“Khoảng Lặng”: Trẻ lại một thời đánh Mỹ

21/04/2015

Đang nghĩ không biết trước sự kiện kỷ niệm 40 năm thống nhất đất nước (30.4.1975 – 30.4.2015), Quỳnh Hợp sẽ trình bày CD gì, thì nhận ngay qua email CD Khoảng lặng gồm 12 ca khúc Quỳnh Hợp phổ thơ nhà văn - cựu chiến binh Nguyễn Trọng Luân.

Chỉ cần đọc những câu thơ Nguyễn Trọng Luân mà Quỳnh Hợp chọn làm ca từ cho 12 ca khúc, thấy người cựu chiến binh này cũng là lính sinh viên như chúng tôi thuở đó.

Khi chúng tôi vào mặt trận Quảng Trị mùa hè 1972, thì anh lại cùng những đồng đội khác của chúng tôi vào mặt trận Kon Tum. Chiến dịch Hồ Chí Minh, anh cùng đơn vị đi theo cánh quân đánh Đồng Dù và vào Sài Gòn qua Cầu Bông.

Riêng với một người lính đã dấn thân như anh, câu thơ nào cũng thật lòng khiến người đọc và nghe đều cảm động. Nhưng riêng hơn, là những kỷ niệm đã ở tuổi 40 của một người lính đầu bạc, qua âm nhạc Quỳnh Hợp, bỗng trẻ lại như thuở ban đầu. Chính cái riêng ấy, cái trẻ ấy, làm cho quá vãng chợt mới lại, chợt trong ngần.

Chợt nhớ, đêm 29.4.1975, người lính nào tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh cũng có một khoảng lặng của riêng mình. Với Nguyễn Trọng Luân, khoảng lặng của anh là:

Khoảng lặng đêm nay gói vào bộc phá
Nghe tim mình khao khát phía Sài Gòn cửa bình minh
Khoảng lặng đêm nay như ngày chia ly
Em dúi tay anh lá thư nhòe nước mắt

Khoảng lặng đêm nay dẫu còn hay mất
Gọi mẹ, gọi em, quên tuổi, quên tên
Khoảng lặng đêm nay bám vào tay đồng đội
Đêm cuối cùng trước ngưỡng cửa bình minh.

Và khoảng lặng ấy đã lớn dần thành khoảng lặng trong tâm tưởng mà ở đấy chứa chật những ô kỷ niệm. Đó là Đêm Đồng Dù: “Lính rừng tiến về thành phố/ Rát phồng chân ngấn nước nụ cười”.

Đó là Nắng ở Cầu Bông mà tôi từng cảm thán: “Nắng hắt lên máu những tấc đường qua”, thì đây, Nguyễn Trọng Luân cũng đồng ý nghĩ: “Các bạn ngã vắt lên cầu/ Máu ròng ròng xuống nước”.

Đó là Mưa tháng 7 mùa Ngâu, nhớ bạn nằm lại đại ngàn: ‘Trong mưa, bạn nằm lại rừng/ Mưa tháng 7 rơi nhanh”.

Đó là Một vùng đồng đội khi tâm tưởng ngược về Kon Tum 1972: “Người tướng già đứng khóc trước hoàng hôn Kon Tum/ Dưới kia dòng Pô Kô vẫn chảy … Các em nằm đây/ Mấy chục năm hoa vẫn chỉ một mùa”.

Đó là Hoa trinh nữ khi tháng ba lại nhớ Tây Nguyên, nhớ Trường Sơn. Và, nhớ những nữ thanh niên xung phong “Da xanh mái màu da con gái” đã hiến dâng thanh xuân cho đất nước thanh bình hôm nay.

Đó là Đêm cuối mẹ ru con khi xúc động trước người mẹ ôn hài cốt con và cất lời ru lần cuối, trước khi con vĩnh viễn nhập vào lòng đất.

Đó là Về bến Dược: “Dép còn in bùn nước bến ban chiều/ Những binh đoàn chỉ một lần qua bến”.

Đó là Hoa cỏ may: “Gặm ngược vào tiếng sóng/ Đêm Bến Đình em gỡ nhớ ngày xưa”. Đó là Đàn tính người ơi… để nhớ về kỷ niệm lính nhặt bầu làm đàn tính, hát then giữa Tây Nguyên đã nằm lại nơi cửa ngõ Sài Gòn trước ngày giải phóng.

Đó là Chuyện tình hoa giấy khi người yêu của người lính đã hy sinh từ miền tuyết trắng trở về thăm mộ chí, lòng vẫn nhớ đến chùm hoa giấy người lính viết trong nhật ký.

Và kỳ lạ nhất là khi người lính ra đi từ mái trường đại học, vào giải phóng Sài Gòn lại dừng lại ở trường Lê Quý Đôn qua Sân trường một sáng tháng 5.

Nhiều năm nay, với tư cách là một nhà báo - nhạc sĩ – người lính, Quỳnh Hợp đã luôn luôn có những album độc đáo về các miền quê có in dấu ấn những sự kiện lớn như Điện Biên, Đồng Lộc, Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Đà Lạt, Trường Sa… và lần này là thành phố Hồ Chí Minh với Khoảng lặng.

Trong số các nhạc sĩ nữ hiện nay, có lẽ Quỳnh Hợp là người xông xáo nhất, năng nổ nhất. Chị “tả xung hữu đột” trên trận tuyến âm nhạc.

Bằng hơi thở âm nhạc thời đại, Quỳnh Hợp đã mang đến cho lớp trẻ những bài sử mới bằng chính âm nhạc của chị cộng hưởng với những tác giả thơ trên mọi miền đất nước.

Năm năm trước, Quỳnh Hợp đã có album để tạ ơn quê hương Hà Nội sinh thành ra mình. Giờ đây, với Khoảng lặng, Quỳnh Hợp cũng muốn tạ ơn thành phố phương Nam nắng gió đã cho chị có một nơi chia sẻ để phát triển sự nghiệp âm nhạc của mình.

Tin liên quan

23/02/2021
Ca ngợi Hồ Chủ tịch là một trong những bài hát hay nhất về lãnh tụ Hồ Chí Minh của cố nhạc sĩ Văn Cao, cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam. Giai điệu ca khúc hào sảng, sang trọng toát lên thần thái vĩ đại của lãnh ...
23/02/2021
“Việc ra mắt tác phẩm “Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong, Tác phẩm-tác giả” chính là dịp chúng ta Trả lại tên cho Ông. Bởi cho đến nay vẫn nhiều người vẫn không biết nhà soạn kịch Nguyễn Trung Phong chính là tác giả của giai điệu nổi tiếng Giận ...
23/02/2021
Ca khúc Hành khúc Tổng cục Chính trị được nhạc sĩ Đức Trịnh viết vào năm 2014, đúng dịp kỉ niệm 70 năm ngày truyền thống Tổng cục Chính trị (TCCT). Ca khúc này đã được chọn làm ca khúc chính thức của TCCT và được biểu diễn trong Lễ kỉ niệm ...
21/02/2021
Hai ca khúc “Đại thi hào Nguyễn Du” và "Phiêu bồng trần gian" mở đầu và kết lại bộ phim được đầu tư 15 tỷ đồng, nhân dịp kỷ niệm 255 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của vị danh nhân văn hóa này.