Lễ Khai mạc và Chương trình Hòa nhạc Giao hưởng Festival Âm nhạc Mới “Á - Âu" 2016

12/10/2016

Lễ Khai mạc và Chương trình Hòa nhạc Giao hưởng Festival Âm nhạc Mới “Á - Âu" lần thứ II diễn ra vào 20 giờ 00, ngày 12/10/2016 tại Nhà hát lớn Hà Nội.

Phần I:

1. Nhạc sĩ Rashid Kalimullin (Tatarstan – CHLB Nga) – "Symphonic Fresky" (Bản giao hưởng “Phù điêu khắc đồng”)

2. Nhạc sĩ Marc Battier (CH Pháp) -  "Recollections" (Hồi ức)

3. Shai Cohen (Israel) -  "Seven flashes of thoughts" cho Dàn nhạc

4. Mak Yui-kan Raphael (Hong Kong) - "Orchestral Piece for a New Era" (Thời đại mới) cho Dàn nhạc.

5. Chris Gendall (New Zealand) - Incident Tableaux (Phần I) cho Dàn nhạc

Thực hiện: Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia Việt Nam

Nhạc trưởng: Honna Tetsuji (Nhật Bản)

Phần II: Nhạc trưởng là Nhà soạn nhạc

1. Isao Matsushita (Nhật Bản) - "Air of the Firmament" (Khí trời)

Biểu diễn: Độc tấu violon - NSƯT Bùi Công Duy và Dàn nhạc Thính phòng. 

2. Richard Tsang (Hong Kong) - "Shades” cho Dàn nhạc

3. Robert Casteels (Singapore) - “Cụ Rùa" cho Đàn Bầu và Dàn nhạc

Biểu diễn: NSƯT Bùi Lê Chi - Solo Đàn Bầu và Dàn nhạc.

4. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân (Việt Nam)

Trích đoạn vở Opera "Lá Đỏ"

Gồm Arioso của Thần Núi - Ca sĩ Mạnh Dũng - giọng Baritono; Aria của Sơn “Em phải sống” (nhân vật nam chính) - Ca sĩ Đinh Như Tới - giọng Tenor; Recitative của Hương (nhân vật nữ chính) - Ca sĩ Đào Thị Tố Loan - giọng Soprano và DUO “Hương – Sơn”:  Đào Thị Tố Loan và Đinh Như Tới.

5. Nhạc sĩ Nguyễn Thiếu Hoa (Việt Nam)

Concerto cho độc tấu Đàn Nhị và Dàn nhạc "Thăng Long ngàn năm hội ngộ"

NSND Nguyễn Thế Dân / Độc tấu đàn Nhị cùng Dàn nhạc.

Thực hiện: Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam.

Giới thiệu tác giả - tác phẩm:

Rashid Kalimullin (Tatarstan)

Rashid là nhà soạn nhạc, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Liên bang Nga, Chủ tịch Hội các nhạc sĩ nước Cộng hòa Tatarstan, Đại diện toàn quyền của Hiệp hội Tác giả Nga tại Cộng hòa Tatarstan, Nghệ sĩ Nhân dân Nga và Tatarstan. Rashid Kalimullin là một nhà soạn nhạc nổi tiếng, là một biểu tượng trong làng âm nhạc và là một thành viên của Liên đoàn các nhà soạn nhạc Nga. Rashid sinh ngày 6 tháng 5 năm 1957 tại Zelenodolsk (Cộng hòa Tatarstan, Nga). Năm 1985, ông tốt nghiệp Nhạc viện Kazan.

Năm 1987, ông hoàn thành khóa học sau đại học.

Từ năm 1992 đến năm 2001, ông phụ trách Khoa Sáng tác của Nhạc viện Kazan.

Từ năm 1988-1990, ông dạy tại Hà Lan và Đức.

Sự sáng tạo của Kalimullin giúp ông nổi tiếng sau khi giành chiến thắng tại nhiều cuộc thi quốc tế (Giải Nhất Cuộc thi quốc tế Weber tại Dresden, Đức năm 1987; Giải Nhất của cuộc thi quốc tế "Vienna-Modern-Master", Áo năm 1994); Giành giải thưởng của Liên hiệp các nhà soạn nhạc Nga D. Shostakovich (1998).

Tác phẩm “Symphonic Fresky” tác phẩm này được biểu diễn ở châu Âu, Mỹ, các nước Châu Á, tại các phòng hòa nhạc lớn như Gevandkhaus (Leipzig), Kontsertkhaus (Berlin), Sala Palazzo della Cancelleria (Rome), Henry Kraun của Nhà hát Opera Jerusalem, Auditori de Barcelona Royal Festival Hall (London).v.v… Ông có tài năng đặc biệt, nội lực sâu, giàu năng lượng và khả năng chi phối âm thanh. “Symphonic Fresky” - âm nhạc tươi sáng, hình tượng, cảm xúc, kỹ thuật điêu luyện. Tác phẩm gây say đắm những nốt đầu tiên đến những nốt cuối cùng. Phần lời thì chau chuốt, bóng bẩy ẩn chứa sức mạnh tự do, mạnh mẽ vốn có trong con người của Kalimullin, kết hợp hài hòa với sự sôi nổi của cuộc sống, của những chuyển động vĩnh cửu.

Tổ khúc gồm ba phần trong tác phẩm được soạn cho một dàn nhạc lớn với đầy đủ bộ kèn đồng và bộ gõ. Tiếng vuốt đàn và tiễng gõ mở màn đã gợi lên bối cảnh lãng mạn nhưng sau đó lại được đẩy lên cao trào với tiếng kèn đồng mạnh mẽ ở phần 2. Âm nhạc trong phần 3 lại có phần dữ dội, dứt khoát rồi lại xuống thấp, nghe như buồn bã với phần độc tấu sáo rồi lại trở lại tâm trạng như phần mở đầu của tổng phổ. Tác phẩm của Kalimulin đã nhận được nhiều cảm tình và cũng là một tác phẩm hay để các nghệ sĩ biểu diễn.

Marc Battier (France)

Marc Battier là Nhạc sĩ/Giáo sư ưu tú về âm nhạc học của Đại học Paris - Sorbonne, là phó giáo sư chuyên ngành sáng tác tại Đại học New York ở Paris, là Thạc sĩ âm nhạc điện tử tại Bắc Kinh. Các tác phẩm của ông được nhiều nghệ sĩ và dàn nhạc như l'Itinéraire, Ensemble Intercontemporain, Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam biểu diễn tại nhiều nước châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Mỹ và Canada.

Trong những năm đầu, ông là trợ lý âm nhạc cho John Cage, Francois Bayle, Karlheinz Stockhausen và Joji Yuasa. Ông từng làm việc tại GRM (do Pierre Schaeffer thành lập) và tại IRCAM (do Pierre Boulez thành lập) trong 20 năm và trở thành Giáo sư tại Đại học California, San Diego và Irvine, Đại học Azusa Pacific (Hoa Kỳ), Đại học Montreal (Canada), Học viện Âm nhạc Suzhou (Trung Quốc), Đại học Aichi của Trường Nghệ thuật Tokyo (Nhật Bản).

Marc Battier cũng là người đồng sáng lập Hiệp hội Âm nhạc Máy tính Quốc tế (ICMA), Mạng lưới các tổ chức nghiên cứu âm nhạc điện tử (EMSAN), Mạng lưới các tổ chức nghiên cứu âm nhạc điện tử (EMS). Ông cũng  sưu tập các nhạc cụ âm nhạc điện và điện tử thế kỷ 20 cho bảo tàng âm nhạc tại Paris. Marc Battier tập trung nghiên cứu về lịch sử âm nhạc điện tử và các nhạc cụ điện tử. Hiện tại, Marc Battier đang xây dựng một cơ sở dữ liệu các tác phẩm nhạc điện tử Châu Á, cơ sở dữ liệu EMSAN.

Tác phẩmRecollections” được sáng tác cho Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam. Tác phẩm này gồm nhiều phần ngắn, và tổng thể được viết cho cấu trúc vòm, có cao độ đan xen (chơi bằng kèn oboe và sáo). Mỗi phần lại liên kết với tổng thể, là sự tổng hợp của quá khứ, sự chiêm nghiệm về đời sống con người, là thể hiện sự tôn trọng nền văn hóa châu Á bởi tác phẩm là sự tập hợp nhưng chia sẻ đóng góp từ những chuyến đi tới các nước châu Á, trong đó có Việt Nam.

Shai Cohen (Israel)

Cohen hiện là giáo viên, nhà soạn nhạc và nghệ sĩ biểu diễn nhạc Jazz. Ông sáng tác nhạc giao hưởng, nhạc thính phòng, nhạc điện tử và nhạc độc tấu. Cohen là Chủ tịch Liên đoàn các nhà soạn nhạc Israel và là thành viên tích cực của ACUM (Hiệp hội các tác giả, nhà soạn nhac và nhà xuất bản). Kể từ năm 2003, ông là Giảng viên Khoa Âm nhạc tại Đại học Barllan. Cohen cũng là giảng viên tại Đại học Levinsky, London và Khoa âm nhạc, Đại học mở.

Nhạc của Cohen thường được một số nhạc sĩ và dàn nhạc biểu diễn, như Dàn nhạc Giao hưởng SNU (Hàn Quốc), Dàn nhạc Đương đại Moscow, cac thành viên Dàn nhạc Giao hưởng BBC Scottish (Scotland), Đại học Nghệ thuật và Âm nhạc Tokyo (Nhật Bản), v.v...

Nhạc của Cohen cũng được chơi tại nhiều sự kiện như Nhạc hội đương đại ACL Châu Á (2003/Nhật bản, 2009/Hàn Quốc, 2012/Israel, 2013/Singapore), ISCM, Nhạc hội đương đại Mùa thu Matxcova (2006), Giải thưởng âm nhạc Aberdeen (2011), Nhạc hội Bowling Green hàng năm lần thứ 34 (2013), Nhạc hội Israel (2004, 2012).

Tác phẩm “Seven flashes of thoughts” là một tác phẩm viết cho dàn nhạc giao hưởng. Âm nhạc mở đầu là phần giới thiệu Vivo Energico, giống như một cơn gió len lỏi tới mọi nơi. Sau đó là “senza misura - molto liberamente” là quang cảnh sau bão- yên ả, trầm lắng, căng thẳng. Tiếp đó là tiếng nói của nhiều người và sau đó là một tiếng chung, “Calmo Sempre e lotano” không chắc chắn về tương lai. Khi giọng trầm xuống, một cuộc sống mới lại tiếp diễn- “Parlano Rubato”. Nhưng, “Capriccioso” lại đưa người nghe tới một tình huống tồi tệ hơn. Cuối cùng là âm thanh buồn của những tiếng cầu nguyện - "grave quasi calmo meditative".

Mak Yui-kan Raphael (Hong Kong)

Raphael Mak bắt đầu viết nhạc khi mới lên 14 tuổi và hiện đã có khoảng 30 sáng tác dành cho nhiều loại nhạc cụ khác nhau từ độc tấu đến giao hưởng. Raphael học nhạc, chuyên ngành sáo tại Trường ĐH Hongkong Trung Quốc từ năm 2011-2015. Hiện ông đang học Quy hoạch đô thị tại ĐH Hong Kong.

Tác phẩm “New Era” (Thời đại mới) viết cho dàn nhạc hoàn thành vào tháng 12/2014 và được các nhạc trưởng nổi tiếng lựa chọn để Dàn nhạc Giao hưởng Hong Kong biểu diễn. Tác phẩm tận dụng khái niệm: “tối giản” trong âm nhạc với việc sử dụng nhiều loại nhạc cụ để tạo cao trào, thể hiện cái nhìn của tác giả, đó là việc mở ra một thời kỳ mới cho nhạc cổ điển.

Chris Gendall (New Zealand)

Chris Gendall sinh ra tại Hamilton, New Zealand.  Ông học Sáng tác tại Trường Đại học Victoria, Wellington trước khi trở thành Tiến sỹ tại Trường đại học Cornell với Roberto Sierra và Steven Stucky. Các tác phẩm của Chris Gendall đã được biểu diễn tại châu Âu, châu Á, Bắc và Nam Mỹ bởi Dàn nhạc giao hưởng thính phòng New Zealand, Neue Vocalsolisten Stuttgart, Stroma, NZTrio, Dàn đồng ca New Juilliard và Bộ tứ đàn dây New Zealand. Các tác phẩm của ông được xuất bản trên các tạp chí như Tờ báo Âm nhạc Waiteata, Peer Music Hamburg, Promethean Editions và được thu âm cho Hãng Atoll and Rattle Record Labels. Tác phẩm Wax Lyrical của ông giành chiến thắng tại Giải âm nhạc đương đại năm 2008.

Tác phẩm “Incident Tableaux” (Phần I) cho dàn nhạc

Năm 1943, 48 tù nhân chiến tranh người Nhật bị giết tại Featherson, New Zealand do những xung đột về văn hóa và thông tin. Tất cả các thông tin liên quan tới sự việc đều bị che giấu và báo cáo quân sự chính thức về sự kiện này cũng rất mơ hồ. Vở nhạc kịch được viết dựa trên sự việc này và những tác động có liên quan.

Isao Matsushita (Nhật Bản)

MATSUSHITA Isao tốt nghiệp tại Đại học nghệ thuật Tokyo và Đại học Hochshule Der Kuenste, Béc-lin. Matsushita tham gia vào một số liên hoan âm nhạc. Tác phẩm opera của ông “Câu chuyện của Shinano-no-Kuni-Zenkoji” được công chiếu lần đầu trong chương trình văn hóa của Thế vận hội Mùa đông 1998 tại Nagano. Năm 2000, vở Concerto trống tiếng Nhật của ông: “Hi'Ten"Yu” được Dàn nhạc Giao hưởng Béc-lin biểu diễn.

MATSUSHITA  là chủ tịch Liên đoàn các nhà soạn nhạc Nhật Bản, Phó Chủ tịch Đại học Nghệ thuật Tokyo và Giáo sư Trung tâm biểu diễn nghệ thuật, Đại học Nghệ thuật Tokyo, Chủ tịch Liên đoàn các nhà soạn nhạc châu Á.

Tác phẩm "Air of the Firmament” (Khí trời) là tác phẩm thể hiện tấm lòng nhân từ của Bồ tát.

Trận động đất tại Phía đông Nhật bản đã cướp đi mạng sống của rất nhiều người. Tác phẩm này được viết vào năm 2011 nhằm tưởng nhớ những nạn nhân của trận động đất, là lời nguyện cầu của đất trời, là lời ngợi ca giá trị quý giá của cuộc sống.

Giai điệu của độc tấu violin dẫn người nghe tới thế giới của hòa thuận và hòa bình. Dàn nhạc thính phòng mang đến giai điệu của sự hòa hợp và tĩnh lặng của tâm hồn, tiếng cầu nguyện bay tới thiên đường.

Richard Tsang (Hong Kong)

Giáo sư Richard Tsang giữ chức Chủ tịch sáng lập của Hội các nhà soạn nhạc Hong Kong, Phó Chủ tịch Liên đoàn các nhà soạn nhạc Châu Á (ACL) và hiện nay là Thành viên Danh dự. Ông cũng là Chủ tịch Hiệp hội Âm nhạc đương đại Quốc tế (ISCM) từ năm 2002-2008.

Là một nhà soạn nhạc, các tác phẩm của Tsang được rất nhiều nhóm nhạc trong nước và quốc tế biểu diễn, trong đó có Dàn nhạc Giao hưởng Boston, Dàn nhạc Giao hương Stockholm Wind, Dàn nhạc Giao hưởng Hongkong,v.v… Ông cũng là người sáng lập, là Giám đốc âm nhạc của Dàn nhạc giao hưởng Hongkong. Ông cũng là Giám đốc kênh Radio 4 và Giám đốc Chương trình tiếng Anh của Đài RTHK. Tsang hiện là Giáo sư Âm nhạc tại Viện Giáo dục Hong Kong.

Tác phẩm “Shades” viết cho dàn nhạc, tác phẩm này mang nhiều ý nghĩa, tiêu đề của tác phẩm gợi lên nhiều liên tưởng. “Những cái bóng” có thể hiểu theo nghĩa: hình ảnh bị ánh sáng che khuất, dưới nhiều hình dạng, hình ảnh phản chiếu trên các bề mặt khác nhau,v.v… “Những cái bóng cũng gợi lên nhiều màu sắc, những điều này được thể hiện bằng ngôn ngữ âm nhạc: giai điệu, màu sắc, âm thanh và tâm trạng đan xen. Thêm vào đó, “Những cái bóng: cũng chỉ ra mối quan hệ giữa các bộ phận của cơ thể với tổng thể con người, là một hình ảnh biểu trưng cho mối quan hệ tương quan cùng tồn tại, qua đó truyền tải thông điệp: các hoạt động của cá nhân đóng góp vào lợi ích chung của tổng thể.

Tất cả những yếu tố này sẽ được thể hiện trong tác phẩm. Về mặt cấu trúc, tác phẩm theo hình thức âm nhạc hồi tưởng, theo đó các biến không đổi của các thành tố liên quan dần dần giúp làm rõ hơn chủ đề chính ở phần cuối của tác phẩm.

Robert Casteels (Singapore)

Là một nhà soạn nhạc, chỉ huy, nghệ sĩ piano và giảng viên âm nhạc, Robert cho rằng những hoạt động âm nhạc của ông giúp tạo nên phong cách âm nhạc nhiều màu sắc và hòa hợp. Casteels đã chỉ huy dàn nhạc giao hưởng chuyên nghiệp tại 20 quốc gia với hơn 600 tác phẩm từ thể loại cổ điến cho đến hiện đại tại các Liên hoan âm nhạc lớn tại châu Âu, Mỹ và Úc. Sau khi tốt nghiệp Trường nhạc Guildhall tại London và Trường nhạc Juilliard tại New York, Casteels được bổ nhiệm là người quản lý tại Nhà hát nhạc kịch hoàng gia Brussels và Trưởng khoa Chỉ huy tại Học viện âm nhạc hoàng gia Brussels. Năm 2001, ông được trao giải Christoffel Plantin, giải thưởng văn hóa cao nhất của Flander cho công trình nghiên cứu về giao thoa văn hóa. Tháng 4/2004, Casteels được bầu là Hội viên thường trực của Trung tâm nghệ thuật, Trường Đại học Quốc gia Singapore. Năm 2015 là năm gặt hái nhiều thành công của ông với 14 tác phẩm được vinh danh trong loạt tác phẩm mới. Robert được bầu là thành viên sáng lập ExCo, nguyên là Phó Chủ tịch Câu lạc bộ những nhà soạn Singapore.

Tác phẩm “Cụ Rùa” này lấy cảm hứng từ ba kỷ niệm: Nhân chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên, ông cảm nhận được lòng tốt của con người và vẻ đẹp thiên nhiên của Việt Nam. Ông đã bị lôi cuốn bởi âm sắc buồn rất riêng của Đàn Bầu, và những quãng ngắn của loại nhạc cụ này. Ông chọn truyền thuyết Vua An Dương Vương và vua Lê Lợi là cơ sở chính của tác phẩm với sự tích trả gươm cho Cụ Rùa tôn kính sống ở hồ Hoàn Kiếm, trung tâm thủ đô Hà Nội. Cụ Rùa được xem là cụ tổ rùa vĩ đại của Việt Nam. Mặc dù tám phần phụ trong tác phẩm của ông kết nối với những tình tiết phức tạp của hai truyền thuyết, ông nhận thấy cần phải bỏ qua tính hiện thực và cần thể hiện sự tôn trọng những câu truyện dân gian thuộc về ký ức cộng đồng của người Việt Nam và chiếm lĩnh vai trò trung tâm trong thần thoại của người Việt. Ông hiểu rằng ý nghĩa đạo đức của truyền thuyết này nằm ở sự thông thái của con người, chỉ với một lực lượng nhỏ, trong bất kì tình huống nào cũng có thể chiến thắng. Tác phẩm này dựa trên nhạc cụ một dây, một chế độ, một giai điệu xuyên suốt cả một quá trình. Kết thúc đầy chất thơ gợi cảm giác yên bình dưới mặt nước và ánh sáng lung linh như trên thiên đường.

Đỗ Hồng Quân (Vietnam)

PGS.TS. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân sinh năm 1956, là nhạc sĩ sáng tác, nhà chỉ huy, nhà sư phạm. Từ năm 7 tuổi học tại trường Âm nhạc Việt Nam, môn Piano. Năm 1971 Tốt nghiệp Trung cấp Piano. Từ 1972 - 1975 Học sáng tác hệ Trung cấp Nhạc viện Hà Nội. Từ 1976 - 1985 là sinh viên, sau là nghiên cứu sinh Nhạc viện Chaicopxki – Matxcơva, thầy dạy là Giáo sư Albert Leman (về Sáng tác) và Leonid Nicolaev (Chỉ huy dàn nhạc), thực tập sinh cao cấp tại Nhạc viện Paris (1991 – 1992).

Các tác phẩm đã được biểu diễn tại Matxcơva, Uzbekistan, Bonn, Paris, Tokyo, Singapore, Bangkok, Manila, Kazan, và các thành phố của Việt Nam, với sự chỉ huy của các nhạc trưởng: Nhật Bản, Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Nga, Mỹ, Việt Nam…

Đã trực tiếp dàn dựng và chỉ huy các vở Opera: “Madam Butterfly” của Puccini, “Ruồi trâu” của Spardavesk, nhạc kịch “Cô Sao” của Đỗ Nhuận, Ballet “Hồng hoang”, “Khoảnh khắc bất tử”, Opera “Lá Đỏ”... Dàn dựng nhiều chương trình giao hưởng, hợp xướng, thính phòng.

Nhạc kịch “Lá Đỏ” là câu chuyện kể về tình yêu lãng mạn trong chiến tranh và sự hy sinh bi tráng của những con người trẻ tuổi vì sự nghiệp giải phóng thống nhất đất nước.

4 trích đoạn, gồm Arioso của Thần Núi (nhân vật huyền thoại); Aria của Sơn “Em phải sống” (nhân vật nam chính) giọng Tenor); Recitative của Hương (nhân vật nữ chính) giọng Soprano; và DUO “Hương – Sơn” (kết màn I).

Vở nhạc kịch “Lá Đỏ” được công diễn tại Hà Nội (Primer world) vào tháng 5/2016 với sự chỉ huy của nhạc trưởng Honna Tetsuji (Nhật Bản), và tháng 9/2016 với sự chỉ huy của tác giả - nhạc trưởng Đỗ Hồng Quân.

Nguyễn Thiếu Hoa (Vietnam)

Tiến sĩ, NSND, nhạc trưởng Nguyễn Thiếu Hoa, Nguyên chủ nhiệm khoa Lý luận, sáng tác, chỉ huy Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Hiên nay ông là ủy viên Ban Chấp hành, Phó Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội Âm nhạc Hà Nội.

Sinh ra trong gia đình có truyền thống nghệ thuật, 11 tuổi, Nguyễn Thiếu Hoa đã bắt đầu học sơ cấp và trung cấp âm nhạc chính quy tại Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam). Năm 1970, ông được cử sang học tại Liên Xô cũ môn kèn Cor và chỉ huy hợp xướng tại Nhạc viện Tchaikovsky Matxcva. Năm 1976, ông được chọn vào lớp Chỉ huy giao hưởng và Opera của giáo sư Leo Ghinzburg, sau đó là giáo sư Kitaenko - những người từng đào tạo nên nhiều nhà chỉ huy danh tiếng của Liên Xô và thế giới. Năm 1982, ông tốt nghiệp xuất sắc Nhạc viện Tchaikovsky.

Trong  lĩnh vực sáng tác, ông đã nhận được những giải thưởng của Hội nhạc sĩ Việt Nam như “3 preludes for piano”, “Khúc hồi tưởng viết cho cello và piano”, “Giao hưởng múa”, “Concerto cho Sáo Trúc và dàn nhạc giao hưởng”. Tác phẩm “Concerto cho đàn Nhị và dàn nhạc Giao hưởng” có tiêu đề “Thăng Long ngàn năm hội ngộ”.

Concerto viết cho Đàn Nhị và Dàn nhạc Giao hưởng, sáng tác năm 2007 có tiêu đề “Thăng long ngàn năm hội ngộ”, với ý tưởng giới thiệu và tôn vinh nhạc cụ dân gian truyền thống Việt Nam, cây đàn Nhị, hòa tấu cùng dàn nhạc giao hưởng châu Âu, giao thoa và giao hòa cùng các nhạc cụ của dàn nhạc giao hưởng. Sử dụng những giai điệu, chất liệu đăc trưng và độc đáo của âm nhạc dân gian Việt Nam, hòa quyện với hòa âm và âm sắc của các nhạc cụ trong dàn nhạc giao hưởng. Sử dụng và giới thiệu những tiết tấu và nhịp điệu độc đáo của âm nhạc truyền thống Việt Nam- trống ngũ liên 5/8 kết hợp với 6/8,7/8, 8/8 trong phần độc tấu (solo) của 4 trống Tanh pani (Timpani). Trong bản concerto có sử dụng giai điệu của hai bài dân ca, “Lý cướp bông”(chủ đề I) và “Lý ngựa ô” (chủ đề II) trong phần trình bày.

Tác phẩm đã được trao tặng giải nhì (không có giải nhất) của Bộ văn hóa thể thao và du lịch nhân dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội, năm 2010.

Giới thiệu nghệ sĩ biểu diễn:

Nhạc trưởng Honna Tetsuji (Nhật Bản)

Nhạc trưởng Honna Tetsuji là Giám đốc Âm nhạc và Chỉ huy chính của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam (DNGHVN). Honna Tetsuji từng học với các thầy Kazuo Yamada và Michiyoshi Inoue tại Dàn nhạc Hoàng gia Amsterdam Concertgebouw và tại London Sifonietta. Honna là chỉ huy của Dàn nhạc Giao hưởng Osaka (1995-2001), chỉ huy khách mời thường xuyên của Dàn nhạc Nagoya Philharmonic (1997-2000). Honna Tetsuji được DNGHVN mời làm Cố vấn Âm nhạc và Chỉ huy (2001-2009). Honna đã từng chỉ huy rất nhiều dàn nhạc, bao gồm: Dàn nhạc Giao hưởng La Scala, Dàn nhạc Giao hưởng London, Dàn nhạc Giao hưởng Hungary, Dàn nhạc Arturo Toscanini.

Một số giải thưởng lớn mà ông nhận được gồm có Giải Nhì tại cuộc thi Chỉ huy Quốc tế Tokyo, Giải Nhì tại cuộc thi Chỉ huy Quốc tế Arturo Toscanini, Giải Nhất tại cuộc thi Chỉ huy Quốc tế Budapest. Bên cạnh đó, anh cũng nhận được nhiều giải thưởng khác, bao gồm: Giải thưởng Âm nhạc của Nippon Steel dành cho nghệ sỹ tài năng trẻ, Giải thưởng của Bộ Văn hóa Nhật Bản, Giải thưởng của Bộ Ngoại giao Nhật Bản, Huy chương vì sự nghiệp Văn hóa của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam. Anh cũng là chỉ huy trong các chương trình lưu diễn của DNGHVN như: Chuyến lưu diễn đầu tiên tới Hoa kỳ tại nhà hát New York Carnegie Hall và Boston Symphony Hall (2011), Chuyến lưu diễn đầu tiên tới Italia tại nhà hát La.Fenice Venice, nhà hát Teatro Maggio Florence và tại Capella Paolina trong Phủ tổng thống Italia (2013), và gần đây nhất là chuyến lưu diễn đầu tiên tới Liên bang Nga tại Phòng Hòa nhạc Lớn Học viện Âm nhạc Tchaikovsky, Matxcơva và Phòng Hòa nhạc Lớn tại Saint Petersburg Philharmonia (9/ 2014).

NSƯT Bùi Công Duy (Violin)

Vào tháng 9/1997, Bùi Công Duy, cái tên Việt Nam lần đầu tiên xuất hiện tại Saint Peterburg, đã đoạt giải nhất trong cuộc thi P.L.Tchaikovsky dành cho nghệ sĩ vĩ cầm trẻ tuổi. Là con trai của một giáo sư vĩ cầm tại Nhạc viên thành phố Hồ Chí Minh, Bùi Công Thành, Duy đã được cha dạy chơi vĩ cầm từ lúc 5 tuổi. Năm 1989, anh đoạt giải Nhì cuộc thi tài năng trẻ mong nước khi vừa tròn 8 tuổi. Năm sau đó anh đoạt giải Nhất cuộc thi quốc gia mang tên Mùa Thu. Sau đó anh tiếp tục học ờ Nhạc viện Glinka ở Novosibirsk, Nga. Năm 1993, trong cuộc thi quốc tế dành cho nghệ sĩ vĩ cầm trẻ tại Ekaterinburg, Nga, anh đã đoạt giải Nhất và giải đặc biệt cho người chơi hay nhất các phẩm của Bach, đồng thời đạt danh hiệu "Triển vọng Châu Á". Hai năm sau, anh lại giành được giải Nhất trong cuộc thi quốc tế Novosibisk.

Tài năng biểu điền của anh nổi bật lên nhờ kỹ thuật điêu luyện mang đầy cảm xúc và sự cảm nhận sâusắc, tinh tế. Anh đã biểu diễn với nhiều dàn nhạc và chơi như một nghệ sĩ độc tấu vĩ cầm tại nhiều quốc gia như Nhật Bản, Italia, Nam Từ, Đức, Thụy sĩ, Nga... Hiện anh đang là Chủ nhiệm khoa Dây tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

NSND  Nguyễn Thế Dân (Đàn Nhị)

Nhạc sĩ, Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Thế Dân sinh ngày 1 tháng 8 năm 1960  tại Thanh Hoá, Việt Nam, được sinh ra trong gia đình có truyền thống âm nhạc nghệ thuật truyền thống Việt Nam.

Từ khi còn nhỏ được theo bố, mẹ đi biểu diễn nghệ thuật hát Tuồng, hát Chèo nhiều nơi trong nước. Năm 14 tuổi  trúng tuyển vào Trường âm nhạc Việt nam, nay là Học viện Âm nhạc Quốc Gia Việt Nam, theo học môn đàn Nhị nhạc cụ truyền thống.

Năm 1982 tốt nghiệp đại học khoá chính thức đầu tiên của khoa nhạc cụ truyền thống Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và được giữ lại giảng dạy tại Học viện, là Trưởng bộ môn hoà tấu dàn nhạc dân tộc, Trưởng bộ môn Đàn Nhị Khoa nhạc cụ truyền thống Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

 Năm 1980 đoạt huy chương vàng hội diễn “Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc với Tiết mục Biểu diễn độc tấu Đàn Nhị”. Năm 1997 được nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu “Nghệ sỹ ưu tú”. Năm 2016 được Nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân Dân”.

NSƯT Bùi Lệ Chi (Đàn Bầu)

Bùi Lệ Chi bắt đầu học đàn bầu tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam từ năm 1983 đến 1995. Hiện tại chị là trưởng bộ môn đàn bầu - giảng dạy tại khoa Nhạc cụ truyền thống Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam.

Bùi Lệ Chi đã tham gia nhiều nhóm nhạc dân tộc như: Nhóm trúc xinh, nhóm Tre Việt, nhóm Bình Minh, nhóm Làn điệu Việt, cùng các nhóm đạt được các giải thưởng như: Giải đặc biệt cho nhóm Bình Minh trong cuộc thi độc tấu và hoà tấu nhạc cụ chuyên nghiệp toàn quốc năm 1998, tổ chức tại Hà Nội; đoạt giải Âm nhạc hay nhất cho đoàn Việt Nam tại Pháp năm 1999; Huy chương vàng  tại Art friendship lần thứ 6 China international folk art festival năm 2004 tại An Huy Trung Quốc.

Bùi Lệ Chi là nghệ sĩ độc tấu của Dàn nhạc khoa Nhạc cụ truyền thống Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, biểu diễn tại nhiều sự kiện lớn của đất nước. Chị cũng được mời tham gia biểu diễn solo đàn bầu với dàn nhạc giao hưởng Việt Nam, Dàn nhạc giao hưởng Philippines, Tokyo philharmonic Orchestra. Dàn nhạc Bunkyo - Civic. Dàn nhạc La Primevera...  Cho các cuộc liên hoan Âm nhạc Á - Âu tổ chức tại Nga, Nhật và Philippines.

Năm 2009, chị giành Huy chương vàng cho tiết mục solo đàn bầu tại Triều Tiên.
Bùi Lệ Chi được Nhà nước phong tặng Danh hiệu NSƯT năm 2013.

Đào Thị Tố Loan (Ca sĩ giọng Soprano)

Đào Thị Tố Loan sinh năm 1986. Chị học thanh nhạc từ năm 2006 và nhận bằng cử nhân Âm nhạc loại xuất sắc chuyên ngành Biểu diễn thanh nhạc tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam năm 2014, dưới sự hướng dẫn của PGS Trần Thị Ngọc Lan.

Tố Loan đang chuẩn bị tốt nghiệp cao học chuyên nghành Biểu diễn thanh nhạc cũng dưới sự hướng dẫn của PGS Trần Thị Ngọc Lan. Tố Loan cũng được hướng dẫn thêm bởi nghệ sĩ opera người Nauy Siri Torjesen.

Tố Loan đã tham gia rất nhiều trong các chương trình nghệ thuật lớn. Đặc biệt, năm 2011 chị đã đoạt giải Nhất “Sao Mai” toàn quốc dòng nhạc thính phòng.

Năm 2012 cô nhận được học bổng từ viện Goethe Hà Nội để theo học tại Born và Frankfurt, Đức. Năm 2014 cô được nhận học bổng từ Transposition để tham gia Jonh Lidal Opera Workshop tại Oslo, Na Uy và sau đó giành được giải Nhất của cuộc thi do Jonh Lidal Opera Workshop tổ chức.

Đinh Như Tới (Ca sĩ giọng Tenor)

Đinh Như Tới sinh năm 1983 tốt nghiệp thủ khoa chuyên ngành Thanh nhạc tại Học Viện Âm nhạc quốc gia năm 2011. Hiện anh đang là ca sĩ tại Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam.

Đinh Như Tới  đã từng tham gia nhiều chương trình nghệ thuật của Nhà nước và Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam như: Chương trình giao lưu nghệ thuật giữa Hợp xướng Hoàng gia Đan Mạch và Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Anh được chọn là ca sĩ lĩnh xướng tác phẩm “Hợp xướng Trống Cơm” do nhạc sĩ Nguyễn Thiếu Hoa biên soạn, chỉ huy nhạc trưởng Ebbe Munk (Đan Mạch). 

Anh đã từng đóng vai "Anh Oon" trong vở nhạc kịch “Cô Sao” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, vai hoàng tử trong vở Opera “Nàng tiên trong ống tre” (Nhật Bản)…

Anh đã từng đi lưu diễn tại một số nước trên thế giới như: Canada, Nhật Bản, CHLB Đức, Thụy Điển…

Các tác phẩm đã biểu diễn: “Arie des Don Ottavio” - W.A. Mozart; “Air De Joseé” - G. Bizet; “Musica Proibita” - S.Gastalon; “Recondita armonia” - Puccini...

Tin liên quan

06/03/2021
Tối 5 tháng 10 năm 2020, tại Nhà hát Chèo Việt Nam, Hà Nội, đã diễn ra Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi độc tấu, hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 2020, do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du ...
18/02/2021
Tất cả Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam có quyền gửi tác phẩm, công trình dự xét Giải  thưởng Âm nhạc 2021. Tác giả, nhóm tác giả tham dự 01 tác phẩm duy nhất thuộc một trong các chuyên ngành sau: Lý luận phê bình, Sáng tác, Biểu diễn ...
18/02/2021
Thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30 tháng 5 năm 2019 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ngày 8 tháng 9 năm 2020, tại Hà Nội, Đảng bộ Liên hiệp các ...
17/02/2021
Chào mừng Ngày Âm nhạc Việt Nam lần thứ XI (3/9/2010 – 3/9/2020), chào mừng thành công Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhiệm kỳ X (2020-2025), Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội tổ ...