Khi bác sĩ chơi nhạc
Một năm đôi lần, các thành viên của dàn nhạc độc đáo, World Doctors Orchestra - Dàn nhạc Bác sĩ Thế giới, lại trút bỏ màu áo trắng bác sĩ để khoác lên mình những bộ y phục dạ hội trang trọng; và, dưới bàn tay chỉ đạo của chuyên gia nội khoa kiêm nhạc trưởng Stefan Willich, các nhạc công - bác sĩ từ khắp nơi hội tụ này lại biểu biễn các buổi hòa nhạc từ thiện.
Các bác sĩ-nhạc công của World Doctors Orchestra
Sự ra đời
Người khai sinh ra dàn nhạc thập phương này là bác sĩ Stefan Willich làm việc tại Berlin, Đức. Vốn là một người yêu âm nhạc từ nhỏ, cậu bé Willich đã theo học đàn violin, rồi piano, và học cả cách chỉ huy dàn nhạc. Thậm chí sau khi tốt nghiệp trung học, Willich còn định học chuyên sâu về âm nhạc; nhưng rồi cậu chợt nhận ra: “Nếu phải học nhạc hằng ngày thì mình sẽ đánh mất tình yêu dành cho nó mất!” Vì vậy Willich chuyển sang theo học ngành y.
Nhiều năm sau, trong vai trò bác sĩ nội khoa tại bệnh viện Charite tại Berlin, Willich để ý thấy nhiều đồng nghiệp của mình có sở thích chơi nhạc những lúc rảnh rỗi. Và đây là cơ sở để ra đời một dàn nhạc của riêng các bác sĩ năm 2007. Nhưng khát vọng của ông còn vươn xa hơn cả thành phố Berlin quê hương: Willich muốn thành lập một nhóm nhạc nghiệp dư gồm các bác sĩ hội tụ từ khắp nơi trên thế giới.
Sau khi thông tin thành lập dàn nhạc được đăng tải trên các tạp chí y khoa, 100 bác sĩ đã lập tức đăng ký tham gia, và năm năm sau, con số này đã lên tới 600 người. Dàn nhạc Bác sĩ Thế giới công diễn lần đầu năm 2008 tại thính phòng Philharmonie ở Berlin. Trong các năm tiếp theo, từ 2009 tới 2012, dàn nhạc đã biểu diễn tại nhiều buổi hòa nhạc nổi tiếng trên khắp nước Mỹ, Armenia, Trung Quốc, và Nam Phi. Riêng tại Berlin, “sân nhà” của dàn nhạc, gần như năm nào họ cũng tổ chức một buổi hòa nhạc từ thiện.
Các nhạc công của nhạc trưởng Stefan Willich lấy từ thiện làm mục tiêu hàng đầu. Một phần số tiền thu được từ các buổi hòa nhạc được dùng để ủng hộ các dự án quốc tế và khu vực. Ngoài ra, dàn nhạc cũng khuyến khích thính giả quyên tiền để cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe tại các quốc gia đang phát triển.
Dàn nhạc hiện có 700 thành viên đến từ hơn 40 quốc gia, trong đó khoảng 20% đến từ Đức.
Những thách thức
Điều hành một ban nhạc với các thành viên nằm rải rác ở khắp nơi trên thế giới quả là một kỳ công về mặt lập kế hoạch và chuẩn bị.
Stefan Willich cho hay: “Các nhạc công được thông báo trước về thời gian và tác phẩm trình diễn. Chúng tôi gửi bảng tổng phổ cho họ trước đó hàng tuần, thậm chí hàng tháng, vì thế mà dù ở châu Á, châu Âu, hay Mỹ, thì các thành viên ban nhạc vẫn có thể tự tập luyện được.”
Sau đó, các thành viên tham gia sẽ họp nhau tại thành phố sẽ tổ chức buổi hòa nhạc. Thường thì họ chỉ có đôi ba ngày luyện tập cùng nhau. Tuy nhiên, theo lời vị nhạc trưởng cho biết thì đây không phải là vấn đề, bởi: “Bác sĩ vốn quen làm việc vất vả rồi. Mà vì chúng tôi ai cũng một lòng yêu âm nhạc, nên các buổi diễn tập với chúng tôi không hề nặng nhọc gì.”
Khoảng thời gian ba ngày không đủ cho các thành viên tập luyện những tác phẩm như bản giao hưởng số 7 của Bruckner hay bản giao hưởng số 9 của Beethoven, nhưng công việc của một bác sỹ đã giúp họ chuẩn bị cho buổi biểu diễn một cách tốt nhất. Trong quá trình chuẩn bị đầy cập rập này, y học hiếm khi trở thành đề tài chuyện gẫu của họ.
“Chúng tôi thường đến đó vào thứ tư, bắt đầu tập luyện vào thứ năm và chúng tôi phải trình diễn với mức độ cao nhất vào ngày chủ nhật trong những thính phòng hàng đầu thế giới trước những khán giả sành sỏi”, TS Jonathan H. Lass, giám đốc University Hospital Eye Institute (Mỹ), cho biết. “Lúc đó chúng tôi thường phải tập trung tuyệt đối vào âm nhạc, nhưng vì là bác sĩ nên chúng tôi đã quen làm việc dưới áp lực”. Công việc bác sỹ cũng giúp cho các thành viên cách làm việc theo nhóm để có thể biểu diễn những kiệt tác, ông cho biết thêm.
Âm nhạc và y học
Thái độ không nề hà vất vả của các bác sĩ không phải là lý do duy nhất khiến Stefan Willich cho rằng họ phù hợp với vai trò một dàn nhạc tình nguyện. Theo ông, âm nhạc và y học còn có những cấu trúc rất tinh tế.
“Trong âm nhạc, ta có các tác phẩm. Trong y học, ta có các môn khoa học tự nhiên. Nhưng dù trong âm nhạc hay y học, ta cũng phải tận tụy dâng hiến những cảm xúc, những chủ kiến, những đam mê của mình cho nó”, ông nói. Ngoài ra, theo ông, âm nhạc còn giúp con người thư thái hơn lúc ốm đau hay khi phải đối diện với cái chết.
Stefan Willich cho rằng âm nhạc trị liệu là điểm giao thoa kỳ diệu giữa âm nhạc và y học. Dù rằng hình thức trị liệu này vẫn thường bị giới y học hiện đại bỏ qua, song nó đang dần được hồi sinh. Willich đưa ra hai ví dụ minh chứng cho sức mạnh trị bệnh của âm nhạc: “Âm nhạc có thể hạ thấp huyết áp, và những người mắc chứng tâm thần phân liệt có thể qua âm nhạc mà duy trì mối liên hệ với thế giới bên ngoài lâu hơn, ngay cả sau khi họ đã mất khả năng sử dụng ngôn ngữ.”
Các vị bác sĩ – nhạc công đã coi đó là những lập luận hùng hồn cho sự tồn tại của âm nhạc trị liệu trong ngành y học đương đại.
Tham gia Beethoven Festival năm 2013, Dàn nhạc Bác sĩ Thế giới cũng có buổi trình diễn thiện nguyện tại Bonn, theo đó một phần doanh thu của buổi nhạc sẽ được chuyển vào một dự án có tên “Các bác sĩ vì châu Phi” do các nha sĩ người Đức thành lập. Số tiền quyên góp được cũng dành để hỗ trợ khoa nhi, tại bệnh viện thuộc Trường Đại học Bonn.
Sau sáu năm thành lập, đến nay World Doctors Orchestra đã có 10 buổi hòa nhạc tại những phòng hòa nhạc nổi tiếng thế giới, và đôi khi chơi cùng với các nghệ sỹ sở tại, chẳng hạn như với dàn hợp xướng Berlin Philharmonic Choir năm 2010 và với đội hợp xướng National Philharmonic Chorale tại lễ tưởng niệm sự kiện 11-9 ở Washington năm 2011. Dàn nhạc cũng từng biểu diễn với những nghệ sỹ nổi tiếng như ca sỹ opera người Canada Donna Brown hay ca sĩ người Đức Jochen Kowalski. Năm 2013, dàn nhạc có hai buổi biểu diễn đáng nhớ tại Đức và Áo. Với chương trình ở Vienna, Áo, diễn ra ngày 7-6 tại phòng hòa nhạc Vienna Stephansdom, dàn nhạc đã biểu diễn hai tác phẩm của Franz Schubert - Mass cung Mi giáng trưởng và Giao hưởng số 7 Die Unvollendete (Chưa hoàn thành). Buổi hòa nhạc diễn ra ở Bonn, Đức, vào ngày 17 và 18-9 trong khuôn khổ Beethoven Festival, gồm chùm tác phẩm của các nhà soạn nhạc nổi tiếng - Ouverture Coriolan op. 62, Tod und Verklärung, op. 24 của Richard Strauss; các aria và duet của Händel, Gluck, Purcell, Rossini, J. Strauss, Glinka; cùng những tác phẩm chuyển soạn từ các ca khúc jazz. |
(Nguồn: http://www.tiasang.com.vn)