Làm sao để người sáng tác sống được bằng nghề?

19/12/2013

Đây là một câu hỏi tưởng chừng rất cũ, nhưng thực chất lại rất mới, rất cụ thể, rất rõ ràng, rất nổi cộm trong đời sống hiện thực hôm nay đối với đa phần những người hiện đang sống bằng nghề sáng tạo văn học nghệ thuật nói chung cũng như âm nhạc nói riêng.


Nhạc sĩ Mạnh Chiến (chi hội Hà Tĩnh)

Tôi nhớ lại câu nói rất giản gị, bình thường mà dễ hiểu của cố nhà thơ Trần Hữu Thung, trong một kỳ đại hội khối văn học nghệ thuật tại Nghệ Tĩnh xưa:

“Rất nhiều chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta đề ra để phát triển kinh tế, xã hội đất nước như: với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, vấn đề đầu tư vào “Cây gì? Con gì ” thì mang lại giá trị cao về vật chất cho cuộc sống? Tức thì, chủ trương này được đặt lên hàng đầu, được triển khai mang tính đồng bộ và rộng khắp. Nó đã trở thành “ngôn từ đặc trưng” mang tính hiểu biết sâu sâu sắc về chính trị, kinh tế học, của các nhà lãnh đạo làm công tác tư tưởng chính trị, khi thuyết trình trên diễn đàn cũng như trong thực tiễn. Điều ấy không có gì là sai, chỉ tiếc là có một “loại Cây và loại Con” giữ vai trò, vị trí thiết yếu nhất, quan trọng nhất, đáng quan tâm nhất đó là “Cây Bút” và “Con Người” thì vấn đề này, nghe ra còn khá mờ nhạt trong tư tưởng chỉ đạo chung của chúng ta tại diễn đàn hết sức quan trọng này”.

Chuyện là vậy, thật lý thú, còn có vẻ dí dỏm, nhưng nghĩ kỹ thì thấy rơi nước mắt vì một chủ trương, chính sách ban ra còn khá nhiều bất cập đối với hiện thực của đời sống!

Quay lại với câu chuyện của giới sáng tác hôm nay.

Không thể phủ nhận được rằng: nhiều năm nay, các chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và nhà nước ta, đã làm thay đổi không nhỏ đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của toàn đất nước. Những chủ trương, chính sách ấy, cũng đã có tác động tích cực tới môi trường sáng tạo văn học, nghệ thuật nói chung cũng như âm nhạc nói riêng của chúng ta, nhìn qua bình diện toàn cục.

Vấn đề ở đây là: chúng ta cần bàn và nên giải một bài toán cụ thể, của một chuyên ngành cụ thể, trong tổng thể guồng máy làm công tác sáng tạo của hội ta. Đó là câu chuyện, là nỗi niềm thực tiễn, của lực lượng sáng tạo thuộc chuyên ngành sáng tác âm nhạc, đang tồn tại, đang diễn biến trong đời sống hiện nay. Đây là một câu chuyện thật, hoàn toàn chân thật, không hề phù phiếm và ngụy trang bằng vẻ bề ngoài của “đặc trưng nghệ sĩ” như người đời thường thấy và thường hiểu về chân dung khá “ hoành tráng” của họ. Đây cũng không phải là một quan điểm mang tính phê phán hay chỉ trích nặng nề, tới vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của bất cứ cấp nào trong hệ thống chính trị, tư tưởng của Đảng và nhà nước, hay hệ thống chuyên ngành riêng biệt nào! Đây chỉ là lời thỉnh cầu mang tính chất chân thật của một bộ phận không nhỏ trong giới sáng tạo âm nhạc đích thực, phục vụ đời sống tinh thần cho con người, muốn được toàn xã hội lưu tâm và hiểu biết về nghề nghiệp của họ mà thôi.

Quay lại với chủ đề chính. Đã có rất nhiều người hỏi tôi: Tại sao trong thời kỳ này, ít có tác phẩm âm nhạc hay và đi vào lòng người như trong quá khứ? Lại có người nói: Đội ngũ sáng tác âm nhạc của các ông thời này, sao mà sướng thế? Giàu có, đầy đủ và đông đảo đến thế? Chắc là chế độ đãi ngộ cao lắm, nên mọi người ai cũng muốn được làm nhạc sĩ như vậy chứ? Có người có vẻ thận trọng hơn thì nói: Các ông có cái nghề thuộc loại hình quý hiếm của đất nước, chắc chắn được toàn xã hội quan tâm, tạo điều kiện cho quá trình phát triển sự nghiệp của mình, tốt hơn nhiều, so với nghề nghiệp của chúng tôi, phải không ông?

Tất cả những câu hỏi ấy, câu nào cũng có cái đúng, có cái chưa đúng. Nhưng thật đáng quý và đáng trân trọng biết nhường nào, một khi các đối tượng công chúng trong toàn xã hội, còn quan tâm đến môi trường sự nghiệp sáng tạo của chúng ta!

Tôi là một trong những người có may mắn được đứng trong đội ngũ mà theo công chúng quan niệm là “đặc biệt ” ấy. Xin được bày tỏ một chút về nỗi niềm riêng tư của “cái nghiệp” trời ban, đã và đang cống hiến không ngơi nghỉ cho đời, trên mọi phương diện của cuộc sống.

Tôi còn có vận may hơn một số đồng nghiệp khác là được đi nhiều, gặp gỡ, giao lưu và gắn kết với bạn bè đồng nghiệp trong cả nước, khá thường xuyên, trong khi còn đương nhiệm. Đó chính là điểm thuận lợi, để tôi có đủ căn cứ mà phản ánh đôi điều trăn trở rất chân thật của phần đông lực lượng làm nghề sáng tác âm nhạc hiện tại, ngay tại bài viết này.

Tôi còn nhớ rất kỹ hình ảnh của một số nhạc sĩ lão thành, có tên tuổi, có vị thế hết sức lớn lao trong giới sáng tạo của chúng ta trong cả nước. Khi các bậc cao niên, nói chuyện với tôi, hình ảnh về những thành tựu lớn lao mà họ để lại cho đời, qua nhiều thập kỷ trước đó, cứ lồng lộng và thôi thúc tôi, ý thức trách nhiệm về cuộc sống, về nghề nghiệp phải như thế nào, để toàn xã hội biết đến và tôn vinh một cách xứng đáng như họ. Đó chính là cái được lớn lao từ cả hai phía. Cả những chủ trương, chính sách, những giải pháp đúng đắn của Đảng và Nhà nước ban ra, có sức lan tỏa, có sức lay động mạnh mẽ đến tâm thức của người sáng tạo, đã hóa thành những sản phẩm tinh thần vô giá, để lại cho muôn đời sau.

Quay sang chuyện hậu trường của buổi gặp gỡ. Tôi hơi mạo muội hỏi thăm: bây giờ các bác, các anh, các chị còn tiếp tục viết lách gì nữa không ạ? Mọi người như chợt tỉnh và nói ngay: giờ thì hơi khó khăn đấy cậu ạ! Lớp nhạc sĩ cũ như bọn mình, còn may mắn là có hội chuyên ngành như Hội nhạc sĩ Việt Nam, đứng ra tổ chức, bảo lãnh, duy trì và ủng hộ. Tạo ra một số nội dung liên kết với các tổ chức chính trị, kinh tế, xã hội khác, để nối nhịp sáng tạo cho đội ngũ những người còn có ý thức “làm nghề” đích thực như bọn mình. Chứ không thì thật sự khó khăn đấy cậu ạ!

Tôi lại hỏi: khó khăn thế nào hở các bác, các anh, các chị? Mọi người nói: ngày xưa một người viết ra một tác phẩm có giá trị là cả xã hội ngưỡng mộ. Từ người thưởng thức, cho đến hệ thống quản lý nhà nước. Giá trị về vật chất thời ấy, không to lắm, nhưng giá trị về tinh thần để đảm bảo quyền sống cho cả tác phẩm lẫn cuộc sống, của người viết, được đặt lên hàng đầu. Tất cả được toàn xã hội nâng niu, nuôi dưỡng và đầu tư mọi mặt theo kiểu “đầu tư công” của nhà nước. Họ coi việc đầu tư cho một tác phẩm nghệ thuật đúng như người biết chiêm ngưỡng sắc đẹp của loài hoa vậy. Với ý thức muốn hưởng thụ cái đẹp thì phải bỏ công sức, trí tuệ, tiền của để nuôi dưỡng, chăm bón thì may ra mới được đáp đền.

Còn bây giờ: không những thế hệ của chúng tôi, mà ngay cả các nhạc sĩ sáng tác thời đương đại, cũng gặp không ít khó khăn. Không ít những tác phẩm hay theo đúng nghĩa của trên tất cả các dòng nhạc, trong chuyên ngành sáng tác, chỉ nằm lại trong két sắt của các nhạc sĩ còn yêu nghề mà thôi. Số còn lại may mắn hơn thì còn được nằm trong không gian của một cuộc thi, giải thưởng, hay hội diễn, hội thảo như chúng ta từng gặp trên diễn đàn truyền thông ít ỏi được truyền đi theo kiểu chính luận, bắt buộc mà thôi. Còn lại, có viết ra cũng chẳng biết để làm gì. Để ai dùng? Ai chuyển tải hoặc in ấn cho? Vì rằng ngày nay các nhạc sĩ nói chung, không riêng gì chúng tôi. Có những lúc muốn “biếu không” trí tuệ và sự sáng tạo “đặc biệt” của mình cho các tầng lớp hưởng thụ, cũng như những tầng lớp chuyên khai thác các giá trị nghệ thuật, trong thực tiễn, chỉ mong được sưởi ấm một chút gọi là “giá trị tinh thần nghề nghiệp” theo lối nghĩ hơi “duy ý chi” của lớp người xưa, vậy mà còn phải bỏ tiền ra mua họ thì may ra mới được đưa vào tầm ngắm không chính thức.

Một thực tế rõ ràng là: nhạc sĩ sáng tác được xếp vào hàng “dưới đáy” rồi. Họ sáng tác bằng cả công sức, mồ hôi, nước mắt, trí tuệ và cả phẩm giá của mình để hiến dâng cho đời. Nhưng khi đến với dây chuyền tác động và hỗ trợ cho sự thành công của tác phẩm thì chẳng được ai quan tâm. Với ca sĩ, phải thuê họ hát, để họ hưởng lợi, mà họ cũng còn đòi thù lao với giá ngất ngưởng. Đến chỗ thu thanh, phát sóng, phát hình hay in ấn, biểu diễn thì không tiền, “miễn vào!”. Đến với các lĩnh vực của đời sống khác, giá trị tác phẩm chỉ còn là thứ “bọt bèo”, thậm chí là “tình cho không, biếu không” mà cũng chưa chắc được xếp hàng để sử dụng.

Hai phần ba lực lượng sáng tác còn sống được là nhờ vào hai yếu tố: một là“quyền lực”, hai là “tiềm lực” về kinh tế của riêng mình từ một “nghề nghiệp” khác để mà duy trì “thú chơi sang” của mình mà thôi. Điều này cũng đang tồn tại ngay cả với đội ngũ các nhạc sĩ trẻ trên mọi dòng nhạc. Đặc biệt là dòng nhạc thị trường, đang hết sức nóng bỏng và sôi động, mà chúng ta thấy qua kênh thông tin đại chúng vừa qua.

Các nhạc sĩ và người viết trẻ ngày nay, nếu không có quyền lực và hầu bao cách xù của bố mẹ mình, của cơ sở mình đang đảm nhiệm vai trò quản lý, hoặc các ông bầu, các đại gia bảo lãnh vì một lý do nào đó, thì họ cũng chẳng kém số phận của chúng tôi chút nào.

Đó là một thực trạng mang tính phổ biến hiện nay!

Mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đã được thay đổi rất nhiều so với quá khứ, trên mọi bình diện của cuộc sống. Chỉ có chính sách đãi ngộ, đối với các giá trị sáng tạo văn học, nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng chưa thay đổi được nhiều, chưa tương xứng với tầm vóc trí tuệ và công sức của giới sáng tạo mang tính đặc biệt đổ ra, để nhanh chóng có bề cưu mang sự nghiệp đặc thù mang tính “quý hiếm” này.

Nghe xong câu chuyện, tôi thấy có chút se buồn trong suy nghĩ. Nhưng đến

Thật may là còn có chỗ để giải bày tâm sự, như không gian ấm cúng của ngôi nhà chung là Hội nhạc sĩ Việt Nam hôm nay. Điều này, làm cho ta càng cảm ơn Hội đã không ngừng tạo ra nhiều loại hình sinh nghề nghiệp, trên mọi diễn đàn của cuộc sống, để đội ngũ những người làm nghề sáng tác âm nhạc có cơ duyên để tìm lại chính mình.

Sớm hay muộn thì Nhà nước cần có những chính sách, những giải pháp đúng đắn và thích hợp nhất, để áp dụng, để đối đãi, để đưa một dây chuyền công nghệ hết sức đặc biệt này vào quỹ đạo sáng tạo văn học, nghệ thuật nói chung theo hướng vững bền và tiên tiến của thời đại.

Hà Tĩnh ngày 22/11/2013

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...