Khảo sát vài nét về các điệu lý ở Tây Ninh

16/04/2014

Tây Ninh là một tỉnh ở miền Đông Nam Bộ. Tây Ninh nằm ở vị trí cầu nối giữa thành phố Hồ Chí Minh và thủ đô Phnôm Pênh vương quốc Campuchia và là một trong những tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Từ đầu năm 2014 thị xã Tây Ninh đã được công nhận là thành phố Tây Ninh nằm cách t khoảng 99 km theo đường quốc lộ 22, cách biên giới Campuchia 40 km về phía Tây Bắc.

Ngày xưa Tây Ninh vẫn thuộc phần lãnh thổ của tỉnh Gia Định. Lúc đó tỉnh Tây Ninh gồm hai vùng đất chính là Tây Ninh và Gò Dầu. Điểm đặc biệt của vùng đất Tây Ninh là có vô số cây bàng lác, là loại cây chuyên dùng làm bao xách hay làm đệm. Còn Gò Dầu là vùng đất cao có vô số cây dầu mà người dân dùng để đốt làm đèn.


Nhạc sĩ Nguyễn Quốc Đông (photo: Nguyễn Thị Minh Châu)

Tây Ninh từ thời xưa vốn là một vùng đất thuộc Thủy Chân Lạp, với tên gọi là Romdum Ray, có nghĩa là "Chuồng Voi" vì nơi đây chỉ có rừng rậm với muôn thú dữ như cọp, voi, beo, rắn... cư ngụ. Những người thổ dân ở đây sống rất thiếu thốn, cơ cực cho đến khi người Việt đến khai hoang thì vùng đất này mới trở nên phát triển.

Về mặt văn hóa Tây Ninh có những bài thơ, bài hát một thời vang bóng. Bài thơ: Tha La xóm đạo – Vũ Anh Khanh được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc như Dzũng Chinh, Sơn Thảo (Hận Tha La)…); Mưa đêm nay của Trường Anh – nhạc sĩ Anh Việt Thu phổ nhạc. Tây Ninh có các nhà thơ Từ Trẫm Lệ, Thanh Việt Thanh, nhà văn - nhà nghiên cứu văn học Thẩm Thệ Hà, nhạc sĩ Xuân Hồng (với bài Xuân chiến khu, Tiếng chài trên sóc BomBo…), nhạc sĩ Trương Quốc Khánh (với bài Tự nguyện )…

Về dân ca các dân tộc ở Tây Ninh có: dân ca Chăm, Tà Mun và Khmer. Dân ca Chăm và Tà Mun phần lớn là những bài tự sự, thích hợp lối hát một mình, do đó các bài dân ca cũng dễ bị mai một đi nếu nghệ nhân hát dân ca qua đời mà không có người kế thừa. Dân ca Khmer chủ yếu là song ca nam nữ có tính chất giao duyên. Và nếu người Chăm, người Tà Mun quen hát không nhạc đệm thì người Khmer lại thường hát với dàn nhạc đệm, có kết hợp múa.

Dân ca Khmer hầu hết là các bài Rom Vuông (Lâm Thôn - múa đôi hoặc múa vòng tròn) Vì thế, các bài dân ca Khmer dễ lưu giữ hơn, do khi diễn xướng có nhiều người cùng tham gia nên được nhiều người cùng nhớ.

Chúng ta biết Lý là những khúc hát bình dân, thịnh hành của dân tộc Việt, thể hiện sâu sát mọi đề tài, mọi trạng thái tình cảm, ước mơ của người dân, mọi hiện tượng trong cuộc sống, đặc thù của hát lý là hát bắt nhịp, giọng cao giọng thấp, lặp đi lặp lại. Điệu lý đặc biệt phát triển ở Trung Bộ và Nam Bộ. Đặc thù ở Tây Ninh còn có điệu hò huê tình ở vùng Phước Chỉ Trảng Bàng. Cho đến nay, dân ca Tây Ninh hiện còn lưu giữ được 419 bài. Trong đó, dân ca tộc Việt: 282 bài, dân ca tộc người thiểu số (Khmer, Chăm và nhóm người Tà Mun) 137 bài, lý có khoảng 144 bài. Các điệu lý đa số lấy từ nguồn ca dao phong phú. Ca dao Tây Ninh rất nhiều đề tài quen thuộc như cảnh vật, tình người, địa danh, những đặc sản tiêu biểu địa phương. Có thể điểm qua một số câu ca dao tiêu biểu như:

+ Về danh lam thắng cảnh,đặc sản quê hương như:

-Tây Ninh danh thắng Núi Bà
Uy linh trời tạc một tòa nên thơ

-Trảng Bàng nổi tiếng xưa nay
Gia Huỳnh trồng cải,Bàu Mây lập vườn.

- Thanh Điền gạo trắng, nước trong
Nổi danh rau rút cua đồng nấu chua

+ Về tâm tình,tình cảm đôi lứa:

- Em giã bàng đươn đệm cho siêng
Để anh lên Núi cầu duyên chúng mình

- Hỡi cô em gái đô thành
Có đi viếng núi quê anh thì về
Núi Bà cây phủ mây che
Em đến em về đừng lạc lối nghe em

- Em có chồng về xứ Bến Cầu
Để anh ở lại mang sầu trong tim

+ Về tinh thần chống quân xâm lược:

Bao giờ lúa trổ bông năn
Rừng Tân Biên hết lá ta mới hàng giặc Tây

- Ai ơi, về tới miền Đông
Ghé vào đất Trảng mà trông anh tài
Đánh Pháp Pháp đã chạy dài
Đánh Mỹ, Mỹ phải cút ngay xuống tàu.

- Ai về có biết Thanh Điền,
Đàn bà, con nít, thiếu niên anh hùng

Cách đặt tên điệu lý Tây Ninh cũng như cách đặt tên các điệu lý Nam Bộ,thông thường có những cách đặt như sau:

+ Đặt tên từ một số từ đầu của câu hát như Lý bìm bịp, lý con sáo, lý dây bầu, lý cùm nụm, lý cá rô mề, lý bên kia…

+ Đặt tên theo tiếng đệm lót hoặc tiếng láy đưa hơi như: lý oa tu hỡi, lý tìm nàng, lý quê chồng…

+ Đặt tên theo hành động, động tác hay nội dung câu chuyên như các điệu lý: lý kéo đờn, lý con chuột, lý sáng trăng, lý tình, lý đĩa xôi…

Hát lý được phân biệt với hò vì không gắn liền với một động tác lao động hay giao duyên. Lý cũng có nhạc tính cố định hơn hò, câu hát đều đặn, trong khi hò có thể thêm câu dài câu ngắn, tùy người hát. Điệu lý Tây Ninh có tự bao giờ chưa ai dám khẳng định. Người tứ xứ về Tây Ninh mở đất, dựng quê, và những câu hát dân ca cũng hình thành giống như bao nhiêu nét văn hoá riêng của mình. Không ngạc nhiên khi có người nói: trong các làn điệu dân ca của Tây Ninh có cả bóng dáng của những câu ca của cả ba miền đất nước. Nhưng những năm tháng mở đất ở Tây Ninh, người Tây Ninh cũng có những cách thể hiện nỗi lòng mình qua những làm điệu dân ca của riêng xứ sở Tây Ninh. Các điệu hò lý Tây Ninh cũng mới được phát hiện kí âm sau nầy không thể so sánh với các điệu lý nổi tiếng ăn sâu vào tâm khảm người nghe như: Lý cái mơn, lý kéo chài, lý cây đa, lý con sáo, lý mười thương, lý chiều chiều…, nhưng lý Tây Ninh vẫn có những đặc thù riêng.

Trường hợp thứ nhất điển hình là những bài liên quan đến địa danh của miền đất Tây Ninh, nên không thể lẫn vào đâu được. Như bài "Lý quê chồng": “Qua vàm Rạch Gốc/ tới cái hóc Miễu Bà Thủy Long/ ơ… / Qua luôn đất giồng là giồng cái Ông Quan Cựu/ rồi mới tới cái quê chồng là tới cái quê chồng của tui”.

Đấy là bài lý kể về quê chồng của cô gái quê miền đất Ngũ Long ở huyện Bến Cầu. Quê chồng ấy là miền đất các xã Long Thành Nam hoặc Trường Đông,Trường Tây của huyện Hòa Thành. Ngày nay, vẫn còn bập bềnh những bến sông quê ven sông Vàm Cỏ Đông như Bến Đình. Ta có thể theo một chuyến đò máy sang sông, để qua Long Giang hay Long Vĩnh thăm lại một tuyến đường xuồng những cô dâu thời trước đã đi qua.

Trong bản "Lý tìm nàng" cũng nhờ có những địa danh mà có thể khẳng định ngay, nó sinh ra từ miền nào: “Qua Sân cu, ơ rường ơ/ mới tới miễu ông Tà/ ơ rường ơ/ lên đây rồi mới gặp/ ơ rường ơ cửa nhà em ở Bàu Năng/ ơ rường ơ phải qua Ninh Hiệp/ ơ rường ơ mới đặng gặp nàng, ơ rường ơ…”.

Đây lại là tâm trạng của chàng trai trên đường tìm tới quê cô gái mà mình thầm yêu trộm nhớ. Sân Cu, miễu ông Tà là những địa danh ở Tây Ninh. Bây giờ đường xá đến Sân Cu đã mở mang tốt đẹp, nhưng những ai ở xứ này đều biết, ngày xưa đây giống như một ốc đảo hoang vu rừng rậm có nhiều thú dữ.

Bài Lý oa tu hỡi nói lên tâm trạng sâu lắng người con nhớ cha mẹ, một hình ảnh gia đình thân thương: “Mặt mẹ hiền dịu ơ rường ơi oa tu hỡi mà nhớ quá mắt cha nhăn nhó ờ ơ…”.

Tây Ninh cũng có điệu Lý bìm bịp: tiết tấu chậm như lời than van trách móc ai đó như là người phụ nữ sang ngang để lại đàn con thơ dại: “Bìm bịp kêu đỏ quá à ôi, dõi sao lấy chồng bỏ trẻ bên sông… thương cho tròn con bìm bịp kêu, thương cho tròn con bìm bịp kêu…”.

Bài nầy khác với điệu lý bìm bịp thông dụng:

Chiều chiều ra đứng bờ sông nghe bìm bịp kêu,
Sao thương ai nức nỡ trong lòng,
Để con đò chiều vỗ bến tình liêu,
Mà gời đây nước trôi qua cầu,
Em bước theo chồng xa rời tình anh,
Xa mái tranh nghèo xa hàng dừa xanh.

Và chúng ta hãy nghe một bài Lý ngựa ô của Tây Ninh tiết tấu sôi động, vui tươi, dí dỏm: “Ngựa ô anh không thắng thắng cái lá kiệu vàng ruông xã rường ơi… anh đeo khớp bạc lục lạc tòng teng anh giậm búp sen dây cương dậm thắng tình ông tang tính tính ông tang tình. Đó mà ham vui thua con cá bóng kềm nó lội ra khơi ….. Bài nầy có biến tấu so với Lý ngựa ô thịnh hành, lại có thêm hình tượng con cá bóng kiềm dí dỏm thay vì Lý ngựa ô truyền thống có con ngựa đủ bộ mã đẹp để anh đưa nàng về dinh thì đây chỉ là anh chàng cưỡi ngựa ham vui mà thôi, đó là sự sáng tạo tưởng tượng của giới bình dân mang rõ nét đặc thù Nam Bộ)

Có thể nghe thêm bài Lý dây bầu với giai điệu khá mượt mà tươi vui mạch lạc, dựa vào hình tượng dây bầu mà nói đến tình yêu lứa đôi: “Bầu lên dây bầu mới tượng hình nhờ cái dây tang tình nở nhụy ơi rường ơi..là tang ý a tang tình đôi mà xứng đôi, đôi mà xứng đôi”.

Bài Lý bên kia của vùng Trảng Bàng thì mang tính tự sự với giọng hố khoan nói lên tâm tình người phụ nữ có chồng đi học ở Sài Gòn: “ Ngó qua bên kia chợ thì thôi hố khoan. Bên nầy chơ ơi Bàng Trảng Bàng, bên nầy chợ ơi Bàng Trảng Bàng.Chồng tôi đi học thì thôi hố khoan,đi thì đi học ở Gòn Sài Gòn….”

Bài Lý cùm nụm như một khúc đồng dao vui tươi, một trò chơi của trẻ thơ ngày xưa: “Cùm nụm cùm niệu tay tí tay tiên đồng tiền chiếc đũa,hột lúa ba bông í…. ẹ… nè rớt… lượm (nè) Tay tí (ớ) tay cùm nụm tay tí (ớ) tay cùm nụm….”.

Và bài Lý bông đậu giai điệu rất sảng khoái vui tươi, thể hiện một câu đố bình dân trong sinh hoạt hằng ngày của người dân lao động: “Cái cây xanh xanh/ cái lá xanh xanh/ thơm bông trên nhành/ trái tròn trong đất/ ớ ơ ờ ơ…./ mà bông vàng rực/ nó đậu trên nhành/ là bậu đố anh,/là bậu đố anh/…..”.

Nhìn chung lý Tây Ninh khá đơn giản dễ ca, lời lẽ bình dân, chân tình và vui tươi, một số bài mang tính chất dí dỏm đó cũng là nét đặc thù của phong cách Nam Bộ.

Phần nhiều trong các bài dân ca của Tây Ninh đã sưu tầm được trĩu nặng tâm trạng hay gửi gắm tình yêu đối lứa, tình người trong lao động. Những nét riêng chỉ có thể nhận ra qua cách sử dụng từ ngữ có lúc còn thô mộc, đôi khi cũng trau chuốt đẹp lời đầy ý vị. Nhưng tất cả đều là những ngôn ngữ xuất xứ từ lao động chân tay, thiệt thà như củ khoai, hạt lúa quê nhà.

Đúng như câu tục ngữ dân gian từng nói: “Nam lý, Bắc thơ, Huế hò ”, một thời hát lý từng được thế nhân coi là một thể loại dân ca trội bật ở miền Nam. Lý Nam Bộ có sức cuốn hút mãnh liệt đến mức dân gian đã truyền lại câu nầy:

Con cua quậy ở dưới hang,
Nó nghe giọng lý kềnh càng bò lên!
(Lý con cua quậy)

Rõ ràng Nam Bộ không chỉ đã kế thừa cái vốn văn hóa cổ truyền có cội nguồn từ miền Bắc mà còn phát triển mạnh mẽ, làm tôn vinh cái vốn chung của dân tộc.

Trước sự phát triển ào ạt của dòng nhạc thị trường hiện nay và tình hình ngày càng mất dần đi lớp nghệ nhân lớn tuổi - có nguy cơ làm đứt nối mạch chảy từ xa xưa của dòng dân ca dân tộc, việc sưu tầm và lưu giữ, bảo vệ nguồn tài sản tinh thần quý giá những điệu lý Tây Ninh này đang là vấn đề cấp thiết đáng để quan tâm. Chúng tôi hy vọng trong thời gian sắp tới sẽ có nhiều điệu lý Tây Ninh lan tỏa đi khắp nơi do các nhạc sỹ sáng tác và tạo nên phong phú cho nền văn hóa miền Đông Nam Bộ.

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...