Khi âm nhạc tắt tiếng…
Đám thính giả ngồi chật trong nhà thờ nổi tiếng Presbyterian ở New York (Mỹ). Dàn nhạc gồm 70 người, vừa nhạc trưởng, vừa nhạc công, vừa đồng ca, chuẩn bị chơi lại một tác phẩm rất cũ mang tên Monotone Symphony (Bản giao hưởng đơn điệu).
Đúng như tên gọi, trong 20 phút liên tục dàn nhạc và đồng ca chỉ có nhiệm vụ duy nhất là phát ra âm thanh của hợp âm Rê trưởng. Nhạc trưởng người Thụy Sỹ, Roland Dahinden mở đầu bằng việc vung chiếc đũa, như thể nhấn nút “play” của chiếc máy quay đĩa. Tất cả hòa vào nhau tạo ra một thứ âm thanh như kèn túi, có người cho rằng đó là tiếng muỗi bay trong đêm được khuyếch đại, có người đoan chắc những âm thanh này rất giống với tác phẩm của nhà soạn nhạc Philip Glass có cái tên khá ấn tượng, 1000 chiếc phi cơ trên mái nhà. Trong khi âm thanh đang phát ra, một số người lấy iPad ra quay, một số chỉ trỏ và cũng có một số không nhỏ làm luôn một giấc ngon lành. Có lẽ ở tần số âm thanh phát ra, có điều gì đó gần giống như một bài ru của mẹ.
Đúng 20 phút chính xác như một chiếc đồng hồ Thụy Sỹ, nhạc trưởng người Thụy Sỹ lại vung đũa, lần này âm thanh im bặt. Trong không gian mọi thứ âm thanh đột ngột được tắt hết, phần tiếp theo sẽ là 20 phút của thinh không. Khi âm nhạc tắt đi, sẽ có gì đó vang lại. 20 phút của trầm tưởng, thiền, suy nghĩ, trải nghiệm. Khán phòng im phăng phắc, một số người đang ngủ, đã bắt đầu tỉnh dậy. New York ít khi nào im lặng đến thế.
Tay kéo cello của dàn nhạc New York, David H. Heiss, người cũng chơi trong chương trình này bình luận rằng ông sống ở New York đủ lâu để cảm nhận được tiếng ồn thân quen đến mức nào vậy mà giờ đây ông cảm thấy trong tiếng ồn có cả độ sâu. “Khi nhạc trưởng vung đũa kết thúc phần âm thanh tôi nghĩ chắc mình mới chỉ chơi chừng 10 phút. Nhưng khi phần tĩnh lặng bắt đầu và kéo dài 20 phút, tôi đã trải qua cảm giác mình đã im lặng đến mấy tiếng đồng hồ”.
Nguyên thủy của tác phẩm này còn có màn của 3 cô gái khỏa thân sơn xanh trên mình và vẽ bằng cơ thể trên giấy. Nhưng màn ấy đã không xuất hiện lại ở New York. Ngày xưa, tác phẩm được vẽ bằng cơ thể ấy đã từng bán được ở đấu giá vài triệu USD.
Monotone Symphony là tác phẩm của nghệ sỹ quá cố người Pháp Yves Klein ra đời vào năm 1949 với ý tưởng cốt yếu là một bản giao hưởng tối giản kết hợp với sự yên lặng. Những tác phẩm của ông luôn đi xa hơn thời đại và cũng thật ngạc nhiên, như tác phẩm này, đến bây giờ mới được nghe (chứ không phải nghe nói) lần đầu tiên tại Mỹ. Yves Klein là người đưa ra khái niệm “kiến trúc của không khí” và đi kèm với nó là các màn trình diễn “nhân học” để tạo thị giác.
Nhưng tại sao lại là 20 phút? Nhạc trưởng Roland Dahinden cũng không hiểu lắm nhưng ông đã diễn tác phẩm này 4 lần ở châu Âu và lần nào thính giả cũng sốc. Có lẽ 20 phút là cực hạn của chịu đựng?
Điều này cũng chưa hẳn, bởi trong danh sách các tác phẩm âm nhạc được xem là kỳ quái, kinh dị, lạ lùng “nhưng đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong nền âm nhạc đương đại” thì người Mỹ không phải không có những tác phẩm còn ghê gớm hơn thế này. Nhà soạn nhạc Morton Feldman đã từng soạn ra một tác phẩm cho ngũ tấu dây chơi liên tục trong 6 giờ không nghỉ với giai điệu được nhai đi nhai lại rền rĩ. Mới nghe như báo hiệu sự dồn dập của âm thanh, nhưng càng nghe, giai điệu cứ lặp lại đến nỗi có người cho rằng nếu muốn bị hóa điên thì hãy ngồi nghe cho hết. Nhưng có những người lại sung sướng tự nhận rằng họ đã có một cuộc hành trình tâm tưởng hết sức thú vị trong tiếng động của dàn dây suốt 6 giờ liên tục ấy.
Người Mỹ từng tự hào có một tác phẩm để đời cho nhân loại. Đó là tác phẩm 4’33’’ (đọc là Bốn phút ba mươi ba hoặc bốn ba ba, ra đời 1952) của John Cage. John Cage sáng tác tác phẩm này cho nhiều nhạc cụ. Cách chơi rất đơn giản. Dàn nhạc lên sân khấu ngồi im đúng 4 phút 33 giây, xong đi về. Không có một thứ âm thanh nhạc cụ nào được tấu lên. Nhưng trong suốt thời gian trình diễn, âm thanh từ máy lạnh nhà hát, từ tiếng húng hắng ho hàng ghế khán giả hoặc tiếng ghế bật lên cho đến tiếng duỗi chân, tiếng lật trang tổng phổ… tất cả tạo nên một sự định nghĩa thế nào là âm thanh. Có người gọi John Cage là gã tâm thần, nhưng phần nhiều khác gọi ông là thiên tài. Không có một sự yên tĩnh nào là hoàn hảo, tiếng ồn, tiếng động là một phần của cuộc sống.
Sau này, nhạc sĩ Mike Batt người Anh cũng làm một tác phẩm gần như tương tự, tuy sự im lặng trong tác phẩm của ông chỉ kéo dài hơn một phút nhưng ông lại ghi chú rằng “của John Cage”. Đáp lại, “sự im lặng” cũng cất tiếng, John Cage kiện Mike Batt ra tòa và thắng kiện với số tiền bồi thường lên đến vài trăm ngàn USD.
Sự thành công của Monotone Symphony trên đất Mỹ đang chỉ ra rằng nước Mỹ cũng cần yên ắng hơn. Tay phêbình Randy Kennedy viết trên tờ New York Times cho rằng khi một âm thanh tắt đi sẽ “vang” điều gì đó trong đầu bạn. Trong tiếng ồn của New York, cần phải có lúc lắng nghe thêm độ sâu của nó, “đó là lúc mà bạn cần phải yên ắng”.
(Nguồn: http://thethaovanhoa.vn)