Khi Đại tướng Nguyễn Chí Thanh "đặt hàng" văn nghệ

22/08/2017

Kết thúc Đại hội Đảng lần thứ III, năm 1960, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh có một cuộc nói chuyện rất nổi tiếng với các văn nghệ sĩ, và có thể nói đấy là lần mà ông chính thức "đặt hàng" giới văn nghệ thực hiện các sáng tác phục vụ cách mạng một cách chính quy nhất, mạnh mẽ nhất, rung cảm lòng người nhất.

Cuộc nói chuyện ấy được bắt đầu rất lạ: "Thưa các đồng chí, hôm nay tôi nói chuyện không có hàng lối gì rõ ràng đâu. Tôi vừa mới đi nông thôn về, tôi kể lại một số mẩu chuyện các đồng chí nghe cho vui thôi". Đó là những chuyện gì vậy? Suốt cuộc nói chuyện đó, Đại tướng lần lượt kể về chuyện người dân ở một hợp tác xã tại Quảng Bình "chỉ với 2 con gà mà mua được một chiếc ca nô", chuyện "xây dựng chủ nghĩa xã hội bằng một cái quần đùi, một cái cuốc và 20 cân gạo", chuyện "hai trái tim vàng trong một túp lều tranh của hợp tác xã" và cuối cùng là chuyện "mùa xuân của những mùa xuân"...

Chỉ cần nghe qua những cái tên mà Đại tướng lần lượt đặt cho các câu chuyện của mình đã thấy nó là những chuyện rất đời nhưng rất đẹp, rất cụ thể nhưng lại rất mùi mẫn văn chương. Chẳng hạn như chuyện mà Đại tướng đặt tên là "Hai trái tim vàng trong một túp lều tranh", đấy thực ra là câu chuyện của một cặp vợ chồng trẻ đi khai hoang, và sau khi mục sở thị "tổ ấm" của cặp vợ chồng này, phát hiện tài sản của họ là 1 nồi một, 1 nồi đôi, 1 mâm thau, chén bát đầy, 1 cái giường, 1 cái phản thì Đại tướng liền hỏi:

-Trước đây thế nào?

-Úi chao, báo cáo, trước đây khổ cực lắm. Nếu như kéo dài thì không lấy được vợ đâu.

(Kể tới đây, Đại tướng giải thích thêm với anh chị em văn nghệ: "Đồng chí ấy là cố nông mà")

-Thế bây giờ 2 vợ chồng làm cái gì trong Hợp tác xã nào?

-Dạ, chăn bò

-Bao nhiêu con một người?

-150 con/người

-Chị ấy làm gì?

-Vợ tôi nuôi lợn

Đại tướng dừng lại và nhận xét: "Hai vợ chồng vừa nói chuyện với tôi, vừa cười khúc khích. Tôi thấy hạnh phúc quá. Mà cái ông Hợp tác xã này cũng văn nghệ lắm, làm nhà bên bờ suối, cạnh cái đồi khai hoang. Một anh cố nông mà bây giờ lấy được vợ trẻ 22, 23 tuổi, xinh xắn. Trước làm gì có chuyện này. Trước kia, anh là người nghèo khó, không bao giờ anh lấy được một người vợ ngó cho được, vì một người vợ ngó cho được là người ta cướp của anh ngay lập tức. Nhưng bây giờ khác rồi".

Từ những câu chuyện rất đời thực như thế, Đại tướng khẳng định miền Bắc đang xây dựng một quan hệ sản xuất mới, một đời sống mới, từ đó đã và đang tạo ra hàng loạt những biến chuyển tích cực. Đại tướng đề nghị, văn học nghệ thuật không nên đứng ngoài dòng chảy tích cực này. Cuộc sống mới rồi, mà văn học nghệ thuật vẫn chỉ nói những cái cũ, một nền kinh tế tập thể được xây dựng và bước đầu đạt những thành quả tích cực rồi mà văn học nghệ thuật vẫn chỉ nói đến những cái tôi cá nhân hay những cái chung chung, lý thuyết thì đấy là một nền văn học nghệ thuật lạc hậu, không theo kịp vận động của thời đại.

Đại tướng nói nguyên văn: "Chính lúc này, khi quan hệ sản xuất đã thay đổi thì văn học, nghệ thuật có điều kiện, có khả năng xây dựng con người mới, truyền bá đạo đức mới, tư tưởng mới... Nếu bây giờ một bức hoạ, một tiểu thuyết của các đồng chí không nói lên được cái mới thì tức là không hợp thời. Nếu công tác văn học nghệ thuật của các đồng chí không nói lên được cuộc đấu tranh giữa cái cũ với cái mới, để xây dựng con người mới thì chúng ta đi lạc đề".

Thực tế là sau khi Đại tướng Nguyễn Chí Thanh thay mặt Đảng "đặt hàng" các văn nghệ sĩ thực hiện những sáng tác phục vụ công cuộc xây dựng xã hội mới ở miền Bắc, rất nhiều sáng tác chất lượng về đề tài này đã lần lượt ra đời.

Là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hơn ai hết, Đại tướng hiểu, và hiểu từ rất sớm cái tư tưởng "Nay ở trong thơ nên có thép/ Nhà thơ cũng phải biết xung phong" mà Bác Hồ từng nói đến. Không phải nhà lãnh đạo có xuất phát điểm nông dân nào cũng lĩnh hội một cách thấu đáo, triệt để tư tưởng này của Bác. Nhưng hiểu rồi, phải làm gì để giúp các nhà văn, nhà thơ và giới văn nghệ sĩ đi theo quan điểm sáng tác này?

Sự gặp gỡ giữa những nhà chính trị với những văn nghệ sĩ trong rất nhiều trường hợp thường tạo nên những độ vênh lớn. Nhưng sự gặp gỡ giữa Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với văn nghệ sĩ thì không như vậy. Có thể nói, ông vừa là một nhà lãnh đạo hiểu rõ tầm quan trọng của văn nghệ trong sự nghiệp cách mạng giải phóng và xây dựng đất nước, lại vừa rất hiểu tính cách của giới văn nghệ sĩ, gần gũi, thân tình với giới văn nghệ sĩ, nên đã giúp rất nhiều văn nghệ sĩ sáng tác theo tiếng gọi của Đảng và đất nước.

Với những tác giả mà trong một thời điểm nào đó không có những sáng tác theo dạng này thì Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cũng là một trong hiếm hoi những nhà lãnh đạo thời đó có thể nói chuyện với họ, thuyết phục họ, thậm chí gieo cho họ một niềm tin, một niềm hy vọng lớn vào tương lai.

Có một câu chuyện liên quan đến thi sĩ Trần Dần mà sau này chính Trần Dần và những thành viên trong gia đình mình hay nhắc đến, đó là sau khi liên quan đến vụ "Nhân văn giai phẩm", Trần Dần đã bị bắt giam, và thi sĩ đã tìm cách tự tử. Nhưng rồi Đại tướng Nguyễn Chí Thanh xuất hiện, nói với Trần Dần một ý: Tôi biết, trong đầu anh còn nhiều sáng tạo chỉ chờ thời gian để cho ra đời và phát sáng. Anh nhất định phải sống cho ngày đó. Trần Dần bảo rằng ông đã quyết định sống từ câu nói đó, và ông đã kể lại tất cả những điều này trong một bài viết có cái tên rất đáng suy ngẫm: "Người ký lệnh bắt tôi đã cứu sống tôi như thế nào?". 

Đừng chữa "lợn lành thành... lợn què"

Nhà văn Nguyên Ngọc kể rằng một lần Đại tướng mời ông đến nhà riêng để nói chuyện về cuốn tiểu thuyết "Đất nước đứng lên" từng đoạt giải thưởng Văn nghệ Việt Nam 1954 - 1955 của ông. Đại tướng thực sự xúc động với những trang viết về một Tây Nguyên nghèo khó nhưng anh hùng trong cuộc chiến, và hỏi cặn kẽ xem Nguyên Ngọc đã sống, đã chiến đấu với đồng bào Tây Nguyên như thế nào mà có thể viết một cách ấn tượng đến như vậy.

Tuy nhiên trước khi Nguyên Ngọc ra về, Đại tướng bỗng nhỏ nhẹ bảo: "Cái kết của "Đất nước đứng lên" cậu viết hơi buồn, liệu có sửa chữa chút ít được không?".

Tiếp thu ý kiến Đại tướng, Nguyên Ngọc sửa đi sửa lại nhiều lần, nhưng không lần nào hài lòng. Đúng lúc nhà văn đang lúng túng, băn khoăn nhất thì Đại tướng đã gọi điện tới bảo: "Hôm nọ mình nói là nói thế thôi, cậu cứ để nguyên như thế cũng chẳng sao. Đừng có ép mà lợn lành chữa thành lợn què đấy".

Trong toàn bộ câu chuyện này, có thể cảm nhận rằng Đại tướng không thật hài lòng với đoạn kết của "Đất nước đứng lên", và trong tư cách của một Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội, ông sẽ rất "ưng cái bụng" nếu một nhà văn Quân đội như Nguyên Ngọc sửa lại đoạn kết theo ý của mình. Nhưng bên cạnh "ý mình" rõ ràng Đại tướng đã không bỏ qua "tính văn học" của một tác phẩm, chứ tuyệt đối không đặt "ý mình" cao hơn "tính văn học", từ đó can thiệp vào tác phẩm văn học một cách thô bạo như chúng ta đã từng chứng kiến ở đâu đó.

(Nguồn: http://cand.com.vn)

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...