Lời phi - lộ trơ trẽn

14/01/2016

Tạp chí Văn hóa Phật giáo số 239 ra ngày 15 tháng 12 năm 2015 giới thiệu “Lời phi lộ tập nhạc Hương sơn ca” của thượng tọa, Phó tổng biên tập Thích Minh Hiền. Bài viết gồm khoảng 500 chữ, in trên một mặt khổ báo (trang 30). Đọc qua bài viết, nó dẫn tôi đi từ ngạc nhiên đến thất vọng. Vì, cả bài viết ngắn ngủi, có đến gần nửa số chữ “đạo văn”, cụ thể là Thích Minh Hiền đã trôm chỉa câu chữ, ý tưởng từ bài: “Xuân – Cảm hứng sáng tạo” của tác giả Lê Hải Đăng từng đăng trên Website Hội nhạc sĩ Việt Nam ngày 13 tháng 2 năm 2015 và tạp chí Văn hóa Phật giáo số 221, ngày 15 tháng 3 năm 2015.

Qua đối chiếu (với văn bản gốc), có thể thấy Thích Minh Hiền đã đạo văn từ câu chữ đến ý tưởng, sử dụng nhiều chiêu, như “chiết tự”, thay đổi cấu trúc, sửa từ… hòng che dấu hành vi xấu xa của mình. Chẳng hạn như: văn bản gốc viết: “Trong lĩnh vực sáng tạo, mùa xuân trở thành khúc dạo đầu đánh dấu sự mở màn cho một vở kịch kéo dài suốt quanh năm”, Thích Minh Hiền soạn lại thành: “Trong sáng tạo nghệ thuật, mùa xuân đã trở thành khúc dạo đầu đánh dấu sự mở màn cho một vở kịch kéo dài suốt 365 ngày.” Thích Minh Hiền hợp thức hóa “365 ngày” thay cho “quanh năm” để loại trừ năm nhuận ra khỏi nội hàm của từ; rồi: “Gia tài âm nhạc về mùa xuân đong đầy trong kho tàng văn hóa thế giới” bị sửa thành: “di sản âm nhạc về mùa xuân đong đầy trong kho tàng văn hóa nhân loại”; “Xuân về để trình diễn vẻ quyến rũ trước dòng thời gian xê dịch” sửa thành “Xuân về để phô diễn vẻ đẹp thướt tha của mình trước dòng thời gian xê dịch”… còn những câu văn “copy” nhan nhản, bề bộn trên trang viết. Chúng phơi bày bằng chứng phạm tội của kẻ cắp.

Xã hội ta đang hứng chịu hậu quả nhiều loại cướp, nhưng chưa loại tội phạm nào trơ trẽn, hợm hĩnh như bọn đạo văn. Tội phạm giật bóp, trộm đồ… ngoài đường phố sau khi thực hiện hành vi phạm pháp thường lén lút tẩu tán tài sản, chứ không dám huênh hoang, khoe khoang “tang vật” trên mặt báo như vị thượng tọa, Phó tổng biên tập này. Đối với các hình thức sở hữu khác nhau, việc sử dụng đều phải tuân thủ những nguyên tắc mang tính quy phạm. Nghề viết nói chung vốn không phải chiếc cần câu danh, mà thể hiện trách nhiệm đối với xã hội. Trí thức xưa kia được mệnh danh là kẻ sĩ, bên cạnh khả năng chuyên môn, còn đòi hỏi thái độ sống trước cuộc đời. Viết giống như hình thức ghé vai gánh một phần trách nhiệm xã hội. Nó không mang tính chất tiêu khiển thuần túy mà thúc đẩy người viết tham gia vào hoạt động cộng đồng.

Ban đầu, tôi hoài nghi về khả năng đạo văn ở một vị thượng tọa nắm quyền hành, chức sắc trong tay và sự nhầm lẫn có thể đến từ Ban biên tập Tạp chí Văn hóa Phật giáo. Trên thực tế, nhân viên biên tập có thể sửa chữa văn bản dẫn tới sai lệch những gì tác giả phác thảo. Sau khi tìm kiếm bài biết liên quan trên mạng Internet mới phát hiện hành vi đạo văn phơi bày một cách khá lộ liễu. “Lời phi lộ” của Thích Minh Hiền rải như “truyền đơn” trên nhiều Website. Nó thể hiện mức độ suy thoái đạo đức ở một vị thượng tọa, kiêm phó tổng biên tập, đồng thời cho thấy tình trạng đạo văn, đạo tặc đã trở nên phổ biến. Nạn trộm cắp nói chung đã góp phần làm nghèo đất nước, đặc biệt là suy giảm khả năng chấp pháp ở công dân và năng lực sáng tạo của quốc dân. Thói quen trộm cắp ăn mòn vào “miếng bánh” đã bày sẵn, biến địa hạt vốn mệnh danh sáng tạo thành bát nháo, tạp nham... Người trong cuộc có thể không tiếc món đồ bị mất cắp, nhưng đều bày tỏ thái độ bức xúc trước hành vi trộm cắp.

Với chức danh Phó tổng biên tập, Thích Minh Hiền hẳn phải biết “đạo văn” là một hành vi bị xã hội lên án? Còn đứng ở góc độ đạo đức văn hóa Phật giáo, vị thượng tọa này đã phạm giới cấm. Theo Ngũ giới, Phật giáo chủ trương: “Không sát sinh; Không trộm cắp; Không tà dâm; Không nói dối; Không uống rượu.” Năm giới này áp dụng đối với hàng Phật tử nói chung, phổ biến ở những tín đồ tại gia. Vậy, một kẻ xuất gia, ngự trên ngôi vị Thượng tọa lại phạm phải? Lấy lời người khác làm của mình cùng một lúc phạm cả hai giới là “Không trộm cắp” và “Không nói dối.” Trong Bát chánh đạo, tín đồ Phật giáo phải có “Chánh ngữ, Chánh hành, Chánh mệnh, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định; Chánh kiến, Chánh tư duy.” Hệ giá trị Phật giáo có mối quan hệ biện chứng với nhau, nếu phá “một giới” sẽ ảnh hưởng hệ thống lên những giới khác. Trộm cắp lời lẽ người khác thì không có “Chánh ngữ”, nhìn bằng cặp mắt người khác không có Chánh kiến, xâm phạm tài sản người khác phạm phải “Chánh mệnh”, làm điều sai trái, dối trá thì thiếu “Chánh niệm”, không kiểm chứng sự vật, hiện tượng bằng hiểu biết, trải nghiệm của bản thân sẽ không có “Chánh tư duy”…

Do đạo văn, nên câu chữ trong bài viết có Lời phi, lộ một cách trơ trẽn. Chúng chắp vá theo kiểu “đầu Ngô mình Sở”, không thiếu những chỗ ngô nghê, kiến thức khập khiễng, thiếu chọn lọc, chưa “tiêu hóa” rốt ráo để lại tình trạng vón hòn, chông chênh… cả về kết cấu, nội dung lẫn ý tưởng chung. Chúng ta hãy đọc đoạn văn kết của “Lời phi lộ” viết như sau: “Đọc bản thảo của Diệu Thiện đã lâu, một phần vì công việc Phật sự đa đoan, một phần vì e mình sức mọn tài hèn đâu dám múa rìu qua mắt thợ. Đến hôm nay, nhà in thúc giục mấy lần. Nếu không viết thì có lỗi với tác giả, có lỗi với đất trời non nước Hương Sơn. Nhờ Phật lực gia bị, mượn suối Hồ Khê làm nghiên mài mực, lấy trúc biếc Hinh Bồng làm bút, gọi là mấy lời “phao chuyên dẫn ngọc” cho Tuyển tập Hương Sơn Ca được xuất bản nhân ngày Khánh đản Đức Quán Thế Âm – Phật chủ chùa Hương.”

Nếu phía đầu bài viết, Thích Minh Hiền không có hành vi đạo văn, những dòng bi thiết trên đây hẳn có tác dụng đi sâu vào lòng người! Nó cho thấy dụng công cũng như dụng tâm của người viết. Nhưng, do hành vi vụng trộm, sau khi “chùi mép” một cách cẩu thả đã khiến cho lời văn thấm nhuần đạo lý bị phản tác dụng, thậm chí trở nên giả tạo, lố bịch... Đối với một con người, tâm và thuật phải thống nhất với nhau. Nếu tâm bất chính, mọi kỹ thuật đều biến thành tà thuật chống lại bản thân. Trong tiếng Việt từ lâu đã sử dụng hệ thống ký tự La tinh thay thế Hán tự, không dùng nghiên mài, mực nước, bút lông… để ký tự, vì chuộng lời lẽ “hoa mỹ”, Thích Minh Hiền huy động phương ngữ (Lời phi lộ), thành ngữ (Phao chuyên dẫn ngọc), địa danh (Hương Sơn, Hồ Khê, Hinh Bồng), … để tung hỏa mù. “Lời phi lộ” lẽ ra đã có thể đi đến hồi kết có hậu khi chỉ ra được nguồn gốc, xuất xứ. Song, vì người viết có hành vi mờ ám, đội lốt lời lẽ xảo ngôn, “khua môi múa mép”… chẳng những không che dấu được điều khuất tất, mà còn phơi bày bản chất đạo đức giả. Một con người đạo hạnh, lời nói phải đi đôi với việc làm, dù là lời hay ý đẹp, nhưng phát ra trên miệng kẻ tiểu nhân, tâm địa xấu xa sẽ trở nên lố bịch, hợm hĩnh, bỉ ổi... Thích Minh Hiền còn mượn danh “non nước Hương Sơn” dàn cảnh, dựng lên màn kịch vụng về với nhiều lời thoại giật từ miệng người khác. Mặc dù, vị thượng tọa này đã cố cải trang, “bôi son trát phấn”, tô điểm cho việc làm sai trái, nhưng rốt cuộc vẫn bị lòi “đuôi cáo”.

Mọi sai lầm của con người đều bắt đầu khi hành vi kết thúc. Nghiệp chướng của chúng ta chẳng chờ tới kết luận của tòa án hay công luận phán xét, mà nằm ngay trong chuỗi nhân quả. Đối với tín đồ Phật giáo, một tà niệm khởi lên sẽ khiến bản tâm xa rời chánh pháp, xa rời Phật. Đừng nghĩ thầy cư ngụ chốn linh thiêng thì gần Đức Phật hơn kẻ phàm trần. Phật giáo vốn là một tôn giáo đặc biệt, thể hiện tinh thần bình đẳng trước mọi thực thể. Dân gian có câu: “Chiếc áo không làm nên thầy tu”. Chốn linh thiêng ngàn đời này đang bị mai một, mất dần thuộc tính thiêng. Hậu quả ấy xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có “một bộ phận không nhỏ” kém từ tâm thuật đến học thuật trà trộn vào khiến cho thần linh phải đi di trú. Trong tác phẩm “Vi lô dạ thoại” của Vương Vĩnh Bân từng viết: “Vô vị phi tiện. Vô sỉ vi tiện”, không có tước vị không phải thấp kém, nhưng không có liêm sỉ, đó chính là sự hèn hạ.

Lời phi lộ của Thích Minh Hiền: Xuất bản tuyển tập " Hương Sơn Ca"

Xuân – Cảm hứng sáng tạo của Lê Hải Đăng: Xuân - Cảm hứng sáng tạo

 

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...