Lớp tập huấn Âm nhạc Nam Định 2019
Lớp tập huấn chuyên môn âm nhạc Nam Định, diễn ra từ ngày 24 đến 26 tháng 4 năm 2019 tại thành phố Nam Định, do Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Ủy ban nhân dân, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Hội Văn học nghệ thuật và Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Nam Định tổ chức, nhằm bồi dưỡng, nâng cao nhận thức và khả năng hoạt động, sáng tác của đội ngũ nhạc sĩ là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam.
Các nhạc sĩ dự Lớp tập huấn
Tới dự Lễ khai mạc có: đồng chí Trần Mạnh Quân – đại diện Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Nam Định; nhà văn thạc sĩ Nguyễn Công thành – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Nam Định, đại diện lãnh đạo một số cơ quan, ban ngành tỉnh Nam Định.
Về phía Hội Nhạc sĩ Việt Nam có: PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Chủ tịch Hội; nhạc sĩ Đức Trịnh – Phó Chủ tịch Thường trực Hội; NSND Phạm Ngọc Khôi – Phó Chủ tịch Hội; nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh – Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội; nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn – Tổng Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam.
Các nhạc sĩ và Ban tổ chức chụp ảnh lưu niệm
Lớp tập huấn âm nhạc Nam Định lần này có 53 nhạc sĩ, đến từ 15 tỉnh, thành khu vực miền núi Tây Bắc, Đông Bắc, đồng bằng Sông Hồng Bắc Bộ, khu vực đồng bằng duyên hải các tỉnh Bắc miền Trung từ Huế trở ra: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên – Huế, Hà Nam, Hòa Bình, Nam Định, Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Quảng Ninh, Cao Bằng. Các nhạc sĩ thuộc nhiều thế hệ, là những cán bộ công tác trong nhiều lĩnh vực như quân đội, hải quân, các nhà quản lý văn hóa, văn học nghệ thuật, sư phạm, có những nhạc sĩ lão thành trên 80 tuổi.
Tại lớp tập huấn, các nhạc sĩ đã được các giảng viên là các GS, TS, các giảng viên âm nhạc, các nhạc sĩ có kinh nghiệm nghề nghiệp hướng dẫn và trao đổi về các chủ đề như: PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân với chuyên đề “Giới thiệu về tổ chức, hoạt động của Hội”, và “Tình hình âm nhạc thời gian gần đây”; nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh với “Trao đổi về kinh nghiệm sáng tác đề tài hiện đại”; nhạc sĩ Mai Kiên với “Áp dụng các phần mềm soạn nhạc vào công việc sáng tác ca khúc”; nhạc sĩ Đức Trịnh với “Trao đổi về phổ thơ trong sáng tác ca khúc”; nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn với “Thực thi luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả âm nhạc, lợi ích, nghĩa vụ và trách nhiệm của hội viên”...
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân phát biểu
Phát biểu tại Lễ khai mạc, PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đã có những nhận xét:
“Lớp tập huấn âm nhạc hôm nay đã tập hợp đông đủ các nhạc sĩ nhiều lứa tuổi, tham dự đầy đủ nhiệt tình, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của các nhạc sĩ. Lớp tập huấn chuyên môn âm nhạc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam trở thành một phần hoạt động chuyên môn, có tính chất thường niên và cũng là định hướng cho hoạt động của Hội xuyên suốt cả nhiệm kỳ IX vừa qua cũng như các nhiệm kỳ trước. Đối với mỗi cá nhân tham dự các đợt tập huấn để tiếp thu việc nâng cao trình độ chuyên môn, cập nhật thông tin có tính chất kịp thời cũng như chuyên sâu về nghiệp vụ, được tích lũy về mặt học thuật, thực tiễn, được ghi nhận bằng những tác phẩm trong quá trình hoạt động âm nhạc. Phần lớn dự lớp tập huấn là những nhạc sĩ sáng tác, mục đích để phục vụ công việc sáng tạo, để có được những tác phẩm hay hơn, được sự ghi nhận của công chúng, đó chính là mục đích của lớp tập huấn. Chính vì vậy chúng ta cùng trong một mái nhà chung là Hội Nhạc sĩ Việt Nam”.
Nhà văn - thạc sĩ Nguyễn Công Thành
Nhà văn - thạc sĩ Nguyễn Công Thành – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Nam Định đã truyền cảm hứng cho các nhạc sĩ bằng cách giới thiệu những đặc điểm về vùng đất, văn hóa, con người Thành Nam, về sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nam Định trong thời kỳ mới. Ông cho rằng, lần này Nam Định vinh dự được đón các nhạc sĩ tên tuổi và các thế hệ nhạc sĩ từ các tỉnh bạn đến với mảnh đất Thành Nam “Trấn Sơn Nam Hạ - Thiên Trường” trong lớp tập huấn âm nhạc hết sức đặc biệt này:
“Cảm ơn Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã chọn Nam Định là nơi để tổ chức lớp tập huấn chuyên môn. Chúng tôi luôn ý thức được sáng tác âm nhạc là một lĩnh vực có truyền thống lâu đời, luôn đồng hành và phát triển cùng dân tộc, mỗi làn điệu từ hát ru, hát chèo đến dân ca, ca khúc... các tác phẩm âm nhạc qua các thời kỳ đã thực sự góp phần quan trọng vào việc bồi dưỡng đời sống tâm hồn, tính cách và bản lĩnh của văn hóa Việt Nam.
Tỉnh Nam Định là quê hương giàu truyền thống võ công văn trị, với tên tuổi của các danh nhân văn hóa lớn. Một số tác giả mở đầu cho nền văn học viết Việt Nam là Không Lộ Thiền Sư có những bài viết ý nghĩa được đưa vào phần mở đầu Tổng tập Văn học Việt Nam – đấng minh quân thi sĩ đồng thời là tổ sư sáng lập Thiền phái Trúc Lâm Trần Nhân Tông; Đức Thánh Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn; Lưỡng Quốc Trạng Nguyên Nguyễn Hiền thi đỗ trạng nguyên năm 13 tuổi; Lưỡng Quốc Trạng Nguyên Lương Thế Vinh; vị tam nguyên liên trúng là thi nhân Trần Bích Sang; nhà thơ Trần Tế Xương; nhà thơ Nguyễn Bính; vị lãnh tụ Đảng, Nhà nước, nhà thơ cách mạng Trường Chinh; nhà thơ Sóng Hồng; nhà chính trị ngoại giao và nhà thơ Lê Đức Thọ; nhà chính trị - nhà sử học Trần Huy Liệu; nhạc sĩ Văn Cao; nhà văn Nguyên Hồng; nhà thơ Đoàn Văn Cừ; nhà văn Nguyễn Thi; Nguyễn Tấn...
Trong lĩnh vực âm nhạc, Nam Định cũng là quê hương của nhiều tác giả. Có 2 nhạc sĩ vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật là nhạc sĩ Văn Cao và nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên; có 11 nhạc sĩ Giải thương Nhà nước về Văn học nghệ thuật là: Nhạc sĩ Văn An, Văn Ký, Đỗ Minh, Phạm Đình Sáu, Phạm Minh Tuấn, Vũ Trọng Hối, Trương Ngọc Ninh, Trần Quý, Nguyễn Tiến, Văn Thành Nho, Nguyễn Quang Vinh; có 7 Nghệ sĩ nhân dân: Nguyễn Tấn Đức, Đinh Ngọc Liên, Trần Khánh, Trần Quý, Nguyễn Tiến, Nguyễn Quang Vinh, Phạm Ngọc Khôi.
Tỉnh Nam Định còn là địa phương thay mặt cho Đồng bằng sông Hồng sở hữu làn điệu hát Chèo độc đáo của miền Bắc và hát Xẩm, đặc biệt là nghi lễ Chầu Văn gắn với phong tục thờ Mẫu được Unesco vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đó là niềm tự hào về tài sản văn hóa vô giá góp phần làm nên gương mặt truyền thống văn hiến của Nam Định ngày nay.
Về bộ môn âm nhạc và nhạc múa của Hội Văn học nghệ thuật Nam Định, có 33 hội viên, trong đó có 4 NSƯT là nghệ sĩ Đức Miên, Tuyết Lành, Kiều Dư, Hồng Vân. Chi hội nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Nam Định gồm 10 hội viên, trong nhiều năm qua các nhạc sĩ và Hội Văn học nghệ thuật đã có nhiều cố gắng để thêm nhiều sáng tác mới, để noi theo truyền thống các thế hệ tiền bối, những tác phẩm đã được công bố và đạt giải thưởng của các cuộc thi đã được ghi nhận, đã phần nào thể hiện những cố gắng. Tuy vậy, chúng tôi nhận thấy hiện nay ở lĩnh vực âm nhạc, công tác bồi dưỡng phát triển hội viên mới, đào tạo các nhạc sĩ trẻ còn chưa được thuận lợi và còn nhiều khó khăn, nhiều bất cập. Các ca khúc viết về Nam Định còn ít và chưa nổi bật. Vì vậy, chúng tôi rất mừng lần này Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã chọn Nam Định để tổ chức lớp tập huấn chuyên môn âm nhạc, các nhạc sĩ được trao đổi kinh nghiệm, giao lưu, thực sự tạo nên một cú hích truyền cảm hứng sáng tác, trong đó có các nhạc sĩ của tỉnh Nam Định”.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân giảng bài
Nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh giảng bài
Nhạc sĩ Mai Kiên giảng bài
Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn
Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn giảng bài
Hướng dẫn đăng nhập vào trang web của Trung tâm bản quyền
Trao đổi trong giờ giảng
Nam Định là một vùng đất của văn học và âm nhạc, vùng đất sinh ra nhiều chí sĩ nhân tài và đối với âm nhạc là cái nôi của Chèo, Dân ca, đặc biệt là cái nôi của dàn nhạc kèn công giáo, kèn đồng. Ngày 26 tháng 4, các nhạc sĩ có chuyến đi thâm nhập thực tế tại xã Hải Minh, huyện Hải Hậu, gặp gỡ với các đồng chí lãnh đạo Huyện ủy và tham quan Xứ Đạo, nhà thờ Phạm Pháo, giao lưu âm nhạc cùng các linh mục biểu diễn Violon, Dàn nhạc Kèn giáo xứ Trại Đáy và tham quan xưởng kèn. Tại đây, NSND Hà Đình Cường đã biểu diễn một số tác phẩm nhạc kèn tại chương trình giao lưu nghệ thuật.
NSND Phạm Ngọc Khôi trao Bằng chứng nhận cho các nhạc sĩ chi hội Thanh Hóa
Nhạc sĩ Đức Trịnh trao Bằng chứng nhận cho các nhạc sĩ chi hội Nam Định
Hội văn học nghệ thuật tặng hoa lớp tập huấn