Liên khúc phổ thơ Do Thái của Shostakovitch

18/03/2013

Shostakovitch rất hứng thú với âm nhạc dân gian Do Thái. Ông bị lôi cuốn bởi sự mâu thuẫn giữa " những giai điệu vui tươi trên một âm điệu buồn" trong thứ âm nhạc ấy. Trong một lần tình cờ tìm thấy một tập lời bài hát dân gian Do Thái nhưng không có nhạc, ông đã quyết định phổ nhạc cho chúng và sử dụng nhiều yếu tố từ âm nhạc dân gian Do Thái. 11 ca khúc được tập hợp lại thành 1 tập liên khúc opus 79 cho piano, soprano, alto, tenor :"Phổ từ thơ dân gian Do Thái" (1948).

Chùm ca khúc này được biểu diễn chính thức năm 1955 với sự thể hiện của những tên tuổi thượng thăng chuyền về biểu diễn ca khúc thính phòng của Liên Xô thời đấy, bao gồm soprano Nina Dorliak (giảng viên thanh nhạc tài năng của Liên Xô và cũng là người bạn đời của pianist S.Richter), mezzo Zara Dolukhanova (NSND Liên Xô - ca sỹ thính phòng nổi tiếng nhất của Liên Xô thập niên 50-60) và tenor Aleksei Maslenikov (cũng là ca sĩ thính phòng có tên tuổi của nhà hát lớn Bolshoi). Người đệm đàn không ai khác chính là Shostakovitch.
Một vài năm sau, Shostakovitch chuyển soạn lại thành opus 79a với phần đệm là dàn nhạc. Cả 2 opus đều không ít lần được biểu diễn và ghi âm với những tên tuổi hàng đầu của phương Tây sau này.
Dưới đây là bản số 2 trong opus này "Mẹ và dì yêu thương chăm chút", với đội hình trong lần biểu diễn chính thức đầu tiên: Dorliak-soprano, Dolukhanova-alto, Shostakovitch đệm đàn.

Mẹ và dì yêu thương chăm chút
(Dịch thơ: Nina)

Ả à ơi,
Bố ơi, mau về làng!
Đem cho con quả táo,
Để mắt không đau nữa!
À ơi.

Ả à ơi,
Bố ơi, mau về làng!
Đem gà cho con nhé,
Để răng không đau nữa!
À ơi.

Ả à ơi,
Bố ơi, mau về làng!
Đem cho con con vịt,
Để ngực không đau nữa!
À ơi.

Ả à ơi,
Bố ơi, mau về làng!
Đem cho con con ngỗng,
Để bụng không đau nữa!
À ơi.

Ả à ơi,
Bố ơi, mau về làng!
Đem cho con hạt bí,
Để thóp không đau nữa!
À ơi.

Ả à ơi,
Bố ơi, mau về làng!
Đem cho con con thỏ,
Để tay không đau nữa!
À ơi.

Còn đây là bản số 11 trong opus 79a (phiên bản với dàn nhạc thính phòng của tác phẩm này):

Hạnh phúc
(Dịch thơ: Nina)

Ta khoác tay chồng thật là mạnh mẽ,
Dẫu ta già, chàng cũng tóc bạc rồi
Nhưng ta dắt chàng vào nhà hát
Tầng pác tê, hai ghế chúng ta ngồi.

Trong nhà hát đến khi đêm muộn,
Chúng ta đắm trong mơ ước ngọt ngào, -
Vợ của người chữa ủng Do Thái ấy
Thật được chăm lo ưu ái biết bao nhiêu.

Và ta muốn nói cho toàn đất nước,
Về số phận ta thật sáng sủa, tươi vui:
Hai đứa con trai giờ đã thành bác sĩ -
Trên đầu chúng ta lấp lánh ánh sao trời!

(Ghi chú của người viết bài: tầng Pác-tê (parterre) là tầng 1, khu vực ngay trước sân khấu trong khán phòng biểu diễn)

Chùm ca khúc này ra đời vào khoảng mùa thu năm 1948 trong hoàn cảnh khá nhạy cảm và nó khiến nhiều nhà nghiên cứu âm nhạc phương tây đưa ra những suy diễn và phán đoán đầy chủ ý giống như không ít những tác phẩm khác của Shostakovitch.
Năm 1948, Shostakovitch cùng một số nhà soạn nhạc nổi tiếng khác (bao gồm cả Prokofiev và Khachaturian) bị cáo buộc trong lối sáng tác mang chủ nghĩa hình thức dẫn đến việc nhiều tác phẩm của ông tạm thời bị cấm cũng như công việc nghiên cứu và giảng dạy tại Nhạc viện bị gián đoạn và ảnh hưởng. Cùng thời điểm này, phong trào "bài Do Thái" tại Liên Xô (1948-1953) bắt đầu xuất hiện công khai xuất phát từ những quan điểm của nhiều nhà lãnh đạo trong bộ máy chính trị. Trên thực tế, vẫn có những buổi biểu diễn mang tính cá nhân chùm tác phẩm này tại thời điểm đó, tuy nhiên, dù theo góc nhìn nào cũng thật khó hình dung 1 tác phẩm với chủ đề nhạy cảm và lối sáng tác kì khôi như vậy có thể được dàn dựng biểu diễn công khai ngay sau khi nó ra đời.

Tuy vậy, buổi biểu diễn chính thức "Từ thơ dân gian Do Thái" năm 1955 (do đích thân Shostakovitch đệm đàn cùng dàn solisos thượng hạng bao gồm cả những tên tuổi lớn như Dolukhanova, Dorliak) tại Liên Xô lại nhận được sự ủng hộ đáng kể. Vài năm sau phiên bản chính thức cho piano và giọng hát, Shostakovitch viết thêm 1 phiên bản khác với giọng hát và dàn nhạc thính phòng chính là phiên bản được giới thiệu ở đây. 

Âm nhạc và cuộc đời của Shostakovitch gắn bó mật thiết với lịch sử và những biến cố xảy ra tại Liên Xô. Việc lý giải thậm chí xét lại những tác phẩm của Shostakovitch luôn gây hứng thú với không ít những nhà nghiên cứu âm nhạc ở nhiều phe. Có điều chúng ta cần nhớ rằng, không ai trong số họ (dù có là con cái, vợ, bạn bè thân quen,... của ông) đại diện được cho Shostakovitch và có thể nói lên chính xác những gì ông nghĩ trong những sáng tác mang tính đa nghĩa và nhiều mặt của ông.
Vì thế, hãy luôn tỉnh táo và tỏ ra hoài nghi trong bất cứ những gì bạn đọc được khi tìm hiểu về âm nhạc của 1 trong những nhà soạn nhạc tài năng nhất thế kỉ 20 này (không loại trừ cả những thông tin của bài viết này). 

Tin liên quan

23/02/2021
Ca ngợi Hồ Chủ tịch là một trong những bài hát hay nhất về lãnh tụ Hồ Chí Minh của cố nhạc sĩ Văn Cao, cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam. Giai điệu ca khúc hào sảng, sang trọng toát lên thần thái vĩ đại của lãnh ...
23/02/2021
“Việc ra mắt tác phẩm “Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong, Tác phẩm-tác giả” chính là dịp chúng ta Trả lại tên cho Ông. Bởi cho đến nay vẫn nhiều người vẫn không biết nhà soạn kịch Nguyễn Trung Phong chính là tác giả của giai điệu nổi tiếng Giận ...
23/02/2021
Ca khúc Hành khúc Tổng cục Chính trị được nhạc sĩ Đức Trịnh viết vào năm 2014, đúng dịp kỉ niệm 70 năm ngày truyền thống Tổng cục Chính trị (TCCT). Ca khúc này đã được chọn làm ca khúc chính thức của TCCT và được biểu diễn trong Lễ kỉ niệm ...
21/02/2021
Hai ca khúc “Đại thi hào Nguyễn Du” và "Phiêu bồng trần gian" mở đầu và kết lại bộ phim được đầu tư 15 tỷ đồng, nhân dịp kỷ niệm 255 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của vị danh nhân văn hóa này.