Lối đi nào trong đào tạo thanh nhạc

10/09/2013

Với các trường đại học, việc đào tạo cho xã hội một nhân lực có ích đã là một việc khó, với các trường nghệ thuật, để đào tạo cho được một ca sĩ vừa có đủ tài, đức và khả năng làm nghề thành công lại càng khó gấp bội. Lớp ca sĩ trẻ hiện nay, những người thực sự có tài vì sao vẫn chưa có chỗ đứng trong lòng khán giả? Những cái tên thủ khoa thanh nhạc hay quán quân một cuộc thi uy tín về âm nhạc vẫn còn quá xa lạ với công chúng… Phải chăng việc đào tạo ca sĩ ở nước ta hiện nay vẫn còn thiếu một khâu rất quan trọng để đưa ca sĩ có tài năng đến gần hơn với những người yêu nhạc?


Không được tập luyện từ trước, nhưng ca sĩ quân đội Hàn Quốc biểu diễn rất tốt
cùng với dàn nhạc dân tộc của Nhà hát Ca, Múa, Nhạc Quân đội Việt Nam


Sinh viên Trần Đình Thắng

Theo chân bạn Trần Đình Thắng sinh viên năm thứ hai khoa Thanh nhạc - Học Viện Âm Nhạc Quốc gia Việt Nam, chúng tôi đã được “kì mục sở thị” một buổi học của các bạn với giảng viên thanh nhạc tại đây. Đó là một buổi luyện thanh trong phòng kín, với một cây đàn piano và sinh viên hát theo yêu cầu của giảng viên. Opera là thể loại khó, người hát cần có giọng khỏe, nội lực tốt và khả năng thẩm âm tinh tế, tuy nhiên các bạn đều hát tốt, thi thoảng giảng viên mới phải nhắc một chút về cách lấy hơi, giữ hơi khi hát. Tuy nhiên, phần thể hiện của các bạn còn khá rụt rè khi có người lạ, sự thiếu tự tin làm giảm rõ rệt phong độ biểu diễn khi thấy bạn rất lúng túng vừa hát vừa phải lấy hơi. Khi được phóng viên hỏi ngại ngùng như vậy thì sau này làm sao đi diễn được, bạn Trần Đình Thắng chia sẻ: “Tại trường không có môn học nào dạy về kĩ năng biểu diễn, thường là chúng mình tự tìm hiểu và học hỏi từ những anh chị khóa trước, thầy cô và qua sách báo. Trong quá trình học chúng mình thường xuyên được hát và diễn trên sân khấu, nên phần nào được thực hành, không quá nhút nhát khi biểu diễn nhưng cũng chưa được chuyên nghiệp. Đây cũng là một hạn chế rất lớn của sinh viên Học viện Âm nhạc. Các sinh viên và giảng viên nhiều lần từng đề nghị thêm môn Kĩ năng biểu diễn vào lịch học nhưng hiện tại trường vẫn chưa thực hiện việc này”.

Đối với một ca sĩ học để làm nghề chuyên nghiệp hiện nay, ngoài yếu tố cần là giọng hát tốt, còn có yếu tố đủ như khả năng giải phóng hình thể trên sân khấu, cách giao lưu với khán giả để phần trình diễn của mình thêm thu hút, trang phục biểu diễn đẹp mà vẫn văn hóa. Chúng tôi tiếp tục tìm đến với ngôi trường đào tạo thanh nhạc của quân đội. Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội là một trường đại học đa ngành ở Việt Nam. Tìm gặp Nghệ sĩ ưu tú Kim Phúc, hiện là Trưởng khoa Thanh nhạc, chúng tôi nhận được những tâm sự về việc đào tạo sinh viên thanh nhạc tại đây: “Mặc dù chưa có môn chuyên ngành dạy về kĩ năng biểu diễn xong chúng tôi đang từng bước bổ trợ thêm cho các em tự học, tự rèn luyện. Đối với hệ Trung cấp thì bắt đầu từ năm thứ hai đã được thực hành biểu diễn rất nhiều, các em căn bản đã biết về nhạc lý, xướng âm hay piano... Còn với các sinh viên hệ Đại học đòi hỏi cao hơn, các em phải hát được nhạc thính phòng, nhạc nhẹ dân gian và các thể loại nhạc truyền thống khác, tùy vào từng chuyên nghành học. Khi các em làm tác phẩm tốt nghiệp, sẽ có riêng một giảng viên phụ trách về phần trình diễn cũng như trang phục của các em. Hướng dẫn các em nhận thức đầy đủ về cách trình diễn sao cho vừa văn hóa, vừa hiệu quả”. Chị cũng cho biết, việc học và dạy thanh nhạc chỉ diễn ra tại trường, vì đây là môi trường quân đội nên việc quản lý giờ giấc của cả giáo viên và sinh viên rất khắt khe.

Hỏi một sinh viên trong trường, chúng tôi có thêm ý kiến khác. Đó là ý kiến của bạn Vân Phú, hiện đang học tại khoa Thanh nhạc Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội: “Việc học thanh nhạc được đào tạo rất bài bản tại trường nhưng phần văn hóa ứng xử hay cách giải phóng hình thể, kĩ thuật biểu diễn đa phần vẫn là do tự bản thân mỗi sinh viên, các giáo viên chỉ góp ý nếu như thấy không phù hợp, còn hiện tại, chúng em vẫn chăm chút đầu tư nhiều vào phần giọng hát và học thêm các môn văn hóa tại trường”.

Như vậy cũng đủ thấy cách đào tạo của hai trường trên, là những nơi chuyên sâu đào tạo ca sĩ tại phía Bắc vẫn thiếu trầm trọng những môn học về kĩ năng biểu diễn cho sinh viên, giúp sinh viên đủ tự tin làm nghề sau khi ra trường. Làm một ca sĩ chuyên nghiệp cả về giọng hát lẫn phong thái biểu diễn, cách ứng xử có văn hóa với công chúng cần được trang bị đầy đủ kiến thức về âm nhạc, quá trình tập luyện gắt gao và một phông văn hóa dày dặn. Một ca sĩ ngoài hát hay, múa giỏi còn cần phải học tập, am hiểu về các mặt xã hội thì mới có thể thẩm âm, tiết tấu bài hát thật đúng với ý nghĩa của nó.

Một ngôi trường nữa tại miền Bắc, cũng là nơi có một khoa đào tạo chuyên sâu về Thanh nhạc, đó là trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Hà Nội. Mặc dù quy mô chưa phải là lớn, nhưng ít nhiều trường đã có những việc làm tích cực giúp sinh viên thanh nhạc đến gần hơn với công chúng. Ca sĩ Minh Ánh – Tân Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ với phóng viên: “Để hướng tới sự hoàn thiện về chương trình, giáo trình đối với các chuyên ngành âm nhạc nói chung và chuyên ngành Thanh nhạc nói riêng, nhà trường đã nghiên cứu đưa bộ môn Kỹ năng biểu diễn và môn Hình thể vào chương trình giảng dạy đến nay đã được 5 năm. Đây là 2 môn học chính có số lượng tiết khá lớn dành cho Học sinh sinh viên (HSSV) từ năm thứ 2 trở lên. Chương trình này luôn được cập nhật và bổ sung hàng năm sao cho phù hợp. Bên cạnh đó, mỗi học kỳ HSSV còn được thực hành trên sân khấu với đầy đủ trang thiết bị hiện đại giống như một sân khấu ca nhạc chuyên nghiệp và mỗi lần kiểm tra HSSV được nghe ý kiến của hội đồng để rút kinh nghiệm cho các lần sau. Với kinh nghiệm của bản thân cũng như trên thực tế cho thấy HSSV học Thanh nhạc tại trường CĐNT Hà Nội trong những năm qua sau khi được học các môn nói trên các em đều có được sự tự tin nhất định. Bằng chứng là các em đã tham gia ở rất nhiều các sân chơi và đạt nhiều giải thưởng lớn ở tất cả các chương trình chuyên nghiệp trên toàn quốc như: Truyền hình Sao Mai, Sao Mai điểm hẹn, Tài năng trẻ các trường chuyên nghiệp toàn quốc và hiện nay là Giọng hát Việt, ViệtNam Idol, Qua đó có thể khẳng định đó là hướng đi đúng đắn của trường”.


Nghệ sĩ Trần Hoàng Đức - Phó trưởng khoa Thanh nhạc, Học viện âm nhạc Huế

Là nơi đào tạo thanh nhạc lớn của Miền nam Trung bộ, Học viện Âm nhạc Huế cũng có những thay đổi về giáo trình và môn học cho sinh viên Thanh nhạc bắt đầu từ năm học 2010 – 2011. Phó Trưởng khoa Thanh nhạc, ông Trần Hoàng Đức cho biết: “Đáp ứng việc học và hát của sinh viên Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc Huế, nhà trường đã đưa môn Kĩ năng biểu diễn vào dạy học được hai năm nay, chia đều thành các tiết và được dạy như một môn chính thức. Tuy vậy, khả năng giải phóng hình thể và kĩ thuật biểu diễn cũng là một môn năng khiếu, có những người không học mà cũng làm được rất tốt. Việc dạy trong nhà trường chỉ giống như một sự bổ trợ, tăng thêm sự hào hứng trong sinh viên. Còn có thành công hay không, là do tự bản thân cố gắng luyện tập của từng người. Thời gian đầu mới thêm môn học này, nhà trường cũng gặp rất nhiều khó khăn, tuy nhiên khi đã vào nề nếp thì sự tiến bộ của từng sinh viên tốt lên rõ rệt. Việc này giúp sinh viên tự tin hơn rất nhiều trên sân khấu”.

Trong khi đó Nghệ sĩ nhân dân Trần Hiếu lại bày tỏ rõ sự lo lắng về việc đào tạo ca sĩ thanh nhạc ở nước ta hiện nay, ngoài kĩ năng biểu diễn, ông còn quan tâm đến cách hát thể hiện ngôn ngữ đặc trưng của Việt Nam: “Theo như tôi thấy, hầu như tất cả các trường dạy nhạc tại Việt Nam đều đào tạo thiếu căn bản kĩ thuật biểu diễn, nghệ thuật sân khấu cho sinh viên. Ở nước ngoài, bên cạnh các môn dạy về thanh nhạc, họ còn có môn riêng dạy về kĩ thuật biểu diễn, từ những việc nhỏ như cách cầm micro như thế nào? Thế đi, đứng trên sân khấu làm sao để đảm bảo tư thế thoải mái nhất khi hát mà vẫn có tạo hình đẹp mắt... Kĩ năng biểu diễn rất quan trọng, nó chiếm một nửa thành công nếu như các bạn biết tận dụng khi biểu diễn. Thêm nữa, ở các trường dạy nhạc Việt Nam còn thiếu một lớp chuyên về ngôn ngữ âm nhạc, nghệ thuật của các ngôn ngữ, cách hát tròn và rõ chữ, cách ngắt đặc trưng, không bị lai căng mất đi sự trong sáng của tiếng Việt”.

Một ca sĩ muốn làm nghề một cách nghiêm túc thì cái gì cũng cần phải học, có học cũng có hơn, mà học không cứ chỉ ở trong trường lớp mà học có thể bằng nhiều hình thức khác nhau. Hầu hết các ca sĩ nổi tiếng trên thế giới cũng như ở nước ta hiện nay những người được cho là ca sĩ có đẳng cấp họ đều được học hành bài bản. Ở những người này, ngoài bản năng sẵn có, họ có căn bản về kỹ thuật, có đầy đủ các kỹ năng cần thiết trên sân khấu, có tâm hồn và có sự lao động sáng tạo.

Hiện nay, các ca sĩ trẻ có rất nhiều người không được học hành bài bản, ngược lại có kĩ năng biểu diễn, ngoại hình đẹp, nhờ công nghệ lăng xê đã thu hút được lượng fan (người hâm mộ) rất lớn ủng hộ cho mình, nhưng những người này cũng sẽ không thể tiến xa nếu như không chịu đầu tư một cách nghiêm túc cho sự nghiệp. Còn những ca sĩ được học trong trường lớp, có khả năng cảm thụ âm nhạc, có tài năng ca hát, cần được đầu tư kĩ lưỡng và hoàn chỉnh hơn để không phí hoài biết bao tâm huyết của thầy cô và công sức “đèn sách” bao nhiêu năm của các bạn.

(Nguồnhttp://nghethuatbieudien.vn)

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...