát tự sự, giai điệu đàn môi và khèn 6 ống, kèn lá rất hay mà ta có thể khai thác được. Thiết nghĩ, các tác nhạc sĩ nên sưu tầm và khai thác sử dụng để các tác phẩm có sự đa dạng phong phú về các mặt nghệ thuật hơn.
Cũng như vậy, dân ca Tày mà điển hình là tiết điệu của hát then (hát trong nghi lễ cúng trời). Có một số tác giả trẻ, trong đó có các nhạc sĩ ở miền xuôi qua một vài chuyến đi công tác hoặc du lịch lên vùng Tây Bắc, Việt Bắc là ngẫu hứng sáng tác, hình như cứ nghĩ sáng tác về vùng này là phải có giai điệu na ná như thế, đặc biệt là tiết tấu và sắc thái, cứ như thế mà viết nên dẫn đến tình trạng nhiều tác phẩm cũng na ná giống nhau là vậy. Nói đến kỹ thuật phát triển trong sáng tác, chợt lại nhớ đến “Nổi trống lên rừng núi ơi” của Hoàng Vân, “Rừng biên cương âm vang điệu then mới” của Nguyễn Cường, hay “Em chọn lối này” của An Thuyên. Nếu có được nhiều những sáng tác như thế thì miền núi Tây Bắc, Việt Bắc âu cũng đã mãn nguyện lắm rồi.
Những hạn chế nêu trên có thể có nhiều nguyên nhân, song theo kinh nghiệm quy lại có mấy nguyên nhân chính:
1/ Có thể các tác giả còn chưa có kinh nghiệm tìm chọn ra các nét đặc sắc của mỗi làn điệu dân ca để sử dụng và phát triển, việc này còn phụ thuộc vào sự nhận biết và khiếu thẩm mỹ về giai điệu, tiết tấu của từng cá thể sáng tạo;
2/ Công việc sưu tầm và nghiên cứu vốn dân ca các dân tộc chưa tích cực nên thiếu tư liệu sáng tác, cộng với sự dễ dãi, hời hợt hoặc thiếu phương pháp chuyên môn nên các tác giả rễ mắc phải các hạn chế.
Cũng như đã nêu trên, khu vực Tây Bắc, Việt Bắc không chỉ có dân ca Mông, Tày,Thái, Mường quen thuộc như ta đã thường nghe mà còn có khoảng trên 30 dân tộc khác như Khơ Mú, Cống Khao, Lào lự, Dao, Dáy, Hà Nhì, Pa Dí, Thu Lao, Cao Lan, Lô Lô, Nùng, Pà Thẻn.v.v. Mỗi dân tộc lại có một kho vốn dân ca, dân nhạc truyền thống rất phong phú và độc đáo, tạo nên một kho tàng âm nhạc dân gian vô cùng đặc sắc cho chúng ta khai thác tư liệu không bao giờ cạn;
3/ Có thể các nhà sáng tác chưa tự mình kiên trì tìm tòi nghiêm khắc và chưa có tâm huyết để sáng tạo ra những yếu tố mới, lạ, độc đáo mang đến những điều thú vị cho người nghe.
Một vấn đề nữa, do những hạn chế của dân ca các dân tộc đã nêu trên nên theo tôi khi sáng tác âm nhạc cũng không nhất thiết phải gò ép theo âm hưởng dân ca của một dân tộc nào, ta có thể phối hợp pha trộn các âm hưởng dân ca các dân tộc nếu thấy phù hợp với hoàn cảnh, yếu tố địa lý và văn hóa vùng miền, ví dụ: Mông với Dao, Tày với Nùng, Thái với Khơ mú, Cống Khao; Tày với Thái, Mường; Nùng với Pa Dí, Dáy với Tày, thậm chí với cả của người Kinh; kết hợp giữa dân gian và hiện đại… Có như vậy mới tạo được hơi thở thời đại cũng như làm cho tác phẩm mới hơn, hấp dẫn hơn. Bởi trong đời sống hiện nay, dân cư trong một khu vực, trong một xã, một bản có nhiều thành phần dân tộc anh em cùng chung sống với nhau ba, bốn mươi năm, dẫn đến các tập tục văn hóa đan xen hòa trộn với nhau, hát dân ca của nhau, nói tiếng nói của nhau thậm chí kết thân, kết hôn với nhau. Trên thực tế danh giới phân biệt văn hóa giữa các dân tộc với nhau cũng không còn cách biệt nữa. điều đó cho phép các nhạc sĩ có thể “pha màu” các dân ca dân tộc trong các tác phẩm của mình giống như người họa sĩ vẽ tranh vậy. Miễn rằng “pha màu” sao cho hợp lý. Đâu là chủ thể, đâu là phụ thể, cái phụ thể phải làm nổi bật cái chủ thể để làm sao cho âm hưởng của tác phẩm đạt hiệu quả, miễn là hay là mới như ý muốn và được công chúng đón nhận là được.
Từ những thực tế trong phong trào sáng tác ca khúc ở khu vực Tây Bắc, Việt Bắc hiện nay, người viết bài này xin có mấy ý bàn như sau:
1/ Các nhạc sĩ hãy tích cực sưu tầm, tích lũy vốn dân ca dân nhạc, tìm hiểu vốn văn hóa truyền thống và đặc điểm ngôn ngữ vùng miền của nhân dân các dân tộc một cách thấu đáo kỹ càng, bởi những kiến thức ấy sẽ giúp bạn có thêm nhiều cảm xúc và tình yêu xứ sở non nước con người nơi đây mạnh mẽ hơn, và chắc chắn bạn sẽ thành công trong công việc sáng tạo các sản phẩm âm nhạc mà mọi người và quê hương đang mong chờ.
2/ Hội Nhạc sĩ cần khuyến khích những tác phẩm phát triển từ chủ đề âm nhạc dân ca các dân tộc miền núi, nên có chính sách đầu tư cho các công trình sưu tầm, nghiên cứu các làn điệu dân ca, dân nhạc các dân tộc ít người để phong trào sáng tạo âm nhạc các khu vực miền núi phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn. Những năm qua, Hội Nhạc sĩ Việt Nam cũng đã quan tâm tổ chức các đợt liên hoan âm nhạc và mở các lớp bồi dưỡng chuyên môn trong khu vực rất tốt và đã mang lại những hiệu quả đáng kể. Nhưng theo tôi, liên hoan âm nhạc cần nâng cao thêm một bước nữa ở khâu hội thảo, cần có những nhận xét tổng kết sâu sắc và thẳng thắn của các chuyên gia bậc thầy về âm nhạc, chỉ ra cái được, cái chưa được thì tác dụng của các liên hoan được nâng cao lên nhiều lần. Cũng như vậy, các lớp bồi dưỡng ngắn ngày cần thường xuyên hơn, nên mở theo chuyên đề mà trong đó chuyên đề KINH NGHIỆM KHAI THÁC VÀ PHÁT TRIỀN các chất liệu trong âm nhạc dân gian các dân tộc miền núi là rất cần thiết. Qua đó để nâng cao phương pháp và kỹ thuật sáng tác cho các nhạc sĩ địa phương, đồng thời góp phần vào sự nghiệp gìn giữ, bảo tồn kho tàng âm nhạc đặc sắc các dân tộc khu vực Tây Bắc, Việt Bắc yêu quý của chúng ta.