Khai thác và sử dụng chất liệu Quan họ cổ trong các bài ca mới
Dân ca quan họ Bắc Ninh là một trong số ít loại hình dân ca còn tồn tại và phát triển cho đến ngày nay. Trải qua những biến động lịch sử của thời gian và không gian, nhiều yếu tố đã tác động trực tiếp hoặc gián tiếp tới cả nội dung cũng như cách thể hiện loại hình dân ca này. Trên các diễn đàn, trong các bài viết hay các chương trình biểu diễn nghệ thuật hiện nay hay dùng song hành hai thuật ngữ: “Quan họ cổ” và “Quan họ mới”. Trước tiên chúng ta cần làm rõ khái niệm của hai thuật ngữ này.
1. Quan họ cổ được hiểu là những câu hát do các liền anh, liền chị sáng tạo, lưu truyền qua nhiều thế hệ trong tổng thể sinh hoạt văn hóa quan họ
2. Quan họ mới được hiểu là những câu hát quan họ cổ đã được sân khấu hóa dưới nhiều hình thức ca hát khác nhau. Phần lớn số câu quan họ cổ được sân khấu hóa đều là những câu có nội dung lời ca hay, bố cục âm nhạc chặt chẽ.
Sinh ra, tồn tại vào giai đoạn nền kinh tế xã hội chậm phát triển, do vậy “quan họ cổ” chỉ lưu truyền trong 49 làng quan họ thuộc hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang ngày nay. Mục đích ca hát của “Quan họ cổ” chủ yếu là giao lưu tình cảm giữa đôi bên quan họ kết bạn. Nói một cách khác, các nghệ nhân quan họ tự hát cho nhau nghe cho nên “quan họ cổ” có nhiều hình thức ca hát như: hát chúc, hát mừng, hát thờ, hát hội, hát canh… Mỗi một hình thức lại có những quy định riêng về lề lối, không gian và thời gian tổ chức ca hát Tuy nhiên, những quy định trong hình thức HÁT CANH vẫn được xem là tiêu biểu, độc đáo nhất trong các hình thức ca hát quan họ.
Khác với “quan họ cổ”, “quan họ mới” là lối ca hát trình diễn có đối tượng khán giả thưởng thức.“Quan họ mới” có thể ca hát ở bất cứ thời gian nào, không gian nào, người ca hát quan họ không phải chỉ là quần chúng không chuyên mà bao gồm cả đội ngũ những nghệ sỹ chuyên nghiệp. Bên cạnh việc cải biên những bài bản “quan họ cổ” cho phù hợp với cuộc sông hiện đại, vấn đề đặt ra cho các nhạc sĩ hiện nay là phải khai thác, sử dụng hiệu quả chất liệu những bài “quan họ cổ” trong những sáng tác âm nhạc của mình.
Về cải biên lời mới cho quan họ, đã có nhiều tác giả gặt hái được thành công trong lĩnh vực này. Có thể kể ra những cái tên tiêu biểu như: nghệ nhân Nguyễn Đức Sôi, các nhạc sĩ Hồng Thao, Dân Huyền, Đức Miêng…với những bài ca quan họ lời mới được đông đảo quần chúng mến mộ. Có thể đơn cử trường hợp rất cá biệt của Nghệ nhân Nguyễn Đức Sôi – người thày đầu tiên của Đoàn dân ca quan họ Bắc Ninh. Những bài ca quan họ như: “Ăn ở trong rừng”, “Chè mạn hảo”, “Nhớ mãi khôn nguôi” cùng hàng chục bài ca quan họ khác do cụ sáng tác đã nghiễm nhiên được ghi nhận như những bài ca quan họ cổ mà đáng lý ra phải ghi là: “Sáng tác của Nguyễn Đức Sôi “.
Một thành công thứ hai có thể kể ra đây là trường hợp của nhạc sĩ Xuân Tứ. Năm 1958, ông đã cải biên câu quan họ cổ “Chuông vàng gác cửa tam quan” trở thành bài quan họ mới có tên gọi là “Người ơi người ở đừng về”, trong đó phần phát triển ở đoạn cuối đã được nhiều nghệ sỹ thể hiện rất thành công, được thính giả trong, ngoài nước rất yêu thích và cũng thường xuyên bị giới thiệu nhầm là một bài quan họ cổ.
Trong bức thư gửi nhạc sĩ Hông Thao, nhạc sĩ Xuân Tứ viết: “Sau khi nghiên cứu kỹ toàn bài, tôi cắt bài gọn lại với yêu cầu tập trung vào nội dung chủ đề tiễn đưa, dặn dò, mong nhớ. Thấy câu đầu ”Chuông vàng gác cửa tam quan” không tập trung vào chủ đề và không cần thiết nên tôi bỏ. Vài câu nhạc tôi soạn lại cho gọn, cho nét nhạc uyển chuyển,dịu dàng hơn ( theo tôi thích ). Câu mô phỏng “người ơi người ở đừng về” lên cao với dụng ý không phải đơn thuần đề cao giọng hát, khoe giọng, mà là như khắc họa sâu thêm một bước nỗi lòng mong nhớ của người đi tiễn, người tiễn như muốn níu bạn lại mãi mãi, không rời. Mặc dầu trong lòng day dứt, song liền anh liền chị quan họ vẫn phải xa nhau, họ đành dặn dò “người ở đừng về”. Nghĩ vậy mà tôi đưa câu đó tái hiện, nâng dư vị lên cao hơn để khắc họa sâu hơn” (Trích trong tập “Dân ca quan họ Bắc Ninh” - Hồng Thao – Nhà xuất bản âm nhạc 1997 ).
Cùng với việc cải biên có ý thức những bài quan họ cổ thì đã xuất hiện việc cải biên không ý thức những bài bản quan họ được biểu hiện ở nhiều góc độ khác nhau. Khi thì biểu hiện ở cao độ, trường độ, nét nhạc, khi lại biểu hiện ở tiết tấu, khuôn nhịp, âm đệm, bố cục… Song có lẽ chính việc sử dụng nhạc cụ đệm cho ca hát ở những hình thức khác nhau đã tác động trực tiếp , mạnh mẽ nhất đến việc cải biên bài bản quan họ cổ. Do tác động của nhạc đệm, ở một số bài bản quan họ đã bị cứng hóa cao độ theo trường phái bình quân luật.Ví dụ như ở bài “Gọi đò” (Thị Cầu), hay bài “Con nhện giăng mùng” nhạc sĩ Hông Thao ghi âm giọng hát của nghệ nhân và ký âm lại, ở ô nhịp thứ 3,4,5 có cao độ tương ứng trên nửa cung, nhưng khi được sân khấu hóa, các thế hệ nghệ sỹ của Đoàn Dân ca quan họ Bắc Ninh cũng như hầu hết các diễn viên quần chúng hiện nay đều hát với cao độ tương ứng nửa cung. Về trường độ, các âm cuối câu, cuối đoạn trong quan họ cổ thường kéo dài, hầu hết thường sử dụng nhiều loại nhịp kết hợp như 2/4, 3/4, còn với các bài bản phối cho quan họ mới hiện nay lại chủ yếu sử dụng một loại nhịp: 2/4 hoặc 4/4.
Bên cạnh việc cải biên những bài ca quan họ cổ thì mảng sáng tác ca khúc mang âm hưởng dân ca quan họ cũng đã được nhiều nhạc sĩ thể hiện thành công: Phó Đức Phương với “Những cô gái quan họ”, Ngọc Lĩnh với “Một thoáng sông Cầu”, “Câu quan họ người ơi”, Đức Miêng với “Nón ba tầm”, “Gửi về quan họ”, Nguyễn Trung với “Tìm trong chiều Hội Lim”, “Hội Diềm”, Trọng Tĩnh với “Khúc giao duyên”v..v.. Đặc biệt phải kể đến là ca khúc nghệ thuật “Dòng trăng lúng liếng” của nhạc sĩ Ngô Quốc Tính. Với ca từ súc tích, triết lý sâu xa, giai điệu mang âm hưởng dân ca rõ rệt được trình bày theo cách hát AKABENLA ( không nhạc đệm) rất gần với lối hát của quan họ cổ, ca khúc “Dòng trăng lúng liếng “ đã góp phần mang lại giải thưởng nhà nước năm 2012 cho nhạc sĩ Ngô Quốc Tính.
Tiếc rằng những ca khúc nghệ thuật như “Dòng trăng lúng liếng” vẫn chưa có nhiều. Trên thực tế, đại đa số những thành công của các ca khúc mang âm hưởng dân ca nói chung và quan họ nói riêng hiện nay đều luôn gắn với sự hỗ trợ đắc lực của phần phối khí cho nhạc đệm. Nếu quan sát một số loại hình nghệ thuật truyền thông như: Tuồng, chèo, cải lương, nhã nhạc cung đình Huế, ta thấy các loại hình trên đã có cả một quá trình kéo dài hình thành và phát triển, do vậy đã có phong cách riêng, còn với phối khí cho quan họ thì lại là một vấn đề hoàn toàn mới. Nhiều nhạc sĩ hiện nay vẫn chọn lối viết tổng hợp, nghiêng theo hướng lấy tiết tấu làm chủ đạo. Lối viết này ưu việt hơn cả, bởi trước hết có thể tiếp thu được nhiều thủ pháp nghệ thuật hay, phù hợp với dân ca quan họ, tạo ra được sự tương phản, làm cho giai điệu lời ca mượt mà, sống động hơn.Lối viết này còn có thể giảm được biên chế dàn nhạc cho gọn nhẹ, phù hợp với cơ chế thị trường, tuy nhiên vẫn bộc lộ những điểm yếu như: Phần nền hòa thanh còn quá mỏng, màu sắc giai điệu nghèo nàn, các cây giai điệu còn nặng nề về tòng hát, đôi khi những âm đồng thanh, đồng màu còn làm nhòe lời ca, làm mất đi những luyến láy, nhấn nảy tinh tế của giai điệu dân ca quan họ. Nhiều nhạc sĩ phối khí còn lạm dụng hòa thanh chiều dọc châu Âu, chưa phát huy được lối viết hòa thanh chiều ngang truyền thống. Về tiết tấu, tuy đã có tìm tòi, sáng tạo song vẫn còn những tiết tấu nhạc nhẹ đưa vào không ăn nhập, tạo nên những phản cảm không đáng có.
Quá trình phát triển dân ca quan họ từ “quan họ cổ” đến “quan họ mới” là một quy luật tất yếu, phù hợp với bản chất mở của dân ca quan họ và đó chính là điều kiện để tiếng hát quan họ ngày càng phát triển trong quần chúng nhân dân. Việc khai thác, sử dụng chất liệu dân ca quan họ trong các bài ca mới vẫn chỉ là bước đầu trên con đường dài tìm tòi, thể nghiệm nhằm đáp ứng những nhu cầu của âm nhạc hôm nay. Việc làm này đòi hỏi cần có sự tâm huyết của nhiều người, nhất là các nhạc sĩ, nhà nghiên cứu, sáng tác có trách nhiệm trước Dân ca quan họ - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Nguyễn Trung - Chi hội trưởng Chi hội Âm nhạc tỉnh Bắc Ninh Tham luận hội thảo “Khai thác và phát huy âm nhạc dân gian trong quá trình hội nhập quốc tế” tại LIÊN HOAN ÂM NHẠC KHU VỰC PHÍA BẮC Sơn La tháng 4/ 2013. |