Không thể nào quên “Bài ca không quên”

14/02/2014

Vào một ngày mùa thu đầu tháng Tám, tôi nhận được một tập bưu phẩm chuyển phát nhanh của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn. Hồi hộp mở ra xem, tôi thật sự bất ngờ và cảm động. Đó là tuyển tập ca khúc nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn, với tựa đề: “Bài ca không quên”.

Cầm cuốn sách, tôi trân trọng lật mở từng trang. Từ cuộc đời đến tác phẩm, tất cả thu hút tôi liền mạch với sự kính trọng và cảm phục vô hạn bởi tài năng, tình cảm ông dành cho quê hương, đất nước thể hiện trong các tác phẩm âm nhạc của mình.

Tôi đã dừng lại thật lâu với tác phẩm: “Bài ca không quên”. Một bài hát nổi tiếng từ lâu đã đi vào lòng người và cũng là một bài hát mà tôi vô cùng yêu thích. Bài hát là một bức tranh liên hoàn về tình đồng đội, nghĩa đồng bào trong cuộc chiến tranh gian khổ triền miên. Rồi cũng thật tình cờ, tôi được biết “Bài ca không quên” được nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn sáng tác năm 1981 cho bộ phim cùng tên của đạo diễn Nguyễn Văn Thông. Chính tên bài hát và nội dung tác phẩm đã thực sự là những hình ảnh sống động về người chiến sĩ Cách mạng buất khuất, trung kiên trong lòng mọi người: “Đó là những tiếng khóc, cười, buồn, vui. Đó là những nỗi đau không thể kể được bằng lời. Thời không quên ấy không chỉ là những kỷ niệm đẹp tình người, mà còn là ký ức đớn đau, mất mát trong chiến tranh kể sao cho xiết. Rừng hoang lụi tàn vì chất độc hóa học. Hố bom chồng chéo hố bom. Bao lần nhạc sĩ phải đào huyệt tiễn đưa bạn bè, đồng đội giữa rừng già và còn bao đồng đội khác không còn thân xác sau những trận mưa bom.Vết thương lòng lớn nhất và chẳng bao giờ lành là nỗi đau mất đứa con gái đầu lòng trong một lần đoàn cán bộ rơi vào ổ phục kích của địch. Em bé mới 5, 6 tháng tuổi, cái tuổi thần tiên ấy đáng lẽ phải được cười khóc tự nhiên, vậy mà thiên thần nhỏ bé buộc phải im lặng để cứu nhiều sinh mạng khác, khi hiểm họa qua đi thì em bé bị ngạt đã quá lâu, chẳng bao giờ còn cất tiếng khóc, cười được nữa...” (Trích giới thiệu của nhà lý luận âm nhạc Nguyễn thị Minh Châu trong Tuyển tập ca khúc này).

Quá đỗi xúc động và nghẹn ngào, còn nỗiđau nào hơn. Chiến tranh đã qua đi từ lâu trong niềm vui chiến thắng và niềm tự hào của dân tộc, nhưng những nỗi đau khôn cùng do chiến tranh để lại không gì bù đắp được. Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn đã đưa tất cả những nỗi niềm, tình cảm ấy vào trong tác phẩm của mình, tự sự với chính bản thân mình về những tháng ngày chiến tranh khốc liệt ấy. Tác phẩm là những lời ca chứa đựng tâm trạng day dứt, những cảm xúc mãnh liệt. Có những điều tưởng đã quên đi nhưng lại gắn chặt vào tiềm thức của ông với một tâm hồn chất đầy kỷ niệm và tâm trạng được chi phối bởi nhiều cung bậc tình cảm vui, buồn khác nhau.

Tôi đã từng được tiếp xúc nhiều lần với nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn trong thời gian ông công tác tại Hà nội, qua cảm nhận tôi thấy ông luôn có một tâm trạng trầm buồn, sâu lắng, mặc dù nhiều khi ngồi tâm sự với ông qua những câu chuyện đời thường tôi thấy ông cũng rất hóm hỉnh, hài hước và vui vẻ với mọi người. Mong rằng tất cả những ký ức buồn sẽ trôi theo dòng thời gian để rồi ông có nhiều cảm xúc mới, có những tác phẩm mới dành cho công chúng yêu âm nhạc.Quá khứ đã mang lại ngày vui cho hôm nay. “Bài ca không quên” thể hiện rõ những tình cảm sâu sắc, cách tự sự trong ông đã làm rung động, thuyết phục lòng người.

Tìm hiểu các tài liệu, tôi được biết nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn (Tên thật là: Phạm Văn Thành) sinh năm 1942 tại Campuchia. Quê nội ông ở Xuân Trường - Nam Định, quê ngoại Hưng Yên. Cha ông trở về Việt Nam tham gia kháng chiến rồi hy sinh năm 1946. Sống cùng gia đình trên đất nước Chùa Tháp, ông hăng hái tham gia các phong trào Việt kiều yêu nước, tự học hỏi, trao dồi rất nhiều những kiến thức về văn hóa, văn nghệ dân gian. Trở về nước, năm 1960 ông tham gia kháng chiến trong Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, ông đã học và tốt nghiệp Đại học Sáng tác âm nhạc tại Nhạc viện Tp Hồ Chí Minh (1976- 1981). Thời gian này, ông đã có rất nhiều ca khúc nổi tiếng như: Qua sông, Đường tàu mùa xuân,Thành phố tình yêu và nỗi nhớ, Dấu chân phía trước, Mùa xuân từ những giếng dầu, Bài ca không quên…Ngoài ra ông còn sáng tác các tác phẩm khí nhạc, giao hưởng, các sáng tác cho phim và kịch.

Với tuyển tập ca khúc: “Bài ca không quên” dày hơn trăm trang ấn hành năm 2013, gồm rất nhiều bài hát nổi tiếng của ông được Nhà xuất bản Văn hóa, Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh gửi tới người yêu nhạc, tuyển tập mang những dấu ấn đặc biệt về nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn, người đã được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật, ông để lại biết bao điều không thể nào quên trong : Bài ca không quên. Xin được chúc mừng ông người nhạc sĩ, chiến sĩ Cách mạng.

(Nguồn: Tạp chí Âm nhạc Việt Nam số 32)

Tin liên quan

23/02/2021
Ca ngợi Hồ Chủ tịch là một trong những bài hát hay nhất về lãnh tụ Hồ Chí Minh của cố nhạc sĩ Văn Cao, cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam. Giai điệu ca khúc hào sảng, sang trọng toát lên thần thái vĩ đại của lãnh ...
23/02/2021
“Việc ra mắt tác phẩm “Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong, Tác phẩm-tác giả” chính là dịp chúng ta Trả lại tên cho Ông. Bởi cho đến nay vẫn nhiều người vẫn không biết nhà soạn kịch Nguyễn Trung Phong chính là tác giả của giai điệu nổi tiếng Giận ...
23/02/2021
Ca khúc Hành khúc Tổng cục Chính trị được nhạc sĩ Đức Trịnh viết vào năm 2014, đúng dịp kỉ niệm 70 năm ngày truyền thống Tổng cục Chính trị (TCCT). Ca khúc này đã được chọn làm ca khúc chính thức của TCCT và được biểu diễn trong Lễ kỉ niệm ...
21/02/2021
Hai ca khúc “Đại thi hào Nguyễn Du” và "Phiêu bồng trần gian" mở đầu và kết lại bộ phim được đầu tư 15 tỷ đồng, nhân dịp kỷ niệm 255 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của vị danh nhân văn hóa này.