Khi công nghệ và thế giới ảo “lên ngôi”

09/03/2016

Không đổ xô tập trung vào đối tượng khán giả chốn thị thành, đặc biệt là khán giả trẻ, các chương trình giải trí có quy mô lớn dần hướng về nhiều đối tượng khán giả khác. Nhiều đối tượng thụ hưởng, đặc biệt là đối tượng chiếm số lượng lớn nhưng ít có tiềm năng về mặt doanh thu trực tiếp (bỏ tiền mua sản phẩm) ít được quan tâm trước đây, nay lại trở thành đối tượng chính được nhiều chương trình, sản phẩm giải trí hướng đến.

Nếu cách đây không lâu, sáng tác và thực hiện các sản phẩm văn hóa nghệ thuật cho thiếu nhi đã từng có những thời điểm bị than phiền là những khoảng trống đáng tiếc thì hiện nay, thiếu nhi lại đang trở thành một trong các đối tượng được quan tâm hàng đầu của thị trường giải trí.

Cùng với sự “lên ngôi” của công nghệ, nhiều ranh giới theo quan niệm truyền thống bị xóa nhòa bởi thế giới ảo, hàng loạt sản phẩm giải trí dành cho thiếu nhi thi nhau “ra lò”. Sự lan tỏa nhanh chóng của các sản phẩm dạng này cùng các bệ đỡ truyền thông vững chắc đã đưa nhiều gương mặt vốn không hẳn nổi tiếng bỗng đường hoàng ghi danh trên thị trường giải trí với những tên gọi mỹ miều kiểu “công chúa triệu view”.

Cũng phải nói thêm rằng con số triệu lượt xem trong một khoảng thời gian ngắn không phải không gây nghi ngại. Song theo đơn vị công bố thông tin thì đây là con số hoàn toàn đủ tin cậy bởi kênh phát hành Youtube được kiểm soát chặt chẽ, khó có thể gian lận và lượt xem này cũng không phải chỉ của riêng khán giả trong nước.

Với truyền hình, dấu ấn phát triển của các chương trình giải trí dành cho thiếu nhi là hàng loạt các trò chơi truyền hình cho đến truyền hình thực tế đình đám cho thiếu nhi ra đời, phủ sóng trên cả đài truyền hình quốc gia lẫn đài phát thanh truyền hình các địa phương.


Sân chơi “Thần tượng Bolero” trên VTV3 ra đời ngay sau thành công
của “Solo cùng Bolero” mùa đầu tiên.

Sau thành công của Đồ Rê Mí, gần như các chương trình truyền hình ăn khách đều có phiên bản cho thiếu nhi sau đó. Tiếp nối “Bước nhảy hoàn vũ” cho người lớn có “Bước nhảy hoàn vũ nhí”. Sau chương trình “Gương mặt thân quen” có “Gương mặt thân quen nhí”.

Mới đây nhất, nhà sản xuất “VietNam Idol – Thần tượng âm nhạc Việt Nam” cũng công bố quyết định “nhân bản” thêm “Thần tượng âm nhạc Việt Nam” cho trẻ em với thời điểm dự kiến lên sóng vào đầu mùa hè 2016. Cũng dành cho thiếu nhi nhưng không theo format nước ngoài mà được giới thiệu là hoàn toàn thuần Việt được công bố sản xuất và phát sóng trên truyền hình gần đây nhất còn phải kể đến gameshow “Siêu nhí tranh tài”.

Dành cho thiếu nhi từ 5 tuổi đến 14 tuổi và có sự tham gia của 16 gương mặt nhỏ tuổi, “Siêu nhí tranh tài” được chú ý còn bởi ý tưởng đưa thế giới của thần thoại, cổ tích Việt Nam lên sân khấu qua chính sự hóa thân của các thí sinh nhí. Những người làm chương trình còn kỳ vọng văn hóa dân gian Việt Nam với những câu chuyện cổ tích, truyền thuyết đã đi vào tiềm thức của biết bao thế hệ như Sọ Dừa, Tấm Cám, Cây bút thần, Thánh Gióng… sẽ tiếp tục đi vào thế giới của tuổi thơ một cách rộng rãi nhất thông qua nghệ thuật ca hát, nhảy múa, xiếc, ảo thuật, cải lương.

Dấu ấn của sự chuyển dịch thị trường giải trí còn đậm nét trên truyền hình bởi sự “đổ bộ” của hàng loạt các chương trình giải trí về đài phát thanh truyền hình địa phương. Hai năm trở lại đây, các nhà đài lớn như Đài Truyền hình Việt Nam, đặc biệt là kênh VTV3, Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh đã không còn giữ vị thế độc tôn bởi các chương trình đậm tính giải trí và được quan tâm theo dõi nhiều nhất.

Đài truyền hình của tỉnh lẻ trở thành đích đến được lựa chọn của nhiều nhà sản xuất chương trình. Điển hình nhất phải kể đến là Đài Truyền hình Vĩnh Long. Được đồn đoán là một trong những nhà đài địa phương có lượng người xem cao nhất cả nước, thậm chí nhiều chương trình còn có lượng người xem cao hơn các “bóng cả” trong làng truyền hình Việt,

Đài Truyền hình Vĩnh Long đang là địa chỉ phát sóng của rất nhiều chương trình giải trí có quy mô lớn và được yêu thích. Điểm sơ sơ, đến đầu năm 2016, chỉ tính riêng kênh THVL1 đã sở hữu ít nhất gần chục chương trình giải trí được cho là đình đám. Trong đó, ghi dấu ấn đậm nét phải kể đến là sức hút của cuộc thi “Solo cùng Bolero”. Thành công của cuộc thi và sự ra đời sau đó của “Thần tượng Bolero” trên sóng VTV3 không thể không khiến người theo dõi truyền hình liên tưởng đến một cuộc lội ngược dòng của giải trí truyền hình.

Chưa kể, sau thành công của “Solo cùng Bolero”, nhà đài và nhà sản xuất còn tiếp tục cho ra đời “Ngôi sao Phương Nam 2016”, “Hát vui – Vui hát”. Jet Studio, một trong những đối tác được coi là truyền thống của VTV9 cũng có thêm nhiều chương trình hợp tác cùng Đài Truyền hình Vĩnh Long. Ngoài “Danh hài đất Việt”, “Diêm vương xử án”…, năm 2016, đơn vị này cũng vừa tuyên bố cùng Đài Truyền hình Vĩnh Long ra mắt khán giả sân chơi mới “Hãy nghe tôi hát”…

(Nguồn: http://cand.com.vn)

 

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...