Khi ma trận văn hóa 'bẩn' đầu độc giới trẻ

19/08/2013

Sự phát triển, giao thoa giữa các nền văn hóa hiện đại ngoài đem lại một nền văn hóa đa dạng cũng "đẻ rơi" những đứa con quái thai đáng sợ.

Nhiều thứ lai tạp xuất hiện nhan nhản một cách công khai trong lĩnh vực giải trí trên cộng đồng mạng như nhạc “Rap bẩn”; sáng tác, chuyển dịch các thể loại truyện tranh hài có nội dung đồi trụy; đóng, tiểu phẩm hài tục tĩu... Đáng sợ hơn, dòng văn hóa quái thai này đang được một bộ phận giới trẻ ủng hộ, đưa nó trở thành một trào lưu mới nổi.

Chứng minh đẳng cấp bằng "Rap bẩn"

Những năm qua, theo con đường du nhập, luồn lách khỏi sự chọn lọc thiếu kiểm soát, của một bộ phận xã hội, những luồng văn hóa, giải trí thiếu lành mạnh nhanh chóng manh nha và hình thành. Đầu tiên phải kể đến “Rap bẩn”. Thể loại nhạc trên ảnh hưởng, du nhập vào nước ta bằng nhiều nguồn. Một thời, người yêu nhạc hiện đại từng lắc lư, mê đắm cùng những ca từ, nhịp điệu sôi động của Rap. Với đặc tính lời ca không quá cầu kỳ, theo kiểu văn xuôi có vần, thể loại nhạc này chuyển tải được nhiều nội dung, dễ dàng thể hiện thành cái tôi cá nhân. Do đó, Rap từ thế giới sân khấu hòa mình vào xã hội, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của giới trẻ.


Hình ảnh đọc "Rap bẩn" của An Tây (ảnh cắt từ clip)

Tuy nhiên, theo thời gian, phát sinh từ tính dễ dãi, tự do trong ca từ, Rap dần mất đi tính nghiêm túc của nghệ thuật công chúng trở nên thấp kém một cách khó chấp nhận. Lướt qua các trang mạng, diễn đàn, thậm chí tại những công viên, chúng ta vẫn có thể nghe những bản Rap với ca từ tục tằn, thô lỗ, thậm chí chửi bới. Nội dung chính của các bản nhạc Rap trên xoáy mạnh vào những vấn đề bạo lực, ma túy, thuốc lá, tình dục... Đáng sợ hơn, đại đa số tín đồ của “Rap bẩn” là những thanh thiếu niên, sinh viên, học sinh. Thậm chí, "Rap bẩn" này còn vương vào cả một số nghệ sĩ, ca sĩ có tên tuổi trong giới showbiz.

Mới đây, khi cộng đồng mạng chưa kịp hoàn hồn với clip hát Rap free style văng tục với những ca từ không thể vô văn hóa hơn của một nhóm học sinh thì lại xuất hiện clip Rap cover bài "Phiếu bé ngoan" sặc mùi dục vọng của An Tây (Andrea). Sự lây lan của thể loại “Rap bẩn” mạnh mẽ đến mức chỉ cần nhắc đến Rap, nhiều người nhớ ngay đến các ca khúc có ca từ thiếu lành mạnh mang nội dung, dục vọng, chửi bới, tục tĩu. Xoáy mạnh vào sự tự do, đơn giản trong ca từ, những tín đồ của Rap bôi đen thể loại này bằng cách sáng tác các bản “Rap bẩn” mang mục đích chửi bới, ca ngợi nhục dục thấp hèn, sử dụng từ ngữ như: Kem chuối, No say bin, Say khói, 3 thằng bạn,…


Clip Rap free style chửi tục, chửi thề được phát tán trên mạng
của một nhóm học sinh (Ảnh: cắt từ clip)

Nguy hiểm hơn, một bộ phận giới trẻ lại tỏ ra hào hứng và yêu thích thể loại nhạc bẩn này. Sự cuồng tín đối với thể loại nhạc bẩn trên còn được một bộ phận giới trẻ công khai, phổ biến như một cẩm nang. Mới đây, internet lại lan truyền "Cẩm nang chửi bậy". "D.K.M.", tài khoản đăng tải cẩm nang trên khẳng định: "Chửi bậy có nhiều đẳng cấp, mức độ. Mức độ cao nhất là chửi bậy kết hợp đọc Rap". Theo đó, cách chửi này đòi hỏi người chửi phải am hiểu về âm nhạc và có trí tưởng tượng phong phú. Những người chửi bậy bằng cách này được cho là đẳng cấp, làm cho người bị chửi "đau" một cách thấm thía nhất. Để minh chứng đẳng cấp của mình, tài khoản này còn hướng dẫn cách chọn từ ngữ thô tục, cách phát âm, lấy giọng, làm bật ra những từ tục tĩu một cách ấn tượng nhất …".

Không dừng ở đó, các tín đồ của thể loại nhạc này còn nhóm họp, tổ chức các buổi phân cao thấp bằng chính cẩm nang bẩn trên và chấm điểm. Những cuộc đấu khẩu bằng nhạc bẩn như trên trở thành thú vui tiêu khiển, giảm stress của một bộ phận giới trẻ. L.H.N., một tín đồ của Rap free style chia sẻ: "Để xả stress thì không có gì sướng bằng chửi tục mà chửi tục không thì không phải đẳng cấp. Bây giờ người ta chửi bằng nhạc, chửi bằng Rap free style mới thú. Trong cuộc chiến Rap free style bạn chửi càng tục thì điểm càng cao, càng làm cho đối thủ nhục, đau càng thú vị".

Đến trào lưu... chửi bậy

Song song phát triển cùng "Rap bẩn", truyện tranh hài bẩn cũng bủa vây giới trẻ bằng những hình ảnh, lời thoại thiếu lành mạnh. Thể loại này du nhập vào nước ta từ Hàn Quốc và được biết đến dưới tên gọi "Truyện bựa Hàn Quốc Xẻng". Không như các loại truyện tranh kích dục, đồi trụy, "truyện bựa" trên thực tế là những tranh vẽ có lời thoại với mục đích gây cười. Tuy nhiên, thay vì gây cười bởi những mẩu chuyện vui, mang ý nghĩa sâu sắc, "truyện bựa" gây cười bằng những hình ảnh gợi dục, lời thoại tục tĩu, xoáy sâu vấn đề nhục dục.

Sang Việt Nam, các "truyện bựa" như: Kim Chi và Củ Cải, Bựa rương, Lee Chul… được chuyển dịch theo ngôn ngữ Việt nhưng vẫn giữ nguyên hình ảnh "dành cho người lớn", lời thoại thô tục, thiếu lành mạnh. Ngoài xuất hiện trên các trang web đọc truyện tranh chuyên nghiệp, các truyện bựa trên cũng thường có mặt trong các web hài, trang cá nhân của cộng đồng mạng. Xây dựng tình tiết gây cười xoay quanh chủ đề phòng the, nhạy cảm bằng những hình vẽ gợi dục, "truyện bựa" nhanh chóng chen chân đứng trong thú vui giải trí của một số bạn trẻ.

Hòa chung các thể loại truyện, nhạc bẩn, thế giới game cũng bị lây nhiễm. Lép vế trong cuộc chiến không khoan nhượng giành chỗ đứng, nhiều web game nửa mùa muốn phân chia thị phần, câu khách cũng tìm cách mời gọi người chơi bằng những nhân vật, hình ảnh kích dục. Thể loại giải trí bẩn này tạo hình nhân vật với cử chỉ, thân thể gợi dục kích thích sự tò mò của người chơi. Bằng công nghệ xử lý ảnh động, các web game bẩn tạo dựng các nhân vật nữ hết sức gợi cảm, đứng, ngồi, nằm trong những trang phục, tư thế khêu gợi. Để tăng thêm sự kích thích, mời gọi khách hàng đăng ký tài khoản, kích hoạt game, những nhân vật này có thể phát ra âm thanh, lời nói, cử chỉ gợi dục mỗi khi người xem rê chuột qua các khu vực nhạy cảm trên cơ thể.

Một trong những văn hóa bẩn khác đang đầu độc sự trong sáng của tiếng Việt, đánh mạnh vào thuần phong mỹ tục nước nhà là "Hài tục tĩu". Hài tục tĩu manh nha bởi nhóm thanh niên người Việt định cư ở nước ngoài. Đúng theo tên gọi tự đặt "Hài tục tĩu", những tiểu phẩm hài của nhóm đều sử dụng ngôn ngữ tục tĩu như một yếu tố then chốt tạo hiệu ứng gây cười. Xuất hiện thường xuyên trên trang chia sẻ video chuyên nghiệp Youtube, những tiểu phẩm hài tự quay của nhóm trên hầu như không mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc ngoài những câu chửi tục, chửi thề vô tội vạ.

Sức ảnh hưởng của "hài tục tĩu" lan tỏa khá mạnh trong cộng đồng mạng. Bằng chứng là hiện nay, thông qua các trang mạng xã hội Face book, Google+, Twitter… xuất hiện những hội quái gở như: Hội chửi tục nhưng chẳng Cục nào biết, Hội chửi bậy nhưng không hề mất dạy, Hội chửi khi tức, Hội chửi tục nhưng không chửi nhau hay Bố mày chửi bậy tung tóe nhưng vẫn lóe sáng thánh thiện… Số lượng các trang, hội chửi như trên được các bạn trẻ thành lập một cách công khai ngày càng nhiều. Theo cách đó, ma trận văn hóa bẩn trở thành một đại dịch lan truyền công khai, trắng trợn khi khuất phục, lôi kéo ngày càng nhiều một bộ phận giới trẻ.

(Nguồnhttp://www.nguoiduatin.vn)

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...