Lắng đọng từng "giọt" nhạc
Khi về già, ông tự thấy mình chẳng khác gì đứa trẻ. Dễ giận dỗi, chạnh lòng, tủi thân. Dễ mau nước mắt, chỉ một câu nói bâng quơ cũng vận vào mình, xót xa như thanh nứa cứa vào da thịt, rớm máu. Trẻ con thì rớm lệ, nước mắt giàn giụa. Người già, nước mắt khô kiệt, chảy vào trong. Niềm vui đến với người già cũng giản dị như một đứa trẻ được người ta cho món quà yêu thích. Chẳng to tát, đắt tiền, nhưng nâng niu, giữ gìn. Bởi, càng già, thú vui càng ít đi, ngày vui ngắn dần. Có ai tri kỷ, tri âm để chia sẻ niềm vui độc nhất của ông: nghe nhạc cổ điển? Vậy mà, con bé cháu nội lại là người bạn duy nhất, ngồi cùng ông trong Nhà hát Lớn, đêm nhạc ba-lê cổ điển hiếm hoi...
Từ hôm được biếu cặp vé mời, cả hai ông cháu đều bồn chồn, háo hức chờ đợi. Biếu mà như cho, vì có mấy ai ưa thích, mê mẩn loại âm nhạc "bác học" này như ông. Cả năm không hề bén mảng tới quán bia hơi, sa đà nhậu nhẹt. Cũng chẳng ham vui cờ tướng, hay thú chơi chim, cây, cá cảnh, hay du lịch đây đó. Ông chỉ một mình, lững thững bước vào nhạc cổ điển như một cõi riêng biệt, tách xa cuộc đời thường đầy ứ ồn ào, chen chúc, mệt mỏi đến kiệt sức. Nhưng lại không thể buông xuôi, chán nản, vẫn phải sống, phải làm việc. Không sống cho mình, mà là cho con cháu. Sống bây giờ đơn giản lắm, có nhu cầu gì nhiều nhặn đâu. Sống khép mình, ông chỉ đam mê nhạc cổ điển. Một năm vào mùa đông - mùa nhạc, được dăm lần vào nhà hát nghe một đêm nhạc, với ông coi như được "nạp năng lượng" đủ sống cả năm dài. Những tháng ngày còn lại, ông sống bằng "kho" đĩa nhạc chất đầy mấy ngăn tủ, góp nhặt, tích lũy cả đời. Không một ai có thể hiểu vì sao, những bản nhạc cách đây hàng trăm năm, nghe đi nghe lại không biết bao nhiêu lần, đến mức thuộc lòng, mà ông vẫn không chán. Nghe cả ngày, nghe suốt đêm. Và bất kể lúc nào cũng chỉ nghe một mình, tuyệt nhiên không có một ai cả. Tuyệt đối im lặng, chẳng nửa lời với ai, mới có thể chìm sâu vào từng tiếng piano, violon, buông thả mình vào dòng suối, dòng thác hoặc biển âm nhạc không có bờ. Từ thuở bé, từng giọt nhạc ấy chảy vào cơ thể, thấm từ từ tự nhiên như những giọt mưa phùn ngấm lâu và lắng đọng lại vĩnh viễn. Nên ngay khi con bé còn ẵm ngửa dăm tháng tuổi, ông đã bế nó ngồi dưới gốc cây cảnh, nghe nhạc. Dịu dàng, da diết, lắng sâu từng giọt dương cầm. Ðôi mắt mở tròn xoe long lanh, dường như không chớp. Cứ ngỡ chỉ mấy phút sau con bé sẽ thiếp đi, chìm vào giấc ngủ. Nhưng dường như càng nghe, nó càng tỉnh táo hơn. Như hớp từng giọt âm thanh từ "bầu" nhạc không bao giờ vơi cạn...
Dần dà tháng năm, con bé lớn lên, được hít thở, được nuôi dưỡng bởi những bản nhạc từ đơn giản đến phức tạp, đến mức nó có thể thuộc giai điệu. Mà ông không cần giảng giải đoạn này ý nghĩa gì, đoạn kia ý nghĩa gì. Không! Âm nhạc cổ điển rất giản dị, cứ để nó thấm vào tâm hồn con bé từ từ. Bởi thứ âm thanh ấy đi thẳng vào trái tim bằng trực giác, chẳng cần phải nhiều lời phân tích. Lặng im lắng nghe, như đêm nay, hai ông cháu ngồi trong Nhà hát Lớn. Bản nhạc Hồ thiên nga vừa tấu lên, đôi mắt con bé bừng sáng, khẽ liếc sang ông. Rồi dướn người, chăm chú nhìn lên sân khấu. Ông phải bế nó đặt lên đùi để nhìn cho rõ. Cả nhà hát hầu như không còn một chỗ trống, mà im ắng như không người. Ông có thể cảm thấy dòng nhạc quen thuộc trong mình, trong đứa cháu gái đang rào rạt tuôn chảy hòa cùng dòng âm thanh từ dàn nhạc. Nhất là khi, đàn thiên nga trắng run rẩy hiện dưới ánh sáng lung linh, tinh khiết, toàn thân con bé bỗng nhiên nhẹ bẫng, ngỡ muốn bay lên. Ðã nhiều lần nghe đến thuộc lòng bản nhạc này, nhưng đêm nay, dường như được nghe lần đầu, với những rung động cảm xúc lạ thường. Xưa nay, với ông, nhạc cổ điển mới có thể lấp đầy khoảng trống rỗng trong cõi lòng. Ðó là niềm vui duy nhất, là ngọn lửa, dù nhỏ như que diêm cũng đủ sưởi ấm, xua tan nỗi cô đơn không có ai để chia sẻ. Giờ thì ông đã có một "người bạn" tri âm, lặng lẽ, đồng điệu trong những bản nhạc cổ điển bất tận.
(Nguồn: http://www.nhandan.org.vn)