Lời tựa sách: Để góp phần vào vấn đề nghiên cứu Quan họ của Nguyễn Đình Phúc

15/11/2019

Cảm xúc đầu tiên của tôi sau lần đầu đọc bản thảo là rất ngỡ ngàng! Đây là công trình của một người vốn được biết đến như một nhạc sĩ, họa sĩ tài hoa với nhiều tác phẩm để đời, ghi những dấu mốc quan trọng trong lịch sử hình thành và phát triển nền âm nhạc, hội họa mới Việt Nam. Không ngờ trong người nghệ sĩ tài ba ấy còn có một giá trị khác nữa - một nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc học đúng nghĩa!

Công trình được viết trong 13 năm (từ năm 1949-1962), có nghĩa Nguyễn Đình Phúc đã tiến hành các nghiên cứu của ông ngay trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp trên chiến khu Việt Bắc. Tính đến sự kiện Hội nghị Quan họ lần thứ nhất được tổ chức vào tháng 3/1965, có thể khẳng định Nguyễn Đình Phúc là tác giả đầu tiên có công trình nghiên cứu chuyên sâu về dân ca Quan họ. Theo ký ức gia đình kể lại, trước đó nhạc sĩ đã tiến hành điền dã về miền Kinh Bắc ngay từ những năm đầu thập kỷ 40. Trong lịch sử ngành nghiên cứu âm nhạc dân tộc nói chung, có thể xem đây là cuộc điền dã sớm nhất nghiên cứu Quan họ. Hơn thế, đây cũng là công trình đầu tiên sử dụng hệ ký âm 5 dòng kẻ để hiển thị giai điệu dân ca. Có nghĩa trong lịch sử, ông là người đầu tiên phân tích âm điệu cổ truyền Việt Nam theo phương pháp tiếp cận mới kiểu Tây phương, điều mà trước đó có lẽ chưa ai thực hiện. Đây chính là giá trị lịch sử của công trình - như một dấu mốc quan trọng đối với ngành nghiên cứu âm nhạc dân tộc Việt Nam trong thời đại mới.

So sánh với các công trình tiếp nối của Hồng Thao, Trần Linh Quý - những tên tuổi lớn nghiên cứu Quan họ cuối thế kỷ XX, sẽ thấy rõ hai giai đoạn điền dã kế tiếp trong nội bộ một vùng dân ca tập trung. Đây là điều vô cùng quý giá trong lịch sử ngành Âm nhạc dân tộc học Việt Nam. Các nghiên cứu của Nguyễn Đình Phúc được tiến hành công phu, tỉ mỉ, phản ánh một quá trình lao động khoa học miệt mài, để lại nhiều vấn đề học thuật, nội dung lịch sử mà cho đến nay vẫn còn nguyên những giá trị của nó. Thậm chí, có những nghiên cứu mà với thế hệ chúng tôi là hoàn toàn mới mẻ.

Đọc công trình của Nguyễn Đình Phúc, có thể hình dung cho đến khoảng giữa thế kỷ XX, ở miền Kinh Bắc vẫn tồn tại những cuộc chơi Quan họ cổ truyền. Thời kỳ điền dã ở thập kỷ 40, tác giả được tiếp xúc với hiện thực sống động, quan sát trực tiếp thú chơi nghệ thuật đỉnh cao của những liền anh liền chị trong bọn Quan họ kết nghĩa. Chính những mối quan hệ đó đã tạo nên địa đồ văn hóa 49 làng Quan họ Kinh Bắc. Đến thời kỳ điền dã của Hồng Thao, Trần Linh Quý sau năm 1954, các bọn Quan họ kết nghĩa đã chấm dứt cuộc chơi cổ truyền của mình, tất cả chỉ còn lại trong ký ức các lớp liền anh, liền chị lão thành. Còn đến những năm cuối thế kỷ XX - đầu thế kỷ XXI, khi thế hệ chúng tôi tiến hành điền dã khảo sát thì những liền anh liền chị từng chơi Quan họ lớp trước chỉ còn lại đôi ba người với lượng thông tin khá ít ỏi... Lớp nghệ nhân kế cận thời nay chỉ đơn thuần là những người biết hát chứ chưa từng một lần tham gia bọn Quan họ đúng nghĩa. Mọi lề luật, giá trị văn hóa của địa đồ 49 làng Quan họ cũng đã mai một, tan vỡ khá nhiều.

Trình bày ngọn nguồn lịch sử nghiên cứu Quan họ như vậy để thấy được hệ trữ lượng thông tin trong công trình của Nguyễn Đình Phúc có ý nghĩa đến như thế nào. Thông qua đó, người đọc có thể hình dung một cách sống động nhất về một thời kỳ lịch sử ở miền Kinh Bắc, khi mà Quan họ thực sự là thú chơi tao nhã của người dân lao động. Còn thời nay, Quan họ chỉ được xem như tiết mục biểu diễn sân khấu hay những sinh hoạt văn nghệ đơn thuần trong các câu lạc bộ làng quê. Thời xưa, các bọn Quan họ có giá trị như một nhóm xã hội nghệ thuật tự giác, Nguyễn Đình Phúc chia làm 3 dạng:

+ Bọn tự do không có tổ chức nhất định.

+ Bọn vừa tự do vừa có nòng cốt cố định.

+ Bọn hoàn toàn cố định.

Ở đây, mối quan hệ kết nghĩa giữa hai nhóm liền anh, liền chị được xem như vấn đề cốt lõi thể hiện tính chất cố định của bọn Quan họ. Và, khái niệm làng Quan họ được hình thành bởi sự bao chứa một hay nhiều bọn kết nghĩa khác nhau. Trong các bọn Quan họ, Nguyễn Đình Phúc cũng phân tích khá sâu sắc mối quan hệ qua lại giữa các liền anh và liền chị. Họ thương yêu tôn trọng nhau như anh em ruột thịt. Thế nhưng khi chẳng may có sự rạn nứt đổ vỡ giữa các cặp hát mà không thể hòa giải, hàn gắn, họ sẽ phải tìm người thay thế để duy trì sự tồn tại của nhóm kết nghĩa. Bên cạnh đó, có thể tìm thấy ở công trình nhiều hiện thực sống động khác về vùng văn hóa Quan họ nói chung. Trong đó có rất nhiều thông tin thú vị mà cho tới nay, nhiều người vẫn chưa hề biết đến; như các chi tiết sinh hoạt Quan họ tại gia, những lề luật, tình tiết trong hình thức hát thi; hay sự phản ánh đời sống Quan họ trong thời kỳ kháng chiến...

Căn cứ vào công trình của Nguyễn Đình Phúc, có thể xác định được biểu mục bài bản Quan họ ngày nay so với thời kỳ giữa thế kỷ trước đã thất truyền nhiều giọng Quan họ. Nó càng cho ta thấy rõ hơn tính cấp thiết trong việc bảo tồn vốn liếng bài bản cổ nhạc nói chung, dân ca Quan họ nói riêng - vốn luôn gắn liền với đời sống nghệ nhân các thế hệ tiếp nối. Cũng thông qua công trình, có thể hình dung được những bước chân điền dã của tác giả kéo dài trong mấy mươi năm ròng. Vào thời điểm đó, Nguyễn Đình Phúc hoạt động như một nhà nghiên cứu độc lập, không có tài trợ dự án hay động cơ nào khác ngoài niềm đam mê cá nhân của một người nghệ sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ tài ba với con tim tràn đầy nhiệt huyết. Không thể không nói đó là một tấm gương sáng khiến thế hệ trẻ ngày nay, phương tiện nghiên cứu với nhiều máy móc hiện đại, điều kiện tác nghiệp thuật lợi gấp bội phần, đáng phải suy ngẫm lắm!

Nói chung, nghiên cứu âm nhạc dân tộc cổ truyền vốn là một ngành nghề thuộc vào loại hóc búa, nhọc nhằn, không có cơ tầng đào tạo chuyên môn sâu, rất khó có cảm hứng làm nghề và hiếm khi tìm được sự đồng cảm, hưởng ứng của xã hội như các chuyên ngành sáng tác, biểu diễn. Bởi vậy trong lịch sử âm nhạc Việt Nam, các nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc mỗi thời kỳ thế hệ đều phải gắng sức tự thân rèn luyện, trau dồi hệ kiến thức liên ngành đa dạng mới mong có thể khảo sát, tìm tòi phân tích một đối tượng rất phong phú và đa dạng như các thể loại dân ca nhạc cổ. Cả một quá trình tác nghiệp làm nghề, nhà nghiên cứu phải liên tục tự phản biện chính mình, những mong bổ sung thêm các kết quả nghiên cứu mới. Trên thực tế, nghiên cứu cổ nhạc là quá trình mang tính tiệm cận vươn tới sự hình thành một hệ thống lý thuyết âm nhạc dân tộc nói chung. Thế hệ đi trước tìm tòi phát hiện, thế hệ sau kế thừa, tiếp tục phản biện, bổ sung… Mỗi thế hệ lại chịu sự chi phối nhất định của bối cảnh tri thức thời đại, nên sẽ không tránh khỏi những thiếu sót mà các thế hệ kế cận có nhiệm vụ bồi đắp, hoàn thiện. Bởi vậy, ngày nay chúng ta cần có cái nhìn toàn diện về công trình của tác giả tiền bối Nguyễn Đình Phúc để thấy được dấu ấn khởi nguồn một chặng đường nghiên cứu âm nhạc dân tộc thời kỳ giữa thế kỷ XX, khi mà chuyên ngành âm nhạc dân tộc học còn quá ư mới mẻ và lạ lẫm với giới văn học nghệ thuật Việt Nam.

Xin trân trọng giới thiệu cùng quý vị cuốn sách Để góp phần vào vấn đề nghiên cứu Quan họ - một công trình đời người của nhà nghiên cứu lão thành Nguyễn Đình Phúc!

 
Bùi Trọng Hiền
Viện nghiên cứu Văn hóa- Nghệ thuật quốc gia

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...