Mắt của thói quen

17/05/2013

Thói quen hiểu là những hành vi lặp đi lặp lại làm nên đặc trưng ở từng người. Dù rằng ngành Nhân tướng học không xét đoán đối tượng dựa vào phương diện hành vi, nhưng các thầy tướng rất coi trọng những biểu hiện thông qua thói quen. Con người ta nói chung đều có thói quen hình thành lâu dài theo năm tháng, đặc biệt là hành vi đã trở thành vô thức, như thế đứng, kiểu ngồi, cách ăn nói, tạo dáng…

Có thói quen nguy hại, gây chết người, như vừa lái xe, vừa nghe điện thoại, vừa đổ xăng, vừa hút thuốc lá… cũng có thói quen làm nên phẩm chất, tài năng ở người sở đắc, như khả năng sử dụng thành thục về công cụ lao động, tài năng trình diễn nghệ thuật… Chính vì vậy, xét trên bề mặt hành vi tưởng chừng như khá giống nhau, thói quen lại tiềm ẩn nhiều yếu tố khác biệt. Ngay trong một con người, có thói quen biến người ta thành mù lòa, “vô tri”, lại có thói quen như Tuệ nhãn rọi chiếu vào những vùng tăm tối mà mắt thường không thể nhìn thấy. Câu chuyện kể về họa sĩ Đới Ngoạn Quân, nhà thư pháp, điêu khắc lừng danh người Hoa ở Chợ Lớn trước năm 1975 là một ví dụ. Đương thời Đới Ngoạn Quân nổi tiếng với biệt tài khắc ngà voi. Tác phẩm của ông được thực hiện công phu, tinh xảo trên đá, đặc biệt là trên ngà voi với những chi tiết không thể phân biệt bằng mắt thường. Sau khi ông rời khỏi Chợ Lớn sang định cư tại Pháp, nghề khắc ngà hoàn toàn bị thất truyền. Hiện nay, hầu như chẳng còn ai kế thừa nghề khắc ngà tinh xảo, tỉ mỉ của Đới Ngoại Quân. Hơn nữa, rất ít người biết ông đã làm công việc đó như thế nào. Bí ẩn chỉ được hé mở sau khi người vợ, thường làm phiên dịch cho ông những giờ lên lớp với học trò người Việt vô tình tiết lộ. Vợ ông kể lại rằng, mỗi lần viết thư pháp trên hạt gạo hay ngà voi, ông thường chay tịnh hàng tuần. Trước khi hạ bút, Đới Ngoạn Quân tắm rửa sạch sẽ, đốt trầm cho thần thái thư thả, thanh tịnh, rồi nhắm mắt lại vẽ. Ông vẽ một mạch cho đến lúc tác phẩm hoàn thành. Tác phẩm của ông được hình thành trong sự dẫn dắt của tâm thức, thứ linh cảm huyền diệu, nhiệm màu thâu nhiếp hoàn toàn vào đầu bút. Và đương nhiên, để đạt tới cảnh giới “Xuất quỷ nhập thần” ấy, người họa sĩ tài ba này đã phải thành thục về mặt bút pháp - chỗ mà mắt thường không thể nhìn thấy.

Người thường mặc dù không có những khả năng tinh xảo, tuyệt chiêu như Đới Ngoạn Quân, nhưng hầu như ai cũng có thói quen không cần dùng đến mắt. Nửa đêm tỉnh giấc, chẳng cần mở mắt ta vẫn có thể lần ra công tắc hay đi vào nhà bếp... Đó là sự dẫn lối của thói quen. Thói quen lặp đi lặp lại đôi khi sáng tỏ để soi đường cho chúng ta đi, cũng có khi mù lòa dẫn ta đến chỗ nguy hại. Ngày nay nhiều người có thói quen vừa ăn vừa đọc báo hay xem tin tức trên TV, Ipad… Chúng ta hễ bỏ thức ăn vào miệng là nhai, nuốt một cách “vô thức”, bất kể trong miệng có cả dây thung, sợi chỉ… Con người ta dù rằng có cả nghìn tỉ nơ ron thần kinh, nhưng dải tần hoạt động của chúng vô cùng kém cỏi. Hễ chú ý đến việc này, ngay lập tức việc khác bị lép vế, lu mờ. Đó là một trong những khiếm khuyết trong cấu tạo sinh thể con người. Chính vì sự khiếm khuyết về khả năng quan sát, con người đã bổ túc bằng vô vàn “thói quen”. Thói quen một mặt làm cho ta trở nên sáng láng, nhanh nhậy, mặt khác cũng biến ta thành mù lòa, vụng về... Đối với tác hại của thói quen xấu, nhẹ có thể chỉ làm tổn thương âm ỉ về mặt thể xác, nặng hoàn toàn đưa đến những tai ương vô lường, như đang đi xe mà nghe điện thoại, trông con trên hồ bơi trong khi vẫn lướt web… Thói quen nói chung chẳng cần đến sự hiện diện của mắt. Nói cách khác, mắt khó thể quán xuyến hết mọi khả năng biểu hiện thông qua hình thể. Con người ta dù quan sát giỏi như thế nào, kỹ đến đâu cũng chỉ như những đường sáng rọi một cách chớp nhoáng qua đối tượng. Theo cấu tạo sinh thể học của loài người, mắt chủ yếu tập trung khả năng quan sát vào khu vực phía trước. Để mở rộng tầm nhìn, việc đầu tiên con người phải cử động cổ, quay mặt qua hai bên, từ đó làm hình thành tư duy “Phải – Trái” nền tảng. Đối với người làm nghệ thuật, thói quen giúp cho họ tiêu hóa được rất nhiều kỹ thuật hóc búa, rồi từ đó lại hình thành những thói quen mới.

Tương truyền nghệ sĩ Paganini người Ý là một trong những violist thượng thặng về tài nghệ trình tấu. Thời kỳ ấy thiết bị thu âm chưa ra đời, nhưng lịch sử âm nhạc, những cuốn sách ghi chép về tiểu sử tác giả đều dành nhiều lời lẽ tụng ca tài nghệ của ông. Vốn sinh ra trong một gia đình có người cha cờ bạc, Paganini sớm bị đưa vào “lò luyện đan” với sự khổ luyện miệt mài, hàng ngày tập đàn tới 14 tiếng, có những buổi hễ đánh sai một nốt là bị người cha đánh, bỏ đói…Nhờ sự khổ luyện mà khả năng, kỹ năng, kỹ thuật trình diễn trên đàn violon của Paganini đạt tới mức siêu phàm. Nó được ví như những tia chớp trên cần đàn. Đi kèm với tài năng tột bậc ấy là những lời đồn đại hoang đường, rằng sau lưng Paganini luôn ẩn náu một con quỷ Satăng. Nói cách khác, Paganini chính là hiện thân của quỷ. Trong một buổi biểu diễn chung với nghệ sĩ vĩ cầm người Pháp, người ta đã lên kế hoạch làm hại Paganini bằng cách tạo ra sự cố đứt dây. Khi ông đang biểu diễn tác phẩm “Âm láy ma quỷ” của nhà soạn nhạc Giuseppe Tartini, sợi dây thứ 4 của cây đàn đã bị đứt, Paganini bèn đàn tiếp trên 3 dây còn lại, dây thứ 3 đứt tiếp, Paganini đàn biến tấu “Âm láy ma quỷ”. Khi ấy, có một vị công nương bước lên sân khấu, cùng với thái độ bày tỏ sự thán phục đối với nghệ sĩ, cô thốt ra những lời lẽ bao hàm cả ý nghĩa mỉa mai: tôi hy vọng có dịp sẽ được nghe ngài biểu diễn trên cây đàn 1 dây! Ít lâu sau, trong một buổi biểu diễn khác, Paganini đã trình diễn tác phẩm “Biến tấu trên dây sol” của mình trên cây đàn chỉ có 1 dây. Tác phẩm này đã đi vào lịch sử âm nhạc và thường được chọn vào nhạc mục của nhiều nghệ sĩ violon.

Với tài nghệ điêu luyện như Paganini, đừng nói đến mắt mà phải nói rằng, khắp người ông đều là mắt, cả rừng mắt bủa vây. Điều khiến cho chủ nhân của nó đã gánh chịu nhiều hậu quả và lịch sử ghi nhận như một đỉnh cao khó thể vượt qua về nghệ thuật trình tấu. Sự xuất hiện của Paganini khiến cho nhiều nghệ sĩ đương thời không ngừng cạnh tranh, học hỏi... lẫn nhau. Bấy giờ, nhà soạn nhạc, nghệ sĩ piano lừng danh người Hungari Frank Liszt sau khi nghe Paganini biểu diễn đã “không dám” lên sân khấu biểu diễn 3 năm mà chỉ ở nhà “bế quan luyện công”. Trong khi Liszt từng lưu diễn tại Nga, tên tuổi và sự nghiệp của ông khiến cho nhà soạn nhạc tiền bối, người đặt nền móng cho nền âm nhạc Hàn Lâm nước Nga là Mikhail Glinka phải nấp sau cánh gà, ngại xuất đầu lộ diện sẽ bị người khác giới thiệu về mình với Liszt. Điều đó càng chứng tỏ về tài nghệ bậc thầy, xuất chúng của Paganini. Nhờ có Paganini không chỉ giúp cho tính năng của cây đàn violon đạt tới mức độ phong phú về khả năng biểu cảm, các thủ pháp kỹ thuật định hình một cách hoàn hảo, mà còn góp phần nâng cao khả năng biểu hiện của những cây đàn khác, trong đó có piano. Trong tổ khúc “Carnaval”, Schumann đã mô phỏng tiếng đàn, kỹ thuật violon biểu trưng cho sự xuất hiện của Paganini. Những sự kiện có liên quan tới Paganini đã trở thành đề tài bất tử đi vào huyền thoại.

Theo nghiên cứu thực nghiệm, một kỹ năng đạt tới sự thành thục phải trải qua 80 giờ tập luyện. Bởi vậy, chúng ta có thể hiểu được tại sao, học sinh, sinh viên trường nghệ thuật trải qua thời gian đào tạo thường dài gấp đôi, gấp ba khối trường khác. Mà số liệu định lượng 80 giờ ấy mới chỉ phản ánh được phần cứng, phần kỹ thuật của kỹ năng, còn phần mềm, “phần hồn” của nghệ thuật thì khó thể định lượng. Vì chất lượng, sự siêu việt phụ thuộc vào nhiều yếu tố, từ môi trường văn hóa, giáo dục, gia đình cho đến tố chất, phẩm chất, sự rèn luyện và đặc biệt khả năng tu tập ở từng người. Di chuyển trên mặt phẳng khác với trên trục không gian. Nghệ thuật khác nhiều ngành nghề khác bởi quá trình phát triển ở mỗi cá nhân đi lên theo chiều thẳng đứng - chiều hướng thượng, siêu việt nội tại lẫn ngoại tại. Người ta thường ví môi trường nghệ thuật giống như hình Kim tự tháp, chỉ một số ít leo lên tới đỉnh. Và cái khó của chặng đường đó không nằm ở sự nỗ lực thuần túy, mà phụ thuộc vào tổng hòa các thành tố tạo nên nhân duyên và điều kiệu. Để có thể trình diễn trong tư thế mắt nhắm nghiền, hai bàn tay ma quái, phù thủy nhảy múa trên phím đàn, tâm thức, thần thái tập trung cao độ, giống như người nhập đồng, Thiền sâu… những nghệ sĩ bậc thầy đều trải qua sự khổ luyện miên trường mới đạt tới khả năng “xuất quỷ nhập thần”. Xưa chẳng hề khác nay, Thiên tài là 99% mồ hôi, nước mắt cộng với 1% tài năng. Và 1% tài năng ở đây hoàn toàn chỉ là một con số ước lệ, chẳng ai cân đong đo đếm được. 99% mồ hôi nước mắt mà không có 1% tài năng thì mồ hôi, nước mắt kể như đổ sông, đổ bể, không thể làm nên phẩm chất nhân tài. Lao động nghệ thuật đòi hỏi sự “tinh tấn” không ngừng, đó là khả năng lũy tiến về những trải nghiệm nghệ thuật. Khác xa với công việc mù quáng theo kiểu “kiến tha lâu đầy tổ”. Và khi vươn tới đỉnh, không còn phân biệt giữa tài năng và sự khổ luyện, tất cả đã hòa quyện vào nhau.

Theo quan niệm thường nghiệm, “trăm hay không bằng tay quen”. Kỳ thực, hai thói quen tưởng chừng rất khác nhau ấy là khoảng cách trời ơi giữa một bên là thợ và một bên là bậc thầy. Con mắt tuệ nhãn của bậc thầy luôn thọc sâu vào từng cử chỉ, hành vi nhằm tạo ra những tuyệt phẩm vươn tới sự toàn hảo. Con mắt nhục nhãn của người thợ chỉ lặp lại những gì đã thành thói quen, sơ cứng, hóa thạch. Thói quen tỏ tường có khả năng soi sáng vùng tối của giác quan, còn thói quen đui mù sẽ làm mờ, thậm chí tối thêm bằng hành vi vô thức. Xưa có câu chuyện kể về một người chuyên làm nghề đãi cát tìm vàng. Công việc của anh ta lặp đi lặp lại mỗi một động tác nhặt cát và lượm xuống biển. Bỗng một lần, rõ ràng anh ta đã trông thấy một cục vàng hiện rõ trên tay mình, nhưng vì quá quen với động tác ném cát xuống biển, nên cũng giống như mọi lần anh cầm cả cục vàng ném xuống biển, rồi ngồi trên bờ ngẩn ngơ.

Trong nghệ thuật, thói quen làm nên “kinh nghiệm” quý báu của người nghệ sĩ, nhưng cũng dễ dàng giết chết nghệ thuật nếu như chủ thể không nhận ra sự mù lòa của hành vi. Đa số người sở đắc thói quen đều đi đến chỗ không cần tới sự trợ giúp của mắt, bằng linh cảm, chỗ không cần dùng tới mắt đã dẫn dắt hành vi. Thế nhưng, sự kiểm soát của tư duy, ý thức trong mỗi hành vi vẫn “can thiệp” vào từng cử chỉ tinh tế, chính xác, thay vì lặp đi lặp lại như cỗ máy. Đó là chỗ khác biệt giữa thói quen thuần túy và cảnh giới điêu luyện làm nên tố chất giữa người thợ và bậc thầy có biệt tài. Thành ngữ có câu: “Thục năng sinh xảo”, sự thành thục nảy sinh khả năng tinh xảo. Trên thực tế, rất nhiều trường hợp thành thục, nhưng chẳng hề tinh xảo, điêu luyện. Chúng ta có thể liên hệ tới sự khu biệt rõ rệt giữa người thợ và bậc thầy trên đây. Người thợ chỉ duy trì khả năng của mình trong sự lặp lại, không thay đổi. Còn bậc thầy vừa đạt tới độ tinh xảo của thói quen, vừa không ngừng sáng tạo, siêu việt thoát khỏi thói quen. Thói quen dù tinh xảo đến đâu vẫn dừng lại ở khuôn mẫu, lề lối. Nó có thể trở thành vũ khí tự hủy diệt nghệ thuật, nếu như người sở đắc không tự phản tỉnh. Sáng tạo đòi hỏi không ngừng thay đổi bản thân và nghệ thuật. Bậc thầy coi thói quen như chỗ dựa, kiểm soát và điều khiển nó nhằm tạo ra những sản phẩm theo quy luật sáng tạo. Còn người thợ chỉ biết lặp lại mình, trở thành nô lệ cho những thói quen cố hữu.

Cuối thời Xuân Thu (thế kỷ V-IV) ở Trung Quốc có một nhạc sĩ chơi đàn cầm nổi tiếng tên là Sư Khoáng. Tương truyền ông tự cầm kim thêu chọc thủng mắt mình để nâng cao khả năng chuyên chú. Chúng ta đều biết, “cửa sổ tâm hồn” vốn là cánh cửa nhìn ra ngoại giới, vừa đem đến cơ hội mở rộng kiến văn, vừa gây bấn loạn cho tâm. Việc làm của Sư Khoáng hết sức quả cảm, đáng biểu dương, nhưng thật khó thể khuyến khích cho dù đã hy sinh vì nghệ thuật. Song, đối với con mắt của thói quen rất cần những lòng can đảm sẵn sàng hy sinh để thách thức mình dấn thân vào con đường sáng tạo. Thói quen là con mắt chẳng chịu “nhìn” trên thực tế, bởi vậy, trong nhiều trường hợp, nó là con mắt mù lòa, vô tri. Thói quen mang thuộc tĩnh lưỡng phân, tự tỏa sáng và làm đui mù cảm giác bằng hành vi “hóa thạch”. Nếu thiếu sự dẫn dắt của Tâm thức, thói quen có thể trở thành trở lực trên con đường vươn tới sự hoàn thiện. Thói quen giống như con dao hai lưỡi, một lưỡi tạo ra kinh nghiệm quý báu, sản sinh năng lực thành thục, tinh xảo, một lưỡi gây sức ỳ tâm lý, lỳ lợm, giết chết sáng tạo. Tính hai mặt của thói quen bản thân chưa nói lên được phẩm chất tốt hay xấu, mà quyết định bởi tâm thức – bàn tay vô hình điều khiển “con dao” hai lưỡi “vô tính” của thói quen. Bàn tay ấy giúp cho nó trở nên sáng suốt, theo khuynh hướng chịu sự “ràng buộc”. Nếu thiếu bàn tay vô hình này, thói quen sẽ biến thành kẻ mù lòa, u mê, lầm lạc hơn thành ra nguy hiểm. Thói quen cũng như hai con mắt, một con mắt sáng có khả năng dẫn ta đi trong bóng tối và một con tối đưa ta đi giữa ban ngày.

 

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...