Khi nhạc trẻ có tiếng nói

21/12/2016

Khi người nhạc sĩ, ca sĩ biết đau với nỗi đau của những người sống chung trong cộng đồng, xã hội; biết lắng nghe, đồng cảm và chia sẻ thì âm nhạc trong họ sẽ cất tiếng

Ca khúc “Ông bà anh” của Lê Thiện Hiếu (thí sinh chương trình “Sing my song - Bài hát hay nhất”) sau khi gây “sốt” trên mạng đã được Hội đồng Thi học kỳ I Trường THPT Trường Chinh (TP HCM) đưa vào đề thi môn ngữ văn. Sự kiện này cho thấy bài hát không chỉ có sức hút đối với giới trẻ mà còn có ý nghĩa tích cực cho những người làm công tác giáo dục trong việc giáo dục nhân cách, tình cảm, lối sống, cách ứng xử của giới trẻ trong thời hiện đại với nhiều thay đổi, thậm chí đi ngược lại giá trị truyền thống.

Sức lan tỏa của ca khúc đề tài xã hội

Ca khúc “Ông bà anh” của Lê Thiện Hiếu một lần nữa khẳng định bài hát đề tài xã hội không hề “khó nhằn”, “khô khan”, thiếu lãng mạn và không thu hút người nghe như quan niệm xưa nay của nhiều người trong nghề.


Nhóm MTV - một trong những nhóm hát quan tâm và có các ca khúc đề tài
 xã hội ăn khách trong thời gian qua

Thời gian qua cũng đã chứng minh nhiều ca khúc đề tài xã hội được công chúng đón nhận nhiệt tình. Trong số đó, không ít ca khúc trở thành ăn khách, tạo nên hiện tượng trên thị trường ca nhạc, như “Thật bất ngờ” của Mew Amazing, nổi tiếng qua giọng ca Trúc Nhân. Văn phong hài hước, mang tính đả kích rất thú vị đối với người nghe, “Thật bất ngờ” đã phơi bày những trò nhố nhăng của showbiz Việt mà một số nghệ sĩ, báo chí và công chúng đã góp phần tạo ra nó.

“Thật bất ngờ” được giới chuyên môn đánh giá là bước đột phá của ca khúc về đề tài xã hội khi vạch trần mảng tối, các thị phi của showbiz vốn là những vấn đề đã quá quen thuộc với công chúng nhưng chỉ xuất hiện trên phim ảnh, báo chí mà chưa có trên âm nhạc. Nhiều ý kiến trong giới chuyên môn nhìn nhận rằng “Thật bất ngờ” chắc chắn đã góp phần không nhỏ trong việc điều chỉnh hành vi của giới showbiz Việt thời gian qua và cả sau này.

Gần đây, nhiều nhạc sĩ, ca sĩ trẻ bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề của cộng đồng, xã hội, vì vậy những ca khúc đề tài này xuất hiện ngày càng nhiều. Sau ca khúc “Chuyện thằng say”, nhóm MTV tạo ấn tượng với công chúng qua ca khúc “Đừng nhìn bề ngoài” (Anh Tuấn). Bằng giọng điệu trào phúng, ca khúc này góp phần phê phán những hiện tượng thiếu tích cực trong showbiz mà khán giả rất quan tâm thời gian qua.

Những tác phẩm “hit” (ăn khách) về đề tài xã hội gần đây còn có “Uống trà”, “Người” của Phạm Toàn Thắng. Đó là những ca khúc thể hiện sự đồng cảm chia sẻ của lớp người trẻ đối với thế hệ cha ông có nhiều mất mát trong chiến tranh. Ngoài “Ông bà anh”, Lê Thiện Hiếu cho biết đang chuẩn bị giới thiệu “1+1=...”, mang thông điệp kêu gọi mọi người nên sống yêu thương nhau hơn trong cuộc đời còn nhiều khó khăn này, hứa hẹn sẽ thu hút người nghe gấp nhiều lần so với ca khúc “Ông bà anh”.

Ca khúc “Cơn bão” của Anh Quân với tiếng hát của ca sĩ Mỹ Linh xuất hiện sau cơn bão miền Trung vừa qua chạm vào cảm xúc người nghe vì những đau thương mà cơn bão gây ra cho con người được chuyển tải trong bài hát. Ca khúc “Vì tôi còn sống” (Tiên Tiên) đề cập ý nghĩa của cuộc sống; “Các bạn đứng nghiêm” (ban nhạc Gỗ Lim) đả phá những lề thói, những áp đặt suy nghĩ mang tính xã hội phổ quát; “Hai con dê qua cầu” (Trần Toàn K300) đề cập chuyện vô ý thức của những người đi đường gây nên nạn kẹt xe; “Nước ngoài” (Phan Mạnh Quỳnh) nói về vấn đề xuất khẩu lao động… đều được bạn trẻ quan tâm yêu thích.

Nghệ thuật vị nhân sinh

Khác hẳn với sáng tác về đề tài tình yêu, những sáng tác hướng về xã hội, cộng đồng là cái nhìn thực tế, thậm chí là thực dụng, về cuộc sống hằng ngày với mục đích hướng thiện. Nhạc sĩ Phạm Toàn Thắng nhìn nhận rằng những ca khúc hướng về đề tài xã hội thành “hit” hiện nay đều có điểm chung là được sinh ra rất tự nhiên, giống như chúng ta đang hít thở hằng ngày vậy.

Khi người nhạc sĩ, ca sĩ biết đau với nỗi đau của những người sống chung trong cộng đồng, xã hội, biết lắng nghe, đồng cảm và chia sẻ thì âm nhạc trong họ sẽ cất tiếng. Trong chương trình “Sing a song”, ca sĩ Bùi Caroon tâm sự rằng bài hát “Người mù” anh viết ra từ cảm xúc tích tụ khi mỗi ngày trên đường đi làm, bắt gặp hình ảnh một người mù đội nắng, đội mưa cầm xấp vé số trên tay với nụ cười an nhiên. Âm nhạc trong anh cứ thế tuôn trào.

Giãi bày về nguyên nhân ra đời những ca khúc mang tính xã hội của mình, ca sĩ Anh Tuấn (thành viên nhóm MTV) nói: “Nếu chúng ta cứ im lặng trước những vấn nạn mà bản thân thấy nó không đúng đắn thì sẽ phải chấp nhận sống chung với nó, để nó trở thành thói quen và dần dần thành… lẽ phải. Điều đó có nên không? Liệu chúng ta có thành kẻ đồng phạm? Hầu hết các nhạc sĩ khác khi viết những sáng tác hướng về đề tài xã hội đều mong muốn thông qua âm nhạc, góp tiếng nói để cuộc sống trở nên tốt đẹp và tươi sáng hơn”.

Lê Thiện Hiếu khẳng định sáng tác đề tài xã hội chính là lựa chọn lâu dài của mình khi anh vốn có thói quen quan sát cuộc sống quanh mình và nói lên tiếng nói của mình bằng âm nhạc với những cảm nhận rất thật. “Âm nhạc của tôi phải nói lên tiếng nói chung chứ không chỉ là nói chuyện của bản thân” - Lê Thiện Hiếu nói.

Còn với tác giả ca khúc “Thật bất ngờ” đình đám thời gian qua, Mew Amazing, giải thích thêm: “Viết ca khúc tình yêu chỉ là tiếng nói của bản thân trong khi một ca khúc xã hội là tiếng nói của nhiều người. Vậy tại sao chúng ta không nói lên tiếng nói của cộng đồng? Tất nhiên, để có được những sáng tác về cộng đồng hay không dễ, bởi đề tài này đòi hỏi người viết phải có tri thức, nhân sinh quan bao quát, có tâm hồn rộng mở, cảm nhận tinh tế và phải trau chuốt ca từ”.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 12-12

Trải nghiệm thật, cảm xúc thật

Nhạc sĩ Lê Minh Sơn đánh giá: “Các bản nhạc đang nổi tiếng khoác chiếc áo “xã hội” của nhiều nhạc sĩ trẻ hiện nay có tư duy rất tốt khi mang đến phong vị tươi mát, hấp dẫn; đủ để thành “hit” trên thị trường nhưng cũng được giới chuyên môn đánh giá cao về chất lượng”. Ca sĩ Mỹ Linh chia sẻ: “Với tôi, một ca khúc mang đề tài xã hội hay và xúc động cũng sẽ hấp dẫn khán giả không kém gì một tình khúc”. Nhạc sĩ Phạm Toàn Thắng cho biết: “Nếu viết một ca khúc đề tài tình yêu không khó vì bản năng mỗi người đều có cảm xúc đặc biệt này nên dễ dàng viết được ca khúc yêu đương chạm vào cảm xúc của người nghe. Nhưng với một ca khúc mang đề tài xã hội, thể hiện cảm nhận, góc nhìn, thái độ của người viết với vấn đề nào đó của xã hội đang được mọi người quan tâm thì đòi hỏi phải có trải nghiệm thật, cảm xúc thật của người viết. Vì nếu chỉ nói đến vấn đề chung chung, ca khúc dễ trở nên sáo rỗng, giáo điều, phi thực tế hay thậm chí là phản cảm”.

(Nguồn: http://nld.com.vn)

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...