Linh thiêng hồn Liệt sĩ
Thưa quý vị và các bạn!
Hình ảnh người lính đã được nhắc đến trong nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật và trong đó có âm nhạc. Bằng những trải nghiệm và cách tiếp cận khác nhau, các nhạc sĩ đã phác họa hình tượng những chiến sĩ trung kiên, anh dũng hy sinh vì sự độc lập dân tộc và những người lính đã cống hiến một phần xương máu của mình đã trở về sau chiến tranh.
Trong không gian của tháng 7 với những cơn mưa, rồi nắng vàng rực rỡ, dường như bầu trời càng xanh hơn, khắc họa những Tượng đài Liệt sĩ vời vợi, những bia mộ không tên…Tất cả lại gợi nhớ đến những năm tháng chiến tranh khốc liệt với biết bao hy sinh, gian khổ của chiến sĩ, đồng bào.
(Một góc Nghĩa trang Trường Sơn - Nguồn ảnh Internet)
Kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 luôn là những kỷ niệm sâu sắc nhất trong trái tim mỗi công dân Việt
Những bài hát viết về người lính mãi là bài ca không bao giờ quên, vang mãi khúc quân hành, là những dòng sông hoa đỏ, những tượng đài chiến thắng, là biểu tượng của sự sống bất diệt luôn vươn lên với sức mạnh diệu kỳ. Mỗi địa danh trên đất nước, mỗi tên núi, tên sông đều gắn liền với ký ức sâu thẳm trong trái tim đồng đội và trong lòng nhân dân, quê hương đất nước Việt Nam.
Đã có nhiều nhạc sĩ viết về đề tài này, có thể kể đến những bài hát của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn như: Biết ơn chị Võ Thị Sáu, Noi gương Lý Tự Trọng, Bài ca Ngô Mây, Ca ngợi Trần Thị Lý, Ca ngợi Nguyễn Văn Trỗi; bài hát Bế Văn Đàn sống mãi của nhạc sĩ Huy Du, lt Trinh Đường; Bài ca Lê Thị Hồng Gấm của nhạc sĩ Trọng Loan; Cỏ non thành cổ của nhạc sĩ Tân Huyền; Màu hoa đỏ của nhạc sĩ Thuận Yến, lời thơ Nguyễn Đức Mậu; Vết chân tròn trên cát của nhạc sĩ Trần Tiến, Miền xa thẳm của nhạc sĩ Đức Trịnh, hợp xướng Linh thiêng hồn Liệt sĩ của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân…
Cuộc tọa đàm âm nhạc hôm nay với chủ đề Linh thiêng hồn Liệt sĩ có sự tham gia của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, nhạc sĩ Đức Trịnh và nhạc sĩ Hồ Trọng Tuấn.
Mời quý vị và các bạn đón nghe.