"Loạn giải thưởng, danh hiệu là một dạng tham nhũng"
Cứ cuối năm, ngành ngành, nhà nhà lại "nô nức" vinh danh cá nhân, tập thể bằng các danh hiệu, giải thưởng. Đặc biệt trong giới giải trí, với vô số danh hiệu "trời ơi đất hỡi" như bà mẹ của năm, ngôi sao của năm... được trao tặng, xướng tên mà mọi người cũng không hiểu tiêu chí và mục đích vinh danh để làm gì?
Khác với sự hào hứng của các doanh nhân, doanh nghiệp và trong giới giải trí thì giải thưởng của hội nhà văn lại bị chính người được nhận giải từ chối. Điều gì thực sự đang diễn ra quanh danh hiệu, giải thưởng ở Việt Nam? Xung quanh sự việc này, PV đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Lê Quý Đức, viện trưởng viện Văn hóa và Phát triển, học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh.
"Bệnh" sính danh hiệu
Thưa PGS, vào dịp cuối năm ngành ngành, nhà nhà thi nhau bầu chọn và đưa ra các danh hiệu, giải thưởng. Đặc biệt là giới giải trí, họ có vô số những giải thưởng danh hiệu cá nhân... mà công chúng không hiểu, giải thưởng đó nhằm tôn vinh điều gì? Ý kiến của PGS về vấn đề này?
Theo tôi với vô số các giải thưởng, danh hiệu được trao tặng trong thời gian qua cũng thừa nhận điều tích cực của nó là sự quan tâm đến rất nhiều đối tượng, cho nhiều hoạt động trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Ai cũng được tôn vinh, khác với ngày xưa chỉ có một số người, một số lĩnh vực đặc biệt mới được vinh danh. Bây giờ thì những người bình thường, một người nghệ sỹ cũng được tôn vinh. Như trong xã hội phong kiến nghề "xướng ca vô loài" không được ai tôn trọng. Nhiều giải thưởng tôn vinh doanh nhân, nông dân, công nhân... dù giải lớn hay nhỏ nhưng nó cũng thể hiện sự dân chủ hơn trong đời sống xã hội là ngành nghề nào, thì con người ấy được tôn vinh.
Ảnh chỉ mang tính minh họa
Có điều rằng, từ mặt tích cực đó có thể chuyển sang mặt tiêu cực nếu nó thái quá. Ví dụ như ngày xưa, khi mà những người kinh doanh bị gọi là "con buôn" thì những giải thưởng tôn vinh các doanh nhân cũng là một cách đem lại uy tín cho những người làm việc trong lĩnh vực này. Nhưng dần dần nó cũng nhàm. Đâu cũng trao giải thưởng doanh nhân thế này, doanh nhân thế kia. Tất nhiên cũng có nhiều giải thưởng thực sự mang lại giá trị tôn vinh nhưng không ít người "hỏi thẳng" những người tổ chức là "có bán cúp" không khi mà các doanh nghiệp tham gia giải thưởng đều phải đóng một mức phí kha khá. Sự thái quá về kinh tế, về việc ngành ngành, nhà nhà tổ chức giải khiến cho sự tôn vinh không còn giá trị, xã hội thì nhàm chán và băn khoăn nhiều hơn về mặt tiêu cực. Đặc biệt khi sự tôn vinh đó không trúng đối tượng cần được quan tâm nhất.
Hiện nay có rất nhiều giải thưởng nhưng theo PGS sự tôn vinh không trúng đối tượng là mối quan tâm nhất của xã hội, dư luận?
Thời gian qua, các giải thưởng xuất hiện nhiều, rầm rộ thường là của giới giải trí với nhiều ầm ĩ, scandal. Tuy nhiên những người đóng vai trò chính là lực lượng sản xuất ra vật chất nuôi sống xã hội, đóng góp lớn, là lực lượng đông đảo trong xã hội như người nông dân, công nhân lại ít được quan tâm. Chưa có những giải thưởng tiếng tăm, uy tín tôn vinh họ được đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng và đông đảo người dân biết đến. Cùng với sự tôn vinh không trúng đối tượng còn đi kèm với nhiều tiêu cực.
Một dạng tham nhũng tinh thần
Theo PGS, những tiêu cực đó là gì?
Thực tế hiện nay cho thấy xã hội đang đổ xô cho và nhận sự tôn vinh. Sự tôn vinh đó có nhiều mặt tiêu cực. Như người chủ trương đi tôn vinh cũng có thể là vì lợi ích kinh tế. Tôn vinh doanh nhân thì doanh nhân phải đóng góp bao nhiêu tiền để "mua" được cái cúp, được danh hiệu. Nhiều ca sỹ lấy việc được tôn vinh bằng một giải thưởng là cơ hội lăng xê đánh bóng tên tuổi. Chỗ này chỗ kia chắc cũng khó tránh khỏi chuyện kinh tế trong đó. Đặc biệt, không ít người muốn được tôn vinh vì hiếu danh. Trong một xã hội có tham nhũng về kinh tế, quyền lực thì cũng có hiện tượng tham nhũng về tinh thần. Qua những tôn vinh bằng các giải thưởng, tôi cho đó là một dạng tham nhũng tinh thần, thế tục. Họ mua những danh hiệu, không phải bằng tài năng, sự đức độ, sự cống hiến mà bằng tiền và cả sự tôn vinh đi kèm với nó. Đáng lẽ nó phải dành cho những người xứng đáng thì kẻ có tiền lại có thể mua được hoặc bằng những mối quan hệ để có được. Tất cả những điều đó cũng nằm trong một trào lưu chung của xã hội hiện nay là adua.
Như tôn vinh các doanh nghiệp chẳng hạn, lãnh đạo, chủ doanh nghiệp cũng muốn tiếng tăm nhưng một phần có những nhóm cơ quan, cá nhân muốn lợi dụng doanh nghiệp để ăn theo doanh nghiệp, đặc biệt là vào dịp cuối năm cho nên người ta đưa ra quá nhiều giải thưởng, danh hiệu. Điều đó khiến cho chúng trở nên nhàm chán và tạo ra những dị ứng xã hội.
PGS.TS Lê Quý Đức, viện trưởng viện Văn hóa và Phát Triển,
học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh
Theo PGS điều gì khiến cho các giải thưởng đua nhau nở rộ như thời gian vừa qua?
Theo tôi thì có nhiều nguyên nhân nhưng đầu tiên có thể phải kể đến là vấn đề kinh tế. Cả người tôn vinh và được tôn vinh đều có sự liên quan lợi ích, có thể đó cũng là một cách để chia chác lợi ích kinh tế trong xã hội, thậm chí còn là cơ hội để tạo ra "uy tín xã hội" cho cá nhân hoặc tập thể. Nó cũng là một điều kiện để phát triển kinh tế, "đánh bóng thương hiệu". Nó cũng trở thành một phần tâm lý xã hội. Người này được tôn vinh tại sao mình không được tôn vinh? Tôi cũng từng biết, trong số những người được tôn vinh cũng có người bắt buộc phải làm chứ họ không muốn. Vì đơn giản khi được mời, vận động tham gia, họ cũng không muốn từ chối bởi những quan hệ lâu dài với đơn vị chủ trì tổ chức giải thưởng... Sự adua, cả nể, tâm lý đám đông, vô thức tập thể khiến cho sự loạn này càng thêm loạn hơn. Nó cũng là một dạng của loại bệnh chạy theo thành tích chung trong xã hội, bệnh nói dối. Người không có thành tích, không xứng đáng cũng cố khai cho tốt, cho đủ. Đấy cũng là một thói hư, tật xấu trong xã hội hiện nay.
Nói như PGS có vẻ có quá nhiều tiêu cực trong việc loạn giải thưởng?
Tôi nghĩ một giải thưởng phải có những ý nghĩa nhất định. Chính vì thế, tất cả các khâu từ đặt tên giải thưởng cũng phải làm nổi bật, ý nghĩa. Ngay cả cách lấy tên để đặt cho một số giải thưởng tôn vinh công nhân, nông dân hiện nay cũng không có nhiều ý nghĩa lắm và không có nhiều người hiểu về xuất xứ của các tên đó. Nhiều khi người ta cố gắng lồng và tham vọng điều này, điều nọ từ cái tên giải mà quên đi đích cuối cùng. Có thể lấy tên danh nhân, sự vật đẹp trong xã hội để đặt tên cho giải thưởng chứ không nên lồng ghép các yếu tố không thực sự "đắt giá" để làm tên giải thưởng. Ví dụ như giải thưởng dành cho người nông dân có thể những cái tên như "Hoa sen" để tôn vinh những con người từ bùn đen vươn lên. Quan trọng là cái tên giải thưởng phải thực sự gần gũi và phải thực chất làm sao có uy tín, có tác dụng biểu dương, thúc đẩy xã hội. Từ uy tín đến tiếng vang tạo thương hiệu cho chính giải thưởng và danh hiệu khi được trao tặng, nó phải đi vào tâm thức con người và trở thành văn hóa. Người nhận được giải thưởng phải cảm thấy vinh dự, thiêng liêng thậm chí họ phải sống chết để giữ và bảo vệ danh hiệu đó. Cái danh không những phải đi với thực mà nó còn phải đi vào tâm hồn, tâm thức con người thì nó mới hấp dẫn các cá nhân được vinh danh và xã hội cũng hướng theo cái đó để vươn tới.
Quay trở lại với những lùm xùm quanh nhiều nghi án mua giải, dàn xếp kết quả của trong giới giải trí thời gian qua, PGS nhận xét gì về sự việc này?
Theo tôi, dù có sự việc có thật, có sự việc còn tranh cãi đúng - sai nhưng nó cũng thể hiện sự lệch chuẩn trong giới giải trí hiện nay. Kể cả người "mua" và người "bán" giải đó nó cũng phản ánh sự lệch chuẩn giá trị thẩm mỹ, đạo đức, nghệ thuật và còn cả là sự trần tục. Có bao nhiêu bộ phận trên cơ thể con người thì có bấy nhiêu giải thưởng. Những điều này còn thể hiện một sự thô thiển trong suy nghĩ khi tách con người ra khỏi sự hài hòa của một chỉnh thể. Cô chân dài, cô tóc dài, cô da trắng... Chẳng lẽ người ta chỉ ngắm chân cô gái, ngắm riêng làn da? Tôi không phủ nhận hiện thực khách quan nhưng nếu tách con người ra, phân con người ra thành những bộ phận thì nó trở thành sự dung tục chứ không phải là thẩm mỹ.
Trong khi giới giải trí khá "hào hứng", "nặng lòng" với các danh hiệu thì vừa qua có một sự kiện khiến dư luận không khỏi xôn xao khi có 2 tác giả gửi thư ngỏ từ chối nhận giải của một giải thưởng khá lâu năm của hội Nhà văn. Nhà văn Y Ban - tác giả của "Trò chơi hủy diệt cảm xúc" và nhà văn Phạm Ngọc Cảnh Nam - tác giả của "Thế kỷ bị mất". PGS bình luận gì trước sự việc này?
Theo cá nhân tôi, những lùm xùm theo thư ngỏ của các tác giả về những bức xúc xung quanh cách thức bỏ phiếu, nhận xét... của các thành viên hội đồng chấm giải khiến cho giải thưởng trở nên tầm thường. Người ta đặt câu hỏi về tính chất là người trao giải có đủ uy tín không? Có đủ uy tín về chuyên môn để thẩm định tác phẩm của các tác giả? Tiêu chí đánh giá tác phẩm có phù hợp với thực tế không? Nó có phù hợp với trình độ thưởng thức nghệ thuật của xã hội không? Uy tín của giải có làm nên tên tuổi tác giả không? Tôi nhớ, đây không phải là lần đầu tiên giải thưởng của hội Nhà văn bị từ chối. Ông Hữu Thỉnh, Chủ tịch hội Nhà văn Việt Nam cũng từng từ chối giải thưởng của hội Nhà văn.
Tất cả những lùm xùm này đều nằm trong bối cảnh bùng nhùng, nhiều chiều, nhiều góc cạnh trong xã hội. Khi mà sự tha hóa được nhắc tới nhiều, sự lợi dụng danh nghĩa, thậm chí là một sự tham những tinh thần, thế tục của việc chạy theo những danh hiệu, vinh danh của Nhà nước một cách không chính đáng.
Cần sự minh bạch và cái tâm để nâng tầm
Theo PGS, làm gì để một giải thưởng thực sự có chất lượng, thực sự tôn vinh được các cá nhân, tập thể?
Đã là giải thưởng của xã hội thì phải do xã hội bình chọn và làm sao tập trung được đông đảo ý kiến của quần chúng nhân dân. Đặc biệt là những người quan tâm đến các lĩnh vực mà định đưa ra giải pháp phát huy vai trò của các tổ chức quần chúng, nghề nghiệp, phát huy sự công bằng công minh, vô tư trong việc trao giải. Có hình thức phù hợp để người nhận giải vinh dự, trách nhiệm, tự hào và thấy xứng đáng. Sự xứng đáng này là sự tôn vinh thúc đẩy sự phấn khởi, tự hào của họ và chưa hẳn đã là vật chất. Thời gian địa điểm, cách thức trao giải, thậm chí người trao giải có thực sự là người uy tín? Để người được nhận giải từ chối giải thưởng thì có lẽ điều đó cũng khiến dư luận và cá nhân tôi không khỏi đặt ra nhiều câu hỏi băn khoăn.
Cùng với đó thì giải thưởng cũng phải khuyến khích vật chất cho thỏa đáng, người làm hồ sơ để tham dự giải thưởng hay để xét duyệt một danh hiệu nào đó mất chi phí hàng chục triệu đồng mà phần thưởng vật chất nhận chỉ vài triệu đồng thì cũng không thể khiến họ tha thiết hay cảm thấy mình thực sự được tôn vinh.
Theo tôi bên cạnh đó thì sự góp tay của truyền thông vào dẹp loạn giải thưởng, danh hiệu trong nhiều lĩnh vực là rất quan trọng. Nó góp sức làm lan tỏa những cá nhân thực sự xứng đáng, đẩy mạnh yếu tố tích cực hoặc cũng có thể làm cho cái tiêu cực bớt "đất sống". Truyền thông càng khách quan thì các danh hiệu đích thực, những cá nhân xứng đáng càng được tôn vinh và khiến xã hội hướng đến các giá trị sống tốt đẹp nhiều hơn.
Cảm ơn PGS!
(Nguồn: tinmoi.vn)