Khi chèo “pha”... jazz

14/03/2013

Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng cùng ca sĩ Tân Nhàn đang chuẩn bị ra mắt album nhạc kết hợp chèo cổ, xẩm cổ với... nhạc jazz. Đây có thể là album nhạc đầu tiên kết hợp giữa hai “đặc sản âm nhạc” vốn được ví như... mắm tôm với phô mai (!).

Quân tử vu dịch pha jazz

Với những người mê chèo cổ, xẩm cổ thì những bài như Quân tử vu dịch, Mục hạ vô nhân hay Đường trường phải chiều đã được xếp vào hạng gối đầu giường. NDND Tào Mạt thể hiện những bản này bằng làn hơi thật đặc biệt như thể ông đẩy hơi lên được từ... hai bàn chân. Giờ thì có thể nghe lại những bài này qua giọng hát giải nhất dòng dân gian Sao Mai 2005, song những nhạc cụ đệm chèo, xẩm như truyền thống (trống đế, gõ, đàn tranh, sáo, nhị, bầu...) sẽ được thay bằng các nhạc cụ phương Tây (trống, piano, bass...).


Ca sĩ Tân Nhàn tìm hướng đi mới sau thời gian "chung thủy" với dòng dân gian

Dòng nhạc nào cũng có luật lệ, hệ thống niêm luật rõ ràng nhưng lại cũng có cửa mở để “liên thông” với những dòng nhạc khác - nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng lý giải vì sao anh mạnh dạn pha chèo với jazz, chuyện tưởng chừng tréo ngoe. Tiết tấu của jazz luôn phá cách trên nền tổng phổ, đặc biệt là ở phần trống, luôn luôn khó đoán trước. Trong chèo cũng vậy, tiết tấu của trống chèo bao giờ cũng khó đoán trước được, rất phức tạp. Bên cạnh đó thì chèo bao giờ cũng mang điệu tính buồn mà chữ “buồn” lại rất gần gũi với khái niệm “blues” trong nhạc jazz. Bên cạnh đó tinh thần phiêu linh, lắc lư của jazz sẽ bổ sung vào thế giới chèo tính động, để có thể đẩy nhau cùng bay lên. “Tiết tấu của chèo cực kỳ phức tạp nhưng khi quyết định hòa chèo với jazz tôi đã ngỡ ngàng nhận ra đây là một thử nghiệm thú vị cho dù hết sức gian nan”, Trần Mạnh Hùng cho biết. 

Jazz là một vùng đất màu mỡ cho hòa thanh phát triển, tạo ra những thể nghiệm mới gây tò mò và thích nơi người nghe. Ở album này tất cả đều là những bài chèo cổ và những bài xẩm nguyên gốc. Và ca sĩ Tân Nhàn sẽ thể hiện những bài này y như những nghệ sĩ hát chèo, hát xẩm ngày xưa chứ không pop hóa, biến tướng chất chèo, xẩm nguyên thủy, hoặc sử dụng giọng hát mình như một nhạc cụ, điều vẫn thường thấy ở thể loại world music. Dựa trên giọng hát của Tân Nhàn, Trần Mạnh Hùng sẽ hòa âm với những tiết tấu chèo trên nền jazz. Sự khác biệt bắt đầu ở khâu này khi toàn bộ nhạc cụ của chèo sẽ được thay bằng các nhạc cụ phương Tây. Phần hòa âm sẽ không không sử dụng bất cứ một nhạc cụ Việt Nam nào. Thay vì dùng trống chèo thì anh dùng toms (trống con), thay chuông khánh bằng cymbal (não bạt), trống cái được thay bằng trống bass... Tất cả được chơi mô phỏng tiết tấu chèo, có sửa chữa để có cả hồn chèo và có cả hồn jazz!

Album gồm 7 bài, trong số đó có nhiều bài chèo, xẩm đã đi vào kinh điển như Quân tử vu dịch, Xẩm nhị tình, Mục hạ vô nhân, Đường trường phải chiều...

Cách tân hay bảo thủ? 

Tôi muốn qua album này, những người trẻ sẽ thuộc các giai điệu chèo và ai cũng có thể hát được. Chèo mang màu sắc lúa nước còn jazz lại thuần sắc phương Tây và sự kết hợp này sẽ ra màu sắc chưa có bao giờ. Đó là tôi nghĩ vậy-Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng

Có nhiều người đã kết hợp giữa chèo và nhạc giao hưởng, chèo với world music… Năm ngoái, nhóm gõ Go Group kết hợp nhạc cụ gõ với chèo, trên sân khấu không thấy phong cảnh của chùa chiền, các nghệ nhân không trải chiếu ngồi, chỉ có những bộ áo tứ thân là còn được giữ lại nhưng nhạc cụ biểu diễn lại “đặc Tây”: marimba, snare drum, tamtam, tabla, bongo, drum set… Trần Mạnh Tuấn cũng từng kết hợp hát văn, hát xẩm với saxophone thổi theo kiểu jazz fusion. Với album hợp tác đầu tiên giữa Trần Mạnh Hùng và Tân Nhàn, chèo và xẩm có thể xem là lần đầu kết hợp với jazz trong một dự án âm nhạc hoàn chỉnh. Và sản phẩm này khi ra mắt, không tránh khỏi nhiều nghi ngại.

 Xưa nay, chèo được xem là một loại hình âm nhạc truyền thống nguyên chất không thể bị “cải cách”. Còn nhớ tại Liên hoan sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc 2005, có rất nhiều vở chèo tham dự với một vẻ ngoài cách tân hơn bằng một ngôn ngữ mới (thơ Bác Hồ) lập tức gây ra “cuộc chiến” giữa hai phe: “giữ chèo” và “phá chèo”. Những người mê jazz cũng có tính “bảo thủ” của họ, thực tế là một số album Việt có thiên hướng jazz (Jazzy Dạ Lam) bị một số người nghe trong nước phản bác khi cho rằng jazz đó đã bị “lai”, mất đi chất nguyên thủy. Và nhìn chung thì việc phá cách trong sáng tạo luôn là con dao hai lưỡi. Trường hợp ca khúc Chiếc khăn piêu đã đưa Tùng Dương nổi đình đám trong năm 2012 là một ví dụ. Ca khúc có tuổi đời nửa thế kỷ này khi được phối mới gần như hoàn toàn đã tạo nên hiệu ứng tốt từ người nghe nhiều thế hệ. Nhưng cũng có những trường hợp ngược lại khi người cũ lắc đầu không hiểu còn người trẻ thì ngơ ngác. 

Trước những lo ngại mà người viết bài này đặt ra, nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng điềm tĩnh: “Đây là một thể nghiệm và tôi nghĩ nó cũng ẩn chứa 50% thất bại trong đó. Tôi đoán nhiều người thích nghe chèo nguyên gốc sẽ không thích chèo theo kiểu phối mới này. Thậm chí những người bảo thủ sẽ bảo rằng đó là sự phá hoại chèo. Nhưng tôi không nghĩ như vậy. Thời đại nào cũng có những làn gió mới. Ngay cả những gì mà chúng ta nghe được ở sân đình ngày nay hay tại Nhà hát Chèo Việt Nam thì đó cũng đâu phải là nguyên gốc chèo từ thời nhà Trần, nhà Lý. Trong sự chuyển động của bánh xe thời gian thì cái gì cũng có thể được làm lại trong một không gian mới, luôn luôn là như vậy. Tôi cũng không nghĩ sản phẩm này là phương cách tốt nhất để giữ gìn chèo nhưng cũng là một gia vị mới để mọi người có thể nếm vị chèo, mở rộng biên độ người nghe nhiều hơn và không biết chừng có những người khi nghe xong đĩa này sẽ tìm đến với chèo nguyên thủy”. Nhạc sĩ cũng nhấn mạnh rằng, theo anh, một tác phẩm nghệ thuật khi ra mắt phải thỏa mãn được 3 yếu tố: được giới trong nghề công nhận, phải có tính đương đại và phải chú ý tới giới trẻ. 

Hy vọng sản phẩm mới của Trần Mạnh Hùng - Tân Nhàn, dù mang tính thể nghiệm cũng sẽ được đón nhận ở khắp nơi, để chèo còn lan tỏa, để còn đẫm tinh thần “Say trong khúc nhạc vang ngân điệu chèo”. 

(Nguồn: thethaovanhoa.vn)

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...