Khai thác và phát huy âm nhạc Dân gian tại Bình Định - Những băn khoăn còn đó

01/04/2013

Chúng ta đều biết rằng Âm nhạc là một trong những bộ môn nghệ thuật đem đến cảm xúc cho đời sống con người, đặc biệt âm nhạc truyền thống mang đậm đà bản sắc của dân tộc Việt Nam nói chung và từng vùng miền nói riêng. Bình Định xưa là đất thuộc Việt Thường Thị và nền văn hóa Sa Huỳnh. Ngoài dân tộc Kinh, còn có các dân tộc khác nhưng chủ yếu là Chăm, Ba NaHRê, bao gồm khoảng 2,5 vạn dân. Chính vì thế ở Bình Định, âm nhạc dân gian truyền trống tương đối phong phú và đa dạng.Có nhạc dân ca mang đặc trưng của vùng núi và biển, có nhạc nghi lễ cúng tế, có nhạc sân khấu tuồng và ca kịch bài chòi, có nhạc Võ Tây sơn với nhiều chiếc trống độc đáo không nơi nào có. Điều này khiến chúng ta tự hào nhưng đồng thời cũng cảnh báo các nhạc sĩ phải có trách nhiệm nặng nề phát huy vốn quý của địa phương. Vì thế việc khai thác nguồn vốn dân gian, làn điệu dân ca để tôn vinh những giá trị văn hóa cũng là quá trình đi về tìm nhân cách con người trong mỗi cá nhân góp phần phát triển xã hội. Tuy nhiên, khi vận dụng, phát huy các giá trị của dân ca, phát triển dân ca chúng ta cần có ý thức luôn cố gắng phải làm sao không chỉ dừng lại ở dân gian, truyền thống mà còn phải biết kết hợp với kiến thức âm nhạc hiện đại để phù hợp với đời sống hiện nay.

Nói thì dễ, nhưng làm quả thật là khó. Với nền âm nhạc chung toàn quốc cũng vậy, với âm nhạc riêng ở Bình Định lại càng khó hơn. Chúng ta đều biết rằng thước đo sự phát triển của nền âm nhạc của một đất nước cũng như một vùng miền phải dựa vào các tác phẩm thuộc dòng chính thống mang đậm bản sắc dân tộc. Vì vậy cần phải đi sâu vào mối quan hệ tương tác giữa Nhận thức vấn đề, Ý thức trách nhiệm và Thưởng thức thẩm mỹ của âm nhạc VN nói chung và âm nhạc Bình Định nói riêng, để từ đó chúng ta hướng tới sự phát triển của âm nhạc toàn diện và hoàn chỉnh nhất.

Nhận thức được âm nhạc dân tộc truyền thống là vốn quý, là giá trị văn hóa được kết tinh từ bao đời nay tỏa sáng tâm hồn người Việt. Từ khi sinh ra nghe tiếng hát Ru của Mẹ, đến khi mất đi trong tiếng kèn trống bi ai là mỗi một đời người đều gắn liền với những âm thanh vang vọng của quê hương. Như vậy Ý thức của những người sáng tác, biểu diễn, lý luận phê bình và khán giả là phải làm cho âm nhạc có giá trị nhân văn trong cuộc sống, hướng con người tới yêu đời và yêu cái đẹp hoàn mỹ.

Có thể thấy, những bài hát được đưa tới công chúng thường do ca sĩ chọn. Và họ thường chọn những bài hợp với sở trường bản thân, để có thể gửi gắm tình cảm và đồng cảm với tác giả, từ đó nâng hiệu quả bài hát lên.. Ngoài ra, với các tác phẩm âm nhạc dân tộc tốt, có tính sáng tạo, có chủ đề tư tưởng và hiệu quả nghệ thuật, các ca sĩ lại ít mặn mà, vì họ ngại tập, ngại diễn, phần khác còn do tâm lý hát các bài thuộc dòng chính thống, dòng dân gian thì ít người nghe, người xem. Do vậy, cơ hội phổ biến tác phẩm mới càng ít đi. Thiên hướng chú trọng vào ca khúc ít chú trọng vào Nhạc không lời vì viết cho ca khúc dễ thực hiện, còn nhạc không lời khó làm hơn vì phải có cả dàn nhạc đông người thể hiện. Hiện nay, dòng âm nhạc dân tộc, đang bị dòng nhạc nhẹ lấn át, đôi lúc đôi nơi còn bị lu mờ, không có cơ hội để biểu lộ, phát huy. Nguyên nhân có nhiều, nhưng những nguyên nhân chính là sự thiếu hài hòa, cân đối trong việc phát triển các loại hình âm nhạc; chưa có sự đầu tư thích đáng vào loại hình kinh điển bác học; việc tuyên truyền, quảng bá cho dòng âm nhạc chính thống còn yếu, quá nghiêng về dòng âm nhạc giải trí đơn thuần; chưa xây dựng được nhiều đối tượng công chúng khác nhau, để họ sẵn sàng thưởng thức các loại hình âm nhạc khác nhau. Cuối cùng là việc đầu tư cơ sở vật chất còn thiếu và yếu, ít có những sân chơi đạt tiêu chuẩn, ít có sự giao lưu với dàn nhạc giao hưởng, nhà hát opera biểu diễn những tác phẩm lớn của Việt Nam và thế giới để nâng cao trình độ thưởng thức âm nhạc của khán giả.

Công chúng là đối tượng quan trọng để đánh giá, thẩm định tác phẩm âm nhạc. Nhưng công chúng cũng cần có hướng dẫn, được trang bị những kiến thức về nghệ thuật, âm nhạc mới có thể đi sâu vào các loại hình khác nhau. Việc xảy ra ý kiến trái chiều giữa công chúng với nhà chuyên môn là hiện tượng thường gặp và  không có gì khó hiểu. Chúng ta đã thấy ở những cuộc thi âm nhạc có những thí sinh nhận được lời khen của Ban Giám Khảo nhưng số lượt bình chọn theo tin nhắn lại rất thấp và ngược lại. Ở Bình Định thì vấn đề biểu diễn, thưởng thức loại nhạc giao hưởng thính phòng (dù mang đề tài dân tộc, dù đầy ắp chất liệu âm nhạc dân gian) còn rất hạn chế hay không muốn nói là yếu kém. Vì thế việc định hướng thẩm mỹ âm nhạc là một việc làm vô cùng quan trọng. Chúng ta đều biết rằng Nhà trường là nơi đào tạo những tài năng cho tương lai của đất nước, Vì thế phải đào tạo toàn diện cả về tri thức lẫn nhân phẩm con người mới. Việc đầu tư sáng tác ca khúc thiếu nhi hay đưa nghệ thuật sân khấu cổ truyền vào Dự án Sân khấu học đường còn mang chất tùy thời, chưa có kế hoạch dài hơi và nghiêm túc tuy Dự án sân khấu học đường đã phát huy tốt ở Việt nam, thu hút sự quan tâm của nhiều người, bởi mục tiêu chính của dự án là hướng sự quan tâm đến đối tượng công chúng trẻ, rất trẻ, ngay từ khi còn là những em bé đang ngồi trên ghế nhà trường phổ thông. Dự án cũng đề cập một khái niệm khá mới mẻ: đào tạo khán giả. Tuy nhiên ở Bình Định thì còn ít và chưa phổ cập toàn diện đến tất cả các trường học.

Có thể nói rằng trong nhiều năm qua, các nhạc sĩ trên đất Bình Định cũng đã có nhiều cố gắng, trăn trở để khai thác và phát triển âm nhạc mang đặc trưng của miền đất Võ qua những tác phẩm “Đi tìm người hát Lý thương nhau”, “Bên bờ sông Côn” của nhạc sĩ Vĩnh An. Các ca khúc “Non Nước quê Dừa”, “Tản mạn quê hương” của nhạc sĩ Vũ Trung, “Bình Định yêu thương”, “Ta và Trăng “ của nhạc sĩ Thế Tuyên, “Hát Bội đêm Xuân “của nhạc sĩ Đào Minh Tâm. Mảng khí nhạc, hợp xướng qua một số bản giao hưởng, hòa tấu của các nhạc sĩ Dương Viết Hòa, Thế Tuyên, Bạch Mai, Gia Thiện cũng đã phần nào cho thấy ý thức trách nhiệm của các nhạc sĩ Bình Định với vấn đề khai thác và phát huy âm nhạc dân tộc. Tuy nhiên chừng đó cũng là chưa đủ để âm nhạc dân gian được bay cao trên miền đất Võ, trời Văn.

Vì thế tất cả chúng ta phải cùng nhau đẩy mạnh việc khai thác và phát huy âm nhạc dân gian,làm sống lại những bài hát ru; những bài đồng dao, những bài hát dân ca, những điệu nhạc lễ,nhạc hòa tấu từ di sản âm nhạc dân tộc của cha ông để lại
Cần tổ chức nhiều những liên hoan dân ca cổ nhạc, những cuộc thi nhạc khí và dân ca các dân tộc trên đất Bình Định.

- Báo chí và các phương tiện truyền thông nên có nhiều bài viết, nhiều chương trình phát thanh, phát hình giới thiệu và giảng giải về âm nhạc dân tộc;

- Có chế độ nhuận bút, bồi dưỡng đặc biệt cho việc khai thác, cải biên, phát triển, biểu diễn âm nhạc dân tộc nhằm động viên, khuyến khích những người làm công tác này.

Những điều trăn trở trên đây mang tính chất chung về âm nhạc truyền thống nhưng soi rọi vào Bình Định ta thì cũng đúng và có thể coi đó là vấn đề chúng ta cần suy ngẫm.

Quy nhơn 20-3-2013
Nhạc sĩ, NSƯT Gia Thiện

 

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...