Lương – Chúc và những rào cản trong văn hóa

11/03/2015

Lương – Chúc là tên gọi tắt vở ca kịch nổi tiếng Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài, một trong bốn truyền thuyết lưu truyền phổ biến trong dân gian Trung Quốc cùng với Mạnh Lệ Quân, Truyện Bạch Sà và Ngưu Lang – Chức Nữ. Cả bốn truyền thuyết này đều có chung đặc điểm: kết thúc không có hậu, khác hoàn toàn với truyền thống thẩm mỹ như ý cát tường của người Á Đông và được người đời tụng ca như những khát vọng muôn đời.


Biểu diễn Quỳnh kịch tại Miếu Thiên Hậu, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh.

Lương – Chúc từ lâu đã được chuyển thể thành nhiều loại hình nghệ thuật, như hội họa, âm nhạc, vũ đạo, điện ảnh… đặc biệt, có lẽ sớm hơn cả là Ca kịch. Ca kịch hay Hý khúc Trung Quốc ra đời vào thời kỳ Tống – Nguyên. Lần hồi theo dấu vết của những trò diễn dân gian gắn liền với nội dung, cốt truyện, nhân vật, cảnh huống, kết hợp các biện pháp nghệ thuật: thơ, ca, nhạc, họa… thì nguồn gốc của Hý khúc có thể đẩy lùi sâu hơn vào quá khứ xa xưa. Ngược dòng lịch sử chúng ta có thể liên hệ với hoạt động nghi lễ tôn giáo cổ... Ngày nay, ở nhiều khoa nghi (tiết mục thực hành nghi lễ) Phật giáo, Đạo giáo… vẫn bảo lưu nhiều dạng thức văn hóa cho thấy dấu vết của loại hình Hý khúc, như khoa nghi Tẩu kim sơn trong nghi lễ Phật giáo ở Tịnh xá Sư Trúc Hiên (quận 5, thành phố Hồ Chí Minh), khoa nghi Phóng đại Tam Thanh ở cơ sở tín ngưỡng Đạo giáo Khánh Vân Nam Viện, quận 11… Như vậy, trước khi Hý khúc với dòng chủ lưu là Đại hý (như Kinh kịch, Dự kịch, Việt kịch, Hán kịch…) bước lên vũ đài lịch sử, trở thành giá trị văn hóa phổ biến, chúng đã tiếp thu, tích hợp phần lớn thể loại có khuôn khổ, quy mô nhỏ trong dân gian gọi chung là Tiểu hý. Tiểu hý cũng là những loại hình nghệ thuật tổng hợp, có cốt truyện thể hiện bằng ngôn ngữ nghệ thuật, nhưng kết cấu đơn giản, khuôn khổ nhỏ, tình tiết và nhân vật ít. Ngoài ra, hiện tượng cải trang gái giả trai hoặc trai giả gái khá phổ biến trong nghệ thuật Hý khúc. Nó chỉ ra nguôn gốc lâu đời và tính chất tương đồng giữa cốt truyện và hình thức nghệ thuật. Lương – Chúc không chỉ phản ánh tâm lý sâu sắc những diễn biến xã hội mà còn tạo ra không gian, thời gian thoát khỏi khung định chế của một hiện tượng vươn tới tính chất tượng trưng, một sở trường thẩm mỹ của Hý khúc. Có lẽ, hình thái nghệ thuật tổng hợp chính là hình mẫu nguyên thủy của tác phẩm này!

Vở ca kịch Lương – Chúc vốn xuất phát từ truyền thuyết dân gian kể về mối tình giữa chàng trai nghèo Lương Sơn Bá và cô gái cải trang giả trai Chúc Anh Đài. Hai người cùng nhau học tập dưới một mái trường. Trong quá trình kết thân, hai người nảy sinh tình cảm quyến luyến. Đến ngày phải trở về quê nhà để lấy chồng theo sự sắp đặt của cha mẹ, Chúc Anh Đài tặng cho Lương Sơn Bá chiếc khăn tay với nhiều lời nhắn nhủ mang ngụ ý sâu xa. Rõ ràng, anh chàng Lương Sơn Bá quá khờ dại, nên không hề biết Chúc Anh Đài là gái giả trai! Sau khi biết rõ sự tình, chàng lâm bệnh nặng rồi qua đời. Chúc Anh Đài biết tin đem lòng thương xót vô hạn. Vào ngày lên kiệu hoa về nhà chồng, cô yêu cầu nhà trai cho tới viếng mộ Lương Sơn Bá. Khi tới nơi, trời đất nổi gió chuyển mây, ngôi mộ Lương Sơn Bá đột nhiên nứt ra, Chúc Anh Đài bèn nhảy xuống mồ. Sau khi trời yên gió lặng trở lại, người ta nhìn thấy trên nấm mộ đã khép kín có đôi bướm bay chấp chới bên nhau. Cốt truyện tuy là bi kịch, nhưng lại có kết cục đoàn viên, dưới dạng chuyển kiếp của hai nhân vật chính.

Người Hoa nói chung rất yêu thích, quen thuộc câu chuyện tình lãng mạn Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài. Nó trở thành hình mẫu cho tình yêu thủy chung, gắn bó keo sơn. Sự hy sinh của hai nhân vật chính đã đánh đổi lấy tình yêu vĩnh cửu. Trong kho tàng di sản nghệ thuật nghìn năm tuổi của đất nước Trung Hoa, Lương - Chúc được liệt vào hàng kiệt tác. Trong quá trình truyền bá nghệ thuật Hý khúc vào Nam Bộ, người Hoa đã mang theo vở Lương - Chúc trên hành trang văn hóa. Kịch mục của cả ba loại hình hý khúc hiện tồn là Việt kịch người Quảng Đông, Triều kịch của người Triều Châu và Quỳnh kịch của người Hải Nam đều bảo lưu danh mục vở ca kịch này. Tuy nhiên, theo quan sát những diễn biến văn hóa trên đời sống từ nhiều năm nay, vở ca kịch Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài dường chỉ bảo lưu dưới dạng kịch mục, kịch bản, chứ không hề có cơ hội đưa lên trình diễn trên sâu khấu truyền thống vào thời điểm nhạy cảm nhất trong năm là tết Nguyên tiêu. Theo quan niệm truyền thống, Tết khởi đầu cho chu kỳ “Xuân sinh, Hạ trưởng, Thu thu, Đông tàng”, người Hoa luôn mong ước những điều tốt đẹp khởi đầu, làm nền cho cả năm. Tết Nguyên tiêu diễn ra vào trung tuần tháng giêng, tâm điểm của mùa lễ hội hay nói cách khác, nó chính là khúc nhạc dạo mở màn cho một mùa xuân mới. Xuất phát từ quan niệm cát tường, Lương – Chúc đã chạm phải tâm lý cố hữu, không gì xoay chuyển nổi trong lòng người Hoa. Truyền thống ấy khắc sâu vào tâm lý như thứ tín ngưỡng bất biến. Bởi vậy, bao nhiêu năm qua, Lương – Chúc có nguy cơ thất truyền cao độ. Những rào cản về sinh hoạt văn hóa dần dần đẩy nó ra khỏi đời sống, môi trường văn hóa.

Trên thực tế, văn hóa người Hoa nói chung bảo lưu trên cơ tầng của tập quán truyền thống. Người Hoa vốn là một cộng đồng di cư, xu hướng bảo tồn đóng vai trò chủ đạo trong khuynh hướng phát triển. Bên cạnh hoạt động kinh tế diễn ra khá sôi nổi, hoạt động văn hóa của người Hoa lại chủ yếu xoay quanh những sinh hoạt mang tính chất bảo tồn, duy trì tập quán. Văn hóa đương đại tuy có phát triển, nhưng bao trùm lên đời sống, những giá trị truyền thống vẫn tiếp tục duy trì. Chúng như những “hóa thạch” được gìn giữ qua nhiều thế hệ sau khi phát tán, tách khỏi Vùng phát tích (cố quốc). Trục lễ hội dân gian, truyền thống đóng vai trò bảo lưu hoạt động văn hóa nghệ thuật. Và điểm nhấn trong những hoạt động đó chính là biểu diễn Hý khúc.

Như thế để thấy rằng, hoạt động nghệ thuật người Hoa nhìn qua lăng kính đương đại thực chất là những hoạt động chào mừng, các dịp tết Nguyên đán, Nguyên tiêu, Trung thu, kỷ niệm ngày sinh, kỵ, khánh đản những vị thần cộng đồng, như Quan Công, Thiên Hậu, Bổn Đầu Công, mừng khai trương, khởi nghiệp, gắn với biểu diễn Lân, Sư, Rồng, Hẩu, hát Tiều, hát Quảng… Bên cạnh những sinh hoạt có tính chất hội đoàn, riêng lẻ, nhuốm màu sắc thương mại, bao trùm lên tất cả là những sinh hoạt văn hóa mang tính chất gắn kết cộng đồng. Sự thịnh suy của sinh hoạt văn hóa, văn nghệ truyền thống phụ thuộc khá nhiều vào đời sống kinh tế, xã hội, bầu không khí chính trị, song vượt lên trên hết, tập quán, thói quen văn hóa vẫn chi phối nội dung sinh hoạt. Chẳng hạn như tết Nguyên tiêu, diễn ra vào trung tuần tháng giêng có biểu diễn nhạc lễ, múa Lân, Sư, Rồng, Hẩu, đi cà kheo, biểu diễn âm nhạc đường phố, Hý khúc... Hý khúc tham gia vào lễ hội Nguyên tiêu như một hoạt động quan trọng, huy động nhân lực, vật lực, tài lực… dồi dào. Sân khấu hý khúc không chỉ nằm lộ thiên, trang trọng giữa khuôn viên cơ sở tín ngưỡng, mà còn nhằm mục đích, ý nghĩa chúc tụng, khánh tiết cho năm mới. Tại Thiên Hậu cung của người Hải Nam, Quan Đế Miếu của người Triều Châu… ngoại trừ lý do kinh tế, năm nào dường như cũng tổ chức hoạt động diễn hý. Có năm, đời sống kinh tế cho phép, lịch diễn kéo dài tới cuối tháng giêng, tháng của hoạt động du hý, ăn chơi.

Mặc dù các tập tục văn hóa truyền thống xuất phát từ xã hội nông nghiệp, nhưng vốn là một cộng đồng cư dân trọng thương, có hoạt động kinh tế phát triển, nên màu sắc thương mại phủ lên nhiều loại hình, dạng thức nghệ thuật. Những tổ chức, xã hội nghiệp đoàn, thương hội đều gia nhập vào ngày lễ văn hóa quan trọng này như những tổ chức tham gia bảo lưu di sản truyền thống, đồng thời gây ảnh hưởng tới cộng đồng. Chính vì tính chất nghi lễ khánh tiết, cát tường, nên kịch mục được lựa chọn theo tiêu chí “cát tường”. Nhiều kịch mục xoay quanh đề tài lịch sử, như: Lã Bố hý Điêu Thuyền, Dương Quý Phi, Hoa Mộc Lan, Đường Bá Phụ… đề tài thần tiên, tôn giáo, như Bảo liên đăng, Bát tiên chúc thọ… Xuất phát từ thực trạng duy trì, bảo lưu truyền thống, nên mảng đề tài hiện thực hay tâm lý xã hội hầu như vắng bóng. Các kịch bản chuyển thể từ cốt truyện Việt Nam, như Lý Thường Kiệt, Nhiếp Chính Ỷ Lan, Kiều Nguyệt Nga, Đời cô Lựu, Tô Ánh Nguyệt… chỉ mang tính chất “giao lưu, tiếp biến văn hóa”, chứ chẳng đi sâu vào thẩm mỹ đại chúng. Riêng thể loại bi kịch như Lương Sơ Bá - Chúc Anh Đài mặc dù nổi tiếng trong dân gian, được mọi tầng lớp ưa chuộng, nhưng không phù hợp với bối cảnh (Nguyên tiêu), nên tự đánh mất cơ hội trình diễn.

Lương - Chúc hội tụ đầy đủ những tình tiết bi đát, không có hậu, như cả hai nhân vật chính đều có kết cục bằng cái chết, cho dù tình yêu của họ sống mãi, vĩnh cửu, thì việc bố cảnh, trang trí sân khấu với nấm mồ án ngữ giữa trung tâm khó thể được chấp nhận và vượt qua chướng ngại tâm lý ưa chuộng điềm lành, may mắn, không khí vui tươi trợ hưng cho những ngày đầu năm. Quan niệm này ăn sâu vào tiềm thức, thâm căn cố đế, không gì có thể lay chuyển. Người Hoa có câu: “Giang sơn dễ chuyển, tính người khó chuyển”. Đó là giới hạn trong tập tính một con người, còn suy xét dưới chiều hướng tập quán, thói quen văn hóa của cả cộng đồng, tập tính ấy đã di chuyển sâu vào sở trú tâm hồn con ngườit, ẩn náu nơi kiên cố nhất của tập quán truyền thống. Nếu như Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà của người Việt có thể xuất hiện trong đám cưới, thì đối với cộng đồng người Hoa, không có biện pháp nào có thể hóa giải được ẩn ức ngàn đời để Lương - Chúc trở lại sân khấu vào những ngày đầu năm mới. Mặc dù hoàn cảnh đã thay đổi, nhưng quan niệm ấy vẫn tồn tại dai dẳng, ẩn mình trong truyền thống văn hóa ngàn năm trở thành tâm lý cộng đồng bất chấp vật đổi sao dời.

Tin liên quan

23/02/2021
Ca ngợi Hồ Chủ tịch là một trong những bài hát hay nhất về lãnh tụ Hồ Chí Minh của cố nhạc sĩ Văn Cao, cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam. Giai điệu ca khúc hào sảng, sang trọng toát lên thần thái vĩ đại của lãnh ...
23/02/2021
“Việc ra mắt tác phẩm “Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong, Tác phẩm-tác giả” chính là dịp chúng ta Trả lại tên cho Ông. Bởi cho đến nay vẫn nhiều người vẫn không biết nhà soạn kịch Nguyễn Trung Phong chính là tác giả của giai điệu nổi tiếng Giận ...
23/02/2021
Ca khúc Hành khúc Tổng cục Chính trị được nhạc sĩ Đức Trịnh viết vào năm 2014, đúng dịp kỉ niệm 70 năm ngày truyền thống Tổng cục Chính trị (TCCT). Ca khúc này đã được chọn làm ca khúc chính thức của TCCT và được biểu diễn trong Lễ kỉ niệm ...
21/02/2021
Hai ca khúc “Đại thi hào Nguyễn Du” và "Phiêu bồng trần gian" mở đầu và kết lại bộ phim được đầu tư 15 tỷ đồng, nhân dịp kỷ niệm 255 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của vị danh nhân văn hóa này.