Kết hợp âm nhạc dân tộc với các loại nhạc điện tử: Xu thế tất yếu?

21/04/2014

Trên thế giới, từ những thập niên 80, 90, việc kết hợp âm nhạc truyền thống với các thể loại nhạc điện tử đã trở nên quen thuộc. Trong khi tại Việt Nam, vài ba năm trở lại đây, xu hướng này mới bắt đầu lan tỏa và gặt hái được những thành công nhất định, mặc dù cũng vấp phải không ít băn khoăn, phản đối vì "phá nhạc".


DJ Đoàn Trí Minh trong buổi biểu diễn kết hợp nhạc điện tử với đàn tranh và đàn môi

Sôi nổi sáng tạo

Có thể hiểu "các loại nhạc điện tử" là các thể loại có sử dụng nhạc cụ điện tử như dance, rock, jazz, electro... để so sánh với các loại hình hát ả đào, hát xẩm, chèo, dân ca... sử dụng các nhạc cụ truyền thống gồm: đàn tranh, đàn bầu, sáo trúc, phách, nhịp, đàn môi...

Trước hết cần khẳng định, hình thức pha trộn, kết hợp nhạc điện tử với nhạc truyền thống gần như hòa chảy theo xu hướng của thế giới hiện nay trong sự bão hòa âm thanh và sáng tạo. Đây được xem là nhịp cầu giữa cái cũ và cái mới, mang lại cho người nghe cơ hội khám phá, thưởng thức những âm thanh, giai điệu lạ lẫm.

Minh họa rõ nét nhất cho sự cách tân này có thể bắt gặp trong nhạc rock. Black Infinity với tiếng đàn bầu hòa quyện điêu luyện và rất tao nhã giữa tiếng đàn tranh giả trên phím keyboard và những đoạn Riff Metal trong The Secret (ca khúc này giúp ban nhạc lọt vào Top 10 trong cuộc thi tìm kiếm ban nhạc xuất sắc nhất Đông Nam Á diễn ra vào tháng 6/2010 và bài hát xuất hiện trên CD Planet Metal của Tạp chí Metal Hammer, Anh, tháng 4/2010); Ngũ Cung đem tiếng khèn, những thang âm của núi rừng thổi vào Cướp vợ, Giã cốm đêm trăng... Unlimited khéo léo trộn thang âm ngũ cung trong Hòn vọng phu với tiếng réo rắt của guitar điện tạo nên bản phối đa sắc có những trường đoạn âm thanh biến ảo.

Dòng nhạc dance, electro có vẻ được ưu ái hơn khi được giới làm nghề gọi là "nhạc thể nghiệm". DJ Đoàn Trí Minh, một trong những tên tuổi của làng nhạc điện tử, nhạc thể nghiệm và là người tiên phong trong việc kết hợp nhạc điện tử với nhạc dân tộc, chia sẻ: "Đã gọi là thể nghiệm thì có thể hay hoặc không hay. Việc trình diễn trực tiếp trước khán giả giúp chúng tôi thăm dò được thị hiếu và sự tiếp nhận của họ. Cái nào chưa hay, chúng tôi sẽ nghĩ cách hoàn thiện từ từ".

Năm 2011, Trí Minh trình làng Hanoi Love Story pha trộn âm thanh thường nhật của đời sống với nhạc điện tử. Đĩa nhạc được đón nhận nồng nhiệt cả ở trong và ngoài nước. Từ năm 2013, Trí Minh dần dần hiện thực hóa dự định kết hợp nhạc điện tử với ca trù. Anh cũng đã mang sáng tạo này sang Mỹ, Bỉ... Trí Minh cho biết, việc pha trộn nhạc điện tử với nhạc cụ truyền thống không chỉ để thỏa sức sáng tạo của người làm nghệ thuật, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên "dấu ấn" Việt Nam.

Ở thể loại nhạc nhẹ, những năm trước có thể kể đến một vài cái tên như Nhật thực của Hà Trần - Ngọc Đại, Cánh Mặt trời của Năm Dòng Kẻ... Riêng 2013, xu hướng kết hợp này nở rộ. Hai cái tên điển hình nhất là Tân Nhàn và Ngô Hồng Quang. Bảy bài hát trong album Yếm đào xuống phố của Tân Nhàn (nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng) mang đậm âm hưởng của chèo và xẩm chợ trong dân ca Bắc bộ, phối hợp khéo léo với những nhạc cụ jazz như toms (trống con), cymbal (não bạt), trống bass..., được nhận xét là "vừa giữ được chất jazz, vừa có âm hưởng chèo".

Album Song hành của Ngô Hồng Quang lại độc đáo và gây ấn tượng với những giai điệu xẩm, chèo, điệu ru Nam bộ trộn lẫn với các màu sắc âm nhạc khác, từ phương Tây cho đến cả những câu ru con ở vùng đất châu Phi... Anh "uốn" tiếng đàn bầu lạ hơn, luyến láy giọng hát tạo ra cho chèo một âm hưởng rất mới.

Đến đâu thì đủ?


Bìa album Yếm đào xuống phố

Sự tìm tòi của các nghệ sĩ mang ý nghĩa hết sức tích cực trong việc khai phá khả năng sáng tạo của bản thân. Vấn đề đặt ra ở đây là kết hợp như thế nào để không phá vỡ cấu trúc của bản nhạc. Bởi không phải cứ tùy tiện ghép các giai điệu từ nhạc cụ dân tộc vào các thể loại nhạc điện tử thì được gọi là sáng tạo. Thực tế có không ít trường hợp lai căng, phá nhạc, trở thành thảm họa tra tấn lỗ tai người nghe.

Tại buổi hội thảo về âm nhạc dân tộc gần đây, khi được hỏi về ranh giới giữa lai căng và sáng tạo trong việc kết hợp nhạc dân tộc với nhạc điện tử, nghệ sĩ đàn tranh Hải Phượng cho rằng: "Việc đưa đàn tranh, đàn bầu, sáo... vào nhạc jazz, rock là sự kết hợp độc đáo và thú vị, đem lại sự tò mò và thích thú nhất định cho khán giả. Tuy nhiên, chỉ nên xem đó là sự phá cách nhẹ nhàng chứ không nên là một sự thay thế hoàn toàn".

Ở góc độ khác, phải thừa nhận rằng sự kết hợp này mang ý nghĩa hết sức tích cực trong việc đưa âm nhạc truyền thống đến gần với công chúng hơn, đặc biệt là công chúng trẻ. Nhạc cụ dân tộc thường kén thính giả, vì thế, người nghệ sĩ phải biết cách lôi kéo, tạo điều kiện để công chúng nghe và cảm nhận được cái hay của nó.

Trộm nghĩ, sân khấu cải lương, đờn ca tài tử nói riêng và các thể loại âm nhạc dân tộc nói chung sở dĩ chỉ còn "thoi thóp" phải chăng ngoài các yếu tố khách quan, nguyên nhân chính là bởi rất ít cá nhân chịu khó tìm tòi, gắn kết chúng với một thể loại âm nhạc đương đại? Người trẻ có yêu âm nhạc dân tộc không? Chắc chắn có. Bằng chứng là có không ít người trẻ tại những buổi tọa đàm, những buổi biểu diễn giới thiệu âm nhạc dân tộc. Song đa phần họ đến với thái độ tò mò, "kính nhi viễn chi" vì nó không gắn với, không phản ánh được hơi thở đời sống của họ.

Cái mới thường bị "để ý”. Và không phải cái mới nào cũng trở thành lực đẩy tiến bộ, tích cực. Nhưng nếu cứ e dè thì sẽ chẳng thể nào có được cái mới. Thiết nghĩ, để công chúng tiếp nhận cũng như để sự kết hợp này trở thành xu thế không phải là chuyện một sớm một chiều. Người làm nghệ thuật ngoài trau dồi, học hỏi, sáng tạo ra những sản phẩm có bản sắc còn phải biết tạo dựng cho bản thân một lớp thính giả riêng.

(Nguồn: http://www.doanhnhansaigon.vn)

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...