Lời tỏ tình trong âm nhạc truyền thống
“Lời tỏ tình” xuất hiện ở tiêu đề bài viết này là một cách nói ẩn dụ nhằm chỉ phương pháp tư duy, quan niệm, cách thức xử lý chữ nhạc, chữ đàn, thủ pháp tạo sức hấp dẫn cho âm không ổn định để giải quyết về ổn định, mở rộng khuôn khổ tác phẩm… góp phần làm nên thuộc tính, phẩm chất, bản sắc vùng miền trong âm nhạc truyền thống.
1.Tư duy phương pháp
Trong lĩnh vực nghệ thuật, người ta có thể dùng một phương pháp để giải quyết nhiều vấn đề, ngược lại có thể giải quyết một vấn đề bằng nhiều phương pháp. Nhìn từ góc độ bản thể của nền âm nhạc truyền thống, người Việt có thiên hướng dùng một phương pháp để giải quyết nhiều vấn đề. Trong nhạc đàn, cùng một chữ nhạc, người ta có thể sử dụng biện pháp thay thế âm sắc ở nhiều khu vực khác nhau, âm trên dây buông, dây bấm, âm nhấn chùng ở dây thấp, âm cao chót vót ở phím cao, hoán đổi vị trí thế tay... tùy thuộc vào “nội hàm” chữ nhạc mà người đàn lựa chọn phương thức tương ứng, như chữ khô, cộc, ai oán… thể hiện ở phím cao, cuối cần đàn (nguyệt, tỳ bà…), chữ mượt mà, lung linh, sâu lắng… tạo bởi thủ pháp nhấn, rung, căng chùng của sợi dây ở âm khu trung, giữa cần đàn. Nhờ thủ pháp biến hóa màu âm, giai điệu tác phẩm trở nên phong phú, sống động.
Ảnh minh họa.
Cũng theo tư duy giải quyết nhiều vấn đề bằng một phương pháp, cây đàn bầu Việt Nam chỉ có một sợi dây. Nhìn vào diện mạo ấy, người quan sát dễ lầm tưởng về tính năng hạn chế của nó. Thế nhưng, nhờ biết tận dụng khoảng cách tự nhiên giữa các bồi âm mà người đàn tạo ra nhiều cao độ khác nhau, cộng thêm khả năng điều khiển linh hoạt chiếc Vòi đàn nhằm liên kết các âm thành chuỗi dài tới ba quãng tám. Đàn bầu được coi như quốc hồn quốc túy của người Việt, vì sức biểu cảm và khả năng mô phỏng giọng hát phong phú, chỉ với: “Một dây căng giữa đất trời. Cần nghiêng nghiêng tựa dáng người vươn cao. Tiếng ngân ngân tận cõi nào. Dư âm rơi ngẩn ngơ vào tim ai”.
Trong âm nhạc Nam Bộ, thuật ngữ chuyển Hò khá quen thuộc. Nó thực chất là phương pháp hoán đổi vị trí bậc chính (âm chủ) của từng hơi điệu để tạo ra các âm có quan hệ tương ứng nhằm đơn giản hóa tác phẩm. Chuyển Hò xuất phát từ thực tiễn hòa đàn, kết hợp cùng giọng hát với những âm vực khác nhau, thông qua biện pháp chuyển đổi vị trí âm chủ (Hò), từ đó những vấn đề phái sinh, như điều chỉnh âm vực, thống nhất cách lên dây giữa các nhạc cụ… đều được giải quyết. Chuyển Hò vừa bảo lưu kết cấu hơi điệu, vừa có khả năng thay đổi, đơn giản hóa, nhất thể hóa những yếu tố làm nên tính thống nhất trong phạm vi tác phẩm đòi hỏi có sự tham gia của nhiều người.
Cây đàn ghi ta phím lõm cải tiến cũng là một trong những sản phẩm thể hiện nét văn hóa tư duy theo cách giải quyết nhiều vấn đề bằng một phương pháp. Hình thù của cây đàn Ghita phím lõm chẳng hề thay đổi so với đàn Guitare thông thường, nhưng việc khoét lõm phím bấm, mắc dây kim loại theo nhiều cách khác nhau làm cho cây đàn thay đổi hẳn về bản chất. Từ đó, đàn ghi ta phím lõm có thể gia nhập tổ chức, biên chế nhiều dàn nhạc truyền thống với khả năng độc tấu, hòa tấu, đệm, nâng đỡ cho giọng ca, trở thành một thành viên chính thức trong dàn nhạc Tài tử, Cải lương...
2. Chuyển đổi giá trị
Trong nhiều loại hình âm nhạc, như Tuồng, Chèo, Ca huế, Tài tử, Cải lương, nhạc Lễ… tính nguyên tắc có thể đạt được sự thống nhất trên phạm vi toàn quốc thông qua hệ thống hơi, điệu (Nam, Bắc, Oán), vị trí, vai trò từng nhạc cụ… Nhiều nguyên tắc được tổng kết, khái quát hóa, đơn giản hóa một cách giản dị, như nguyên tắc “Nguyệt dẫn, Nhị rền, Tam vê, Tỳ đối” nhằm chỉ các hình thức kết hợp dựa trên tính năng nhạc cụ. Đàn nguyệt có ít dây (hai dây), làm chức năng dẫn dắt, theo sát lòng bản. Nó như một điểm tựa chính trong nghệ thuật hòa tấu. Đàn tam có 3 sợi dây, không có phím định âm, âm lượng nhỏ, âm sắc ngắt, nên tận dụng kỹ thuật vê nhằm hạn chế sở đoản. Trong hòa tấu, đàn tam xuất hiện ở ranh giới giữa các câu, đoạn, nhờ sự nâng đỡ của nó tạo nên tính liền mạch. Đàn tỳ bà có bốn dây, mỗi dây mang một âm sắc riêng, nên khi hòa tấu thường phát huy sở trường đa sắc, gia tăng tính đối tỷ về màu âm. Trong nhạc Tài tử, đàn Nguyệt (Kìm) ví như cột trụ nhà, đàn Tranh làm thành vì kèo, đàn Cò như bức tường liên kết các bộ phận, đàn Ghita phím lõm đan cài, dệt nên màu sắc đa dạng... Các nguyên tắc kết hợp, có: “Sắt cầm hảo hiệp” - song tấu đàn tranh và đàn cò hoặc đàn nguyệt và đàn tranh; “Tam chi liên hoàn” - hòa tấu ba nhạc cụ: đàn kìm, đàn tranh và đàn cò hoặc đàn bầu, đàn tranh và đàn cò…
Ảnh minh họa.
Người Việt có xu hướng đơn giản hóa yếu tố phức tạp, chi tiết hóa những gì đơn giản. Tổng thể tác phẩm, kết cấu dàn nhạc là những yếu tố thường được đơn giản hóa, như lòng bản (tổng thể tác phẩm) được ghi chép hết sức giản lược, còn những chữ đàn, chữ nhạc, thậm chí chỉ với một âm rung, ngân lại biến hóa đa đoan, khiến cho người đàn dày công sáng tạo. Lòng bản là cấu trúc tổng thể của tác phẩm âm nhạc, người xưa ghi chép hết sức giản lược dưới dạng chữ nhạc, đi kèm với những chú thích, phân câu, nhịp, phách sơ sài, còn để lại “khoảng trống” bao la dành cho người đàn tiếp tục bổ sung. Tất cả các nhạc cụ và người hát đều căn cứ vào một lòng bản chung. Bên cạnh đó, những chi tiết hết sức nhỏ nhặt, như cách thức tô điểm, những âm luyến, láy, vỗ, rung, nhấn, mổ, nhả hơi, nảy hạt, thêm hoa… đặc biệt được chú ý, dụng công. Ví như hơi Oán trong âm nhạc Tài tử, cách thể hiện những âm không ổn định có xu hướng tạo ra màu sắc chông chênh, gập ghềnh, khúc khuỷu, trầm bổng cắt khúc, không liền lạc… nhằm thể hiện tiếng nức nở, nghẹn ngào... Còn hơi Xuân với tính chất vui tươi, khoáng đạt, âm rung thể hiện sự nhẹ nhàng, uyển chuyển, bay bổng… bằng thủ pháp rung nhẹ, nhanh, phím nông, lưu loát… Do lồng ghép nguyên tắc vào thực tiễn, nên mọi chi tiết đều mang tính ước lệ, diễn giải thông qua những từ ngữ giàu hình tượng, như chữ nhồi, chữ láy, chữ chỏi, lòn chữ, chạy lướt, chuyền chữ… Điều này dường như tương ứng với nét văn hóa ngoa dụ, hoán đổi vị trí phổ biến trong dân gian. Những sự vật, hiện tượng có hình tướng đồ sộ thường bị thu nhỏ, như chiếc bánh trưng, bánh dày tượng trưng cho trời và đất. Còn những sự vật nhỏ bé, như hạt gạo, sợi tóc, Linga… lại phóng dụ đến mức hoang đường.
3. Khuynh hướng tích hợp
Âm nhạc truyền thống Việt Nam phát triển theo khuynh hướng gia nhập liên tục các nhân tố mới. Chúng dựa trên kết quả tích hợp, bổ sung yếu tố phụ trở bên cạnh việc duy trì kết cấu có sẵn. Giống như văn hóa ẩm thực, sự thay đổi một món ăn thường diễn ra bằng bằng cách gia giảm chất liệu phụ trợ để phù hợp với khẩu vị từng địa phương trong quá trình thay đổi tọa độ địa lý, từ đó làm hình thành nhiều phiên bản, dị bản khác nhau, nhưng thống nhất về kết cấu, tên gọi. Văn hóa dị bản không chỉ nằm ở phương thức lưu truyền mà còn biểu hiện như một khía cạnh mang tính bản thể của nền âm nhạc. Cùng một chữ nhạc xử lý bằng thủ pháp rung, người miền Bắc rung nhanh, nhẹ, thanh thoát, người miền Nam rung vừa phải, mênh mang, khoáng đạt, người miền Trung rung sâu, chậm, hướng nội… Người miền Bắc thể hiện mạnh mẽ tâm thái, người phương Nam giao đãi tâm tình, người miền Trung chất nặng tâm tư. Trên thực tế, rung vốn chỉ là một thủ pháp kỹ thuật, song ở âm nhạc truyền thống bao gồm cả “nội hàm” chữ nhạc. Vì thế, cách rung không thuần túy thể hiện sự xê dịch về cao độ dựa trên kết quả của kỹ thuật nhấn ngón tay theo phương ngang hay dọc sợi dây đàn, mà quan trọng biểu hiện cách thức chuyển tải nội dung chữ nhạc. Các bài bản nhạc cổ, từ Nhã nhạc đến Tuồng, từ dân ca đến sân khấu Chèo, Cải lương, từ nhạc Lễ đến nhạc sinh hoạt Lý, Hò, Vè… đều thống nhất về tổng thể, định hình hệ thống bài bản, hơi, điệu chung, nhưng khác nhau về cách xử lý. Mỗi vùng miền tự tạo cho mình sắc thái riêng nhờ tính uyển chuyển, linh hoạt trong từng chi tiết.
Nhạc cổ truyền nói chung không chú trọng cấu trúc tổng thể, vĩ mô, mà đề cao mối quan hệ giữa các bộ phận, tính liền mạch, súc tích, tỉ mỉ, tinh tế… Bởi vậy, cây đàn bầu chỉ có một dây, cộng với những động tác kéo Vòi đàn đã có thể chạm vào chuỗi âm thanh vô cùng phong phú. Người hát Ca trù, Quan họ, Chầu văn, Cải lương ngân nga trong cổ bằng những thủ pháp rung, ngân, nảy, đổ hạt… có thể tạo ra muôn vàn âm thanh với màu sắc biến chuyển phức tạp. Xuất phát bởi những dị biệt nho nhỏ làm nên bản sắc vùng miền. Tất cả sự khác biệt ấy đều nằm ở cách thức thể hiện gắn liền với những thuộc tính “động” từng loại hình âm nhạc đã tích hợp, hấp thu trong quá trình dịch chuyển không gian, thời gian.
4. Thời gian co giãn
Những đặc điểm trong âm nhạc truyền thống được lưu truyền thông qua thói quen văn hóa. Chúng trở thành cấu trúc nội tại, hội tụ thuộc tính, giá trị thẩm mỹ làm nền tảng cho phương thức biểu hiện. Cấu trúc ấy có thể gồm tập hợp vài thành tố, lặp đi lặp lại trở thành khung định chế thường trú trong đời sống âm nhạc. Ví dụ như câu hát “Bướm lượn là bướm ối a nó bay” trong bài Dân ca Quan họ Bắc Ninh cho thấy một cách thể hiện tình cảm khá điển hình. Về lời ca, câu hát trên thực chất chỉ có một nội dung: “bướm lượn nó bay”, thông qua biện pháp mở rộng khuôn khổ bằng thủ pháp điệp ngữ (nhắc lại hai lần câu hát trên), tô điểm ở giai điệu kết hợp với việc gia tăng hư từ ngoại tại (Là… ối a), không làm biến đổi nội dung gốc đã kéo dài câu hát từ một câu thơ gốc thành ra hai câu nhạc, đan cài giữa thực từ (Bướm lượn… bay) và hư từ (Là, ối a…). Thủ pháp tô điểm được vận dụng trên đây gồm nhóm âm bao quanh hư từ “ối a”. Nhóm âm này tạo nên khuynh hướng hút dẫn từ những âm không ổn định vào ổn định. Khoảng cách giữa hai trạng thái (ổn định và không ổn định) thể hiện thuộc tính tương đối, co giãn về thời gian, độ dài. Có nghĩa là, từ “bướm lượn” giải quyết về “bay” không nhất thiết cố định chuỗi âm gồm bao nhiêu nốt. Nếu “bướm lượn nó bay” tương ứng với từng âm thì cả hai câu nhạc ở cuối bài hát sẽ bị rút gọn thành vài âm. Trên thực tế, chủ âm tương ứng với ca từ “bay” xuất hiện cuối cùng đã diễn ra sau những âm không ổn định kéo dài. Những âm này liên tục tăng cường khả năng tạo sức “hấp dẫn” bằng những “lời tỏ tình” ngọt ngào, nồng nàn, “Là… ối a” ngân nga, thậm chí kéo dài qua rất nhiều âm trung gian.
Trong âm nhạc phương Tây, khuynh hướng hút dẫn phụ thuộc vào mối quan hệ giữa các bậc âm. Sức hút mạnh hay yếu quyết định bởi khoảng cách của các bậc âm. Âm ổn định (âm tựa) trong nhạc truyền thống người Việt dựa trên trục âm vô tính (không định tính, trưởng – thứ), gồm những quãng 2, quãng 4, quãng 5. Hai quãng 4 và 5 đóng vai trò chủ chốt. Dây đàn nhiều loại nhạc cụ đều mắc theo cấu trúc này, như đàn cò (theo quãng 5); đàn tỳ bà (quãng 4, quãng 2); đàn Nguyệt (quãng 4); đàn Đáy (quãng 4), đàn Tranh theo các bậc của thang âm (chủ yếu gồm quãng 2 và thay đổi linh hoạt)… Từ cấu trúc trên làm hình thành trục âm tựa gồm quãng 2, 4 và 5. Những âm này đóng vai trò trục tựa, mang tính ổn định trong thang âm. Những âm còn lại thuộc âm không ổn định. Ứng dụng vào bài bản, âm ổn định ít được tổ điểm, trang sức mà chỉ xác lập vị trí thông qua thủ pháp mổ, những âm (chữ) không ổn định thường phải trang sức bằng nhiều biện pháp xử lý nhằm nâng cao tính hấp dẫn. Âm không ổn định thuộc yếu tố “động”, tập trung các thủ pháp tô điểm. Và con đường di chuyển từ âm không ổn định vào ổn định dài hay ngắn tùy thuộc vào tính chất bài bản, nhu cầu thẩm mỹ của người hát, người đàn và đặc biệt là giá trị nội tại của chúng. Đối với một âm không ổn định ngân dài, có khả năng lưu lại trong cảm quan người nghe được chú ý thêm hoa, tỉa tót, nắn nót… tạo nên cung đường vòng vèo, quanh co giữa khoảng cách của các bậc âm.
5. Chữ tình trong âm nhạc truyền thống
Thẩm mỹ âm nhạc truyền thống nằm rải rác trong những yếu tố “động” của tác phẩm, những thủ pháp đặc trưng, co giãn về chữ nhạc, thời gian, cao độ, màu sắc, từng chi tiết nhỏ nhằm tạo nên sự tương tác hài hợp, thống nhất. Đối với nhiều nhạc cụ trên thế giới, thủ pháp kỹ thuật bàn tay phải (kích âm) luôn được chú trọng, phát triển, nhạc cụ cổ truyền Việt Nam lại đề cao kỹ thuật bàn tay trái, những thủ pháp biến âm. Một chữ nhạc không tương đương với một cao độ xác định, mà ẩn tàng nhiều “nội hàm” cần khai thác. Chúng tạo điều kiện cho người biểu diễn tiếp tục tham gia vào quá trình sáng tạo.
Tất cả chữ nhạc trong âm nhạc truyền thống Việt Nam đều nhằm bày tỏ một chữ, đó là Chữ tình. Dù loại hình âm nhạc chỉ dành cho một vị khán giả, như hát ru, đàn, hát cho khách tri âm, như Ca trù, biểu diễn cho người quá cố, như Hò đưa linh, múa hát phục vụ thần linh, như Hát bóng rỗi, trình diễn trên sâu khấu nghệ thuật tổng hợp, như Cải lương hay tâm giao như Tài tử, kết duyên như Quan họ, phóng dụ không gian văn hóa đình làng, như Chèo, đài các, thâm nghiêm như Ca huế… đều xuất phát bởi một Chữ tình này. Nhờ Chữ tình mà âm nhạc truyền thống Việt Nam có khả năng thấm thấu, xâm nhập nhiều nền văn hóa khác nhau và xuyên suốt chiều dài lịch sử.
(Nguồn: http://nghethuatbieudien.vn)