Khan hiếm "tiếng người"?

14/01/2014

Buổi ra mắt album của một nữ ca sỹ dòng nhạc hàn lâm, rất đông vui, rất hoành tráng và cũng không kém phần ấm cúng. Cô cùng nhiều đồng nghiệp của mình, rất hào hứng dành tặng cử tọa các khúc tráng ca oai hùng, da diết. Khỏi phải nói sự xao xuyến đã lan tỏa thế nào, những ý đẹp lời hay đã tràn theo từng tràng vỗ tay tưởng mãi không ngừng, cho tới khi một vị nhạc sỹ trọng trách đầy mình, sau những tụng ca dành cho cô đã bồi hồi phát biểu rằng: "Tiếc quá, tôi mà được biết trước, tôi sẽ trực tiếp đàn cho em hát một bài. Phải hát bằng tiếng người nó mới hay".

Choáng. Hóa ra ở nhiều nơi trong nhiều lúc, vì nhiều hoàn cảnh khác nhau, các ca sỹ thay vì hát tiếng… người đã thi nhau thế thân bằng máy. Dù có hoàn hảo được hỗ trợ kỹ thuật chỉn chu đến đâu, thì cảm xúc của tiếng máy chắc chắn cũng khó lòng so đọ được với tiếng người. Chả vậy, khi vị nhạc sỹ kia ngồi vào piano đàn cho cô ca sỹ hát một bài ca đi cùng năm tháng, con tim của nhiều người nghe đã nghẹn thắt, cả gai ốc cũng làm tê lạnh sống lưng của không ít người.

Trong cuộc sống bây giờ, dường như người ta đang dần tiết kiệm cả tiếng người. Thế nên câu chuyện một nữ tiến sỹ đúng lúc tột cùng đau đớn khi chồng đột ngột qua đời, đã tỉnh táo trữ đông tinh trùng của chồng, để bốn năm sau lúc đoạn tang, làm một ca thụ tinh ống nghiệm cho ra đời hai bé trai sinh đôi vô cùng đáng yêu…, mới khiến đông đảo các cá nhân đồng cảm đến vậy.


Minh họa của Lê Tiến Vượng.

Cuộc sống đương thời đang quá thiếu vắng những đoạn kết có hậu, quá khan hiếm những điều làm người bình thường ơi nước mắt? Hoặc giả truyền thông giai đoạn này mải say sưa đào xới các "luống cải", quá mải mê nhòm vào "gậm giường" của các ngôi sao "sô bít", quá bận tâm đến những đồn thổi hư hư thực thực kiểu một nữ nhi "hấp diêm" các tài xế taxi, mà quên đi những điều bình thường ấm áp.

Chẳng hiểu khi ngồi đối diện mình trước màn hình máy tính, gõ ra các dòng chữ tầm phào, man rợ, những chủ nhân - cha đẻ tinh thần của các bài báo phải nói huỵch toẹt ra là cực kỳ lá cải, có hiểu rằng, chính mình đang cực kỳ vô trách nhiệm với xã hội, hay lại âm ỉ thỏa mãn, hỉ hả đặt mình vào vị thế các anh tài xế taxi nạn nhân rồi quay cuồng "tự sướng" vì mình đã thành công trong các công đoạn "giật tít, câu viu", thu hút sự hiếu kỳ một cách bệnh hoạn.

Năm mới, thêm một vòng tuần hoàn đều đặn của thời gian, thôi chả cao sang mộng ước gì nhiều, chỉ giá như mỗi sớm mai thức dậy, lướt vào Internet, nhấp chuột vào tiêu đề các bài báo, sẽ được nghe thêm nhiều "tiếng người", được cảm thấy đời dẫu bộn bề gian khó nhưng vẫn còn đầy bao dung ấm áp…, đầy tình yêu chính lẫn sự thứ tha. Và nỗi lo "khan hiếm tiếng người" chỉ mãi là ám ảnh của các bà cô già khó tính?

(Nguồn: http://cstc.cand.com.vn)

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...