Lan man chuyện nhạc trẻ
Ngay từ đầu đặt bút, tôi đã cảm nhận mình bỡ ngỡ khi viết về nhạc trẻ, trong khi mình đã bắt đầu già...
Thế rồi, tôi lại nghĩ, đại đa số công dân nước tôi vẫn thuộc “top” đang tuổi thanh xuân nên tôi mạo muội nói hộ. Có thể, tôi và nhiều người đã “chưa chuẩn” khi tiếp cận nhạc trẻ từ quan niệm thẩm mỹ thuộc thế hệ cũ nhưng cũng có thể, nhạc trẻ đã thái quá trong việc tác động đến cái tai, khối óc chúng tôi. Bởi vậy, một đôi lời nhằm kéo gần các thế hệ, thiết nghĩ là cần thiết.
Hát như nói
Nhà thơ tài hoa Lưu Quang Vũ từng dào dạt tự hào về tiếng Việt: Tiếng tha thiết nói thường nghe như hát/ Kể mọi điều bằng ríu rít âm thanh. Có vẻ như giới trẻ, hầu hết đều được đào tạo, hiểu rõ đặc tính ưu trội của tiếng Việt nên đã cố tạo những chuỗi lời hát... nghe như nói (!). Mô thức của cấu tạo này là sử dụng những lời nói có vần vè, tiếng lóng, nói với tốc độ thật nhanh, thậm chí, nghe không kịp, rồi hòa âm, phối khí để tạo thành lời hát. Ông bạn hay gây sự với chữ nghĩa có lần nói với tôi, đành rằng, nhạc trẻ thì phải có tiết tấu nhanh nhưng mà nhanh gì thì nhanh chứ phải cho người ta nghe ra cái gì chứ. Tôi cũng hùa theo, bảo: Đúng là vậy! Nhưng tôi nghĩ, “nói” thì dầu có nhạc vẫn cứ là nói, có thể gọi là nói có nhạc, kiểu như M.C nói trong đám cưới; hát thì phải có ca từ và nhạc điệu.
Nhớ lại lần ấy và trong lần đọc “Ngẫu hứng” của Trần Tiến mới đây (Nxb Hội Nhà văn, 2016), tôi thấy mình có chút căn cứ về sự đúng. Nhạc sĩ của Chị tôi, Vết chân tròn trên cát, Quê nhà - con người của du ca và hào phóng, nói đại ý: âm nhạc không cần lý luận gì cao siêu, chỉ cần hay, cần làm người ta “thích” là được, người ta “thích” vì người viết bằng trái tim. Mà “thích” bởi viết bằng trái tim như Trần Tiến nói thì phải cho người ta nghe, người ta đồng điệu. Chưa nói đến những bài hát của giới trẻ viết theo chiều hướng chưa tích cực, nhất là nhạc thị trường mà ngay cả bài hát “Ăn gì đây?” của Mr.T giới thiệu về ẩm thực Hà Nội cũng chưa làm người nghe hài lòng vì nói nhiều hơn hát. Những câu hát hay như “Anh ơi anh muốn đi ăn gì đây, ăn chè hay là bánh bèo. Hôm nay ngon. Phố đông vui người qua em nhìn quanh mà phát thèm” dầu thú vị, khá vui nhộn nhưng khuất lấp sau 9/10 tỷ lệ lời của bài là lời nói.
Một dạng khác của hát như nói, chứ không phải hát như thơ, đó là việc đưa lời nói thông thường, những từ ngữ có tính khẩu ngữ vào lời hát. Ca sĩ xuất hiện sớm và gây chú ý nhiều ở dạng thức này là Ưng Hoàng Phúc với loạt bài khá “hot” khi ấy như: Thà rằng như thế; Anh không muốn bất công với em... Ngày nay, hầu hết các bài hát dành cho giới trẻ đều sử dụng lối “hát như nói” khá đậm đặc. Một trong những đặc trưng mà các tác giả trẻ ưa thể hiện là hòa âm phối khí bài hát theo phong cách hiện đại như Pop, Pop rock. Dĩ nhiên, nhạc trẻ có ưu điểm là chuyển tải tính chất trẻ trung, nhiều giai điệu khá tươi mới, phản ánh được hơi thở của nhịp sống hiện đại, các sắc thái tình yêu, nhưng nếu cứ đẩy âm nhạc theo hướng này thì thật khó có thể làm sinh động âm nhạc cũng như cung cấp cho người nghe những giai điệu ý nghĩa, có sức lưu lại lâu dài (bởi đơn giản, có những bài có nghe ra chữ, nghĩa đâu mà lưu lại!).
Tâm lý muốn chinh phục nhanh
Nghe nhạc và quan sát lối sống của không ít người trẻ tuổi, tôi có suy nghĩ, không ít bạn trẻ có tâm lý sống vội, muốn gặt thành quả nhanh, muốn thu hái gấp. Bởi thế, độ đằm sâu, cảm xúc lắng đọng, sự chiêm nghiệm đôi khi như một thứ xa xỉ với họ. Nghe nhiều bài hát do giới trẻ sáng tác, chúng ta có thể cảm nhận rõ tâm lý này. Tâm lý ấy có thể xuất phát từ người sáng tạo, những người tuổi còn trẻ, thích xông pha, nhưng thiếu chiều sâu chiêm nghiệm; cũng có thể xuất phát từ nhu cầu của người thưởng thức - thích những bài hát có tính lôi cuốn, đập ngay vào nhan đề, kể cả những câu: “nói thẳng nói thật/ không cần nghệ thuật đi theo”. Chính vì vậy mà âm nhạc Việt đang xuất hiện dày đặc những bài hát mang nhan đề rất “lạ” như: Hãy ra khỏi người đó đi; Miễn cưỡng không hạnh phúc; Dây dưa không bằng dứt khoát; Lắm mối tối nằm không; Cô ấy chọn anh không chọn tôi; Một lần nữa tôi bị lừa; Đưa nhau đi trốn; Đừng nhìn em khóc mới biết em đau... Thậm chí, nhiều tác giả có vẻ như muốn gây chú ý nên đã đặt những nhan đề khiêu khích như: Nắng cực; Đẹp trai thì mới có nhiều đứa yêu; Anh không đòi quà; Kiếp Xì Ke; Kẻ Cá Độ; Hận người đàn bà vì tiền quên tình...
Cùng với nhan đề, trong nhiều bài hát, khi mô tả nhân vật, phần lớn các tác giả đã ít dành tính trữ tình, thay vào đó là hành động hoặc lời nói trực chỉ, lời khuyên răn bộc bạch. trong bài “Hãy ra khỏi người đó đi” của Phan Mạnh Quỳnh, nhân vật khuyên: Khi biết người đổi thay đã yêu cả em với ai, phải ra đi thôi em ơi, nếu anh là em. Dù cho có thể em sẽ đau đớn nhưng tháng năm sẽ phai, còn hơn níu kéo chỉ thấy cay đắng một đời. Hãy ra khỏi người đó đi.
Nhạc trẻ là đề tài muôn thuở, bởi thời gian nào cũng có người trẻ, người già. Ngay như đầu những năm 60 ở Sài Gòn, phong trào nhạc trẻ đã làm sôi động không gian đô thị Cộng hòa miền Nam Việt Nam, nhất là ở các phòng trà, là dẫn chứng. Nói thế để thấy, nhạc trẻ luôn là một phần không thể thiếu của âm nhạc. Tuy nhiên, nhìn về quá khứ cũng như hơn thập niên nay, khi phong trào nhạc trẻ nở rộ, cùng với nhiều loại hình âm nhạc thị trường, vấn đề chất lượng nhạc trẻ cần được quan tâm, nhất là trong các khâu quản lý để loại hình này đóng góp nhiều hơn cho âm nhạc cũng như phục vụ thị hiếu số đông.
Người trẻ thích nhạc trẻ, rõ là vậy nhưng sự thích thú ấy phải đặt trong các tiêu chuẩn thẩm mỹ muôn thuở đó là khẳng định cái đẹp, cái chân thực, tính hướng thiện...; sự thích thú ấy không nên chỉ “thích là chiều” theo kiểu chẳng bận tâm, chẳng suy tư. Ai cũng có tuổi trẻ và ai cũng qua tuổi trẻ. Tuổi trẻ của Văn Cao, Phạm Duy, Trần Tiến, Trịnh Công Sơn, Phú Quang... đã khép lại và dày dặn hơn về gia tài âm nhạc khi luống tuổi, về già. Đó hẳn là những cách lựa chọn để thế hệ trẻ học tập, dĩ nhiên, chẳng phải học cung cách âm nhạc của họ mà học cách suy tư, cách lao động của họ để tạo nên những phong cách âm nhạc thực sự. Gần đây, tác giả Đỗ Bảo thuộc thế hệ 7x cũng đã định hình phong cách riêng của mình, đó cũng là dẫn dụ để khẳng định giá trị của nhạc trẻ cũng như cách lựa chọn trong lao động sáng tạo.
(Nguồn: http://baohatinh.vn)