Làm mới ca khúc cách mạng - Cần cả tâm và tầm

05/03/2019

Gần đây có nhiều thể nghiệm làm mới ca khúc cách mạng bằng nhiều hình thức khác nhau để tiếp cận lớp công chúng mới. Dù còn ý kiến trái chiều nhưng nhiều chuyên gia âm nhạc cho rằng, “tiếp lửa” cho những “giai điệu tự hào” này cần phải có cái tâm, cái tầm của nghệ sĩ và cả sự cởi mở của công chúng.

“Trẻ hóa” nhạc cách mạng

Âm nhạc có đặc điểm là qua mỗi giọng hát, cách thể hiện, mỗi bản phối khí và thu âm khác nhau sẽ tạo nên diện mạo khác, trải nghiệm khác. Với sự tiếp nối không ngừng đó, các ca khúc cách mạng qua sự cảm thụ và thể hiện của mỗi thế hệ nhạc sĩ, ca sĩ khác nhau sẽ mang hơi thở của thời đại mình mà nhiều khi chính “cha đẻ” của các ca khúc đó phải thấy bất ngờ và hứng thú.

Trường hợp Chiếc khăn piêu của nhạc sĩ Doãn Nho với bản phối mới của nhạc sĩ người Pháp gốc Việt Nguyên Lê, qua sự thể hiện của ca sĩ Tùng Dương trong chương trình “Bài hát yêu thích” là một minh chứng sinh động cho việc âm nhạc cách mạng vẫn có sức sống lâu bền vĩnh cửu và chỗ đứng trang trọng trong đời sống âm nhạc đương đại. Tùng Dương còn làm được một việc rất ý nghĩa đó là “phủ sóng” ca khúc ra đời từ mấy chục năm trước đến giới trẻ ngày nay khiến nó đoạt giải “Bài hát của năm” và “làm mưa làm gió” khắp cả nước. Nhiều bạn trẻ thích thú hát theo mà không biết tác phẩm có tuổi đời còn lớn hơn cả mình. Chính nhạc sĩ Doãn Nho cũng bất ngờ và nể sự sáng tạo này để Chiếc khăn piêu đến gần với công chúng đương đại. Sự thể hiện Nơi đảo xa”của anh tại “Giai điệu tự hào” cũng nhận được nhiều tình cảm của khán giả.

Ca khúc Hò kéo pháo của Hoàng Vân, dù bản thu âm của nghệ sĩ Quang Thọ được nhiều lớp khán giả yêu thích nhưng vẫn có nhiều tốp ca thể hiện, nhiều ca sĩ cũng đã hát, mỗi người mang đến một tinh thần mới cho bài hát. Trong chương trình “Giai điệu tự hào”, ca khúc Hò kéo pháo cũng được nhạc sĩ Thanh Phương phối khí lại và rất mạnh dạn đưa vào rock heavy metal. Hoàng Hiệp, Nông Tiến Bắc, Minh Trí cùng phần solo guitar điện của Trần Thắng khiến khán giả sôi sục theo khi thể hiện ca khúc này trên nền nhạc rock.

Mới đây, ca sĩ Phạm Thu Hà cũng tung ra album “Giai điệu tự hào” với 10 ca khúc cách mạng: Cánh chim báo tin vui, Tự nguyện, Tiếng đàn Ta Lư, Biết ơn chị Võ Thị Sáu, Lời ru trên nương, Tiếng hát giữa rừng Pác Bó, Bài ca may áo… Cô sử dụng các kỹ thuật thanh nhạc đỉnh cao đưa vào các ca khúc vốn đã quen thuộc. Phạm Thu Hà đã chọn cho mình cách hát, cách hiểu của thế hệ sau, vừa cho thấy sự tự hào, vui sướng, vừa cho thấy lòng biết ơn, sự kính cẩn. Cộng với đó, phần phối khí của các nhạc sĩ Thanh Phương, Lưu Hà An, Huyền Trung đã giúp cô khoác lên những diện mạo mới cho các ca khúc nổi tiếng, đồng thời vẫn giữ đúng tinh thần của tác giả bài hát.

Xu hướng làm mới các ca khúc cách mạng còn “lan” cả tới những ca sĩ nổi danh ở dòng nhạc thị trường. Mỹ Tâm đã “đốn tim” người nghe với ca khúc Biển hát chiều nay. Ca sĩ Đức Tuấn sau rất nhiều năm ấp ủ cũng cho ra đời được album “Những bài ca không quên” và DVD “Bài ca không quên”. Không chỉ tự mình thể hiện các ca khúc, Đức Tuấn còn mời Hiền Thục, Ngọc Mai, Noo Phước Thịnh… tham gia để thổi sức sống trẻ vào các ca khúc đó và cũng không loại trừ khả năng “phủ sóng” đến đông đảo lượng fan trẻ của các ca sĩ này.

Làn sóng đó cũng lan tới cả các game show truyền hình như “Đồ Rê Mí”, Giọng hát Việt nhí… khi không ít các ca sĩ nhỏ tuổi mặc trang phục bộ đội, áo du kích, trang phục dân tộc hát các bài Lì vào Sáo, Bạch Đằng Giang, Trường ca Sông Lô, Biết ơn chị Võ Thị Sáu

Cần sự sẵn sàng của công chúng

Trong bối cảnh âm nhạc Việt đang phát triển một cách… đi ngang như hiện nay, nhiều xu hướng nhạc phản cảm, hời hợt, khó kiểm soát thì việc làm mới nhạc cách mạng vẫn là một hướng đi vừa có nhiều ý nghĩa vừa có tính tiếp nối. Thứ nhất, nhạc cách mạng có tính chuẩn mực lại gửi gắm nhiều thông điệp về tình yêu Tổ quốc, tính dân tộc, rất cần để nuôi dưỡng tâm hồn thế hệ trẻ. Thứ hai, điều này sẽ đem lại sự cân bằng, tránh cán cân nhạc trẻ lệch lạc, làm bát nháo và lệch gu người nghe. Dù vậy, làm mới nhạc cách mạng thế nào là cả một vấn đề chứ không phải “thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào”.

Nhạc sĩ Huy Thục - người có rất nhiều ca khúc cách mạng đi cùng năm tháng từng cho rằng, “làm mới nhạc cách mạng là vấn đề cấp thiết. Tôi trân trọng các nhạc sĩ trẻ đã kỳ công cách tân những bài hát thời mưa bom bão đạn. Hơn ai hết, tôi hiểu rằng nhiều bản phối cũ chỉ phù hợp vào những thời kỳ nhất định, vì vậy người làm nhạc cần phải phối lại để các sáng tác cũ không xa lạ trong cuộc sống hiện đại”.

Nhạc sĩ Lê Quang cũng từng bày tỏ: “Đúng là để làm mới một cái cũ đã quá quen thuộc là vô cùng khó. Đặc biệt khi cái cũ đó đã mang âm hưởng và chất chứa trong nó cả một chiều dài lịch sử thì càng khó hơn. Điều này đòi hỏi người nghệ sĩ trẻ không chỉ phải hiểu ý nghĩa của nó mà còn đòi hỏi sự đúng mực, sự đầu tư nghiêm túc”. Theo đó, một bài hát hay không chỉ là sự hòa quyện của kết cấu tốt, giọng ca tốt, giai điệu tốt, mà còn là sự đánh giá của quần chúng. Dù có sáng tạo đến mấy, thì người nghệ sĩ cũng cần hướng đến khán giả của mình.

Thực tế đã chứng minh, rất nhiều khán giả khó tính thấy Đàm Vĩnh Hưng, Thái Thùy Linh bước chân vào “lãnh địa” nhạc cách mạng đã nổi xung lên vì theo họ đó là “đền thiêng” bất khả xâm phạm. Trong khi đó, album “Những bài ca không quên” của Đức Tuấn cũng không nhận được sự ủng hộ của hầu khắp khán giả bởi chất “tình” tăng, chất “hùng” giảm bớt trong album này.

Như vậy, để làm mới những ca khúc cách mạng thì không chỉ cần một tinh thần mới, bản phối mới, cách thể hiện mới mà còn cả sự trau chuốt đầu tư một cách nghiêm túc với cái tâm tha thiết, cái tầm nghệ thuật cao chứ không chỉ là màu mè, hình thức chạy theo phong trào. Một điều quan trọng không kém, âm nhạc nào có công chúng ấy. Nếu ca sĩ, nhạc sĩ có tìm tòi đổi mới đến đâu nhưng công chúng chưa thực sự đón nhận, không chạm được vào trái tim người nghe thì nỗ lực ấy cũng coi như xôi hỏng bỏng không. Nhưng không có nghĩa khó là bỏ, mà cần phải có những sự chuẩn bị để cho khán giả tiếp cận dần dần rồi sẽ ủng hộ.

“Để các ca khúc cách mạng đến gần với công chúng hôm nay, các ca sĩ trẻ cần phải có trách nhiệm để làm mới những giá trị tinh thần trong ca khúc cách mạng với thế hệ kế tiếp. Chỉ những nghệ sĩ có trình độ và chuyên môn mới làm được các bản nhạc mới. Tuy nhiên, các ca khúc cách mạng được làm mới cần phải làm “tử tế” và có chuyên môn, nếu không ca sĩ sẽ phá hỏng bản nhạc vốn có của nó, vì ranh giới giữa “phá cách” và phá hỏng là rất mong manh”- nhà nghiên cứu Nguyễn Thụy Kha.

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...