Mất – Đi trong âm nhạc

12/11/2015

Tôi từng có ý tưởng thiết kế sân khấu biểu diễn nghệ thuật âm nhạc không có ánh đèn để cho nghệ sĩ và cả khán thính giả chìm sâu vào trạng thái “nhập định” nhằm vươn tới cảnh giới thăng hoa trong thế giới âm thanh nhiệm màu. Ánh sáng chỉ thắp lên và thực sự cần thiết trước khi âm nhạc sinh ra và sau khi mất đi để hoàn thành nốt phần nghi thức còn lại.


Ảnh minh họa

Có thể thấy, trong tất cả loại hình nghệ thuật, âm nhạc là dạng thức duy nhất không phụ thuộc vào ánh sáng. Quá trình bị tước đoạt mất cơ hội tồn tại và nỗi ám ảnh về sự ra đi liên tục trước từng phút giây đã viết nên ý nghĩa, giá trị phi thực tại của nghệ thuật âm nhạc, từ đó tạo nên khả năng siêu việt, vượt lên những giới hạn về không gian, thời gian. Mất - Đi trở thành bản chất, ý nghĩa nguyên khởi làm nên thuộc tính ở loại hình nghệ thuật âm nhạc. Âm nhạc sở dĩ được coi là nghệ thuật thời gian, là vì tính chất “sinh tử” này. Nói cách khác, âm nhạc không thể chiếm hữu mà chỉ hiện hữu trong khoảnh khắc tạo nên bởi chuỗi âm thanh mất đi liên tục. Theo tư duy biện chứng hồn nhiên, mất và đi là hai thuộc tính của thực thể âm thanh. Mất nhằm chỉ chiều biến của thời gian, Đi giúp cho âm thanh có khả năng dịch chuyển về không gian. Mất cũng có nghĩa là đi, đi mất, nhưng đi chưa hẳn đã mất, vì có những sự ra đi có thể quay được trở lại, còn đi trong nghệ thuật âm thanh là đi mất, từ đó làm nên ý nghĩa, giá trị nội tại của nghệ thuật âm nhạc.

Trong nhiều tôn giáo, tín ngưỡng, âm nhạc luôn đóng vai trò công cụ thực hành nghi lễ. Âm nhạc nghi lễ vừa nhằm chuyển tải bức thông điệp của con người gửi tới các vị thần ngự trị ở nhiều “cõi” khác nhau, vừa có khả năng kết nối, cộng thông giữa thế giới hữu hình và vô hình. Xuất phát từ bản chất phi thực tại, âm nhạc được khoác lên vỏ âm thanh tính chất linh thiêng, huyền bí. Xét ở góc độ nội dung, bất cứ văn bản nào cũng mang tính chất giả định, có thể bị lừa phỉnh bởi nhận thức. Còn đối với văn bản chuyển tải bằng âm thanh, thông qua biện pháp âm nhạc, nội dung của bức thông điệp tự thân đã làm nên tính chất đa nghĩa, ngoài ý nghĩa sở chỉ có khả năng hướng tới mục đích thiết thực ra, còn có ý nghĩa biểu cảm, vươn lên thành linh thiêng, siêu thực. Chúng ta có thể bị nội dung văn bản đánh lừa, song lại cảm nhận được tính chân thực thông qua phương thức biểu hiện của âm nhạc. Chức năng biểu cảm bổ túc, làm rõ nghĩa thêm cho văn bản. Bởi vậy, các loại Kinh văn, đa dạng hơn, như Biểu, Sớ, Sắc… với sự hỗ trợ của thủ pháp xướng, tán, tụng, niệm, chú, bạch, độc, thán, vịnh… góp phần làm nên ý nghĩa linh thiêng. Từ tín ngưỡng Nguyên thủy cho đến tôn giáo hiện đại, từ hoạt động sản xuất cho đến cảnh diễn tổng hợp, trò chơi dân gian… tất thảy đều nhờ tới sự tham gia của âm nhạc nhằm khái quát hóa triết lý “mất” và “đi”. Tính chất diệu dụng của nghệ thuật âm thanh cho phép loài người liên hệ với thần linh, thế giới vô hình.

Có thể nói, trước khi ngôn ngữ sinh ra và sau khi sinh ra gặp phải trở ngại giao tiếp, âm nhạc đã làm nhiệm vụ “phiên dịch” cho con người kết nối với nhiều thế lực. Hầu hết các nghi lễ cổ từ tín ngưỡng Saman cho đến độc thần giáo đều sử dụng âm nhạc làm phương tiện cộng thông. Như một công cụ hỗ trợ trung gian, âm nhạc có khả năng chuyển giao bức thông điệp của loài người tới thần linh và đi xuyên qua nhiều nền văn hóa. Bằng biện pháp mất liên tục trong thời gian, âm nhạc đã đi xuyên qua không gian. Và cũng bằng bản chất vô hình, vô sắc, âm nhạc thoát khỏi chướng ngại dựng lên từ bức tường ngăn cách trong không gian, văn hóa. Âm nhạc có lẽ là loại hình nghệ thuật duy nhất không chịu sự ràng buộc bởi không gian, ánh sáng phục sức của thế giới hình sắc biến ảo. Tất nhiên, chúng ta không thể đẩy âm thanh đến bến bờ vô tận thoát khỏi giới hạn về thuộc tính vật lý. Song, bên cạnh thuộc tính vật lý, âm nhạc sản sinh từ những biến đổi kỳ diệu bên trong tâm lý, từ đó sản sinh ra những giá trị đong đầy ý nghĩa nhân văn, sâu sắc vây quanh thuộc tính loại hình nghệ thuật này. Cũng nhờ thuộc tính vật lý gây ra bởi chấn động âm thanh, âm nhạc có thể tạo nên những rung động thẩm mỹ, tạo điều kiện cho trí tưởng tượng phát huy tác dụng nhằm thực hiện chuyến du hành tới những miền đất xa xôi. Thuở xưa, âm nhạc từng được gắn với cội nguồn thiên giới, trên đỉnh Olympus có vị thần Apollo chuyên quản về nghệ thuật âm nhạc. Dưới hạ giới, biển cũng là “Nhạc viện” của nhiều loài thủy tộc quyền biến vạn hóa, có năng lực sáng tạo âm nhạc. Từ thiên giới xuống hạ giới và lẩn sâu xuống cõi A tì sâu thẳm, âm nhạc có khả năng làm cuộc hành trình xuyên qua ba cõi. Chàng Orpheus thuở xưa nhờ tài năng ca hát mà có thể xâm nhập lãnh địa quỷ thần dưới địa ngục để cứu người vợ hiền xinh đẹp bị rắn cắn chết. Những câu chuyện bi ai hỷ nộ liên quan đến phép màu của âm nhạc phủ kín các nền văn hóa. Qua đó thấy rằng, nhờ số phận đoản mệnh của mình, âm nhạc có thể thực hiện sứ mệnh cao cả, trở thành “vị sứ giả” có nhiệm kỳ lâu nhất trong lịch sử văn hóa loài người. Trong những chuyến du hành của kinh sư, pháp sư, thầy phù thủy, bà đồng, bà bóng… bên cạnh pháp khí hộ thân, còn có âm nhạc hộ trì, tạo thành trường sinh thái dẫn dắt qua miền viễn tưởng cách trở. Âm nhạc có thể hóa thân vào vai trò dẫn dắt bằng chiếc trống lệnh trên tay bà bóng hay huy động cả đoàn tùy tùng gồm hai bộ phận Tiền bằng và Hậu bằng hùng hậu trong lễ Vu Lan thắng hội của người Triều Châu… Qua các giá đồng của tín ngướng Tứ phủ cũng cho thấy sự hậu thuẫn của âm nhạc trong việc sắp xếp, dàn cảnh cho các thánh thực hiện sứ mệnh của mình…

Khi thế giới còn chia cách bởi sự khác biệt, chính âm nhạc đã hàn gắn vết nứt dựng lên trên thành kiến và lòng thù hận. Nhờ bản chất “mất” và “đi”, âm nhạc đã ngao du khắp các nền văn hóa, vượt lên trên mặt đất tinh khôi để tới những miền huyễn tưởng xa xôi. Khả năng cộng thông, liên kết mới mẻ đã làm cho âm nhạc trở nên linh thiêng, diệu kỳ, bí hiểm. Không một loại hình nghệ thuật nào có khả năng thay thế âm nhạc trong vai trò chuyển ngữ, cũng như giao dịch với các vị thần trong cõi vô hình. Âm nhạc có độ phủ sóng rộng rãi, không chỉ trong thế giới loài người mà còn di chuyển sâu vào những vùng tăm tối mà tri thức chưa chạm đến. Thưở ban đầu, tất cả các tộc người trên thế giới đều giao tiếp với thế giới vô hình bằng ngôn ngữ âm nhạc. Âm nhạc không chỉ trở thành ngôn ngữ quốc tế liên thông dưới mặt đất, trần gian, mà còn được dùng làm ngôn ngữ vũ trụ công thông giữa các cõi. Con người từ xa xưa đã biết chuyển hóa, “phiên dịch” bức thông điệp của mình qua tiếng đàn, tiếng hát, tiếng nhạc huyền diệu. Các âm thanh từ cơ năng con người hay nhạc cụ phát ra đều có khả năng khuấy động làn sóng tạo âm màu nhiệm trong bầu khí quyển. Thần chú vốn cũng là thứ âm thanh biểu cảm đa sắc mang nhiều nội dung khác nhau gần gũi với nghệ thuật âm nhạc. Thần chú không chỉ dừng lại ở tầng biểu ý, mà còn vươn tới khả năng biểu cảm nhờ hấp thu năng lượng siêu nhiên và chuyển tải ý nghĩa thông qua biện pháp, cách thức trì chú. Đối với những vị cao tăng đắc pháp, tiếng chuông, tiếng chú có thể vang rền ba cõi, khiến cho loài ngọa quỷ dưới cõi A tỳ được cảm hóa, giải thoát! Ý nghĩa lễ Vu Lan thắng hội với mục đích cúng dường Tam bảo để giải thoát tai ách cho cha mẹ bảy đời thông qua biện pháp hộ trì của chư tăng cũng bằng biện pháp âm nhạc. Âm nhạc có khả năng thẩm thấu qua chiều không gian, thời gian đến những vùng không giới hạn. Âm nhạc là một trong những loại hình nghệ thuật mất đi trong thời gian và vì thế có khả năng đến được chiều không gian khác.

Âm nhạc ngoài sở trường biểu cảm và chuyển tải nội dung đa nghĩa, giá trị chân quý nằm ở thuộc tính mất đi liên tục. Vì mất đi, nên âm nhạc trở thành thứ “tin nhắn” của nghi lễ gửi tới các vị thần. Thông điệp chỉ có ý nghĩa nguyên khởi, cái “Lý”, còn biện pháp thực hiện, phần “Sự” dành cho công năng của âm nhạc. Âm nhạc không chỉ xuất hiện trong nghi thức tín ngưỡng, mà còn sản sinh trong bối cảnh xã hội hiện đại với những hoạt động nghi lễ mang tính chất kỷ niệm, khai trương, khánh thành… Bên cạnh đó, còn có nhiều hình thức ăn theo tập quán văn hóa cho thấy sự tham gia của âm nhạc như một lựa chọn mang tính quy phạm hay định hướng.

Trở về thuộc tính nguyên ủy, đặc trưng của bản thể nghệ thuật âm thanh nằm ngay trong hình thức của nó. Chúng ta không thể bỏ qua tính chất mất đi của nghệ thuật âm nhạc. Mất khiến cho âm nhạc đi và đó mới chính là điểm đến làm nên giá trị ở loại hình nghệ thuật này. Bởi, có mất, nên mới có đi - đi đến chốn ngự trị của thần linh hay miền đất tâm hồn khuất nẻo trong bản thể con người. Trong nhu cầu hồi hướng của mỗi cá nhân, thuộc tính mất – đi đã biến nghệ thuật âm nhạc đi từ đặc trưng thường biến đến bất biến, như một hằng số không đổi trước các loại hình nghệ thuật. Nếu so sánh với loại hình nghệ thuật không gian, ràng buộc bởi hình tướng hoặc tồn tại dưới dạng văn bản như văn học, thơ ca… rõ ràng, âm nhạc nằm trong sở chỉ mơ hồ về thuộc tính. Âm nhạc không nhắm đến nội dung, ý nghĩa mang tính quy phạm như văn học, cũng không hiển thị cụ thể như Hội họa, mà mông lung, đa nghĩa trên đường tuyến vô hình, trừu tượng... Chính vì không hiện hữu một cách cụ thể, âm nhạc không chuyển tải nghĩa đen như hình thức văn bản, mà hướng tới nghĩa bóng, đa diện, phức hợp, từ đó khiến cho tác phẩm âm nhạc tồn tại dưới dạng phức thể, khó thể quy kết về một nội dung cụ thể trong trường xúc cảm vô tận bằng biểu trưng đa nghĩa.

Theo thuyết giãn nở vũ trụ, thời gian có một chiều duy nhất thẳng tiến về phía trước. Với tư cách của một loại hình nghệ thuật nương theo chiều biến của thời gian và mất đi liên tục trong không gian, âm nhạc trở thành thực thể đồng nhất với thời gian, tồn tại trong từng khoảnh khắc biến ảo và mất đi liên tục, nhờ thế, âm nhạc đã viết nên ý nghĩa thực tại của chính mình.

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...